Dự án kênh đào Funan Techo: Ứng xử giữa Việt Nam và Cam Bốt, cảnh đồng sàng dị mộng

Lời giới thiệu từ Việt Ecology Foundation: Ủy Ban Sông Mekong Việt Nam thông báo sẽ tổ chức một cuộc họp tham vấn vào ngày 23/4/2024 tại thành phố Cần Thơ về Dự án Kênh đào Funan Techo. Việt Ecology Foundation xin giới thiệu một bài viết của BS Ngô Thế Vinh về Dự án đang gây nhiều tranh cãi này.

Từ rất sớm, ông Ngô Thế Vinh là người đã gióng lên tiếng chuông cảnh báo về hiểm họa của các đập thủy điện thượng nguồn sông Mekong, đã viết nhiều bài khảo luận và là tác giả hai cuốn sách “Cửu Long Cạn Dòng Biển Đông Dậy Sóng” (2000) và “Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch” (2007). Ông cũng được biết tới như một nhà hoạt động môi sinh bền bỉ từ ngót 30 năm nay, với mối quan tâm bảo vệ hệ sinh thái sông Mekong và ĐBSCL.

Ngô Thế Vinh

21-4-2024

Gửi 20 triệu cư dân ĐBSCL bấy lâu không được quyền có tiếng nói. Gửi Nhóm Bạn Cửu Long.

Hình 1: Tương Lai Đi về Đâu? Người đàn ông chụp thùng nhựa lên đầu đi qua một hồ cạn nước ở tỉnh Bến Tre ngày 19/03/2024. Hình ảnh một ĐBSCL nhiều nơi đất đai nứt nẻ khô mặn, sông rạch cạn nước, cả một vùng châu thổ sông Mekong vốn phì nhiêu nhất thế giới đang bị sa mạc hóa và từ từ tan rã là một tương lai không xa. Nguồn: RFA / photo by AFP

THỨ TỰ THỜI GIAN DỰ ÁN FUNAN TECHO

– 19/05/2023: Hai tháng trước khi rời chức Thủ Tướng, ông Hun Sen đã chủ trì một buổi họp nội các đưa ra quyết định về Dự án Đường Thủy Tonlé Bassac và Hệ Thống Hậu Cần” / “The Tonle Bassac Navigation and Logistics System Project” hay còn được gọi là Kênh Funan Techo, với một kế hoạch ban đầu được đưa ra bao gồm ngân sách, cấu trúc và khung thời gian thực hiện. Dự án được toàn thể Quốc Hội Cam Bốt trong khóa họp lần thứ VI thông qua và sau đó vào ngày 07/06/2023, Chính phủ Cam Bốt đã quyết định thành lập Ủy Ban Liên Bộ để triển khai dự án Kênh đào Funan Techo.

– 08/08/2023: Chính phủ Cam Bốt gửi tới Ban Thư ký Ủy Hội Sông Mekong MRC Thông báo về Dự án Kênh đào Funan Techo. Con kênh có chiều dài 180 km, rộng 10 m, độ sâu 5,4 m, với 11 cây cầu, và 208 km đường lộ mới; con kênh có 3 âu tàu (ship locks) để điều hành mực nước, lượng nước xả, với mỗi âu tàu là 3,6 m3/ giây/ ngày – và Cam Bốt cho rằng con kênh sẽ không ảnh hưởng trên dòng chảy sông Mekong [sic]. Dự án thủy vận nội địa cho tàu 1.000 DWT sẽ khởi công vào cuối năm 2024, sẽ hoàn tất và vận hành vào năm 2028.

– 11/10/2023: Một lễ ký kết Khung Thỏa thuận đã diễn ra tại Phnom Penh, giữa ông Sun Chanthol – Đệ Nhất Phó Thủ Tướng kiêm Chủ tịch Hội đồng Phát triển Cam Bốt – và ông Chu Dũng (Zhou Young) – đại diện Công ty Cầu Đường Trung Quốc / CRBC (China Road and Bridge Corporation) – về Dự án Đường Thủy Tonle Bassac và Hệ Thống Hậu Cần [The Tonle Bassac Navigation and Logistics System Project].

– 17/10/2023: 6 ngày sau, là một lễ ký kết chính thức cấp chính phủ đã diễn ra ở Bắc Kinh, dưới quyền chủ tọa của tân Thủ Tướng Hun Manet, cho phép các Công ty TQ thực hiện cuộc nghiên cứu tính khả thi của Dự án Kênh Funan Techo. Cũng vẫn ông Sun Chanthol – Đệ Nhất Phó Thủ Tướng kiêm Chủ tịch Hội đồng Phát triển Cam Bốt – có mặt trong buổi ký kết với các đại diện Công ty Cầu Đường Trung Quốc / CRBC.

– 25/10/2023: Dự án kênh Funan Techo đã được xúc tiến mạnh mẽ ngay từ những ngày đầu nhậm chức Thủ Tướng của Hun Manet. Trước những bước tiến hành ồ ạt của Chính phủ Cam Bốt về Dự án Kênh Funan Techo gần như Cam Bốt đặt Việt Nam trước một tình trạng đã rồi, trong khi VN thì vẫn kiềm chế không mạnh mẽ lên tiếng và chỉ bắt đầu giai đoạn thu thập ý kiến các chuyên gia, sau đó mới có một bản đúc kết để báo cáo lên TT Chính phủ đương nhiệm là ông Phạm Minh Chính.

– 15/12/2023: Trong cuộc viếng thăm chính thức Hà Nội, TT Cam Bốt Hun Manet đã giải thích cho người đồng cấp VN TT Phạm Minh Chính rằng Dự án Funan Techo sẽ không ảnh hưởng tới hệ thống dòng chảy sông Mekong, do con kênh đào chỉ chuyển nước từ sông Bassac – mà ông gọi đó là một phụ lưu (tributary), trong khi chính danh sông Bassac là một phân lưu (distributary) của sông Mekong.

Trước một Thông báo không chính xác như vậy, KS Phạm Phan Long Hội Sinh Thái Việt (VEF) đã có một giải thích: “đó là một ‘lựa chọn cố ý’ có tính cách chiến lược để Cam Bốt né tránh một nghiên cứu đánh giá tác động môi trường xuyên biên giới / TbEIA và phải tham vấn có sự đồng thuận của phía VN khi con kênh lấy nước từ dòng chính sông Mekong theo tinh thần Hiệp Định Sông Mekong 1995.”

– 26/03/2024: Cựu TT Hun Sen, nay là Chủ tịch Thượng viện Cam Bốt trong chuyến đi mới đây tới Đảo Hải Nam tham dự Hội nghị Diễn Đàn Châu Á Bác Ngao 2024 (Boao Forum for Asia / BFA), với chủ đề “Châu Á và Thế giới: Thách thức chung, Trách nhiệm chung”, ông Hun Sen đã cố gắng củng cố thêm sự hậu thuẫn từ Bắc Kinh liên quan tới dự án Kênh đào Funan Techo. Với mục đích đó Hun Sen đã gặp Triệu Lạc Tế, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản TQ, Hun Sen cũng điện đàm với ông Trần Trọng, Phó TGĐ Tập Đoàn Xây Dựng Giao Thông TQ (CCCC / China Communications Construction Company Ltd. ) và đã được ông Trần Trọng thông báo về tiến độ Kênh đào Funan Techo, cùng với các dự án đường cao tốc khác trên khắp lãnh thổ Cam Bốt.

– 09/04/2024: Cựu TT Hun Sen, nay là Chủ tịch Thượng Viện Cam Bốt đã lên tiếng phủ nhận con kênh Funan Techo sẽ tạo thuận cho các  tàu quân sự TQ từ Căn cứ Hải Quân Ream đi lên dòng sông Mekong. Ông viết trên Diễn Đàn X: “Tại sao Cam Bốt lại đưa quân TQ vào đất nước của mình, điều đó vi phạm Hiến Pháp. Và tại sao TQ lại đem quân vào Cam Bốt, đi ngược với nguyên tắc tôn trọng sự độc lập của Cam Bốt.” Hun Sen đã đáp trả một bài báo tiếng Việt ra ngày 18/03/2024 cho rằng dự án Kênh Funan Techo có “công dụng kép”  (dual-use), tạo thuận cho sự hiện diện quân sự TQ vào sâu trong lãnh thổ Cam Bốt, sát với biên giới VN. [The Straits Times 09/04/2024]

Hình 2: Cảng Cái Mép Bà Rịa Vũng Tàu, là cảng cho các con tàu container lớn từ Biển Đông vào Việt Nam, và cũng là trạm trung chuyển hàng hóa của Cam Bốt lên giang cảng tự quản Phnom Penh. Dự trù tới năm 2028, Cam Bốt sẽ có con Kênh đào Funan Techo là một thủy lộ riêng cho các con tàu từ 3.000 DWT tới 5.000 DWT đi thẳng từ hải cảng Sihanoukville đi qua 4 tỉnh Kep, Kampot, Takeo, Kandal để tới Phnom Penh mà không cần qua cảng Cái Mép để vào Sông Tiền của Việt Nam để lên tới thủ đô Phnom Penh.

Hình 3: Tàu hàng container Evergreen từ cảng Cái Mép Bà Rịa Vũng Tàu đang ngược dòng sông Tiền lên giang cảng tự quản Phnom Penh. Sông Tiền trong bấy lâu, là thủy lộ chính để Cam Bốt nhập cảng nguyên liệu và hàng hóa và xuất cảng nông phẩm và sản phẩm may mặc đi Trung Quốc, Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan và cả sang Mỹ.  [Hình 2 & 3 chụp từ màn hình của YouTuber Kim Ngân]

– 11/04/2024: Trong cuộc họp báo thường kỳ, Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao VN Đoàn Khắc Việt đã nêu quan điểm VN về Dự án kênh đào Funan Techo, nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc hợp tác để quản lý và sử dụng hiệu quả bền vững nguồn nước sông Mekong. VN cũng đề nghị Cam Bốt phối hợp chặt chẽ với VN và MRC trong việc chia sẻ thông tin và đánh giá tác động của công trình này đối với tài nguyên nước và hệ sinh thái của ĐBSCL, để đảm bảo lợi ích hài hòa của các quốc gia ven sông và người dân sinh sống trong lưu vực.

23/04/2024: Lần đầu tiên Ủy Ban Sông Mekong Việt Nam tổ chức tại thành phố Cần Thơ một Hội nghị cấp quốc gia để “Tham vấn về Dự án Kênh đào Funan Techo của Cam Bốt, và kết quả thực hiện Hướng dẫn đánh giá tác động môi trường xuyên biên giới của Ủy hội Mekong quốc tế” và Hướng dẫn TbEIA cùng với kết quả thực hiện Thủ tục Thông Báo, Tham vấn trước và thỏa thuận PNPCA với các dự án thủy điện Pak Beng, Pak Lay và Luang Prabang.

Bài viết này như là một tham luận từ xa gửi tới Hội Nghị Mekong diễn ra tại Cần Thơ ngày 23/04/2024 trong tuần lễ tới.

Hình 4: Quatre Bras / Nơi hội tụ 4 nhánh sông: (1) Mekong Thượng, (2) Sông Tonlé Sap, (3) Mekong Hạ / có tên Sông Tiền (4) Sông Bassac / có tên là Sông Hậu khi chảy vào Việt Nam. Đường chỉ đỏ nối sông Bassac và tỉnh Kep là sơ đồ của con kênh Funan Techo của Cam Bốt sẽ khởi công vào năm 2024 và hoàn tất năm 2028. Nguồn: RFA – Bản đồ cập nhật với ghi chú của Ngô Thế Vinh

QUAN ĐIỂM CAM BỐT

Thủ Tướng Hun Manet khẳng định: “Cam Bốt không vay tiền Trung Quốc để xây dựng con kênh, nhưng việc tiến hành xây dựng sẽ do hợp tác với khu vực tư nhân / private sector với hình thức BOT”  [5]

Cần lưu ý, hai công ty ký kết với Cambodia để xây dựng con Kênh Funan Techo là CRBC (China Road and Bridge Corporation) và CCCC (China Communications Construction Company, Ltd.), trong đó CCCC có cổ đông chiếm đa số là của nhà nước Trung Quốc; còn CRBC là công ty con của CCCC.

– Chhengpor Aun, là một học giả thuộc nhóm Nghiên Cứu Tương Lai Cam Bốt, nhận định: “Con kênh là sự bù đắp cho Giấc Mơ của Vương Quốc Khmer, một xoa dịu vết thương sâu đậm của Cam Bốt khi cả một vùng châu thổ Mekong bị sát nhập vào Việt Nam dưới thời thuộc địa Pháp từ 1949. Con kênh còn có ý  nghĩa khẳng định mức độ độc lập về kinh tế và cả về chính trị đối với quốc gia láng giềng phía đông [ám chỉ Việt Nam]. Nhưng sự độc lập đó chưa thể có khi TT Hun Manet chọn mô hình BOT / Build-Operate-Transfer khi con kênh ấy còn nằm trong tay Trung Quốc cả 5 thập niên nữa. Việc đi dây giữa Trung Quốc và Việt Nam cũng không phải là dễ dàng đối với chính quyền mới của Cam Bốt hiện nay. Chặng đường tiến tới còn gập ghềnh và cả nguy hiểm.” [1]

– Sok Touch, Chủ tịch Hàn Lâm Viện Hoàng Gia Cam Bốt gay gắt đưa ra nhận xét: “Nỗi lo ngại thật sự của Việt Nam là sẽ mất đi quyền kiểm soát đất nước Cam Bốt, và như vậy rõ ràng Hà Nội chỉ chú tâm tới chuyện làm ăn của riêng mình / Hanoi shoud mind his own business. Hãy nhìn sang Việt Nam, bấy lâu họ vẫn chuyên chở lúa gạo qua các hệ thống kênh đào / waterway system, có bao giờ họ báo trước cho chúng ta là họ sẽ đào những con kênh đó không? Không, không bao giờ họ nói ra điều ấy. Sok Touch cay đắng nói tiếp: “Hãy đoái thương tới người Khmer chúng tôi / take pity on us!  Khi mà những việc chúng tôi làm chẳng ảnh hưởng gì tới các ông [Việt Nam] cả.” [1]

Hình 5: Ngày 17/10/2023 lễ ký kết chính thức cấp chính phủ đã diễn ra ở Bắc Kinh, dưới quyền chủ tọa của tân Thủ Tướng Hun Manet, cho phép các Công ty TQ thực hiện cuộc nghiên cứu tính khả thi của Dự án Kênh Funan Techo. Cũng vẫn ông Sun Chanthol (phải) Đệ Nhất Phó Thủ Tướng kiêm Chủ tịch Hội đồng Phát triển Cam Bốt có mặt trong buổi ký kết với các đại diện Công ty Cầu Đường Trung Quốc / CRBC (trái). Nguồn: FreshnewsAsia ngày 18/10/2023

QUAN ĐIỂM VIỆT NAM

Việt Nam thấy rõ những thông tin ban đầu mà Cam Bốt đưa ra rất thiếu sót, nếu không muốn nói là hỏa mù, có thể dẫn tới những nhận định đánh giá sai lạc. Điều này đã khiến KS Phạm Phan Long, Hội Sinh Thái Việt đã phải đặt tựa cho một bài viết: Thủ tướng Cam Bốt gây ngờ vực tại Hà Nội về dự án thủy lộ Phù Nam.” [6]  Với nhiều điều không được nói ra, trong Thông báo Phnom Penh gửi cho MRC, xác định con kênh Funan Techo chỉ là một thủy lộ để vận chuyển hàng hóa nội địa cho các con tàu 1.000 DWT nhưng thật ra thiết kế của dự án cho cả những con tàu 3000 DWT tới 5000 DWT. Họ cho biết chỉ chuyển nước cho các âu thuyền của con kênh nhưng không hề nói tới là họ còn sẽ chuyển nước phát triển thủy lợi trong thực tế Funan Techo sẽ là một con Kênh Đào Đa Năng / Multipurpose [7], ngoài thủy vận / navigation, còn có nhiều mục đích khác mà chính phủ Hoàng gia Cam Bốt không chính thức thông báo cho MRC nhưng chúng ta có thể kể:

– Con kênh nước ngọt ấy lấy nước từ con sông Mekong và con sông Bassac chảy qua 4 tỉnh Kandal, Takeo, Kampot và Kep với ngót 1,6 triệu dân sống hai bên kênh, và khi đã chuyển dòng và có được nguồn nước ngọt vô giá, con kênh không chỉ là một thủy lộ mà còn có những công dụng tiêu tưới / irrigation mở rộng diện tích canh tác / agriculture trên những vùng đất Cam Bốt từ trước tới nay vốn thiếu nước, và sẽ còn tạo thêm những hồ nước nuôi trồng thủy sản / aquaculture, bảo đảm lương thực và cải thiện đời sống của cư dân của 4 tỉnh trong vùng mà con kênh Funan Techo chảy qua.

– Rõ ràng là trong các cuộc bàn thảo của Diễn đàn Vận Tải và Hậu Cần 2023 (The Transport and Logistics Forum 2023), giới kinh doanh đầu tư Cam Bốt còn bàn tới giá trị gia tăng của đất đai và bất động sản ven con kênh, khi có thêm được những cảng phụ (subordinate ports) tạo thêm công ăn việc làm, đồng thời với phát triển các khu gia cư cùng với nhu cầu nguồn nước cho sinh hoạt.

Như vậy, với con kênh đào 180 km chiều dài ấy đâu có phải chỉ cần có 80 triệu m3 nước với lượng nước xả từ mỗi âu tàu (ship lock) là 3,6 m3 / giây (trung bình mỗi ngày) để mà kết luận: con số đó là không đáng kể so với lưu lượng dòng chảy của hệ thống sông Mekong. [7]

TS Lê Anh Tuấn, nguyên Phó Viện Trưởng Viện Biến Đổi Khí Hậu ĐH Cần Thơ với cái nhìn của một chuyên gia lâu năm về ĐBSCL, phát biểu: “Câu chuyện kinh đào Funan Techo của Cam Bốt cho tới nay (tháng 4/2024) thật khó mà đánh giá với tất cả những thách thức tiềm ẩn cho tương lai ĐBSCL vì có nhiều thông tin ban đầu chưa đầy đủ và cả chưa rõ ràng. Theo TS Lê Anh Tuấn, thì những việc cần làm để có thể giảm thiểu những tác hại là:

Ủy ban Sông Mekong, đặc biệt là Cam Bốt và Việt Nam cần có một đánh giá toàn diện các tác động về mặt kỹ thuật, kinh tế, môi trường và xã hội của dự án này đối với Cam Bốt và Việt Nam. Cần phải có một cơ chế chia sẻ thông tin thường xuyên về sự vận hành nguồn nước từ sông Bassac và con nh Funan Techo, bao gồm lưu lượng dòng chảy, chất lượng phù sa và biến động nguồn cá. 

Cần tính toán và thỏa thuận dòng chảy tối thiểu (hay dòng chảy môi trường / environmental flow) của dòng sông Bassac xuống ĐBSCL vào mùa khô. Sự bảo đảm dòng chảy tối thiểu nên có bằng một cam kết pháp lý và có thể giám sát công khai.

– Dù khi đã có tuyến vận tải đường thủy Funan Techo trong tương lai, nhưng Cam Bốt vẫn phụ thuộc vào tuyến đường thủy sông Tiền xuyên ĐBSCL trong tuyến tàu hàng lớn từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, kể cả nước Nga để lên Phnom Penh qua Biển Đông vì đoạn đường sẽ ngắn hơn là phải đi vòng qua Mũi Cà Mau vào Vịnh Thái Lan. Việt Nam có thể có những thương lượng ngoại giao với CPC về lợi thế này vì đến nay tuyến đường này vẫn không thu phí.

BOT HAY BOOT CÒN NGUY HIỂM HƠN VAY NỢ

Để xoa dịu nỗi lo âu của dân chúng và vô hiệu hóa chỉ trích của các phe phái đối lập, cho rằng Cam Bốt đang rơi vào bẫy nợ của TQ, TT Hun Manet nói Cam Bốt không vay nợ 1,7 tỷ USD từ TQ chỉ là sang nhượng theo phương thức BOT. Với một ngôn từ giận dữ, TT Hun Manet nói tiếp: “Ai cho BOT là Cam Bốt vay nợ TQ là ngu, KS Phạm Phan Long đã nhẹ nhàng phản bác lại rằng: “Không nhận thấy BOT là nợ trá hình vẫn phải trả tiền là còn thiếu trí tuệ hơn nữa”. Bởi vì khi TQ nắm toàn quyền vận hành thu phí suốt 50 năm, con kênh vẫn còn là sở hữu của họ, chứ không phải thuộc Cam Bốt.

Vậy BOT là gì? Thay vì giản lược gọi là BOT,  nếu viết đầy đủ — phải là BOOT: Build – Own – Operate – Transfer / Xây-Sở Hữu-Vận Hành-Chuyển Giao. Nay giản lược gọi là BOT / Build – Operate – Transfer / Xây-Vận Hành-Chuyển Giao, không có chữ sở hữu, nhưng vẫn là thuộc quyền “sở hữu” của công ty nhà nước TQ trong vòng 50 năm. Điều đáng lo ngại nhất, là trong thời gian “nửa thế kỷ” chờ đợi tới ngày chuyển giao cho phía Cam Bốt vận hành thì chuyện kiểm soát nguồn nước đều theo các quy trình vận hành của TQ và thông tin vận hành rất khó có được chia sẻ công khai và minh bạch. Như vậy, tương lai trước mắt là Việt Nam – cụ thể hơn là vùng ĐBSCL, hoàn toàn bị động về nguồn nước và chịu thiệt hại kinh tế – môi trường – xã hội là không đoán trước được.

VIỆT NAM VÀ NHỮNG MỐI QUAN TÂM

Hình 6: Theo tin tình báo Mỹ, đã có hai Chiến hạm loại 056A của Quân đội Nhân Dân Trung Quốc bỏ neo đậu trong Căn cứ Hải quân Ream của Cam Bốt trong suốt 4 tháng, khiến giới quân sự Mỹ và cả Việt Nam rất quan tâm. Căn cứ Hải quân Ream đã được TQ xây cất. Phnom Penh phủ nhận nguồn tin cho rằng đã có một thỏa thuận của Chính phủ Cam Bốt cho phép sự hiện diện thường trực của các chiến hạm TQ nơi đây. Từ Căn Cứ Hải quân Ream  tới các đảo Phú Quốc của Việt Nam chưa đến 30 km. Nguồn: Weibo, South China Morning Post ngày 19/04/2024

Về phía VN còn có mối lo ngại thêm nữa, là trong nửa thế kỷ tới, khi mà TQ có quyền sở hữu và toàn quyền khai thác con Kênh Funan Techo, đó sẽ là thứ vũ khí môi sinh” có thể triệt tiêu nguồn nước — một yếu tố sống còn của kinh tế ĐBSCL và xa hơn thế nữa, theo nhận định của hai nhà nghiên cứu VN là Đinh Thiện và Thanh Minh thuộc Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông (The Oriental Research Institute) thì Kênh Funan Techo có “công dụng kép” tạo thuận cho sự hiện diện quân sự TQ vào sâu trong lãnh thổ Cam Bốt, sát với biên giới VN. [The Straits Times 09/04/2024 ], thêm một mối đe dọa về quân sự đối với an ninh lãnh thổ của VN. Ý kiến này đã bị ông Hun Sen phản bác mạnh mẽ mà ông cho là “bịa đặt / fabricate the story”. Trong khi chính phủ Mỹ cũng rất quan tâm về các tàu chiến TQ vẫn ra vào Căn cứ Hải quân Ream của Cam Bốt, được xem như một tiền đồn mới của Bắc Kinh sát với Biển Đông đang là vùng tranh chấp với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa giữa TQ và Việt Nam và các quốc gia ASEAN.

Qua truyền thông báo chí nhà nước, chính quyền Phnom Penh còn cố tình tạo mối lo trong dân chúng Khmer là Cam Bốt sẽ mãi bị lệ thuộc vào VN nếu không có con kênh đào Funan Techo như một thủy lộ riêng. Họ còn kích động tự ái dân tộc – khơi dậy thứ tình cảm sâu kín chống VN của người Khmer bấy lâu. Nhưng thực sự giữa Cam Bốt và VN đã có hiệp ước để hai bên tự do sử dụng Mekong cả sông Tiền và sông Hậu, không bị thu phí và ngăn chặn. Hiện tại Chính quyền Cam Bốt đã không nói hết sự thật với chính người dân của họ.” Dù thuộc phe phái nào, nuôi dưỡng tình cảm Chống VN / Chống bọn Yuon, là tiếng khinh thị người Khmer gọi người Việt.  Bấy lâu chiêu bài chống VN vẫn được coi là “biểu tượng” của lòng yêu nước và cũng là mẫu số chung đoàn kết các phe phái của họ. 

CAM BỐT CŨNG THIỆT HẠI TỪ KÊNH FUNAN TECHO

– Thiệt hại về môi trường: Con kênh Funan Techo sẽ cắt ngang 4 tỉnh: Kandal, Takeo, Kampot, và Kep; bờ kênh sẽ như con đê chắn kiên cố cắt đôi nhng cánh đồng lũ tràn (flooded plains) bấy lâu của Cam Bốt. Hậu quả sẽ là: bên hữu ngạn con kênh không thoát nước được sẽ bị lụt lội và bên tả ngạn – bao gồm cả ĐBSCL sẽ mất nguồn nước tràn từ đồng , nên sẽ thiếu nước. Chắc chắn, Cam Bốt sẽ phải chuyển nước từ con kênh Funan Techo và từ con sông Bassac sang tả ngạn để bù vào. Và như vậy nguồn nước xuống ĐBSCL cũng bị cắt giảm đáng kể, nhất là vào Mùa Khô. Người viết đã từng ví Biển Hồ như một trái tim và hệ thống sông Mekong như bộ máy tuần hoàn của một cơ thể sống.

Hình 7: Biển Hồ Tonlé Sap, Mùa Khô diện tích mặt hồ co lại (trái); Mùa Mưa do nước lũ từ thượng nguồn sông Mekong đổ về, sông Tonlé Sap đổi chiều chảy ngược vào Biển Hồ làm tràn bờ, khiến diện tích mặt hồ hơn đến 5 lần (phải). Hiện tượng co giãn của Biển Hồ càng ngày càng bị suy yếu, đang như một trái tim thiếu máu. Photo Courtesy of Tom Fawthrop, Eureka Film

Từ hai thập niên qua, do chuỗi đập thủy điện dòng chính trên thượng nguồn, Biển Hồ đang dần bị suy kiệt ngay cả vào Mùa Mưa, do sức mạnh dòng lũ từ thượng nguồn sông Mekong đổ về đã yếu đi, thời gian dòng nước sông Tonlé Sap chảy ngược vào Biển Hồ cũng ngắn hơn. Biển Hồ trở thành một trái tim thiếu máu – và nay lại phải rút thêm một lượng nước nữa, có thể thấy trước trong tương lai không xa, Trái Tim Biển Hồ sẽ lâm vào tình trạng suy kiệt (Heart Failure / Suy Tim). Không còn nhịp đập khỏe mạnh của Trái Tim Biển Hồ sẽ là một thảm họa cho cả hai vùng Châu Thổ Tonlé Sap — vựa lúa vựa cá của Cam Bốt và của ĐBSCL VN.   

– Thiệt hại về kinh tế: Bảo rằng con kênh Funan Techo là một thủy lộ ngắn hơn, tiết kiệm cho Cam Bốt về thời gian vận chuyển, tiết kiệm nhiên liệu hơn là phải đi qua con sông Tiền của ĐBSCL như hiện nay là không đúng. Trong thực tế, phần lớn các con tàu hàng container đi vào và ra Cam Bốt là các quốc gia phía đông như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, nhất là Trung Quốc và cả Mỹ, nên chặng đường bấy lâu là đi từ Biển Đông vào Cảng Cái Mép Bà Rịa Vũng Tàu rồi đi vào sông Tiền lên Phnom Penh vẫn ngắn hơn là phải đi một đường vòng xuống phía nam, qua Mũi Cà Mau mới tới Vịnh Thái Lan, rồi cảng Kep để vào được con Kênh Funan Techo lên Phnom Penh. Chặng đường vòng ấy sẽ diệu vợi và xa hơn là đi qua ĐBSCL rất nhiều: mất nhiều thời gian hơn, tốn nhiều nhiên liệu hơn cho các con tàu hàng.

Theo KS Phạm Phan Long thì, các thương thuyền từ Phnom Penh nếu đi theo tuyến Mekong VN ra vào bờ Biển Đông để hướng đến Nhật Bản, Đại Hàn, Đài Loan, Trung Quốc hay Hoa Kỳ, những đối tác thương mại lớn nhất với Cam Bốt không dài hơn mà ngắn hơn một nửa, sẽ nhanh hơn và và rẻ hơn so với tuyến Funan Techo. Ngay cả các thương thuyền Trung Quốc trừ khi bị ép buộc, họ cũng sẽ không chọn tuyến Funan Techo vào Phnom Penh vì không phải trả phí BOT và chưa kể còn mất thời gian chờ đợi vượt ba âu tàu.  Funan Techo có thể sẽ là “cái mũi” biểu tượng thất bại kinh tế thủy vận của BRI (Belt and Road Initiative) trên đất Chùa Tháp mà Cha Con Hun Sen – Hun Manet đang ép buộc dân Khmer phải chấp nhận và gánh trả.

Hình 8: Bản đồ so sánh hai tuyến đường thủy cho các thương thuyền từ Phnom Penh ra Biển Đông qua ĐBSCL Việt Nam (đường màu xanh) và đường thủy qua Kênh Funan Techo vòng qua Mũi Cà Mau vào Vịnh Thái Lan (đường màu đỏ) chặng đường xa hơn gấp đôi. Nguồn: Sơ đồ do KS Phạm Phan Long thiết kế và ghi chú

– Ngoại Giao Trong Vùng Xám: Triều đại Cha và Con Hun Sen và Hun Manet cùng có quyết tâm hoàn tất cho bằng được công trình Kênh Funan Techo, như một biểu tượng cho sự độc lập đối với VN, cộng thêm với sự quảng bá rầm rộ của báo chí nhà nước đang làm tăng uy tín lãnh đạo và cả được lòng dân Khmer của Hun Manet.

Nhưng với những khó khăn kinh tế của TQ hiện nay, theo Murray Hiebert, chuyên gia phân tích của TT Nghiên Cứu Chiến lược và Quốc Tế có trụ sở tại Washington DC, lại tỏ ý nghi ngờ về Dự án này, “Tôi không thấy con Kênh ấy có lợi lộc gì nhiều cho phía TQ và cũng khó tưởng tượng được là TQ sẽ tung ra 1,7 tỷ USD vào công trình xây dựng này trong 4 năm tới đây.” [1]

Nhưng theo dự kiến của người viết, Dự án Kênh Funan Techo có tính cách lịch sử – như một biểu tượng cho lòng tự hào của dân tộc Khmer, chắc chắn bằng mọi giá, sớm hay muộn sẽ được hoàn thành – khi mà công trình vĩ mô ấy được coi như “Di Sản / Legacy” của một triều đại Hun Sen – Hun Manet.

TẦM NHÌN TỪ VIỆT NAM

Không thể không ghi nhận tầm nhìn xa của TT Hun Manet. Ngày 30/11/2023, sau khi chính thức tuyên bố hủy bỏ dự án nhà máy điện than Botum Sakor trị giá 1,5 tỷ USD công suất 700 MW tại một khu Bảo tồn, Hun Manet còn có thêm quyết định ngoạn mục khác là sẽ không tiến hành xây dựng 2 đập thủy điện lớn trên dòng chính sông Mekong nơi vùng đông bắc Cam Bốt: đập Sambor (2.600 MW) nơi tỉnh Kratié và đập Stung Treng (980 MW) nơi tỉnh Stung Treng. Đây là một quyết định sáng suốt và can đảm trong khi Cam Bốt đang thiếu điện cho phát triển, nhưng vẫn cố gắng hướng tới nguồn năng lượng xanh (còn được gọi là năng lượng tái tạo) mà không phá hủy hệ sinh thái lưu vực sông Mekong, trong đó có ĐBSCL.  

– VN sẽ không bao giờ chống đối kế hoạch phát triển các cơ sở hạ tầng của Cam Bốt trong phát triển kinh tế xã hội, trong đó có Dự án Kênh đào Funan Techo. Tuy nhiên do con kênh đào lấy nước từ dòng chính sông Mekong Hạ và sông Bassac – khúc thượng nguồn của sông Hậu, VN có những mối lo ngại rất chính đáng về ảnh hưởng tác hại xuyên biên giới trên vùng châu thổ ĐBSCL.

– VN sẽ không có đòi hỏi gì hơn, là sự hợp tác chặt chẽ và tin cậy để đạt được mục tiêu phát triển bền vững của cả 4 quốc gia Mekong [Lào, Thái, Cam Bốt, Việt Nam] trong lưu vực trong vấn đề sử dụng nước. Và các điều khoản cơ bản trong Hiệp Định Sông Mekong 1995 cần được tôn trọng. Đó là: [I] Thủ tục Thông báo, Tham vấn trước và Thỏa thuận PNPCA [Procedures for Notification, Prior Consultation and Agreement], [II]  Đánh giá Tác động Môi trường Xuyên Biên giới TbEIA [Transboundary Environmental Impact Assessment], một cách khoa học, khách quan và độc lập, để từ đó, Ủy Hội Sông Mekong 4 nước – sau bước được Thông báo (1), MRC sẽ có đủ “dữ liệu cần và đủ” để hoàn tất tiến trình 2  bước còn lại của PNPCA, là Tham vấn trước (2), và cuối cùng là Thỏa thuận (3).

Hình 9: 45 năm sau thời kỳ Khmer Đỏ, từ những Cánh Đồng Chết /  The Killing Fields, là hình ảnh một xứ Chùa Tháp vực dậy từ tro than và đang hồi sinh. Dự án Kênh đào Funan Techo đang được tô vẽ như một biểu tượng phục hưng của Đế chế Funan-Angkor-Khmer, và cũng sẽ là Di sản của Triều đại Cha và Con Hun Sen-Hun Manet. Nguồn: Khmer Times ngày 12/23/2023

KẾT LUẬN

Ở đây, người viết muốn nhắc tới ý kiến xác đáng và xây dựng của một học giả Cam Bốt, Chheang Vannarith, Chủ tịch Học Viện Viễn Kiến Á Châu (Asian Vision Institute). Ông viết: “Cam Bốt đang tiến sâu hơn nữa trong kết hợp vùng – với tin tưởng rằng tương lai của Cam Bốt không thể tách rời ra khỏi vùng. Chuyển đổi Cam Bốt thành một cửa ngõ, hay là một quốc gia cầu nối trong lưu vực sông Mekong là một nỗ lực lâu dài.”

