Nguyễn Hữu Đang – Thủ lĩnh của một cuộc cách mạng (Phần 1)

Thái Kế Toại

Nguyễn Hữu Đang (trái) và nhạc sĩ Văn Cao tại Lễ kỷ niệm 65 năm thành lập Báo Lao Động 14/8/1994. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Ông Nguyễn Hữu Đang (bí danh Phạm Đình Thái) sinh ngày 15 tháng 8 năm 1913 trong một gia đình công chức cấp huyện tại làng Trà Vi, xã Vũ Công, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình.

Năm 1929 ông tham gia Hội Sinh viên thị xã Thái Bình thuộc Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội, là Tổ tưởng và đối tượng kết nạp đảng. Ông kê khai người phụ trách là Nguyễn Văn Ngọ, Ủy viên thường vụ tỉnh ủy, sau cách mạng là Chủ tịch tỉnh Thái Bình.

Ông bị Pháp bắt vào cuối năm 1930 và bị giam hai tháng rưỡi tại thị xã Thái Bình. Mùa hè năm 1931, Nguyễn Hữu Đang bị đưa ra tòa xét xử, nhưng được tha, vì dưới tuổi thành niên. Sau đó, ông lên Hà Nội theo học Trường Cao đẳng Sư phạm.

Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, Nguyễn Hữu Đang tham gia phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương (1936-1939) trên lĩnh vực báo chí, viết và làm biên tập viên cho các báo Thời báo, Ngày mới và Tin tức. Ông hoạt động công khai ở Hà Nội, là đồng chí của Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Trần Huy Liệu, Phan Thanh, Nguyễn Văn Tố.

Trong thời kỳ Đảng Cộng sản Đông Dương rút vào hoạt động bí mật (1939-1945), ông hoạt động trong khối trí vận của đảng, chuyên lo việc vận động giới tư sản và trí thức, là một trong những cán bộ chủ chốt của Hội Truyền bá Quốc ngữ (do Đảng Cộng sản Đông Dương đứng đằng sau hậu thuẫn). Năm 1943, ông tham gia Ban chấp hành Hội Văn hóa cứu quốc và gia nhập Tráng đoàn Lam Sơn của tổ chức Hướng đạo sinh Việt Nam. Mùa hè 1944, Nguyễn Hữu Đang tham gia tổ chức và chủ trì Hội nghị Giáo khoa thư Toàn quốc ở Hà Nội. Mùa thu 1944, ông bị bắt và bị giam giữ một tháng tại Nam Định cùng với nhà văn Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài, Như Phong.

Cuối 1944 đầu 1945 ông được giao nhiệm vụ tiếp xúc với Tổ chức kháng chiến Pháp ở Đông Dương thuộc phái Đờ-Gôn do tướng Mooc-đăng đứng đầu để TW Đảng xúc tiến thương lượng hợp tác đánh Nhật.

Tháng 8 năm 1945, ông được Đại hội Quốc dân ở Tân Trào bầu vào Ủy ban Dân tộc Giải phóng Trung ương (Chính phủ Lâm thời khởi nghĩa) gồm 15 ủy viên.

Khi Cách mạng tháng Tám thành công, Nguyễn Hữu Đang được phân công làm Trưởng ban Tổ chức Ngày tuyên bố Độc lập 2/9/1945. Ngày nay trên sách báo người ta hay nhắc đến câu nói của Hồ Chí Minh khi giao việc dựng Lễ đài Độc lập với thời gian hết sức gấp gáp, trang thiết bị thiếu thốn: “Có khó mới giao cho chú” (tức Nguyễn Hữu Đang).

Từ 9/1945 đến tháng 12/1945, ông tham gia Chính phủ Lâm thời, lần lượt giữ chức Bộ trưởng bộ không bộ (rất ngắn), Thứ trưởng Bộ Thanh niên, Thứ trưởng Bộ Tuyên truyền, Chủ tịch Ủy ban Vận động Hội nghị Văn hóa Toàn quốc. Khi Mặt trận Liên Việt được thành lập ông phụ trách Trưởng ban Tuyên truyền Xung phong Trung ương. Từ 6-1948 ông phụ trách báo Toàn dân Kháng chiến (báo của cơ quan trung ương Liên Việt).

Năm 1947, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Về việc này ông giải thích như sau: Trên thực tế, từ Phong trào Mặt trận dân chủ đã tự nguyện công tác tích cực như một đảng viên và đã được tổ chức đảng mặc nhiên công nhận như một đảng viên nhưng về mặt nguyên tắc, thủ tục thì mãi đến đầu năm 1947, sau Hội nghị Thông tin toàn quốc họp ở Phú Thọ Tổng bí thư Trường Chinh mới cử hai đồng chí Nguyễn Khánh Toàn và Xuân Thủy thay mặt tổ chức đảng bố trí một buổi lễ truy nhận Nguyễn Hữu Đang chính thức là đảng viên từ năm 1943 là năm ông bắt đầu nhận được sự liên lạc đều đặn cũng như sự chỉ đạo công tác thường xuyên của các đồng chí Tổng bí thư Trường Chinh và Bí thư thành ủy Hà Nội Lê Quang Đạo.

Từ tháng 6/1949 đến tháng 10/1954, ông được cử làm Trưởng ban Thanh tra Bình dân học vụ. Trong thời gian này có người nói rằng thực chất ông không tham gia công tác nữa mà vào Thanh Hóa giúp cho Nhà xuất bản của Trần Thiếu Bảo xuất bản sách cho kháng chiến. Cũng có tin nói ông xin ra khỏi Đảng. Cũng có tin nói ông bị khai trừ ra khỏi Đảng. Ông Đang không nói, viết về thời kỳ này, cũng không có chứng từ nào phản ánh điều đó.

Từ tháng 11/1954 đến tháng 4/1958, ông làm biên tập viên tuần báo Văn nghệ thuộc Hội Nhà văn Việt Nam. Khi trở về Hà Nội, ông Lê Đạt cho biết ông Trường Chinh và ông Tố Hữu định giao cho ông chức Giám đốc Sở Văn hóa Hà Nội nhưng ông không nhận, chỉ xin làm biên tập cho báo Văn Nghệ

Cuối 1956, ông chủ trương và làm biên tập báo Nhân Văn và cộng tác với báo Giai Phẩm.

Tháng 4 năm 1958, ông bị bắt.

Tại phiên tòa xét xử kín ông cùng bà Lưu Thị Yến (bút hiệu Thụy An) ngày 21 tháng 1 năm 1960 bị kết án 15 năm tù vì tội “phá hoại chính trị”, “làm gián điệp” và bị đưa lên giam giữ tại trại Tân Lập Phú Thọ và sau là trại Cổng Trời Hà Giang.

Sau khi ra tù vào năm 1973, ông bị quản thúc tại quê nhà Thái Bình 15 năm.

Năm 1986, sau Đại hội Đảng VI, ông bắt đầu được minh oan và phục hồi danh dự và được coi là “lão thành cách mạng”.

Từ năm 1990, ông được hưởng lương hưu trí.

Từ năm 1993, ông về sống ở Hà Nội, được cấp một căn hộ tại khu nhà tập thể Hội Sân khấu tại quận Ba Đình, Hà Nội

Ông không có vợ con. Thật ra thì ông đã có vợ tại quê do gia đình cưới chạy tang vắng mặt ông. Ngay sau đó ông từ hôn vì còn hoạt động cách mạng, khuyên người vợ về nhà mình đi lấy chồng khác. Khi ông ra tù về sống tại quê, bà vẫn còn sống đã có chồng con. Bà có đến thăm ông. Trong thời gian ở Hà Nội sau 9- 1945 ông có yêu và hứa hôn với một thiếu nữ Hà Nội tên là Huyền Nhiên hoạt động trong phong trào Phụ nữ cứu quốc nhưng do kháng chiến nổ ra nên không kịp kết hôn. Ông viết về mối tình này trong truyện Chiếc vòng Xơ men.

Ông qua đời ngày 8 tháng 2 năm 2007 tại Hà Nội. Ban Tang lễ của Bộ Giáo dục và đào tạo, Hội Khuyến học Việt Nam, tuần báo Văn Nghệ được thành lập. Thi hài ông được hỏa táng và đưa về quê an táng ngày 11 tháng 2 năm 2007.

***

Khi viết về Nguyễn Hữu Đang có vài người đã hỏi ông là ai?

Các bài viết về Nguyễn Hữu Đang chỉ tường thuật những sự việc lớn. Ông phát ngôn rất hạn chế. Hầu hết các bài viết, ghi chép của ông, bản thảo đều mất mát. Ý định quan trọng nhất là định viết hồi ký thì không thực hiện được. Do những cấm kỵ về vụ Nhân Văn – Giai phẩm những người cùng hoạt động với ông đang có cương vị công tác đương thời như Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi, Như Phong, Lê Quang Đạo, Vũ Quốc Uy, Lưu Văn Lợi… hầu như rất ít khi nhắc đến những kỷ niệm về ông.

Các bài viết của Nguyễn Hữu Đang trên báo chí cách mạng và công khai trước 1945 cũng chưa được ai sưu tầm. Đa số người viết coi ông như một nhà cách mạng nhưng do thiếu tư liệu người ta khó có quan niệm cụ thể hơn. Từ điển Thái Bình bản tái bản năm 2020 trang thì viết ông là một nhà cách mạng nhiệt thành. Ít ra từ nhiệt thành rất đúng với tính cách con người ông.

Nguyễn Hữu Đang sinh ra và lớn lên đúng vào buổi giao thời của Việt Nam. Đó là giai đoạn phong trào yêu nước truyền thống đấu tranh giành độc lập dân tộc theo phương pháp cổ điển đã bất lực và những phong trào yêu nước mới phù hợp với thời đại mới đang hình thành. Lý tưởng trung quân mờ nhạt, vai trò sĩ phu gần như chấm dứt hẳn nhường sân khấu chính trị cho lớp trí thức mới chịu ảnh hưởng của văn hóa Tây phương với lý tưởng tự do dân chủ và quốc gia dân tộc.

Bên cạnh con đường cứu nước bằng bạo lực, khởi nghĩa đã mở ra con đường cách mạng quần chúng, cách mạng bằng văn hóa. Trước mắt Nguyễn Hữu Đang đã có những tấm gương. Theo ai: Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Trần Quý Cáp, Bùi Quang Chiêu, Nguyễn An Ninh, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Thái Học, Đào Duy Anh?

Đây cũng là thời kỳ quan trọng của văn học nước nhà. Thời kỳ chuyển từ chữ Nho, chữ Nôm sang chữ Quốc ngữ. Văn học và báo chí quốc ngữ bắt đầu phát triển mạnh mẽ. Văn minh tinh thần Tây phương bắt đầu thâm nhập sâu rộng vào đời sống xã hội chuẩn bị cho sự ra đời một nền văn học, báo chí quốc ngữ.

Nguyễn Hữu Đang đã chọn con đường nào? Con đường của ông đơn giản thôi nhưng hợp với xu thế thời đại.

Khi còn học ở Thái Bình ông tham gia phong trào học sinh của Thanh niên Cách mạng đồng chí hội. Ông có tham gia phong trào Thiện đàn. Ông Nguyễn Hữu Đang có nói với tác giả khi về gặp ông bàn việc giải tỏa cho ông năm 1987 rằng nếu cộng tác viết lịch sử cho tỉnh Thái Bình thì ông còn biết một số di tích đàn hương còn tồn tại cho đến thời gian ấy.

Nguyễn Hữu Đang chọn Hà Nội. Học trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương. Ông không chọn nghề công chức như bố ông hay nghề dạy học. Ông cũng có năng khiếu về văn chương nhưng không chọn nghề cầm bút làm nhà văn mà chọn nghề chính trị, làm chính trị bằng văn hóa.

Chỉ biết, khi ông đã tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Đông Dương, Nguyễn Hữu Đang tham gia phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương (1936-1939) trên lĩnh vực báo chí, viết và làm biên tập viên cho các báo Thời báo, Ngày mới và Tin tức. Ông hoạt động công khai ở Hà Nội, là đồng chí của Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Trần Huy Liệu, Phan Thanh, Nguyễn Văn Tố. Sau nữa là các ông Trần Quốc Hương, Nguyễn Đức Kính, Như Phong, Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi…

Trong cuốn tài liệu Năm mươi năm sau: Trăm hoa đua nở ở Việt Nam 1954-1960 của nhà báo người Đức Heinz Schutte do Talawas dịch sang tiếng Việt có cuộc nói chuyện khá cởi mở với Nguyễn Hữu Đang.

Heinz Schütte: Gia tộc ông có truyền thống chính trị hay không?

Nguyễn Hữu Đang: Không, nhưng gia đình và mọi người xung quanh tôi ít nhiều đều có tinh thần chống Pháp. Mẹ tôi mù chữ, thất học, bà không biết đọc biết viết, nhưng nghe thấy người Pháp là bao giờ bà cũng gọi họ bằng một thành ngữ nhục mạ. Cha tôi không chống Pháp nhưng không phải là một công chức hành chính ngoan ngoãn. Ông là quan huyện nhưng không thân Pháp. Bên cạnh ông, anh tôi lại là người chống Pháp, anh tham gia cuộc bãi khoá của học sinh trường Kỹ nghệ Thực hành, bãi khoá chống tên hiệu trưởng tàn ác, đó là vào năm 1927/1928.

Nhưng ngay vào thời ấy, năm 1928, đã có ông cậu (chồng bà cô ruột tôi), ông Lê Ngọc Rư là Bí thư Tỉnh uỷ Nam Định của Đảng Cộng sản. Ông đã bị chính quyền thực dân bắt vì là người lãnh đạo Đảng Cộng sản, bị kết án chung thân đầy ra Côn Đảo. Ở đó ông đã ghép một chiếc thuyền hay bè và vượt biển với Tổng Bí thư ĐCS Đông Dương Ngô Gia Tự, họ tìm cách cặp vào đất liền từ Trung Hoa, Malaysia hay Sài Gòn hay Hải Phòng cũng chẳng biết. Cả hai đã chết trên biển vì bất ngờ gặp bão.

Chính ông Lê Ngọc Rư đã đánh thức tinh thần yêu nước và cách mạng của người anh cả tôi là Nguyễn Hữu Rung, học sinh trường Kỹ nghệ Thực hành Hải Phòng. Rung tham gia bãi khoá của học sinh chống tên hiệu trưởng độc ác Camboulive (?) và bị bỏ tù một năm. Anh tôi truyền cho tôi những ý tưởng tiến bộ và cho tôi bản chép những bài thơ yêu nước rực cháy như “Chiêu hồn nước” của Phạm Tất Đắc rất nổi tiếng vào thời đó khi đã bắt đầu có những hoạt động của Việt Nam Quốc dân Đảng của Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu và Phó Đức Chính.

Năm 1929, được lôi kéo bởi những sự kiện chính trị nóng bỏng, tôi tham gia, mà không hiểu chủ nghĩa Marx là gì. Hội Học sinh do Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội chỉ đạo, đây là tổ chức có khuynh hướng xã hội chủ nghĩa do Nguyễn Ái Quốc sáng lập ở Trung Hoa…

Về mặt chính trị, tôi đi theo cách mạng không phải vì tin vào chủ nghĩa cộng sản. Trên thực tế, khi tham gia các hoạt động cách mạng bí mật, tôi hoàn toàn mù tịt về chủ nghĩa cộng sản. Tôi không biết gì về chủ nghĩa Marx, nhưng tôi tham gia các tổ chức bí mật của cộng sản. Năm 16 tuổi tôi rải mọi thứ truyền đơn cộng sản, tôi lưu hành mọi thứ báo chí cộng sản bí mật.

Ngày 1/5 và ngày lễ kỷ niệm Cách mạng tháng Mười, tôi trèo lên cây, lên cột nhà đang xây để treo cờ đỏ búa liềm một cách dũng cảm, không sợ chết chóc, không sợ tù đầy. Nhưng tôi hoàn toàn mù tịt về chủ nghĩa cộng sản. Tôi tham gia cách mạng, tức là tham gia phong trào cộng sản chỉ là do tinh thần chống Pháp, lòng căm thù chủ nghĩa thực dân. 16 tuổi, mọi tổ chức chính trị tuyên bố đấu tranh chống thực dân Pháp tôi đều gia nhập, tôi sẽ gia nhập bất kỳ tổ chức nào – Đảng Cộng sản, Đảng X, Đảng Y, v.v…, bất kỳ đảng nào miễn nó là kẻ thù của của chủ nghĩa thực dân.

Tôi thuộc về phe các kẻ thù của chủ nghĩa thực dân, chứ không phải phe chủ nghĩa cộng sản. Chủ nghĩa cộng sản, tôi cóc biết. Chủ nghĩa Marx, tôi cóc biết. 16 tuổi, sao nhỉ – đấu tranh giai cấp, tôi cóc biết. Chuyên chính vô sản, tôi cóc biết. Không gì hết, tôi không biết gì về chủ nghĩa cộng sản. Tôi bắt đầu biết chủ nghĩa cộng sản là thế nào từ năm 1936 trong phong trào Mặt trận Bình dân, nhờ các sách báo từ bên Pháp được đưa sang tự do.

Chính Mặt trận Bình dân đã tạo ra quyền uy của Đảng Cộng sản. Không có Mặt trận Bình dân, nhân dân Việt Nam sẽ hoàn toàn mù tịt về vai trò của Đảng Cộng sản. Chính nhờ Mặt trận Bình dân với việc nhập khẩu báo chí Marxist xuất bản tại Pháp. Chính thời kỳ khai phóng thực dân ấy đã tăng cường ảnh hưởng của các nhóm cộng sản Việt Nam. Trước đó, tất cả những người cách mạng Việt Nam đều là những người chống thực dân, chống Pháp. Sau đó, chính cuộc kháng chiến chống Pháp đã tập họp và tăng cường hơn nữa ảnh hưởng của Đảng Cộng sản. Không có cuộc kháng chiến, có thể Đảng Cộng sản sẽ không đoạt được chính quyền.

***

Có thể nói hai việc nổi bật nhất cũng là đóng góp lớn nhất của Nguyễn Hữu Đang cho cách mạng là hoạt động chủ chốt trong Hội Truyền bá Quốc ngữ và tham gia sáng lập và lãnh đạo Hội văn hóa Cứu quốc.

Nguyễn Hữu Đang tự khai : từ 1938 đến 1945 Hoạt động tích cực trong phong trào chống nạn thất học, tham gia lãnh đạo Hội truyền bá Quốc ngữ ở các vị trí Ủy viên Ban trị sự trung ương (cùng Võ Nguyên Giáp, Đặng Thai Mai), Huấn luyện viên trung ương, Trưởng ban dạy học, Trưởng ban cổ động, Phó Trưởng ban liên lạc các chi nhánh tỉnh.

Nhật kí Nguyễn Huy Tưởng ngày 16-6-1942 ghi:

“Anh Nguyễn Hữu Đang xuống làm việc cho Truyền bá Quốc ngữ từ hơn hai tháng nay. Anh xin nghỉ ở Sở Tài chính [Hà Nội] xuống đây làm việc nghĩa. Đức hi sinh của anh thực không thể nào tả được. Nhờ anh mà phong trào quốc ngữ ở Hải Phòng chết đi nay sống lại. Anh như một ông tướng khuyến khích được cả một đạo quân chiến bại.”

Nghệ sĩ nhân dân- Đạo diễn điện ảnh Phạm Văn Khoa trong Hồi ký in năm 2010 có viết rằng ông rất thân với Nguyễn Hữu Đang trong Hội truyền bá Quốc ngữ. “Nguyễn Hữu Đang rất tháo vát và có trình độ nhưng có khuyết điểm rất lớn là không phục ai cả. Nói đến phong trào Truyền bá Quốc ngữ mà không nhắc đến Nguyễn Hữu Đang thì như thiếu sót.”

Trong một lần trả lời nhà nghiên cứu Thụy Khuê nhà văn Lê Đạt nói: “Anh Đang có công rất nhiều trong việc Truyền bá Quốc ngữ… Tôi tin rằng khi nói đến tiếng Việt, người ta không thể quên được Nguyễn Hữu Đang.”

Trong nhiều văn bản nghị quyết có nói đến vai trò quan trọng của công tác xóa nạn mù chữ để xây dựng phong trào quần chúng trong cách mạng giành độc lập và thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Pháp chín năm. Trong thành quả ấy có một phần không nhỏ đóng góp của Nguyễn Hữu Đang.

Do hoạt động Văn hóa cứu quốc tháng 4-1944 Nguyễn Hữu Đang bị bắt lần thứ hai cùng Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài, Như Phong, bị đưa xuống Nam Định giam và xét xử nhưng không bị kết án.

Chuẩn bị cho Cách mạng Tháng Tám 1945 ông cùng Nguyễn Đình Thi viết cuốn sách Một nền văn hóa mới. Dự kiến hai nhà trí thức đại diện cho Hội Văn hóa cứu quốc được cử vào Ủy ban Giải phóng dân tộc, Chính phủ cách mạng lâm thời sẽ trình bày cho Hội nghị Quốc dân Tân trào 8-1945. Cho nên nó không phải thuần túy là một luận văn mà là một tuyên ngôn, cương lĩnh về văn hóa trình trước những người lãnh đạo cách mạng Việt nam lúc đó, một kế sách xây dựng nền văn hóa mới cho nước Việt Nam mới.

“Nói khác ra, để thực hiện nền văn hóa mới, trước hết chúng ta phải củng cố nền độc lập hoàn toàn và làm thực hiện chính thể dân chủ cộng hòa triệt để.

Nước Việt Nam là một nước cộng hòa dân chủ nghĩa là một nước mà sự sống và sức mạnh hoàn toàn trông cậy vào ý thức và lòng kiên quyết của người dân. Vì đó, làm cho nhân dân có trình độ hiểu biết cao, có ý thức chính trị vững vàng là một điều kiện sống còn của quốc gia tân dân chủ. Nền giáo dục tương lai sẽ phải thực xứng đáng là một nền giáo dục chứ không thể là một phương pháp mê hoặc lòng dân, kìm hãm trí dân như trong những nước phát-xít. Điều đó đã đủ khiến cho việc xây đắp nền giáo dục của ta là một công việc nặng nề, lớn lao”.

Để xây dựng một nên văn hóa cho nước Việt Nam mới các ông đề xuất:

“Ban bố triệt để quyền tự do tư tưởng và tự do ngôn luận, chính là cởi mở cho văn hóa trở nên sầm uất, và đem một luồng sinh khí mạnh mẽ thổi vào cái văn hóa đã bao lâu phải sống trong những phòng ngục chật hẹp, thiếu ánh sáng, thiếu hơi nóng của mặt trời. Sách vở và báo chí được xuất bản tự do, nền văn nghệ của ta mới có thể dồi dào, phong phú.

Trợ cấp cho những nhà văn và nghệ sĩ có tài, về tất cả mọi ngành như hội họa, điêu khắc, ca kịch, gây những nghệ thuật chưa có ở ta, nhất là nghệ thuật chiếu bóng, làm cho đời sống những người phụng sự văn hóa được một đôi chút thoải mái, nâng cao địa vị của họ trong xã hội, khuyến khich những hội văn hóa mới ấy là gây đủ điều kiện cho nước ta có những tác phẩm sản xuất lâu dài, kỹ lưỡng, dư giá trị. Bênh vực quyền lợi, chẳng lấy gì làm nhiều nhặn, của những nhà văn nghệ, của những “kỹ sư linh hồn” bị bạc đãi, cũng là một việc mà nhà lập pháp cần nghĩ đến.

Muốn cho đàn văn nghệ hoạt động một cách chưa từng thấy, muốn khuyến khích sự sản xuất những tác phẩm công phu và giá trị, chính phủ còn có thể đặt những giải thưởng toàn quốc về văn chương, mỹ thuật, tổ chức những cuộc trưng bầy lớn lao, lập những viện bảo tàng để bảo tồn tinh hoa nghệ thuật, và lập nhà in và nhà xuất bản quốc gia theo lối làm việc tập đoàn.

Để gây cho văn học một thanh thế đặc biệt, ta sẽ còn thấy mở những viện văn học, đỉnh cao nhất của nền văn học tương lai…

Sau hết, muốn thổi vào nền văn hóa của ta những luồng gió mới lạ từ phương xa tới và đồng thời mở rộng ảnh hưởng văn hóa của ta ra ngoài cả biên giới dân tộc, quốc gia sẽ lập nên những cơ quan trao đổi văn hóa với ngoại quốc, gửi những phái bộ văn hóa của ta ra nước ngoài, đón tiếp đại biểu văn hóa các nước, hết sức tìm thâu thái những cái hay của người, gây một phong trào thành thực tìm hiểu nhau giữa các dân tộc, để góp một phần vào công cuộc kiến thiết nền văn hóa chung của cả thế giới.”

Về cơ bản quan điểm của hai ông cởi mở và dân chủ rộng rãi hơn quan điểm của Trường Chinh trong Đề cương văn hóa Việt Nam 1943.

Tháng 7-1945 Nguyễn Hữu Đang tham gia sáng lập tạp chí Tiên Phong cơ quan ngôn luận của Hội Văn hóa Cứu quốc. Trong những số đầu ông có nhiều bài viết về phác thảo cho việc xây dựng nền văn hóa mới.

Sau khi giúp Chính phủ tổ chức thành công ngày lễ Độc lập 2-9-1945 tại quảng trường Ba Đình Nguyễn Hữu Đang lại nhận nhiệm vụ Chủ tịch Ủy ban vận động Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất đã được tổ chức tại Nhà hát lớn thành phố ngày 24- 11- 1946 bao gồm rộng rãi nhiều trí thức văn nghệ sĩ có tên tuổi khắp ba miền Trung Nam Bắc đồng lòng với chính phủ Hồ Chí Minh đứng lên chống Pháp.

Ngày 25-7-1948 Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ 2 được tổ chức ở Việt Bắc Nguyễn Hữu Đang có tham dự nhưng đã bị gạt ra bên lề, gần như không còn vai trò gì. Lúc đó Trường Chinh đã củng cố được quyền lực với số trí thức văn nghệ sĩ kháng chiến không cần đến vai trò của ông nữa. Hội Văn hóa cứu quốc bị giải tán. Hội Văn nghệ Việt Nam được thành lập.

Heinz Schütte: Vậy đó chính là đề tài của cuộc đời ông. Những năm 1930 đến 1954: đấu tranh cho độc lập; từ 1954: đấu tranh cho dân chủ.

Nguyễn Hữu Đang: Chính xác là vậy! Hai giai đoạn, hai thời kỳ – chính xác. Để đấu tranh cho tự do, tôi đã bị chính quyền Pháp giam giữ hai lần trước Cách mạng tháng Tám. Và trong chặng thứ hai, tôi đã một lần bị bắt bởi chính quyền Việt Nam, một chính quyền xã hội chủ nghĩa.

Heinz Schütte: Trong những năm 30 ông đã làm việc với Trường Chinh?

Nguyễn Hữu Đang: Tôi đã làm việc với Trường Chinh từ năm 1936, thời kỳ Mặt trận Bình dân. Tôi tham gia ban biên tập thường trực của tờ báo của Đảng với Trường Chinh và Trần Huy Liệu. Chúng tôi đã là bộ ba biên tập thường trực của tờ báo Đảng. Bộ ba Ban Biên tập thường trực tuần báo Thời nay, cơ quan của Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1939 gồm:

Trần Huy Liệu, nhà cách mạng kỳ cựu, thoạt tiên là thành viên ban lãnh đạo Việt Nam Quốc dân Đảng của Nguyễn Thái Học, chuyển qua theo chủ nghĩa cộng sản trong ngục Côn Đảo và vẫn là người cộng sản có ảnh hưởng bên cạnh Ban Chấp hành Trung ương cho đến khi qua đời.

Trường Chinh: Bí thư Xứ uỷ Bắc kỳ của Đảng Cộng sản Đông Dương.

Nguyễn Hữu Đang: Cộng sản (trước khi chính thức gia nhập Đảng)

Tôi bắt đầu nghề báo từ năm 1937, vào thời kỳ phong trào Mặt trận Bình dân.

Trường Chinh sẽ trở thành Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1941, sau khi Nguyễn Ái Quốc (tức Hồ Chí Minh) trở về Việt Nam.

Heinz Schütte: Khi nào và tại sao có sự cắt đứt giữa ông và Trường Chinh?

Nguyễn Hữu Đang: Có sự bất đồng giữa ông ấy và tôi, nhưng vì những lý do khác, thí dụ về việc phân công công tác cách mạng mà ông ấy quyết định cho tôi là không công chính; tôi đã chịu những hậu quả bất lợi từ việc ấy. Tôi chịu quá nhiều sự thay đổi không hợp lý. Sau này ông ấy đã thừa nhận sai lầm. Chính từ lúc ấy tôi rời bỏ địa hạt chính trị thuần tuý để hiến mình cho – đúng ra là trở về – các hoạt động văn hoá. Cuối cùng tôi đã đề nghị được nhận chức tổng thanh tra bình dân học vụ, lãnh trách nhiệm chi huy cuộc đấu tranh xoá mù chữ.

Nguyễn Hữu Đang: Sau vụ đàn áp dẹp bỏ báo Nhân văn. Lập trường của tôi là ngoan cố, tức là không khuất phục kỷ luật của Đảng, điều đó hàm chứa một thái độ đối lập chính trị, thậm chí ly khai.

***

Lãnh đạo Tuyên truyền xung phong trung ương

Trong cách mạng và kháng chiến chống Pháp có nhiều tổ chức Tuyên truyền xung phong. Đặc điểm chung là Tổng bộ Việt Minh và các cấp Việt Minh các tỉnh thành phố khi chưa có một cơ quan văn hóa, tuyên truyền chuyên trách đều thành lập các tổ chức Tuyên truyền xung phong ở những thời điểm khác nhau để làm công tác tuyên truyện vận động quần chúng nhân dân với phương châm “tuyên truyền đi trước một bước” nhưng không có một hệ thống lãnh đạo quản lý chung theo ngành dọc. Điển hình có tổ chức Thanh niên TTXP thành Hoàng Diệu Hà Nội, TTXP Trung Bộ, Ban TTXP trung ương.

Tổ chức Thanh niên tuyên truyền xung phong thành Hoàng Diệu. Người sáng lập và lãnh đạo là ông Vũ Oanh. Trong một đoạn hồi ức ông cho biết thành lập Đội Thanh niên tuyên truyền xung phong thành Hoàng Diệu (TNTTXPTHD) vào cuối năm 1944.

Từ ngày 17 đến 19-8-1945, Đoàn TNTTXPTHD có vũ trang cùng với lực lượng tự vệ, làm nòng cốt cho toàn dân vùng lên giành chính quyền.

Tổ chức Tuyên truyền xung phong Trung Bộ thành lập ở Huế tháng 9 năm 1945, do ông Đào Duy DZếnh tức Đào Phan lãnh đạo.

Còn tổ chức Ban tuyên truyền xung phong trung ương thành lập năm 1946 do ông Nguyễn Hữu Đang lãnh đạo thuộc Tổng bộ Việt Minh. Trong bản Lý lịch tự khai ông cho biết: Năm 1946-1948 phụ trách Ban tuyên truyền xung phong trung ương và báo Toàn dân kháng chiến của Tổng bộ Việt Minh Hội Liên Việt.

Để giải thích sự việc này chúng ta cần hiểu rõ hơn bối cảnh chính trị năm 1946. Chuẩn bị cho Tổng tuyển cử quốc dân cuối tháng 12-1945 Chính phủ Cách mạng lâm thời VNDCCH giải tán để thành lập Chính phủ Liên hiệp lâm thời ngày 1-1-1946 có trách nhiệm tổ chức bầu cử quốc hội.

Sau khi bầu cử Quốc hội khóa I Chính phủ Liên hiệp lâm thời giải tán, Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập ngày 2/3/1946 không còn cả hai bộ Thanh Niên và Tuyên truyền. Song đến tháng 11- 1946 Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tan vỡ vì nhiều thành viên thuộc các đảng phái ngoài ĐCSĐD bỏ đi Trung Quốc thì được cải tổ thành Chính phủ Liên hiệp Quốc dân Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập ngày 3/11/1946.

Do Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến VNDCCH bị phân liệt chia rẽ vì mất đoàn kết giữa các đảng phái nên Việt Minh đề nghị thành lập Hội liên hiệp quốc dân Việt Nam ngày 29-5-1946 một mặt trận rộng rãi đoàn kết nhân sĩ, trí thức, các đảng phái, các tầng lớp nhân dân để kháng chiến chống Pháp, gọi tắt là Liên Việt. Cụ Hồ Chí Minh được bầu là Hội trưởng danh dự, cụ Huỳnh Thúc Kháng là Hội trưởng và cụ Tôn Đức Thắng là Phó Hội trưởng…

Các tổ chức tham gia ban đầu gồm có:

• Việt minh

• Hội nghiên cứu chủ nghĩa Marx- Lenin (thành lập tháng 11.1945)

• Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (thành lập tháng 20.7.1946)

• Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (thành lập ngày 20.10.1945)

• Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam (thành lập năm 1946)

• Đảng Dân chủ Việt Nam (thành lập năm 1944)

• Đảng Xã hội Việt Nam (được thành lập vào tháng 7 năm 1946)

• Việt Nam Quốc dân Đảng

• Việt Nam Cách mệnh Đồng minh hộiDo Chính phủ mới không còn hai Bộ Thanh Niên và Bộ Tuyên truyền mà ông Đang từng là Thứ trưởng ở hai bộ này, ông được đưa về Trung ương Liên Việt để phụ trách công tác tuyên truyền của tổ chức này, phù hợp với khả năng và uy tín của ông. Ông đã đề xuất lập Ban tuyên truyền xung phong trung ương do ông trực tiếp phụ trách. Ban chủ yếu gồm những thanh niên, học sinh Hà Nội tự nguyện tham gia, được phiên chế thành các đội, hoạt động tuyên truyền ở Hà Nội, quanh Hà Nội và một số tỉnh đồng bằng Bắc bộ.

Sau khi tìm kiếm trên mạng, trong các tài liệu bách khoa lịch sử Việt Nam hiện đại mà không thấy tăm tích cái đội tuyên truyền xung phong của ông Đang tôi bèn đùa đặt tên cho nó là một cái lỗ đen trong lịch sử kháng chiến chống Pháp. Không ngờ trong một lần nói chuyện với nhà giáo Phạm Toàn người chủ trì nhóm biên soạn sách giáo khoa cải cách Cánh Buồm anh vỗ vai tôi: Tôi biết nhiều người ở Hà Nội tham gia Tuyên truyền xung phong với ông Đang. Bà chị tôi cũng là đội viên Tuyên truyền xung phong trung ương.

Bà Phạm Thị Khang 87 tuổi ( năm 2018) chị ruột nhà giáo Phạm Toàn cho biết như sau: Bà và bạn bè học ở trường Đồng Khánh bỏ học khi cách mạng xảy ra thường tụ tập ca hát nói chuyện về cách mạng cho vui. ”Vào khoảng giữa năm 1946 không khí giữa ta và Pháp đã rất căng thẳng, một hôm chị Khánh (Thuận) người làng Hạ Đình rủ tôi đi công tác tuyên truyền xung phong.”

“Chúng tôi đi học một lớp sơ cấp của Tổng bộ Việt Minh mở khoảng 1 tháng ở chùa Sở, giờ gọi là chùa Sùng Khánh. Toàn là thanh niên học sinh trẻ măng, rất hăng hái. Tôi còn nhớ người giảng là các anh Lưu Quý Kỳ, Nguyễn Hữu Đang, chị K lúc đó gọi là Hồng. Nội dung gồm tình hình 4 mâu thuẫn, 3 giai đoạn và phương pháp tuyên truyền. Nhiệm vụ ban đầu là vận động nhân dân đi sơ tán khỏi Hà Nội. Đang học thì có những cuộc đụng độ ở Khâm Thiên, Hàng Bún, chúng tôi phải đi thực tập diễn thuyết.

Tôi thấy anh Đang là người có đầu óc tổ chức rất giỏi và có lòng tin vào thanh niên Hà Nội chúng tôi. Vì thế số đội viên chúng tôi ngày càng đông thêm. Nhân dân Hà Nội tin chúng tôi, nhiều gia đình bỏ cả nhà cửa, công việc làm ăn, buôn bán đi tản cư.

Sau ngày 19-12- 1946 anh Đang và chị Hồng cho chúng tôi rút khỏi Hà Nội để bảo toàn lực lượng, hướng căn cứ là Chúc Sơn, Chùa Thầy. Vừa đi, vừa tránh địch nhưng vẫn phải làm nhiệm vụ tuyên truyền chính sách kháng chiến cho bà con.

Bản doanh thì lưu động. Mỗi tốp có từ 3 đến 5 người có người biết biểu diễn văn nghệ, do một người làm đội trưởng. Cứ đi làm thì mới được nhân dân cho ăn. Tiền thì mỗi người được 5 đồng một tháng nhưng không được tiêu. Mỗi đội đi một tỉnh, sau một tháng về lại đổi hướng, và đổi người phù hợp.

Bước sang năm 1948, kháng chiến quá lâu, không thể làm theo cách này mãi, ông Đang đã giao từng người, từng đội về các Ty Tuyên truyền của tỉnh, về Sở Thông tin Liên khu 10, 12.”

Theo giới thiệu của bà Khang tôi đã đến gặp ông Nguyễn Trọng Hoàn trước từng làm Vụ trưởng ở Bộ Giáo dục, người được ông Đang yêu quý, tín nhiệm. Ông Hoàn được ông Đang cử lên Chiến khu Việt Bắc lĩnh tiền cho Ban TTXP TƯ.

“Ông Đang giao cho tôi chiếc xe đạp Xtec linh mới tinh do nhà tư sản in Xuân Thu cho. Tôi đạp xe lên Bắc Cạn thì đúng thời điểm Chiến dịch Thu Đông Việt Bắc của Pháp. Tôi bị mất xe đạp, chạy trốn quân Pháp nhiều ngày cuối cùng vẫn mang được ba lô tiền về cho ông Đang để nuôi anh em.”

Ông Hoàn cho biết các đội viên TTXPTƯ sau hòa bình đã về Hà Nội gặp lại nhau. “Thỉnh thoảng hàng năm có tổ chức gặp nhau. Sau khi ông Nguyễn Hữu Đang và bà Hồng mất thì mọi người đã quá già nên không gặp nữa. Trong số anh em có nhiều người thành văn nghệ sĩ nổi tiếng, có chức vụ công tác ở các cơ quan như họa sĩ Mai Văn Hiến, nhạc sĩ Hoàng Giác, ca sĩ Trần Thụ, nhà văn Nguyệt Tú, anh Chí Thứ trưởng Bộ Y tế, chị Khang Thẩm phán tòa án tối cao, anh Phú Cục trưởng Cục bá âm, chị Hợp vợ anh Đào Tùng…

Khi ông Đang chuyển lên sống ở Hà Nội có bàn với anh em tôi làm đơn lên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xin được công nhận TTXPTƯ là một tổ chức tiền thân trong Mặt trận nhưng người đứng đầu MTTQ lúc đó là anh Lê Quang Đạo từ chối giải quyết dù chị Nguyệt Tú vợ anh Đạo cũng là đội viên TTXPTƯ.”

Các ông bà, các cụ đội viên TTXPTW vẫn không quên, không thôi tự hào về những năm tháng tuổi trẻ hoạt động đẹp đẽ, hào hùng đó. Nhưng do hệ lụy của vụ án Nhân Văn – Giai Phẩm mà người thủ trưởng kính yêu của họ Nguyễn Hữu Đang làm thủ lĩnh họ đã chịu phân biệt đối xử trong quá trình công tác, còn tổ chức của họ thì cho đến giờ vẫn chưa được công nhận, chưa có một cơ quan chủ quản để có chỗ gặp mặt.

Về tờ báo Toàn dân kháng chiến thì không thấy dấu vết trong các cuốn Kỷ yếu báo chí cách mạng Việt Nam.

Ban Tuyên truyền xung phong trung ương cũng không có tên trong lịch sử những tổ chức hiện nay kế thừa chức năng hoặc vai trò của nó như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin Truyền thông mà chỉ được nhắc đến như là một biện pháp công tác quan trọng trong thời gian đầu kháng chiến chống Pháp. Trong khi đó hai tổ chức TTXP ở trên thì được thành lập Ban liên lạc, được in sách kỷ yếu, được báo chí tuyên truyền, được viết vào Lịch sử kháng chiến của hai thành phố này.

Đặc biệt trên hệ thống thông tin cũng không có một bài viết nào, hồi ức nào của các đội viên TTXPTW. Anh Nguyễn Huy Thắng con trai cố nhà văn Nguyễn Huy Tưởng người bạn thân nhất của ông Nguyễn Hữu Đang cho biết trong bộ Nhật ký của ông Tưởng có mấy chỗ viết về Tuyên truyền xung phong trung ương của ông Đang.

22-12-1946

Cùng Nguyễn Công Mỹ đi thăm Hà Ðông. Kiếm café không được. Cảm thấy không xứng đáng trong khi các chiến sĩ tranh đấu.

Những ngọn đèn lấp lánh đêm. Những hàng quán cổ sơ ven đường. 9 giờ tối. Ở Thanh Oai. Có tiếng kêu: cướp. Tự vệ hốt hoảng, sào, gậy, giáo, mác giữa những đuốc. Ngồi trên xe tuyên truyền của Thái . Họ nhờ ô tô đi bắt cướp. Khắp các quãng đường người ta đốt những đống rơm lửa cháy. Nhấp nhô những giáo mác, tiếng reo mọi rợ. Họ nói cướp đến cướp nhà đạn. Nhưng sau mới biết là tù binh Tây. Một người trợn trừng: Bắt được nhiều Tây, cả đầm, cả trẻ con, cả Việt gian, rồi cười.

Trong không khí hoang đường: lũ Tây đầm đi, có cả cố đạo, vài chị đầm non, cúi đầu, thở dài. Một thanh niên [ra lệnh]: Colonne par 2. Merd. Merd. En avant marche! Thái đeo súng lục [trấn an]: Ne craignez rien. Le Président Hô a ordonné formellement de bien traiter les prisonniers et civils arretés. Nos compatriotes ne sont pas méchants. Ils sont enthousiastes. Tây sợ: Oui. C’est l’homme providentiel.

12-2-1947

[Các đội viên] Tuyên truyền xung phong Chương Mỹ. Ngủ với nhau. Thuê thuyền ca hát. Hỏng cả thuyền… Anh cũng nghĩ như thế, tôi cũng thế mà đều nói trái lại.

2-3-1947

Giặc tấn công Phùng, đánh qua Tó. Ở Yên Bái cũng đánh xuống. Ðiều đình lấy xe của Thái.

Tải sách vở, khí cụ lên VB (Việt Bắc). Xe hỏng giữa đường. Ðẩy xe vất vả. Lạp, Tửu, Phồn không nhúng tay vào việc.

Một đêm không ngủ. Khó chịu vì sốp phơ của Thái.

20-11-1947

Chuyện Tuyên truyền xung phong làm biểu ngữ ở Phúc Yên. Đào đất, lấp đá, thành chữ: Hồ Chủ tịch muôn năm, Việt Nam độc lập muôn năm.

Cài 100 thước, cao 3 thước…

Trong thời gian này ông Nguyễn Huy Tưởng làm báo Toàn Dân kháng chiến của Tổng bộ Việt Minh cùng ông Trần Huy Liệu. Đến cuối tháng 2-1948 ông Tưởng thôi làm báo TDKC, có lẽ ông Đang đã giải tán TTXPTW và chuyển về làm tờ báo này. Ông Đang không có bài viết nào về hai việc này.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. KÍNH CHÚC những Đứa con Tinh hoa của MẸ VIỆT NAM YÊN NGHỈ BÊN NHAU quên những buồn phiền lúc SINH THỜI NƠI ĐẤT MẸ  cùng với TỔ TIÊN ĐOÀN TỤ BÊN ĐỀN HÙNG !
    — NHV —

    Xin Vĩnh Biệt Cánh Hạc Hồng .. ..
    ******************************

    Để tưởng niệm Nhà Cách mạng Văn hóa Nhân bản Nguyễn Hữu Đang  – Cánh Hạc đầu đàn Nhân Văn Giai Phẩm .. ..

    Chiều cuối năm bao Tết ly hương
    Bàng hoàng Én khuất trời viễn phương
    Tháp Bút chậm ghi vào Thanh Sử
    Con yêu bất khuất vừa Lên đường .. ..
    Đời Anh: Bản Trường ca Bi tráng
    Sĩ phu nhân chứng Thời nhiễu nhương
    Kính chúc Hành trình xuôi Miên viễn
    Đền Hùng Tổ tiên chờ Yêu thương .. ..

    Nguyễn Hữu Viện

    Paris 11/02/2007

    Xin ngàn lời Vĩnh biệt Lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh !!!
    ********************************************

    https://www.youtube.com/wat
    Lotus Secret Garden

    Như Đóa Sen sinh sống tận ao đen
    Khí phách không như bọn tướng hèn
    Chỉ trung với Đảng hại Dân bán Nước
    Bài học Sống cho Giới Trẻ đứng lên
    Vì Dân quyền Dân chủ Tự do Hạnh phúc
    Chúc Lão Tướng về Lòng Đất Mẹ Việt
    Mai sau còn nhớ Tấm lòng cùng Họ tên ….

    TRIỆU LƯƠNG DÂN VIỆT

    ANH HÙNG LÝ TỐNG  :  Thần Phong Đại Việt vừa về lại Đền Hùng ! …
    ****************************************************

     

    谷村 新司さん
    https://www.youtube.com/watch?time_continue=73&v=svVsV6hUqd4&feature=emb_logo

    Giờ triệu triệu Cánh Đào Mai tàn Xuân
    Rơi khắp Quê Mẹ .. .. Anh Hùng lìa trần !
    Đời Lý Tống như Thần Phong Đại Việt
    Hương gió thơm ngát tận đến Muôn Năm
    Về lại Sài Gòn Cánh Tự do tung gió
    Thủ đô Cu Ba in mãi dấu Vĩnh hằng
    Gió Thánh về tăng tốc triệu vó ngựa
    Đánh thức lúa nở đồng xanh đồng bằng
    Thần Phong cùng Hưng Đạo Nguyễn Huệ
    Vào trận Biển Đông lập lại Bạch Đằng
    Đêm Cali Ó Đen hóa thân Câu Trắng
    Tinh Hoa về Đền Hùng lệ huyết Trăng

    TRIỆU LƯƠNG DÂN VIỆT

    http://hanoiparis.com/construct.php?page=paysagetxt&idfam=198&idpays=11501

    Cảm tác xin tiễn đưa Anh Hùng LÝ TỐNG Lê Văn Tống về lại ĐẾN HÙNG cùng Tổ tiên …

    30 bài thơ về LÝ TỐNG bằng Việt , Anh và Pháp ngữ

    http://hanoiparis.com/construct.php?page=paysagetxt&idfam=198&idpays=11501

    09 giờ 16 phút Tối 5/4/2019, giờ Cali –  06 giờ 16 phút Sáng 6/4, giờ Paris

    http://www.hanoiparis.com/construct.php?page=poeme&idfam=46&idpoeme=3275

    http://www.hanoiparis.com/construct.php?page=poesie2&idfam=30
    Tưởng Niệm các Nhà Dân Chủ Việt Nam

    http://hanoiparis.com/construct.php?page=paysagetxt&idfam=198&idpays=11449
    Lý Tống’s Spirit is Immortal ! Lê Văn Tống’s High-Mindednessis Eternal !

    THÀNH THẬT cáo lỗi quý bạn đọc Trang nhà cá nhân http://www.hanoiparis.com hiên hữu trên Tân Lục địa thứ 6 INTERNET từ đầu năm 2004 của tôi bị nhiều lần tấn công mạnh … Lần này khá nặng với địa chỉ tin tặc từ Trung C..uốc vì quá bận với BỘ BA trang mạng về ĐẠI HỌC PHAN CHÂU TRINH SỐ HÓA TRỰC TUYẾN ưu tiên số 1 HIỆN NAY

    NHƯNG 3 TRANG về Đại học PHAN CHÂU TRINH một khi vào HOẠT ĐỘNG MẠNH sẽ phải thuê bao PHẦN AN NINH đắt nhất để bảo vệ sinh mạng của Đại học PHAN CHÂU TRINH   …

    Tôi không có Thời gian sửa chữa lại và hơn nữa TRANG http://www.hanoiparis.com NÀY sáng tạo và thiết kế trước cả FACEBOOK đã dùng kỹ thuật FLASH nên có nhiều khe hở kẽ hở gót Achille kỹ thuật mà nay đa số các công cụ du mạng navigator đã bỏ kỹ thuật FLASH cho dù RẤT ĐẸP nhưng NGƯỜI ĐẸP lại thiếu AN TOÀN AN NINH nên có lẽ tôi tạm dừng TRANG http://www.hanoiparis.com một thời gian lâu

    Mong bạn đọc chung thủy nhất là từ Âu Mỹ THÔNG CẢM

    http://universite-digitale1.com/wp-content/uploads/2018/05/MeVietNam.jpg
    TRIỆU LƯƠNG DÂN VIỆT

Comments are closed.