19-10-2024
Tiếp theo kỳ 1 — kỳ 2 — kỳ 3 — kỳ 4 và kỳ 5
(Từ đây, với những nhân vật chỉ nhắc thoáng qua trong một thời điểm nhất định, tác giả sẽ viết tắt tên thật của họ. Riêng với những nhân vật chính có mặt lâu dài hay xuyên suốt loạt hồi ức, để bạn đọc dễ theo dõi và dễ nhớ, người viết sẽ ghi đầy đủ họ tên đã được thay đổi hoàn toàn).
Kỳ 6: Vị thế của cấp quận trong nền hành chánh Việt Nam Cộng Hòa
Là người đã từng tham gia vào guồng máy hành chánh địa phương của miền Nam trước 1975, mình có thể khẳng định cấp quận là cấp nhục nhằn nhất. Ty Tài chánh của tỉnh chỉ có hai phòng là Phòng ngân sách tỉnh và Phòng ngân sách xã (sau có thêm Phòng Ngân sách XDNT), không có “Phòng ngân sách quận”, đơn giản vì cấp quận không hề có ngân sách riêng, mọi hoạt động đều phải do ngân sách tỉnh rót xuống.
Về nguyên tắc tổ chức, quận chỉ là cấp trung gian giữa tỉnh và xã, chịu trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo và kiểm soát việc các xã thực hiện công vụ trong phạm vi chức trách của xã. Nhất nhất mọi thứ cần thiết trong việc điều hành tại quận, Văn phòng quận đều phải xin tỉnh cấp, từ một cây chổi để làm vệ sinh đến lượng xăng dầu cần thiết cho việc di chuyển bằng công xa. Tình trạng này dẫn đến nhiều trường hợp cười ra nước mắt.
Xin nhắc lại là trong việc xây dựng, duyệt xét và thi hành ngân sách địa phương, hàng năm, tỉnh soạn thảo bản ngân sách với từng chương, mục, điều, khoản rõ rệt, gồm hai phần thu, chi rành mạch. Thông thường hai khoản này phải cân bằng nhau, nếu không, ngân sách quốc gia phải bù đắp. Tại Phủ Thủ tướng, Tổng Nha Ngân sách và Ngoại viện sẽ duyệt xét ngân sách của từng bộ, từng tỉnh, trong một quá trình làm việc khá căng thẳng, vì không phải chi phí nào cũng được chấp thuận, đặc biệt các chi phí khánh tiết (tiếp khách, lễ lạt …) luôn bị cắt xén không thương tiếc, do chủ trương tiết giảm chi tiêu công.
Duyệt xét xong, Phủ Thủ tướng chuyển các dự thảo ngân sách cấp bộ, cấp tỉnh sang Ủy ban Ngân sách Quốc Hội để nơi đây tiếp tục xem xét, để rồi cuối cùng đưa ra khoáng đại hội nghị biểu quyết. Các buổi họp của Quốc Hội về ngân sách thường bị kéo dài nhiều ngày và khá căng thẳng.
Sau khi các dự thảo ngân sách được biểu quyết thông qua, chúng được chuyển về cơ quan hành pháp để thi hành. Các cơ quan tại trung ương và địa phương phải bám sát bản ngân sách đã được duyệt để chi xài, không được phép vượt quá khoản dự chi cho từng điều khoản một. Nếu trong một điều khoản nào đó đã chi tiêu hết mà còn cần chi tiêu tiếp, cơ quan có thể xin với Phủ Thủ tướng hay Bộ Tài chánh cho sử dụng một phần thặng dư, chưa sử dụng hết của điều khoản khác để bù đắp cho điều khoản này. Động thái đó được gọi là “du di kinh phí”, và phải có sự chấp thuận trước của cấp thẩm quyền ở trung ương mới được thực hiện việc du di.
Ở cấp quận, ngoài phần lương bổng bổng hàng tháng, thông thường họ không được biết những khoản kinh phí họ được dự chi trong ngân sách hàng năm. Trong khi đó, các giới chức chỉ huy tại đây phải thường xuyên phối hợp công tác với đoàn các ty sở xuống làm việc tại quận. Công việc kéo dài cả ngày, thậm chí vài ba ngày, buổi trưa đâu có thể để họ ăn tự túc, Quận trưởng hay Phó Quận trưởng cũng phải mời họ một bữa ăn trưa. Khốn nổi, phụ cấp giao tế phí của Quận trưởng 1.500 đ/tháng, phụ cấp chức vụ của Phó Quận trưởng 900 đ/tháng không đủ để thanh toán bữa ăn cho một hai chục người, dù là một bữa ăn đơn giản.
Trong những trường hợp như vậy, người có thể giải vây cho các giới chức của quận chỉ có thể là các ông … Xã trưởng, những người nắm giữ một ngân sách riêng để trả lương và chi tiêu những việc cần thiết trong xã. Hôm ấy, Quận trưởng hay Phó Quận trưởng, hoặc cả hai, mời phái đoàn tỉnh dự bữa cơm trưa tại một quán xá nào đó, mặt khác sai người mời một trong các ông Xã trưởng đến dự.
Thông thường, một ông Xã trưởng được tham dự một bữa ăn như thế là một niềm vui nho nhỏ, song điều mà ai cũng biết là khi bữa ăn kết thúc, người móc hầu bao để thanh toán cũng chính là họ. Đó cũng là nỗi bẽ bàng của những người đứng đầu cấp quận.
Thế rồi, vào những ngày cuối tháng, ông Ủy viên Tài chánh xã, theo thông lệ, ôm mấy cuốn sổ công nho xã dày cộm lên Văn phòng quận để Phó Quận xem xét tình hình thu chi và ký tên, đóng dấu kiểm nhận vào sổ. Khi xét tới một khoản chi nào đó bất thường, có thể ông ủy viên sẽ khép nép trình rằng:
– Thưa ông Phó, đây là khoản chi hợp thức hóa bữa ăn trưa đãi phái đoàn tỉnh hôm a, b, c …
Ông Phó nhiều việc, không nhớ hết, định bắt bẻ khoản chi đó theo kiểu “cấp xã chi xài gì mà nhiều tiền vậy”, khi nghe lời giải trình của ông Ủy viên Tài chánh xã, bỗng nhớ lại bữa ăn hôm đó, gương mặt xịu lại, nở nụ cười gượng gạo và… cho qua.
Cái nhục nhằn của cấp quận vào thời ấy là như thế đó.
Ngoài ra, trước khi tôi đến quận Kiên Tân thì giữa quận và xã đã có một “thỏa thuận bất thành văn” liên quan đến việc chứng thực trên các giấy tờ hộ tịch (khai sanh, khai tử, hôn thú…).
Cho đến ngày nay, các chứng từ hộ tịch chỉ có thể được trích lục bởi chính nơi đã làm ra chúng, không thể sử dụng dưới dạng “sao y bản chánh” ở các cơ quan hành chánh khác. Vì thế, một người đã khai sanh ở xã X, quận Y thì khi cần trích lục, chỉ có thể đến xã Y mà xin trích lục.
Vào những năm cuối thập niên 1960, các trích lục chứng thư hộ tịch do Xã trưởng và Ủy viên hộ tịch ký phải được cấp Quận, cụ thể là Phó Quận trưởng, ký hợp pháp hóa. Người ta làm một con dấu hình chữ nhật, khắc hàng chữ “Chứng hợp pháp hóa chữ ký của UBHC xã X..” đóng phía trên chữ ký của cấp chỉ huy Quận, và phải có chữ ký này, chứng từ mới được coi là hợp lệ.
Theo quy định lúc bấy giờ, việc cấp phát các bản trích lục chứng từ hộ tịch đều được miễn phí với các quân nhân, công chức, cán bộ (XDNT, xã ấp …) và gia đình họ, mỗi người được xin tối đa 10 bản trích lục, với điều kiện phải kèm giấy giới thiệu của trưởng cơ quan hay đơn vị. Với các thành phần khác, họ phải trả một khoản phí bằng 20 đồng/bản trích lục, trên xấp giấy trình quận ký, xã phải kèm theo biên lai thu tiền.
Vào những năm cuối thập niên 1960, mỗi ngày, người dân mang đến quận vài trăm chứng thư hộ tịch để ký hợp pháp hóa, một trong những công việc của cấp chỉ huy quận là nhắc nhở người phụ trách không để dân chờ lâu. Tuổi 24-25 còn nhiều nhiệt huyết, mỗi lần từ Sài Gòn hay ở tỉnh về vào trưa thứ bảy, cửa quận đóng im ỉm, tôi thường sai anh nghĩa quân phục vụ trong nhà đến nhà bác H.B., người phụ trách việc tiếp nhận các chứng thư do người dân mang đến, yêu cầu bác vào quận đường lục hết những chứng thư còn tồn đọng trong thời gian tôi vắng mặt, ký cho xong ngay buổi chiều hôm đó để sáng thứ hai phát sớm cho người dân đã phải chờ mấy ngày rồi.
Chính hình thức xã thu lệ phí trích lục cho dân thường, cấp biên lai thu 20đ/bản, đã được linh động để Quận “trả nợ” cho xã. Ví dụ hôm ấy, xã chi 1.000 đồng cho bữa ăn đãi phái đoàn tỉnh, thì những ngày sau, khi người dân nộp lệ phí, họ thu tiền mà không ra biên lai, sao cho thu hồi đủ 1.000đ đã chi ra. Khi đưa lên quận để ký hợp pháp hóa, họ để riêng xấp chứng thư không có biên lai, đôi khi kèm thêm mảnh giấy nhỏ, đại ý “Trình ông Phó, các khai sanh này trừ vào khoản chi đãi phái đoàn tỉnh hôm ….”
Vậy là ông Phó trở thành “con nợ”, phải ký giấy tờ thu không có biên lai để thanh toán món nợ (miệng) đã vay từ trước!
Những đồng tiền đó không vào túi ai, song việc phải linh động một cách trái nguyên tắc cũng đủ làm cho con nhà luật cảm thấy bất an.
Vào một ngày, tháng …, khoảng cuối năm 1969, phái đoàn tỉnh gồm Trung tá Tỉnh trưởng NVT, Trung tá người Mỹ, Cố vấn trưởng Tiểu khu, nhiều Ty Sở trưởng và sĩ quan Tiểu khu đã đến quận đường Kiên Tân để nghe quận thuyết trình về những công tác đã thực hiện, những khó khăn, trở ngại gặp phải.
Ngày hôm đó, Phó Quận Trưởng được chỉ định làm công việc thuyết trình. Trong phần khó khăn, trở ngại, tôi đã nêu những gì vừa được trình bày ở trên, chủ yếu là cấp quận bị thiếu thốn nhiều phương tiện vật chất cần thiết cho hoạt động, trong đó có việc giao tiếp với các phái đoàn đến công tác tại quận. Tất nhiên, đó là những vấn nạn vượt ra ngoài khả năng và thẩm quyền giải quyết của cấp tỉnh, chỉ hy vọng nhiều tiếng nói như thế được lan tỏa để cấp trung ương có thể tháo gỡ một cách hợp lý.
Vậy mà sự linh động qua việc ký các chứng từ có thu tiền của người dân mà không ra biên lai cũng từng là sự kiện nằm trong một cuộc điều tra sẽ được kể lại về sau.
Kỳ sau: Phát pháo mở đầu “cuộc chiến thầm lặng” của ông tân Quận trưởng