Chheang Vannarith viết tiếp: “Chính sách ngoại giao láng giềng của Cam Bốt  phải bắt rễ từ những nguyên tắc cơ bản gồm 4 chữ M và 2 chữ P theo tiếng Anh (mà ông viết tắt là M4P2): Mutual respect / kính trọng nhau, Mutual understanding / hiểu biết nhau, Mutual trust / tin cậy nhau, và Mutual interest of Peace and Prosperity / cùng quan tâm tới Hòa Bình và Thịnh Vượng.” [4]

Phải nói rằng M4P2 là một nội dung cô đọng và hoàn hảo cho một Tinh Thần Sông Mekong / Mekong Spirit — như một mẫu số chung, hay một sợi chỉ đỏ nối kết mà chúng ta còn thiếu vắng bấy lâu giữa 4 quốc gia cùng sống trong một Lưu Vực. Nhưng với con Kênh Funan Techo, Cam Bốt không những không phát huy lý tưởng cao đẹp trên mà còn có thể rơi vào một cạm bẫy của Trung Quốc đang giăng ra để chia rẽ các quốc gia Đông Nam Á: trong đó có Việt Nam và Cam Bốt, nhằm khống chế toàn khu vực.

___________

Tham Khảo:

1/ Brook, Jack. Cambodia to divert Mekong trade via China-built canal, vexing Vietnam. Nikkei Asia Insight March 12, 2024;

2/ Borton, James. Funan Techo Project Calls for Joint Approach to Mekong Development. Geopolitical Monitor. Opinion. Jan 1, 2024

3/ Sothearak Sok. Why is Vietnam Worried About Cambodia’s Mekong Canal Project? Diplomat, Asean Beat. Jan 02, 2024

4/  Cambodia’s Neighbourhood Diplomacy, Navigating Turbulent Waters. Chheang Vannarith. Khmer Times Oct 25, 2023  

5/ Cambodia Ministry of Information. Techo Funan Canal Project to be Developed Under Boot Contract. AKP Phnom Penh, Dec 27, 2023

6/ Phạm Phan Long. Thủ tướng Cam Bốt gây ngờ vực tại Hà Nội về dự án thủy lộ Phù Nam. Viet Ecology Foundation, Dec 20, 2023.

7/  Ngô Thế Vinh. Từ Đế chế Phù Nam Khmer tới con kênh lịch sử Funan Techo của Vương quốc Cam Bốt. Oct 16, 2023.

Bình Luận từ Facebook

4 BÌNH LUẬN

  1. Hề… hề… ở các “còm” trước đó, tôi đã đề nghị chính giới Việt thương thảo với Campuchia để họ không đào đoạn Mê Kông-Ba Thắc vì nó xả nước mạnh hơn Vàm Nao, và vì, đoạn kênh này (nếu có) lại rất gần điểm phân dòng (Phnom Penh) nên thủy lưu đưa nước về Tonle Sap sẽ rất yếu: Biển Hồ sẽ cạn dần và mãi mãi không còn là phụ lưu cho dòng Cửu Long nữa!

  2. Không ít người Mỹ như Murray Hiebert, có thói quen đo đếm mọi sự bằng tiền, làm sao hiểu được người TQ. TQ có thể bỏ ra nhiều tỉ đô la chẳng để thu lợi trước mắt hay món lợi vật chất trước mắt. Chỉ cần phá được người khác đã là lợi nhuận rồi, cần gì có lãi bằng tiền!

  3. Cha con Hun Sen mà xem trọng hiến pháp Campuchia thì gia đình nó đã không soán ngôi và trở thành gia đình trị, thằng cha thì làm chủ tịch quốc hội, hai thằng con thì chia nhau nắm ghế thủ tướng và cả dòng họ dâu rể có chân trong chánh quyền. Chỉ tội cho dân Việt có cái mớ “chánh quyền” xuất thân từ côn an và một đứa vừa lú vừa hèn, có lẽ dân tộc này nên bị xóa sổ khỏi vũ trụ để nhân loại không phải hổ thẹn.

  4. Hồ Chí Minh nói :
    “Mối tình hữu nghị Việt Hoa
    Vừa là đồng chí vừa là anh em”,
    “Mấy cái đảo chim ỉa ở biển Đông, bạn cần thì cho bạn”.
    Thế thì cãi nhau về mấy cái kênh thoát nước vặt vãnh ấy làm gì. Tàu có đưa tàu chiến áp sát biên giới cũng là để bạn bảo vệ ta thôi.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây