Người châu Á phân biệt chủng tộc ra sao qua một vụ tranh cãi ở San Francisco?

Jackhammer Nguyễn

4-4-2021

Một vụ kiện tụng liên quan đến phân biệt chủng tộc gây nhiều tranh cãi đang diễn ra ở San Francisco.

Ngày 25/3/2021, Học khu San Francisco bỏ phiếu bất tín nhiệm một thành viên của hội đồng quản trị Học khu là bà Alison Collins, với tỷ lệ 5-2. Với sự bất tín nhiệm này, bà Collins bị tước bỏ chức vụ ở hội đồng, nói nôm na là bị đuổi việc.

Lý do đưa đến việc bỏ phiếu bất tín nhiệm này là, người ta nêu ra các dòng tweets của bà Collins hồi năm 2016, trong đó có những nội dung được cho là phân biệt chủng tộc chống người gốc Á châu. Bà Collins là người da đen.

Có cả một thỉnh nguyện thư yêu cầu bà Collins từ chức với hơn 5000 chữ ký, bao gồm một số viên chức thành phố San Francisco và bà thị trưởng TP London Breed.

Bà Collins nói rằng, việc kêu gọi bà từ chức, bỏ phiếu bất tín nhiệm bà, có động cơ chính trị, rằng những nội dung bà tweet năm 2016 bị đem ra ném đá, nhưng ngoài ngữ cảnh của nó. Cũng có những người ủng hộ những luận điểm này của bà Collins, nói rằng, việc kêu gọi bà từ chức không phải là một biện pháp hòa giải các mâu thuẫn sắc tộc trong lúc này.

Hôm thứ Tư, ngày 31/3/2021, bà Collins làm đơn kiện Học khu San Francisco và những thành viên hội đồng đã bất tín nhiệm bà với số tiền bồi thường thiệt hại gần 90 triệu USD. Bà nói rằng, bà thực hiện quyền tự do ngôn luận, bà không phân biệt chủng tộc, tuy nhiên bà xin lỗi nếu những lời lẽ của bà làm xúc phạm người khác.

Bà Alison Collins phát biểu trước những người ủng hộ bà, tại một buổi biểu tình ở San Francisco ngày 31/3/2021. Nguồn: MJ Johnson/ KQED

Bà Alison Collins đã tweet những gì? Đây là nội dung các dòng tweet ngày 4/12/2016 của bà:

– Bất cứ ai nghe những lời lẽ thù hận, thấy những hành động hiếp đáp chống học sinh gốc Á châu hãy gửi đến cho tôi.

– Tôi mong đợi những hành động chống lại phân biệt chủng tộc đối với người da đen trong cộng đồng Á châu ở trường của con gái tôi, đa số các học sinh là người châu Á.

– Nhiều học sinh và giáo viên người châu Á mà tôi biết sẽ không dự vô những cuộc tranh luận về chủng tộc, trừ khi họ thấy bị tác động bởi chủ nghĩa da trắng thượng đẳng.

– Tôi lớn lên trong các trường học mà đa số là dân Á châu, tôi biết rằng nhiều người Mỹ gốc Á châu tin rằng họ có lợi từ cái gọi là thiểu số kiểu mẫu. BS.

– Thực tế là nhiều người Mỹ gốc Á sử dụng cái huyền thoại đó, với cái kiểu suy nghĩ (giống như) da trắng thượng đẳng để “hội nhập”, để hãnh tiến.

– Hãy nói chuyện với các phụ huynh trong trường trung học Lowell bạn sẽ nghe ca ngợi các bà mẹ châu Á kỷ luật sắt (Tiger Moms) và chỉ trích văn hóa của người da đen và da nâu.

– Trong Facebook của tôi với nhiều bạn châu Á và da trắng, họ không nhìn nhận phong trào Black Lives Matter.

– Con gái tôi (lai da đen) kể lại là, mấy đứa con trai châu Á chọc ghẹo một đứa người Latin là: “Trump, người Mexico, và KKK”.

– Nó bèn lên tiếng mà không nhân viên nào của trường lên tiếng cả. Người cố vấn lớp ngoại khóa là người châu Á.

– Bạn thân của tôi nói là bạn ấy cảm thấy cô độc trong cộng đồng người Hoa, cảm thấy bị cho ra rìa khi lên tiếng chống lại sự thù hận đối với người da đen.

– Các nhóm người châu Á đâu rồi? Không ai lên tiếng chống Trump hết vậy? Các bạn cũng nằm trong danh sách của ông ta đó.

Một phần tweet của bà Alison Collins hồi tháng 12/2016. Ảnh chụp màn hình

 

Vẫn không rõ, chuyện bà Collins nói các đồng nghiệp có động cơ chính trị chống lại bà, có đúng hay không, nhưng việc bà nói rằng người gốc châu Á phân biệt chủng tộc chống người da đen, có trong đầu tư tưởng tự tôn tương tự người da trắng, cảm thấy mình cũng giống người da trắng và xem thường các sắc tộc khác là có thật, đặc biệt là trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt.

Chúng ta đã chứng kiến rất nhiều chỉ trích, cho đến nhục mạ người da đen xuất phát từ cộng đồng Việt Nam trong vụ bùng phát biểu tình Black Lives Matter mùa hè năm 2020. Thống kê cho biết, người Mỹ gốc Việt bầu cho ông Trump (là người có những phát biểu kỳ thị sắc tộc), đông nhất so với dân gốc Á khác, trong các cộng đồng thiểu số ở Mỹ.

Đặc biệt, khái niệm gọi là thiểu số gương mẫu (model minority) hay được dư luận lẫn truyền thông Mỹ dùng để gọi người châu Á, với hàm ý rằng, họ làm ăn rất cần mẫn, thành đạt không kêu ca gì. Từ đó người châu Á cắn răng chịu đựng sự phân biệt chống lại mình, mặt khác, họ lại xem thường người khác, trừ người da trắng. Ông Nguyễn Thanh Việt, nhà văn người Mỹ gốc Việt, không dưới một lần đề cập đến sự nguy hiểm của khái niệm thiểu số gương mẫu này.

Thăm dò của NBC cho thấy, cộng đồng người Mỹ gốc Á là cộng đồng rất ít khi báo với cơ quan công lực về những sách nhiễu phân biệt chủng tộc chống lại họ.

Trong một bài viết ngày 27/3/2021 trên Tiếng Dân, có tựa đề: Việt Trump, tâm lý mâu thuẫn và xung đột, tác giả Nhã Duy đề cập đến sự mâu thuẫn của cộng đồng người Việt ở Mỹ, bản thân bị phân biệt và lại phân biệt chống những người thiểu số giống như mình.

Gần đây, rất đông người châu Á ở Mỹ xuống đường, cùng các cộng đồng khác biểu tình, chống lại sự kỳ thị người châu Á, qua phong trào: Stop Asian Hate (Ngưng thù ghét người châu Á). Hy vọng rằn­­g, phong trào này sẽ giúp chấm dứt nạn kỳ thị chống người châu Á có từ rất lâu, kể từ khi những người Hoa đầu tiên xây đường xe lửa hồi thế kỷ 19 ở Mỹ.

Và một điều không kém phần quan trọng là, sau những biến cố này, với việc tham gia các cuộc biểu tình cùng các cộng đồng khác, tâm lý kỳ thị chủng tộc của người châu Á sẽ giảm đi, vất bỏ đi cái gọi là cộng đồng kiểu mẫu.

Bình Luận từ Facebook