Việt Nam lên kế hoạch kết nối đường sắt cao tốc với Trung Quốc

Reuters/ CNN

Cù Tuấn, dịch

12-4-2024

Bộ Kế hoạch và Đầu tư [Việt Nam] cho biết, Việt Nam đặt mục tiêu bắt đầu xây dựng hai tuyến đường sắt cao tốc nối thủ đô Hà Nội với Trung Quốc trước năm 2030. Đây một dấu hiệu khác cho thấy mối quan hệ giữa hai nước láng giềng chung ý thức hệ cộng sản đã trở nên nồng ấm trong thời gian gần đây.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và là nguồn nhập khẩu quan trọng cho lĩnh vực sản xuất ở Việt Nam. Hai nước này hiện đang kết nối thông qua hệ thống đường cao tốc và hai tuyến đường sắt đã cũ, và đường sắt phía Việt Nam cần nâng cấp.

Một trong những tuyến đường cao tốc theo kế hoạch sẽ chạy từ các thành phố cảng Hải Phòng và Quảng Ninh của Việt Nam qua Hà Nội, đến tỉnh Lào Cai, giáp ranh với tỉnh Vân Nam của Trung Quốc, Bộ này cho biết trong một tuyên bố đưa ra vào cuối ngày 9/4.

Tuyến còn lại sẽ chạy từ Hà Nội đến tỉnh Lạng Sơn, giáp khu vực Quảng Tây của Trung Quốc, đi qua khu vực đông dân cư với các cơ sở sản xuất toàn cầu, trong đó có một số thuộc sở hữu của các nhà đầu tư Trung Quốc.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam không cung cấp thêm thông tin chi tiết về các dự án trên.

Đầu tháng này, Việt Nam cho biết đang tìm cách học hỏi Trung Quốc để phát triển mạng lưới đường sắt cao tốc đầu tiên và đã cử quan chức đến làm việc với các công ty đường sắt Trung Quốc.

Một tuyến đường sắt cao tốc khổng lồ nối thủ đô Hà Nội với trung tâm thương mại thành phố Hồ Chí Minh cũng đang được lên kế hoạch xây dựng.

Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ đã gặp lãnh đạo các công ty đường sắt Trung Quốc hôm 8/4 trong chuyến thăm Bắc Kinh, tại đó ông được Tập Cận Bình tiếp đón.

Chuyến thăm xảy ra sau khi Việt Nam và Trung Quốc ký hàng chục thỏa thuận hợp tác, bao gồm cả về đường sắt, trong chuyến thăm Hà Nội của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 12.

Theo dữ liệu của chính phủ Việt Nam, thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc trong quý đầu năm nay đã lên tới 43,6 tỷ USD, tăng 22% so với một năm trước đó.

Hai quốc gia này vẫn đang có tranh chấp trên biển kéo dài nhiều năm ở Biển Đông, mặc dù căng thẳng dường như đã dịu bớt trong thời gian gần đây.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Người ta chém gió là quyền của n.ta. nhìn tuyến đs Cát linh – Hà Đông tại Hà Nội kia, tiền như là mít, không thiếu. Nhà thầu TQ công nghệ cấp thế giới, Tư vấn GS của Pháp giàu kinh nghiệm. Tiến độ thi công bình quân 1km/ năm.
    Từ nay đến 2030 còn 6 năm, động thổ ngay hôm nay thì làm đến 2030 cũng được đoạn dài bằng Cat linh – Hà Đông thôi. Biết đâu sau 2030 thủ tướng khác, quốc hội khác đổi ý thì bỏ mẹ

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây