Việt Nam trước viễn ảnh Donald Trump 2.0 hay Kamala Harris sẽ thế nào?

Nhã Duy

28-9-2024

Khi Tô Lâm sang Mỹ, một điểm nhỏ trong trang phục của ông ta cùng hầu hết các thành viên phái đoàn là những chiếc cà-vạt màu tím đã đeo khi gặp gỡ Tổng Thống Joe Biden.

Trong chính trị Hoa Kỳ, màu tím biểu tượng cho tính lưỡng đảng và sự trung dung. Có thể nhận thấy đó là ngầm ý của Tô Lâm và phía Việt Nam, mong muốn được hợp tác cùng cả hai bên Cộng Hòa hay Dân Chủ, bất kể ai sẽ đắc cử tổng thống Mỹ trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới đây.

Ông Tô Lâm mang cà vạt màu tím, phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp quốc Khóa 79 ở New York. Nguồn: UN photo

Tuy nhiên về phía Hoa Kỳ, việc Donald Trump hay bà Kamala Harris đắc cử tổng thống sẽ hoàn toàn khác biệt trong chính sách đối ngoại giữa Hoa Kỳ với Việt Nam và cả khối Châu Á-Thái Bình Dương nói chung.

Tháng 1 năm 2017, ngay sau khi Donald Trump nhậm chức, một trong những chính sách đầu tiên là Hoa Kỳ đơn phương rút khỏi Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà nội các cựu Tổng thống Barack Obama đã bỏ nhiều công sức thiết lập trong chiến lược chuyển trục sang Châu Á. Việc rút khỏi TPP hay huỷ bỏ nhiều hiệp ước quốc tế khác theo sau là một tiền lệ hiếm hoi trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ vì những hiệp ước và cam kết mang tính chiến lược lâu dài giữa Hoa Kỳ cùng thế giới, không phải là các cam kết mang tính giai đoạn của riêng cá nhân một đời tổng thống tiền nhiệm nào.

Có thể nhắc lại TPP là thương ước bao gồm 12 quốc gia thành viên thuộc khối tư bản, ngoại trừ Việt Nam, quốc gia được xem là có lợi nhất trong nhóm này khi được gia nhập vào khối tự do mậu dịch cùng các quốc gia như Hoa Kỳ, Canada, Nhật Bản, Úc… Việt Nam sẽ được miễn giảm thuế quan xuất cảng, có triển vọng nhận được các khoản đầu tư ngoại quốc to lớn khác, sẽ đổ vào, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người dân Việt Nam.

TPP gạt bỏ Trung Quốc khỏi thương ước này với ý định và chiến lược rõ ràng: Cô lập và làm suy yếu sự cạnh tranh cùng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực, đồng thời tạo ảnh hưởng và quyền lực cho Hoa Kỳ tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương thông qua mậu dịch.

Việc TPP bị hủy bỏ là một thiệt hại cho các quốc gia thành viên nhóm này, nhất là Việt Nam, và tạo cơ hội cho Trung Quốc tái lập quyền lực của mình qua thương ước Đối tác Kinh tế Toàn diện trong Khu vực (RCEP) về sau. Theo số liệu từ Ủy ban Thương Mại Quốc Tế Hoa Kỳ (ITC), GDP của các quốc gia thuộc TPP mất khoảng 18,600 tỉ đô la khi không còn Hoa Kỳ. Không có số liệu chính thức cho riêng từng quốc gia nhưng với Việt Nam, Mỹ là thị trường xuất cảng chủ yếu và quan trọng nhất, mức thiệt hại chắc chắn đã không nhỏ từ quyết định này của Donald Trump.

Với chính sách chống lại toàn cầu hóa (anti-globalist) và đặt quyền lợi nước Mỹ lên trên hết (America first), nhiệm kỳ thứ nhì của Donald Trump 2.0 chắc chắn sẽ được tiếp tục với các chính sách mà ông ta từng theo đuổi và qua các tuyên bố trong các cuộc tranh cử hiện nay.

Donald Trump nhắm đến việc bảo hộ và thâm thủng mậu dịch, gia tăng thuế quan hàng nhập cảng, không riêng hàng hóa Trung Quốc mà cả từ Việt Nam cùng hầu hết các quốc gia khác. Donald Trump muốn thuyết phục người dân Mỹ là ông đặt quyền lợi nước Mỹ trên hết, dù các cuộc thương chiến dưới nhiệm kỳ của ông đã không mang lại các kết quả khả quan như mong đợi.

Cuộc thương chiến giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc vào năm 2018 đã phải đình chiến vào tháng 1 năm 2020 vì Trung Quốc trả đũa bằng cách tăng thuế quan nhập cảng từ Mỹ, tìm mua các nguồn hàng thay thế từ các quốc gia khác, gây thiệt hại cho các nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng Mỹ.

Các kinh tế gia chỉ ra rằng, các cuộc thương chiến chỉ cản trở sự phát triển nền kinh tế quốc gia và gia tăng gánh nặng lên người dân của chính quốc gia đó vì không có bất cứ quốc gia nào có thể vận hành độc lập hay có thể hoàn toàn thủ lợi trong các cuộc thương chiến.

Đặt cân bằng mậu dịch là quan trọng, Donald Trump dựa trên vấn đề kinh tế cho quan hệ đối ngoại. Đó là các thỏa thuận song phương với từng quốc gia riêng rẽ và được tin là có lợi nhất cho nước Mỹ, thay vì mối quan hệ đồng minh chiến lược bao gồm cả chính trị, quân sự và các bên cùng có lợi. Các yêu cầu đóng góp hay trả tiền của Donald Trump với các đồng minh lâu đời như khối NATO hay Nhật Bản, Nam Hàn… đã cho thấy điều này. Nội các Trump từng đưa Việt Nam vào danh sách quốc gia thao túng tiền tệ để làm áp lực giao thương và tăng thuế quan nhập cảng.

Ngược lại, nếu Trung Quốc đồng ý các thỏa thuận thương mại, dù ở bề mặt, Trung Quốc vẫn có thể trở thành một đồng minh của Hoa Kỳ dưới thời Trump. Về phía nhà cầm quyền Việt Nam, việc Donald Trump đắc cử sẽ giúp họ giảm đi các áp lực về chính trị xã hội, các yêu cầu nhân quyền và dân chủ đính kèm để được giao dịch thương mại với Hoa Kỳ.

Còn nếu bà Kamala Harris đắc cử tổng thống, quan hệ đối ngoại với vùng Châu Á-Thái Bình Dương hoàn toàn khác biệt với Donald Trump 2.0 nêu trên.

Bà Harris và ban tranh cử của bà chưa công bố chính thức về mối quan hệ đối ngoại ở Châu Á nhưng qua các chuyến công du và tuyên bố của bà khi đến Châu Á, và cả Việt Nam trong vai trò phó tổng thống trước đây, cùng các nền tảng chính sách chung, người ta có thể thấy được là bà sẽ tiếp tục chính sách các đời tổng thống Dân Chủ tiền nhiệm hoặc không quá khác biệt.

Nếu vậy, bà Kamala Harris sẽ tái lập mối quan hệ đồng minh, cô lập và làm giảm quyền lực cùng ảnh hưởng của Trung Quốc ở Châu Á và trên thế giới, mở rộng mậu dịch với các quốc gia qua chủ trương toàn cầu hóa và các bên cùng có lợi, gia tăng quyền lực lẫn ảnh hưởng chiến lược của Hoa Kỳ thông qua các mối quan hệ đa phương.

Việt Nam đã từng nhận được các giúp đỡ, viện trợ về y tế, giáo dục, khoa học kỹ thuật trong nhiệm kỳ Joe Biden, như đã từng nhận được lô viện trợ vaccine Covid quý giá trong đại dịch, điều mà Donald Trump từng cương quyết từ chối tham gia chương trình nhân đạo này. Các trợ giúp này có nhiều khả năng sẽ được tiếp tục trong chiến lược sử dụng quyền lực mềm của Hoa Kỳ nói chung, hay nhiệm kỳ bà Kamala Harris.

Tuy nhiên, trái với Donald Trump 2.0 chỉ chú trọng việc đáp ứng các yêu cầu mậu dịch, Việt Nam có thể phải nhượng bộ một số yêu cầu từ phía Hoa Kỳ về mặt dân chủ và nhân quyền cùng các hoạt động xã hội dân sự khác, nếu phía Dân Chủ tiếp tục cầm quyền. Việc trả tự do cho một đôi tù nhân lương tâm ngay trước chuyến đi của Tô Lâm không phải là sự ngẫu nhiên.

Việt Nam không có bất cứ tác động nào đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2024 nhưng việc ai sẽ trở thành tổng thống thứ 47 của Hiệp Chúng quốc Hoa Kỳ sẽ có ảnh hưởng lớn lao không chỉ đến nước Mỹ mà cả với người dân Việt Nam, lẫn cục diện thế giới nói chung.

Vẫn chưa có câu trả lời chắc chắn liệu nước Mỹ sẽ là Donald Trump 2.0 hay Kamala Harris cho đến tháng 11 này. Nhưng với người dân Việt Nam thì, nếu dùng lý trí thay cho cảm tính, ắt họ đã phải có câu trả lời và mong đợi ai sẽ trở thành tổng thống Mỹ tương lai.

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Theo thói quen, trước mỗi lần bỏ phiếu, tôi và những người thân của tôi đều dành thời gian suy nghĩ , tranh luận … để phần nào thỏa mãn được những câu hỏi sau:
    1. Ai sẽ là người thật sự quan tâm đến những thứ tôi và những người thân của tôi?
    2. Ai sẽ là người chỉ “dùng tôi” để thắng cử?
    3. Ai sẽ là người có đủ nhân cách đại diện cho đất nước tôi trên trường Quốc tế?
    4. Ai sẽ là người có khả năng làm nên sức mạnh dân tộc thông qua việc tụ hợp niềm tin và sự đoàn kết trong cộng đồng?
    ………………………………………………………………………………………………………………

  2. Thế mới gọi là cây tre.
    Mà khổ thân cây tre .VN . Nó là hình ảnh của những gì tươi đẹp nhất của phần hồn người Việt .

  3. Trump hay Harris thì vẫn “cây gậy và củ cà rốt” mà thôi, và vẫn bắt tay với đám đương cục Chiều Nay, nhóm mạnh nhất của người Việt bây giờ.
    Lần trước bọn dư luận viên theo chỉ đạo đã ca ngợi Trump dè bỉu Biden. Đợt này thay đổi chiến thuật, ve vãn cả đôi.
    Thiên tai, nhân họa, chiến tranh tràn lan … dân đen vưỡn cứ khổ dài dài.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây