Sài Gòn ngày phong tỏa thứ mười tám

Đỗ Duy Ngọc

26-7-2021

Tiếp theo phần 1 — phần 2 — phần 3 — phần 4phần 5 phần 6phần 7phần 8phần 9phần 10phần 11phần 12phần 13phần 14phần 15phần 16phần 17

Sài Gòn hôm nay vắng hơn mọi hôm, các lực lượng vẫn có mặt trên các chốt chặn.

Vừa xem một clip không biết quay ở quận nào nhưng chắc chắn là ở thành phố này. Một bà trung niên chở một đứa con khoảng năm, sáu tuổi đi ngang qua một chốt chặn của dân quân và công an. Bà không trình được một giấy tờ gì nhưng dứt khoát muốn vượt qua chốt. Anh em thi hành phận sự ở chốt rất ôn tồn và nhẹ nhàng giải thích rồi yêu cầu bà quay xe lại. Thế nhưng bà ta không chấp hành mà chửi như tát nước vào mặt những người đang làm việc. Bà ta khoe gia đình bà là Việt Cộng từng hoạt động ở thành phố này và có 2 liệt sĩ.

Thú thật là tôi cũng công nhận những anh em có bổn phận ở đây nhẫn nhịn thật. Theo tôi, những người như thế này nên đưa về đồn giải quyết, không thể nhỏ nhẹ như thế được. Bà ta không nói lý do bà đi ra đường mà chỉ chửi. Tuy nhà nước yêu cầu nhân dân hạn chế ra đường, nhưng những trường hợp có lý do chính đáng hoặc có giấy cho phép di chuyển thì cũng chẳng ai làm khó dễ. Nếu đủ điều kiện như thế mà bị các chốt chặn cản trở thì phản ứng là hợp lý rồi.

Nhưng trong trường hợp của bà này thì rõ ràng bà không có lý do chính đáng để ra đường, nhưng vẫn bướng bỉnh cho rằng đường này là do tiền bà đóng thuế mà có, bà có quyền đi, không ai có quyền ngăn chận bà. Bà bảo những người có phận sự ở đây là một lũ cướp. Cách nói năng như người có vấn đề trí não vậy hay là bà đang bị ẩn ức mà tuôn ra như thế. Thế mới rõ là để đối phó với dịch bệnh lan tràn mà lý luận như bà này thì hết thuốc chữa. Nhiều chỗ thì anh em dân phòng lạm dụng quyền lực quá, ra oai quá, làm khó người dân quá. Lại có nơi người dân lại thiếu ý thức như người đàn bà này.

Tình hình càng lúc càng căng, dù hôm qua số người bị nhiễm giảm nhưng con số vẫn còn cao. Nếu người dân cứ tiếp tục không tuân theo những biện pháp của thành phố đưa ra thì làm sao có thể dập được dịch. Cuộc sống của người dân, sinh hoạt của một thành phố lớn như Sài Gòn, hoạt động của nhiều doanh nghiệp, nhà máy không thể kéo dài như thế này mãi. Muốn sớm trở lại cuộc sống bình thường, không chỉ có trách nhiệm của những người đứng đầu thành phố mà còn rất cần ý thức chấp hành của mọi người.

Đã đành là giãn cách với giới nghiêm kiểu này khiến cho cuộc sống và sinh hoạt của người dân bị xáo trộn ghê gớm. Chưa kể những bực bội, những ức chế phát sinh. Thế nhưng trong hoàn cảnh như thế này, mọi người nên hi sinh thói quen, chịu đựng những bực bội để chúng ta sớm trở lại cuộc sống bình thường. Hàng ngày, biết bao nhân viên y tế, bác sĩ, tình nguyện viên đang trực tiếp chiến đấu với virus. Họ cũng có gia đình, con cái, cha mẹ. Họ cũng sợ bị lây nhiễm, họ cũng sợ chết như tất cả mọi người. Nhưng họ cắn răng chịu đựng trong tình cảnh khắc nghiệt và thiếu thốn mọi bề.

Mỗi lần ta khó chịu, ta cảm thấy bị tù túng, bị ức chế vì giãn cách, ta hãy nghĩ đến họ, nghĩ về những hi sinh của họ để thấy ta còn được hạnh phúc bên gia đình, vợ con và người thân. Mỗi khi ta mệt mỏi vì bị giam lâu ngày trong nhà, hãy nghĩ đến những người đã chết vì dịch bệnh, quấn trong mấy tấm vải liệm và đem thiêu. Không một lời tiễn đưa, không một người thân gặp mặt, không một ánh nến, không một nén nhang, không một nhánh hoa tiễn biệt và trở về nhà trong hũ cốt. Và sắp tới, con số tử vong sẽ không ngừng lại. Nghĩ được như thế, ta cố gắng vui vẻ chấp hành, tạm quên những thói quen để thành phố sớm hết dịch, thành phố trở lại an vui.

Trong ngày hôm qua, Chủ tịch UBND thành phố cũng đề nghị lực lượng công an, quân sự và chính quyền địa phương phải tăng cường tuần tra, kiểm soát 24/24h; đồng thời kiểm tra thường xuyên việc chấp hành quy định tại các khu dân cư, trên đường phố và xử lý nghiêm vi phạm, thậm chí tạm giữ hành chính nếu chống đối lực lượng chức năng. Các cá nhân vi phạm quy định, gây lây lan dịch, cơ quan chức năng nhanh chóng điều tra nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

Thành phố sẽ xử lý thật nghiêm trách nhiệm người đứng đầu địa phương, đơn vị nếu có thái độ thờ ơ, buông lỏng lãnh đạo, quản lý, chậm giải quyết phản ánh của người dân, dẫn đến dịch lây lan tại nơi mình quản lý“.

Cũng trong ngày qua, Bí thư thành phố Nguyễn Văn Nên cũng đã có một số nhận định khá chân thật và ông cũng đã công nhận thành phố cũng đã có lúc bối rối, lúng trúng trước sự bùng phát quá dữ dội của dịch bệnh. Ông Nên cho rằng, trước diễn biến phức tạp của dịch, không thể tránh khỏi những bị động, lúng túng, hạn chế, khuyết điểm cả trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện. Việc giãn cách của người dân có lúc có nơi không nghiêm làm ảnh hưởng đến hiệu quả phòng, chống dịch.

Tất cả công sức, hy sinh những ngày qua chỉ nhằm mục tiêu tối thượng là giữ mạng sống con người, giảm tỉ lệ tử vong, bảo vệ hệ thống y tế không bị suy kiệt. Đồng thời bảo vệ sức khỏe của nền kinh tế, hệ thống an sinh xã hội, không để gánh chịu một di chứng lâu dài, để TP sớm trở lại nhịp sống bình thường mới.

16 ngày qua chúng ta đã làm được rất nhiều việc, cứu được nhiều người nhưng cũng còn rất nhiều việc chưa làm được, nhiều người chưa cứu được. Đó là niềm đau chung, là khuyết điểm của hệ thống chính trị, khuyết điểm của người đứng đầu các cấp. Chúng ta xin nhân dân lượng thứ“.

Một lời xin lỗi nhận khuyết điểm của người đứng đầu thành phố đã cho thấy lãnh đạo đã có suy nghĩ khác hơn, tư duy khá hơn trong công cuộc ngăn chận đại dịch. Dân Sài Gòn dễ giận trước bất công, sai trái nhưng người Sài Gòn cũng rất bao dung và rộng lượng. Lãnh đạo đã thấy được khuyết điểm của mình thì dân mong sao thành phố sẽ có những biện pháp, những chính sách hợp lý hơn, khoa học hơn, hợp lòng dân hơn để dân Sài Gòn cùng sánh vai với nhà nước chung sức dập dịch.

Mọi nghị quyết, khẩu hiệu đã không có tác dụng gì với con virus. Người dân bây giờ chỉ nóng lòng được chích vaccine. Trước nhất khi được chích, người dân sẽ an tâm hơn, tự tin hơn trước biến chủng Delta của con virus Vũ Hán. Chứ tiến trình chích ngừa quá chậm và rề rà như bây giờ thì dân không đồng tình. Hàng ngày nghe, thấy những đối tượng không được trong diện ưu tiên nhưng được chích sớm và chích thuốc tốt, lòng dân bất bình, không yên.

Dân có thể chờ đợi vì thiếu thuốc chứ không chấp nhận được sự bất công, thiếu công bằng. Số lượng vaccine phân phối đã không hợp lý rồi lại thêm những khuất tất trong việc tiêm chủng làm dân phẫn uất. Đóng góp nhiều nhất mà lại được phân phối thiếu thốn không bằng những nơi khác đã khiến cho người ta rất khó chịu, giờ lại phải đợi chờ không biết bao giờ đến lượt trong lúc con virus lởn vởn chung quanh lấy mạng bất cứ lúc nào. Bực quá đi chứ!

Mấy hôm nay, hàng hoá, thực phẩm có vẻ bớt căng thẳng chắc là nhờ có cách thông đường để những mặt hàng cần thiết đến được nơi cần đến. Nhưng cũng đã xuất hiện những lời phàn nàn các chốt chặn ở những khu vực dân cư bị cách ly làm khó dễ khi gởi hàng vào, có nơi lại còn nghe phải chung chi thì hàng mới được đến tay người nhận. Hi vọng là những lời đồn đãi này không có thật. Các lãnh đạo cấp phường, cấp quận mà dung túng cho những kẻ lợi dụng nhiệm vụ mà đem cách xử sự của giang hồ bến bãi với dân thì phải chịu trách nhiệm để có thể chấm dứt tình trạng kiêu binh này.

Có lẽ đã đến lúc không nên liệt kê từng thứ cho phép người đi ra đường để mua. Cũng nên quan niệm như ông Lâm Minh Thành, chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang là không cần phải có bản danh sách các mặt hàng thiết yếu, phiền hà và tốn thì giờ. Bởi đời sống không chỉ là gạo, cơm, rau cá. Đã gọi là thiết yếu thì tất cả những gì phục vụ cho đời sống và sinh hoạt của con người cũng đều là mặt hàng thiết yếu.

Từ điển cũng giải thích rõ ràng nghĩa của thiết yếu là rất cần thiết và không thể thiếu được như nhu cầu thiết yếu, mặt hàng thiết yếu. Giãn cách dài ngày, con người còn có những nhu cầu cần thiết không khác chi gạo, rau, thịt cá. Lâu ngày, bữa cơm cũng phải thay đổi món ăn. Bánh giò, bánh chưng, chả lụa, chả bò, gói bún, gói miến, bánh mì hay chai nước rửa chén, nước chùi bồn cầu cũng là thiết yếu chứ, sao lại cấm rồi phạt. Rồi bao cao su, tã cho trẻ con, bỉm cho người già, chai dầu gió cho người bệnh có thiết yếu cho đời sống không? Một đôi hôm thì còn chấp nhận thiếu được chứ kéo dài cả tháng như thế này mà cứ đóng khung một số mặt hàng gọi là cần thiết để cho phép ra đường mua sắm thì không hợp lý hợp tình chút nào.

Cũng đành phải có chế tài, cảnh cáo, đóng phạt khi có người vi phạm. Nhưng không nên vì mục đích thu tiền là chính. Cũng không nên phô trương trên báo chí, truyền thông số tiền thu được của người dân vi phạm. Mục đích chính là ngăn người ra đường không lý do chứ không phải mục đích của giãn cách là thu được 35 tỷ chỉ trong một đợt giãn cách. Nghe nó trật mục đích rồi. Và nghe cũng phản cảm lắm, ai cũng nghĩ là chặn đường để kiếm tiền.

Đôi khi trong những lúc thế này, hướng dẫn, giúp dân ý thức là điều quan trọng dù những người thiếu ý thức và ngoan cố cũng không phải là không có. Những kẻ cố tình vi phạm lại chống đối thì phải phạt thật nặng nhưng nhiều trường hợp thì cũng nên lấy tình mà xử cho trọn lòng đôi bên. Với tình trạng dịch bệnh như thế này, thời gian giãn cách, phong toả sẽ còn dài, đời sống sẽ cần thêm nhiều nhu cầu hơn. Cho nên các biện pháp, chính sách cần nghiêm ngặt nhưng cũng phải linh hoạt để tránh được những ngày căng thẳng dễ đưa đến mâu thuẫn giữa đôi bên. Xứng đáng là thành phố văn minh, lịch sự như nó đã từng có.

Một vấn nạn liên quan đại dịch virus Vũ Hán liên tục tăng là những tin giả, tin nhảm xuất hiện càng lúc càng nhiều. Tin giả đang khiến các nỗ lực của nhà nước và giới y tế chịu tác động tiêu cực, mặt khác có thể khiến người dân gặp nguy hiểm về sức khỏe. Tổng thống Mỹ Joe Biden tuần trước đã liên tục nhấn mạnh tin giả đang giết người khi Mỹ đương đầu với cuộc chiến chống virus Vũ Hán. Tin giả, bài thuốc giả tràn ngập trên các mạng, trên face và cả trên báo chí khắp thế giới.

Việt Nam cũng không thiếu. Những bài như “Mọi người ơi, mình có thuốc Nam trị COVID-19…”. hay “Ăn trứng gà chữa được dịch COVID-19”. Rồi hít dầu xanh, dùng máy sấy tóc thổi vào mồm cho chết virus. Lại có tin mà nhiều người dễ làm theo là các nhà khoa học Singapore đã giải phẫu các xác chết vì dịch bệnh và phát hiện toàn mạch máu đều bị các cục máu đông. Do vậy ta có thể điều trị virus bằng thuốc kháng sinh, kháng viêm và chống đông máu như Aspirin. Dân tình truyền nhau tin này như vết dầu loang. Cũng xuất hiện nhiều bài thuốc hướng dẫn dùng lá, rễ cây, gan heo, ruột bò, nội tạng động vật trong sách đỏ. Cũng có bùa chú để kháng virus.

Bài nào cũng viết như mình từng là bệnh nhân, là người trong cuộc. Lại giới thiệu là thuốc cổ truyền, nhiều đời là lương y, bác sĩ. Những bài viết thế này thu hút nhiều người tin theo khi ai cũng biết rằng hiện nay trên thế giới chưa hề có loại thuốc nào chữa được bệnh này.

Nhiều bài viết được cho là của các Viện khoa học chuyên nghiên cứu vaccine, là công trình của các nhà bác học với nội dung như: “Virus SARS-CoV-2 chỉ gây bệnh cúm thường, trong khi vaccine thật ra lại là chất độc”; “vaccine có thể khiến phần lớn phụ nữ có thai bị sảy thai”; “vaccine Trung Quốc có thể khiến người tiêm bị theo dõi, điều khiển”; “người tiêm vaccine phần lớn có thể thiệt mạng vì bị đông máu”; hoặc “tiêm vaccine có thể bị nhiễm bệnh vì virus bất hoạt trong vaccine có thể “sống lại”.”

Có nơi lại phao tin uống rượu với nồng độ cao có thể giết chết virus, hay uống nước sát trùng, nước rửa tay sẽ làm con virus chết ngắc. Hoặc ngâm cà độc dược với rượu uống sẽ ngừa được dịch. Và kết quả là 800 người chết, 60 người trở nên mù lòa và gần 5.900 người nhập viện cấp cứu sau khi uống rượu để phòng bệnh ở Iran. Và 12 người bị nhiễm độc khi uống rượu cà độc dược ở Ấn Độ. Những tin này trích theo công bố của tạp chí The American Journal of Tropical Medicine and Hygiene (Mỹ).

Vừa rồi, Bộ Y tế Việt Nam cũng thu hồi công văn liên quan đến 12 loại thuốc đông y phòng chống Virus Vũ Hán vì lý do các loại thuốc cổ truyền và các sản phẩm từ dược liệu không phù hợp.

Để bảo vệ tính mạng của mình và người thân, ta không nên tin vào những hướng dẫn và các bài thuốc phản khoa học. Không nên tin và làm theo các lời đồn. Đại dịch diễn ra trên toàn thế giới, nhiều nước bỏ ra hàng tỷ đô la để nghiên cứu và tìm ra thuốc chữa mà vẫn chưa xong thì làm sao những thứ tào lao trên mạng mà có thể diệt được virus.

Khi bị dương tính, theo thống kê có khoảng 85% là bình thường như cảm cúm, 10% có dấu hiệu của bệnh và 5% có thể tử vong nếu bệnh nhân có bệnh nền. Như thế, nhiều người mắc bệnh nhưng nằm trong 85% thì không cần chữa hoặc chỉ uống thuốc cảm cúm, thêm vitamin hàng ngày thì bệnh tự khỏi.

Thế nhưng nhiều người trong số đó lại uống cây này, lá nọ, làm thêm một số phương pháp chữa bệnh cổ truyền rồi tin nhờ đó mà hết bệnh nên tuyên truyền tùm lum đến mọi người. Có dính dịch là phải xét nghiệm, có bác sĩ khám và theo dõi, điều trị. Cứ tin vào những tin nhảm thì chỉ mang hoạ vào thân và có khi mất mạng.

Theo báo cáo của Bộ Y tế trong cả ngày 26/7, cả nước có 7.882 ca mắc mới, trong đó 23 ca nhập cảnh và 7.859 ca ghi nhận trong nước, trong đó có 887 ca trong cộng đồng.

Tính đến chiều ngày 26/7, Việt Nam có tổng 106.347 ca mắc, trong đó có 2.201 ca nhập cảnh và 104.146 ca mắc trong nước. Và đến chiều nay thành phố có 5.997 ca trong ngày.

Vẫn chưa có tín hiệu gì mang lại mừng vui.

______

Một số hình ảnh:

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. “16 ngày qua chúng ta đã làm được rất nhiều việc, cứu được nhiều người nhưng cũng còn rất nhiều việc chưa làm được, nhiều người chưa cứu được. Đó là niềm đau chung, là khuyết điểm của hệ thống chính trị, khuyết điểm của người đứng đầu các cấp. Chúng ta xin nhân dân lượng thứ“.
    -Điểm qua một số tin tức báo chí:
    *Số ca tử vong qua các ngày: 20-7 là 274 ca; 21-7 là 382 ca; 23-7 là 441 ca; 24-7 là 496 ca; 25-7 là 561 ca. Trong 06 ngày, từ ngày 20-7 đến ngày 25-7 có 561-274=287 ca tử vong. Số ca tử vong bình quân ngày là 287/6=48 ca tử vong/ngày. Đây có lẽ là lý do mà Bí thư thành phố Nguyễn Văn Nên rất trăn trở khi nói: “Chúng ta xin nhân dân lượng thứ“.
    *Trong buổi họp báo sáng 24/7, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức giải thích về nguyên tắc, đã phong tỏa phải đảm bảo nguyên tắc “nội bất xuất, ngoại bất nhập” trừ những trường hợp cấp cứu khẩn cấp. Hiện theo thống kê, số lượng F0 phát hiện trong khu phong toả, cách ly chiếm một lượng đa số trong tổng số ca phát hiện tại TPHCM. Có những ngày, số lượng ca nhiễm chiếm đến hơn 70% trong tổng số ca phát hiện tại thành phố. Sáng 26/7, Bộ Y tế Việt Nam tiếp tục công bố thêm 2.708 ca nhiễm virus Vũ Hán (nCoV) trên cả nước, gồm 4 ca nhập cảnh và 2.704 ca trong nước. Trong đó, tổng cộng 2.197 ca được phát hiện ở khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa, 507 ca đang điều tra dịch tễ. Vậy nên trong những ngày qua, số bệnh nhân được xuất viện có số lượng khá lớn. Cụ thể, ngày: 22-7 là 2,046 bệnh nhân; 23-7 là 2,226 bệnh nhân; 24-7 là 2,200 bệnh nhân; 25-7 là 2,115 bênh nhân. Điều này nói lên chính quyền TP HCM đang thực hiện giãn cách F0, F1 trong các khu các ly tập trung, đưa về Tầng 1 tại địa phương nhằm giảm lây lan trong khu cách ly tập trung.
    *Sở Y tế TP HCM đã thay đổi mô hình điều trị từ “tháp 4 tầng” lên 5 tầng vào ngày 22/7. Trong đó, bổ sung mới Tầng 1 với các khu cách ly tại quận, huyện và TP Thủ Đức. Các khu cách ly được chính quyền TP HCM yêu cầu triển khai từ ngày 21/7. Tầng 1 tiếp nhận các F0 không có triệu chứng lâm sàng, không bệnh nền. Tầng 1 chăm sóc và điều trị ban đầu các trường hợp Covid-19 có triệu chứng nhẹ, xử trí cấp cứu các trường hợp có dấu hiệu chuyển biến nặng trước khi chuyển viện. Với F0 mới phát hiện không có triệu chứng lâm sàng, Tầng 1 có nhiệm vụ sàng lọc người bệnh và ngành y tế xem xét theo qui định cho cách ly tại nhà. Không lẽ chính quyền đang quay lại áp dụng cách phòng chống dịch như các nước EU hay Mỹ đã làm trước đó rồi?
    -Kết luận: Biến chủng Delta với độc tính cao, lây lan với tốc độ quá khủng, gây thiệt hại nặng nề về sinh mạng tại Ấn độ trước đó, nhưng lãnh đạo chưa nhìn ra, vẫn triển khai kế hoạch phòng chống dịch theo kịch bản cũ là dồn sức lực vào việc buộc F0, F1 đi cách ly tập trung. Không ngờ trong khu cách ly, biến thể Delta có môi trường, có cơ hội tấn công, biến các F0 không triệu chứng thành có triệu chứng, F0 có triệu chứng với bệnh nền trở thành nặng & hiển nhiên F1 lại thành F0 không triệu chứng. Kết hợp với nguồn lực vật tư, dụng cụ, thiết bị y tế, thuốc men cũng như các y bác sỉ, điều dưỡng đang thiếu lại lo cho số lượng F0, F1 quá tải, đồng thời lại phát sinh thêm F0 trở nặng, F1 thành Fo, khu cách ly vỡ trận, đã đưa đến hậu quả là số ca tử vong phải tăng lên thôi & phải giãn cách khu cách ly. Giờ đây, chính quyền cấm ra đường không lý do từ 18g đến 6g sáng hôm sau cũng nhằm giãn cách triệt để hơn, hy vọng số ca nhiễm sẽ giảm, song song đó là giảm số ca tử vong xuống thấp nhất. Vì số ca nhiễm có tăng nhưng số ca tử vong giảm vẫn tốt hơn là số ca nhiễm giảm nhưng số ca tử vong tăng với tỷ lệ cao hơn cả EU, Mỹ hay Thế giới.

  2. “Khi bị dương tính, theo thống kê có khoảng 85% là bình thường như cảm cúm, 10% có dấu hiệu của bệnh và 5% có thể tử vong nếu bệnh nhân có bệnh nền”

    Hổng biết thống kê ở đâu ra, nhưng thống kê mà tớ biết thì 100% có dấu hiệu của bệnh & truyền bệnh, 75% có dấu hiệu cấp tính . Nhưng vì hệ thống y té của Mỹ tốt nên tỷ lệ tử vong nhỉnh hơn 10% 1 tẹo, vì nhiều lý do . Có bệnh nền + cao tuổi nên damage too much & too fast. Khi vô được tới bệnh viện, even với intensive care cũng không đủ . Ỷ y nên khi đưa vô bệnh viện, its already too late. Tận mắt chứng kiến thì có người cấp tính, vô bệnh viện đòi chloroquine, bs bảo ký vô cam kết hoàn toàn chịu trách nhiệm . That Karen signed her death certificate, took chloroquine until its too late. Bác sĩ phải can thiệp nhưng it was too late.

    Tất nhiên có số bị nhiễm nhưng không biết, cũng chả cần đi khám nghiệm, rồi tự khỏi . Những người như vậy không thể nào tính được . Nhưng wanna take the risk? Be my statistical guests.

    Một điều nữa, sau khi tested dương tính -Lê Công Định chắc tự hào lắm đây- more likely sẽ phải được truyền máu đã có kháng thể, aka từ những người khỏi bệnh, hoặc được tiêm remdisivir, được chứng minh là chữa được Covid, sớm thay vì chờ tới giai đoạn cấp tính . But then again, người nhiễm phải vui khỏe trẻ trung, kháng thể không bị compromised vì những bệnh khác . Nhờ những biện pháp như vậy, người nhiễm có thể tự cách ly ở nhà, chỉ phải listen to his/her bodies. Nếu có triệu chứng gì là phải trực chỉ bệnh viện thẳng tiến . Chuyện ăn uống bổ dưỡng, vitamin c + zinc vì bổ phổi, mainly for placebo effects, it mean doesnt hurt. Nhưng những thứ đó chưa bao giờ được xem là bất kể cái gì có thể chống lại hoặc chữa hay ngăn ngừa Covid 1 cách hiệu quả . Đúng, có lời khuyên khi có triệu chứng ho này nọ nên dùng thuốc chữa ho, cảm cúm . But only to eliminate other suspects. Nếu symptoms persist, nên đi xét nghiệm để có cách chữa trị hữu hiệu hơn .

    Tất nhiên, những chuyện ở trên chỉ xảy ra ở Mỹ với tất cả những đặc thù của riêng nước Mỹ, i dont know anythin about anywhere else. So cant say for anyone from anywhere else. Việt Nam có những đặc thù khác hẳn với Mỹ, thus, dont take this as an advice, only as reference at best. Như chuyện tự cách ly ở nhà có thể feasible với Mỹ, nhưng chưa chắc với VN. What works for VN i dont know, nhưng if it were up to me, i would ignore hết tất cả đám trí thức nhà mềnh, including đám bác sĩ . Gee-whiz, đọc những lời khuyên của bác sĩ nhà mềnh, kể cả ở nước ngoài như đồng chí BS NVT, Kevorkian dont look that bad just about now.

Comments are closed.