Vài hồi ức về khu dinh điền Cái Sắn (Kỳ 2)

Lê Nguyễn

3-10-2024

Tiếp theo kỳ 1

Ảnh: Một nhà thờ được dựng lên tại khu định cư Cái Sắn, vừa kịp để mừng Giáng Sinh năm 1957. Ảnh trên mạng

Những bước chân đầu tiên trên vùng Cái Sắn

Vào những thập niên đầu thế kỷ XIX, ngoài những thủy lộ tự nhiên được người dân Gia Định sử dụng làm phương tiện đi lại giữa các trấn, chính quyền Gia Định Thành chỉ mới xây dựng ba con đường Thiên lý xuất phát từ trung tâm Sài Gòn, nối liền lãnh thổ của ta với nước Chân Lạp. Việc đào kinh và khai thông sông rạch vẫn chưa được chú trọng.

Mãi đến năm 1818, quan Trấn thủ Vĩnh Thanh là Nguyễn Văn Thoại (Thoại Ngọc Hầu) mới bắt tay vào việc mở mang các thủy lộ tại địa phương rộng lớn mà ông trấn nhậm, khởi đầu với việc đào vét, mở rộng con sông Tam Khê nối liền huyện Đông Xuyên (Long Xuyên) với đạo Kiên Giang (trấn Hà Tiên).

Tiếng là sông, song đấy [nhưng] chỉ là những lạch nước nhỏ, bùn lầy, cây cỏ mọc um tùm, chỉ có thể di chuyển ghe xuồng vào mùa nước lớn. Sau một tháng, với sự lao động cật lực của 1.500 nhân công, sông được hoàn thành với chiều dài khoảng 32 cây số, chiều rộng hơn 40 mét, chiều sâu hơn 7,2 mét (theo sách Đại Nam thực lục thì sông rộng hơn 10 trượng, sâu 18 thước, quy đổi theo cách phổ biến là 1 trượng bằng 4 mét, 10 thước bằng 1 trượng, tức mỗi thước bằng 0,40 mét).

Theo một văn bia do chính Thoại Ngọc Hầu soạn và dựng lên, để tưởng thưởng công lao của ông, vua Gia Long đã đặt tên con sông Tam Khê này là Thoại Hà (sông ông Thoại), một ngọn núi nằm cạnh sông thuộc địa phận Long Xuyên, dân địa phương gọi là núi Sập, được đổi tên thành Thoại Sơn (núi ông Thoại).

Từ đó, con sông Thoại Hà nối liền hai tỉnh An Giang (Long Xuyên) và Kiên Giang (Rạch Giá), là thủy lộ huyết mạch của người dân hai tỉnh này.

Qua thế kỷ XX, với sự phát triển đời sống và dân cư vùng Long Xuyên – Rạch Giá, một mình con sông Thoại Hà không đáp ứng nổi nhu cầu buôn bán, đi lại của cư dân trong vùng, năm 1922, chính quyền thực dân Pháp cho khởi công đào con kinh Cái Sắn bắt đầu từ sông Hậu và kết thúc ở vùng Rạch Sỏi, Kiên Giang. Kinh hoàn thành sau một năm rưỡi thi công.

Ba năm sau (1926), người Pháp lại thi công con đường nối liền Lộ Tẻ (Long Xuyên) đi Rạch Sỏi (Kiên Giang) chạy bên cạnh và song song với kinh đào Cái Sắn. Năm 1931, con đường này được đưa vào sử dụng và đến thời VNCH, nó được đặt tên là liên tỉnh lộ 8.

Vào nửa sau thập niên 1950, sau khi định cư đồng bào di cư trong vùng kinh Cái Sắn chạy qua, chính quyền VNCH cho đào một hệ thống kinh đào thẳng góc với kinh chính, xếp thành hình xương cá, có chiều dài trung bình 10 km, mỗi kinh cách nhau khoảng 2 km, được đặt tên theo mẫu tự A, B, C và đánh số từ 0 đến 10. Phần chữ thuộc về quận Thốt Nốt, trừ hai kinh A và B, phần số thuộc về quận Kiên Tân.

Tính theo hướng Long Xuyên – Rạch Giá thì ở khu dinh điền Cái Sắn nằm trong quận Kiên Tân, phần bên phải liên tỉnh lộ có các kinh B, A, 0, 1, 2, 3, 4, 5; phần bên trái thì từ kinh 6 đến kinh 10 theo chiều ngược lại.

Như có một bạn đã bình luận ở bài trước, đồn cảnh sát kinh B rất nổi tiếng trong vùng về nhiều mặt, ai đi từ Long Xuyên, Cần Thơ về Rạch Giá hay ngược lại đều phải đi qua đồn này.

Năm 1968, tôi được lệnh nhập ngũ khóa 1/68 sĩ quan trừ bị tại trường Bộ binh Thủ Đức, khi tốt nghiệp khóa quân sự xong, được phân bổ về Bộ Nội Vụ, với tính cách một quân nhân biệt phái ngoại ngạch. Ở đây, cần phân biệt hai khái niệm “biệt phái” và “biệt phái ngoại ngạch”:

– Biệt phái: Khi một quân nhân được cơ quan đang sử dụng cử tạm thời qua một cơ quan khác, trong một thời hạn nhất định, theo những điều kiện được cả hai cơ quan thỏa thuận. Sau một thời gian nào đó, họ được trở về làm việc tại đơn vị cũ.

– Biệt phái ngoại ngạch: Là trường hợp một quân nhân được cử qua hẳn một cơ quan hành chánh để làm việc lâu dài. Việc bố trí, bổ nhiệm họ hoàn toàn thuộc thẩm quyền của cơ quan hành chánh sử dụng họ, Bộ Quốc Phòng chỉ làm mỗi việc là quản lý hồ sơ quân sự của họ từ lúc nhập học trường Bộ binh Thủ Đức cho đến khi được biệt phái ngoại ngạch. Chỉ có một vài trường hợp rất hiếm xảy ra là khi cơ quan sử dụng họ (chủ yếu là Bộ Nội Vụ) kỷ luật họ vì một sai phạm nặng nề nào đó và giao hoàn họ về Bộ Quốc Phòng. Ngay cả trong trường hợp này, họ cũng không bị đưa ra đơn vị tác chiến, mà được tận dụng khả năng chuyên môn ở các đơn vị “ngành” trong quân đội như Quân nhu, Quân cụ, Hành chánh Tài chánh…

Vào một ngày khoảng tháng 11.1968, tại văn phòng Bộ Nội Vụ đã diễn ra một cuộc bốc thăm công khai và nghẹt thở với danh sách phần lớn các tỉnh cần người ở khá xa xôi và nguy hiểm về mặt an ninh như Quảng Đức, Phú Bổn, Chương Thiện, Kiến Tường.. Cuối cùng, thần may mắn đã mỉm cười với tôi: Tôi bốc được thăm về tỉnh Kiên Giang!

Cùng về Kiên Giang vào dịp cuối năm 1968 ấy, còn có anh NKHH, khóa Đốc sự 12, hiện là đại diện cựu sinh viên QGHC miền Đông nước Mỹ. Sau khi trình diện Trung tá Tỉnh trưởng Nguyễn V.T. và ông Phó Tỉnh trưởng Lê V.Th. (khóa Đốc sự 6), chúng tôi được biết hiện có hai quận đang cần Phó Quận trưởng là Phú Quốc và Kiên Tân.

Sau một cuộc trao đổi ngắn, tôi và H. nhanh chóng thỏa thuận là H. đi Phú Quốc, còn tôi thì về Kiên Tân.

***

Tôi còn nhớ rõ ngày tôi gặp ông Phó Tỉnh trưởng Lê V.Th. trước khi vào Kiên Tân nhận nhiệm vụ mới. Với tư cách một cấp chỉ huy và một bậc đàn anh, ông Th. phủ dụ:

– Toa vào đó làm được việc thì đi bất cứ nơi đâu trên cả nước, toa đều không gặp khó khăn nào.

Tôi hiểu ngay ý của ông Th., vì trước đó, tôi nghe kể rằng dân Kiên Tân có hai đồng thì một đồng mua tô trà Huế, còn một đồng mua giấy làm đơn. Người đứng đầu chính quyền ở quận này phải gồng mình giải quyết nhiều vấn đề mà ở các quận khác chỉ là những chuyện có thể cho qua.

Tất nhiên câu truyền tụng trên không nhắm vào người dân địa phương, gồm nhiều đồng bào theo Phật giáo Hòa Hảo, nếp sống khá yên lành. Nó nhắm vào số đồng bào di cư Cái Sắn chiếm tỉ lệ trên 50% dân số toàn quận, nhiều người “ưu thời mẫn thế”, thường xuyên can thiệp vào đời sống công quyền qua đơn thỉnh nguyện, đơn tố cáo, đơn khiếu nại v.v…

Đó mới chỉ là về phía người dân bình thường, về mặt tôn giáo, với 5 tôn giáo chính: Thiên Chúa giáo, Phật giáo, Tin Lành, Cao Đài và Hòa Hảo, ít có quận nào trên cả dải đất VNCH mà số lượng chức sắc tôn giáo nhiều như ở quận Kiên Tân.

Chỉ riêng về Công giáo, tổng số linh mục hiện diện tại quận Kiên Tân (khu Cái Sắn) thường ở con số trên 20 vị, mỗi vị cai quản phần đất chiếm nửa con kênh, đầu kênh một vị, cuối kênh một vị. Mỗi khu đất là một ấp, nằm giữa hai con kinh chạy song song, cách nhau trung bình 2 km, dài 10 km, được đặt tên có chữ Tân đứng trước, ví dụ Tân Hà (phần lớn dân gốc ở Hà Nam?), Tân Sơn (Sơn Tây?), Tân Bùi (Bùi Chu?), Tân Định (Nam Định?) …

Về mặt cư trú của đồng bào Cái Sắn, trên mỗi khu đất dài khoảng 10 km, nằm giữa hai con kinh cách nhau 2 km, mỗi gia đình được cấp một khoảnh đất dài 1 km (bằng phân nửa khoảng cách giữa hai con kinh) và rộng 30 mét (trên chiều dài 10 km dọc theo kinh), vị chi là 30.000 m2, nhà cất day mặt ra kênh, phần sau dành để trồng lúa và các cây hoa màu khác. Với cách phân chia này, sẽ có hai dãy nhà cùng day mặt ra hai con kinh chạy song song và chạy dài cho đến cuối kinh.

Trong 5 xã thuộc quận Kiên Tân thì phần lớn khu dinh điền Cái Sắn nằm trong xã Tân Hiệp ở bên phải liên tỉnh lộ (các kinh từ 0 đến 5) và xã Thạnh Đông (các kinh 6 đến 10). Hai xã Mong Thọ và Giục Tượng nằm hai bên liên tỉnh lộ Long Xuyên-Rạch Giá, phần lớn là đồng bào địa phương, riêng xã thứ 5 là Tân Hội ở xa quận lỵ, sát ranh giới với tỉnh An Giang (Long Xuyên), năm 1968, bị thiệt hại nặng nề vì chiến cuộc, khiến năm 1969, khoảng 10 ngàn đồng bào thuộc xã này đều được lập hồ sơ trợ cấp tái định cư.

Tất nhiên, sự phức tạp của việc điều hành công tác hành chánh tại quận Kiên Tân không chỉ nằm ở con số áp đảo của các chức sắc tôn giáo (so với các quận khác), mà chủ yếu là do không dễ tìm được sự thuận thảo trong nội bộ mỗi tôn giáo. Dù là tu hành, song các vị vẫn không từ bỏ được điều mà dân gian gọi là “gà tức nhau tiếng gáy” và quyền lợi cho địa phương hay giáo phận của mình.

Trong những tình huống như thế, nếu người điều hành công vụ ở quận nghiêng về một nhóm này thì đôi lúc cũng có nghĩa là gián tiếp chống lại một nhóm khác, và tất nhiên, điều này sẽ kéo theo những hệ quả khó lường. Mà trên thực tế, điều đó đã xảy ra. Với tư cách là một Phó Quận trưởng, chỉ trong 2 năm đã làm việc với ba ông Quận trưởng nhà binh kế tiếp nhau, tôi đã chứng kiến những trường hợp “ngả nghiêng” như thế, và cũng tự hỏi, không biết phép lạ nào đã giúp minh có thể đứng vững trong khung cảnh đầy bất ổn như vậy?

Kỳ 3: Một chân dung quyền lực tại Cái Sắn

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây