Đại tá Reisner: “Quân Nga đang tấn công mạnh mẽ khắp mọi chiến tuyến”

NTV

Vũ Ngọc Chi, chuyển ngữ

3-6-2024

Sáng 1-6, người ta có thể nhìn thấy các đám cháy gần Lviv, nơi tên lửa của Nga đã tấn công trước đó. Nguồn: Picture alliance/ ZUMAPRESS.com

Sau khi được Mỹ cho phép, Ukraine tấn công lãnh thổ Nga bằng bệ phóng tên lửa của phương Tây. Bằng cách này, một cuộc tấn công tiếp theo ở phía bắc sẽ bị đẩy lùi, Đại tá Markus Reisner giải thích trong một cuộc phỏng vấn với NTV. Dù vậy, Nga lại thành công trên các khu vực khác của mặt trận.

NTV: Tình hình mặt trận mấy ngày qua diễn biến thế nào?

Markus Reisner: Cuộc tấn công của Nga ở phía bắc Kharkiv đã bị các đơn vị Ukraine chặn lại. Trong 14 ngày qua, lực lượng vũ trang Ukraine đã tách các đơn vị nhỏ khỏi các đơn vị quân đội khác nhau và đưa họ lên phía bắc cùng với lực lượng dự bị sẵn có. Điều này đã thành công trong việc làm chậm cuộc tiến công của Nga. Ngoài ra, còn có các cuộc phản công cục bộ của Ukraine, nhưng họ vẫn chưa giành lại được khu vực nào.

NTV: Việc cho phép vũ khí phương Tây được sử dụng đánh vào lãnh thổ Nga đã có tác động chưa?

Markus Reisner: Vâng, các quan chức Ukraine dự kiến ​​cuộc tấn công của Nga sẽ mở rộng về phía tây bắc Kharkiv, tại khu vực Graivoron giữa Sumy và Kharkiv. Người Nga đang tập hợp lực lượng ở đó cho một chiến dịch. Và người Ukraine sử dụng hệ thống HIMARS để tấn công khu vực triển khai này. Đây là nỗ lực nhằm ngăn chặn cuộc tấn công dự kiến sẽ xảy ra. Nếu thật sự không có sự triển khai lực lượng nào của Nga trong khu vực được đề cập, người ta có thể cho rằng việc sử dụng các hệ thống vũ khí này đánh vào lãnh thổ Nga là một thành công. Chúng ta cần chờ xem.

NTV: Có thông tin nào về hiệu quả và loại đạn được sử dụng với bệ phóng HIMARS không?

Markus Reisner: Trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh vỏ của các tên lửa GMLRS mà HIMARS bắn ra. Theo đó, ít nhất là vài tá, nếu không muốn nói là hơn một trăm vỏ đã được phóng ra. Nhưng hình ảnh về các tác động vẫn còn thiếu. Mùa hè năm 2022, trên mạng internet tràn ngập hình ảnh các kho đạn của Nga bị phá hủy và các cuộc tấn công bằng vũ khí của phương Tây vào các mục tiêu của Nga. Chúng ta sẽ phải chờ xem, liệu lần này sẽ có những hình ảnh tương tự. Mới đây đã thấy được hình ảnh một tổ hợp phòng không S300/S400 của Nga bị phá hủy.

NTV: Chắc Nga kiểm soát được không gian phát ra thông tin tốt hơn hồi đó?

Markus Reisner: Cả hai bên đều kiểm soát tốt hơn. Số lượng các video quay từ điện thoại di động trên mạng xã hội đã giảm đáng kể. Trong trường hợp của Ukraine, chúng ta thường chỉ biết về các vụ tấn công vào các nhà máy điện vì các nhà cung cấp năng lượng sau đó thông báo tình trạng thiếu điện.

NTV: Việc cho phép vũ khí phương Tây đánh vào lãnh thổ Nga chỉ được biết đến vào cuối tuần trước. Người Ukraine rõ ràng đã tận dụng nó ngay lập tức. Vậy việc đó đã được chuẩn bị trước?

Markus Reisner: Chúng ta có thể cho là như vậy. Việc công bố những hình ảnh của vỏ GMLRS chắc chắn không phải ngẫu nhiên. Đây là dấu hiệu cho không gian thông tin: “Chúng tôi đã bắt đầu”.

NTV: Có phát hiện nào về các hệ thống vũ khí được cho phép khác không? Hôm thứ Sáu, vẫn còn là một ẩn số về những gì Ukraine có thể sử dụng để đánh vào lãnh thổ Nga.

Markus Reisner: Bất cứ cái gì HIMARS bắn được đều gây thắc mắc. Một mặt, ta có GMLRS và mặt khác là ATACMS. Cả hai đều là tên lửa. Ngoài ra còn có đại bác, trong đó có đại bác tự hành 2000 của Đức. Thứ ba là các hệ thống phòng không như hệ thống Patriot, chủ yếu do Đức cung cấp, có thể được bố trí ở biên giới để ngăn chặn máy bay chiến đấu Nga bắn bom lượn về phía Ukraine từ khoảng cách an toàn.

NTV: Các hoạt động chiến đấu quan trọng khác ở đâu?

Markus Reisner: Quân Nga tiếp tục tấn công mạnh mẽ trên toàn mặt trận. Họ thành công ở hai khu vực, như các video quay được cho thấy: Tại Chasiv Yar đang diễn ra giao tranh dữ dội trên Kênh Siversky-Donetsk-Donbass. Người Nga có lẽ đã chiếm được một trong ba điểm vượt kênh và giành được chỗ đứng ở bên kia kênh. Điều này cho phép họ tiếp cận những đỉnh cao của Chassiv Yar.

Thứ hai, quân Nga rõ ràng đã tiến xa hơn về phía nam Osheretyne trong tuyến phòng thủ thứ hai của quân Ukraine. Phương pháp chiến thuật của họ rất đáng xem xét.

NTV: Tại sao?

Markus Reisner: Người Nga đang thực hiện một phương pháp tương tự ở đây như họ đã làm trong Thế chiến Thứ Hai: Đầu tiên họ tiến hành các cuộc tấn công trên không, bao gồm cả việc sử dụng bom lượn. Sau đó, các phương tiện bọc thép hạng nặng với đại bác tiến lên, một số có xe quét mìn đi đầu. Đây là cách mà người Nga luôn làm hầu để chọc thủng hàng rào phòng thủ.

Việc thực hiện các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga có thể giúp ích ở đây: Nếu các hệ thống Patriot do Đức cung cấp được chuyển đến biên giới Ukraine-Nga, chúng có thể ngăn chặn các máy bay chiến đấu của Nga thả bom lượn từ nước này qua biên giới.

NTV: Ngoài các việc xảy ra ở mặt trận, lại có các cuộc không kích dữ dội tới Ukraine vào cuối tuần.

Markus Reisner: Chính xác. Đã có ba vụ tấn công nghiêm trọng vào tháng Năm và bây giờ là một vụ khác vào đầu tháng Sáu. Bản thân Ukraine tuyên bố đã bắn hạ 35 trong số 53 tên lửa và tên lửa hành trình trong cuộc tấn công vừa qua. Tỷ lệ tiêu diệt 66% không phải là con số cao. Nó cao hơn ở mức 80 đến 90%. Trong số máy bay không người lái, Ukraine đã bắn hạ 46 trên 47 chiếc.

Nhưng thực tế là 34% tên lửa và tên lửa hành trình bắn trúng mục tiêu gây nhiều tại họa. Các nhà máy thủy điện, nhiệt điện ngày càng hư hỏng nặng nên phải cắt nguồn cung cấp năng lượng.

NTV: Giá trị quân sự của chiến dịch này là gì?

Markus Reisner: Đây là một cấp bậc chiến lược chiến tranh của Nga. Nó nhắm vào khả năng duy trì cuộc chiến lâu dài của Ukraine. Các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng quan trọng, một mặt nhằm mục đích giảm thiểu khả năng sản xuất công nghiệp-quân sự của Ukraine, mặt khác nhằm gây áp lực lên người dân và phá vỡ sự ủng hộ dành cho chính phủ Ukraine.

NTV: Một làn sóng động viên tiếp theo đã được thảo luận ở Ukraine trong nhiều tháng. Theo Washington Post, các tân binh hiện đang được đào tạo trực tiếp tại mặt trận. Bạn giải thích những tường thuật này như thế nào?

Markus Reisner: Câu hỏi luôn là: Làm cách nào để dạy cho các tân binh trong một khoảng thời gian rất ngắn những gì họ cần để sống sót trên chiến trường? Đối với các chỉ huy, việc huấn luyện ở mặt trận là một thách thức bổ sung vì họ phải dành nhân lực cho việc đó.

Chính phủ Ukraine đang chịu áp lực phải đưa thêm nam giới và phụ nữ ra mặt trận. Những hình ảnh từ Ukraine đang lan truyền về những nam thanh niên bị bắt chuyện trên đường phố và đôi khi bị dùng vũ lực đưa đến nơi tập luyện.

NTV: Những người lính không muốn ra trận sẽ mang lại gì cho quân đội? Có phải tinh thần chiến đấu của họ kém hơn nhiều so với quân tình nguyện những tháng đầu chiến tranh?

Markus Reisner: Đúng vậy, nhưng nếu không có họ thì lực lượng đang chiến đấu sẽ bị quá nhiều áp lực. Nhiều người đã được triển khai kể từ khi bắt đầu chiến tranh. Thêm vào đó là, có rất nhiều tổn thất, mặc dù con số này vẫn còn thấp hơn phía Nga. Vì vậy, họ cần được thay thế mà không dễ làm được. Sau khi trừ bớt số người trốn đi, người ta ước tính, có 33 triệu người ở Ukraine có khả năng quân sự.

150 triệu người sống ở Nga và người Nga liên tục tạo ra binh lính hợp đồng mới từ hệ thống nghĩa vụ quân sự. Với quân số lên tới 520.000, quân Nga có số lượng binh lính được triển khai nhiều gấp hai lần rưỡi so với thời điểm bắt đầu cuộc xâm lược. Ukraine có khoảng 880.000 binh sĩ được triển khai, trong đó có 400.000 người ở tiền tuyến.

NTV: Sau một năm liên tục phòng thủ, việc tình hình không có triển vọng cải thiện ảnh hưởng như thế nào đến tinh thần quân đội?

Markus Reisner: Chúng ta không được quên rằng Ukraine đang theo dõi các cuộc thảo luận ở phương Tây về ý nghĩa và tính khả thi của việc tiếp tục hỗ trợ quân sự. Sự do dự này của phương Tây tất nhiên ảnh hưởng tới tinh thần của binh lính. Nhưng những người lính thường nói với tôi rằng, họ không có lựa chọn nào khác. Đất nước của họ sẽ bị phá hủy!

Chúng tôi cũng không thấy có sự biểu tình hay phản kháng nào khác trong dân chúng. Nhưng đã 831 ngày trôi qua kể từ cuộc xâm lược của Nga, cộng thêm 8 năm kể từ khi Nga sáp nhập Crimea và giao tranh ở Donbass. Người dân Ukraine ngày càng mệt mỏi vì chiến tranh. Nhưng họ liên tục bị thử thách ở tiền tuyến. Nếu cuộc tấn công kế tiếp của Nga gần Sumy diễn ra, nó sẽ làm mặt trận dài hơn nữa. Đến lúc đó thì lại cần nhiều binh lính hơn nữa. Điều đó sẽ làm kiệt lực.

NTV: Liệu việc tiến hành các cuộc tấn công bằng vũ khí phương Tây vào lãnh thổ Nga có thể tạo ra lợi thế mới?

Markus Reisner: Điều này chỉ có thể nói khi những cuộc tấn công này có thể được đo lường bằng kết quả. Tuy nhiên, điều này phải thấy được trong tương lai gần vì số lượng hệ thống vũ khí bổ sung có sẵn để chống lại lãnh thổ Nga, còn hạn chế.

Hãy nghĩ về tình trạng pháo binh, đạn dược v.v… dù muốn, chúng ta cũng không thể cung cấp thêm. Một số nguyên liệu thô cơ bản như thuốc nổ bị thiếu trong quá trình sản xuất. Trong khi đó, Nga có thể tiếp tục lấy nguồn nguyên liệu từ Triều Tiên và Trung Quốc. Cuộc chiến tiêu hao này được quyết định dựa vào nguồn lực.

NTV: Kế hoạch của Pháp gửi huấn luyện viên quân sự tới Ukraine vẫn chưa được trình bày chính thức. Giá trị gia tăng so với việc đào tạo người Ukraine trên đất EU là bao nhiêu?

Markus Reisner: Các chỉ huy ở mặt trận sẽ đỡ gánh nặng vì được miễn nhiệm vụ huấn luyện này. Về mặt vận chuyển, cũng dễ dàng hơn nếu hàng trăm binh sĩ Ukraine không phải di chuyển qua lại. Ở Ukraine, những quy định nghiêm ngặt tương tự không áp dụng cho việc huấn luyện; chẳng hạn như, khi sử dụng máy bay không người lái. Và tất nhiên việc cử giảng viên đi sẽ là một tín hiệu hỗ trợ khác.

NTV: Người châu Âu còn có thể hướng dẫn người Ukraine về cái gì không?

Markus Reisner: Binh sĩ Ukraine thường thất vọng với việc huấn luyện ở phương Tây vì các khóa học không phản ánh kinh nghiệm của họ trên chiến trường. Ví dụ, máy bay không người lái được sử dụng ở một mức độ hoàn toàn khác ở Ukraine và người ta thắc mắc tại sao người ta nên tạo và lưu giữ sổ sách ghi chú về máy bay không người lái, khi hầu hết chúng đều bị phá hủy sau một lần sử dụng.

Các lực lượng vũ trang châu Âu cũng đã thu được nhiều kinh nghiệm ở Iraq và Afghanistan. Nhưng điều này không thể so sánh với những gì đang xảy ra ở Ukraine. Ở đó, những đối thủ có hệ thống vũ khí tương đương đối đầu nhau ở trình độ cao. Lính phương Tây không thể tưởng tượng được chuyện gì đang xảy ra ở mặt trận.

Tôi chỉ có thể dựa vào những cuộc trò chuyện với bạn bè Ukraine của mình. Điều này thường khiến chúng ta nhớ đến bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết “Phía Tây không có gì lạ”, tức là những cảnh chiến tranh từ thời Thế chiến Thứ Nhất hoặc Thứ Hai: Chiến trường lộ liễu, chiến hào. Drone liên tục quan sát mọi chuyển động từ trên trời, drone được điều khiển bởi kính thực tế ảo, sà xuống quân lính. Nó thực sự khủng khiếp.

Ở Afghanistan, chúng tôi sợ bẫy và phục kích, nhưng chúng tôi không phải hứng chịu hỏa lực pháo binh như Thế chiến Thứ Nhất.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây