Lãi suất và ngân hàng

Võ Xuân Sơn

15-3-2024

Dư luận bàn tán về việc một người nợ thẻ tín dụng gần 8,5 triệu đồng, sau 11 năm lên thành hơn 8,8 tỉ đồng. Hầu hết đều cho là vô lý. Có người tính ra, lãi suất khoảng 65% một năm. Và cho đó là điều rất vô lý.

Có vô lý thật không?

Thực ra, chúng ta bàn luận đều dựa trên suy nghĩ, ngân hàng là người giúp chúng ta, ngân hàng là bạn chúng ta, ngân hàng là người luôn giữ vững các cam kết, ngân hàng luôn trung thực với chúng ta… Nhưng trên thực tế, ngân hàng có phải như vậy hay không, lại là chuyện khác.

Hồi cuối 2009, đầu 2010, chúng tôi quyết định mua một chiếc xe cấp cứu. Do chưa xác định được chính xác số tiền cần thiết cho việc xây dựng một phòng khám mới, nên chúng tôi quyết định vay ngân hàng khoản tiền mua xe cấp cứu này. Ngân hàng Techcombank đã ký hợp đồng với chúng tôi và phát hành văn bản đồng ý cho vay. Chúng tôi đã đóng tiền đối ứng. Salon xe đã đi làm đăng ký xe và được cấp biển số.

Khi ấy, do biến động lãi suất, Techcombank tự ý xé hợp đồng mới ký cách đó khoảng 10 ngày, đòi chúng tôi phải ký lại hợp đồng với mức lãi suất cao hơn mới cho vay. Lúc ấy, tôi cảm thấy rất uất ức, vì sự tráo trở của ngân hàng Techcombank, và việc họ chỉ vì vài đồng lãi suất mà coi thường ngay cả chữ ký của họ trong hợp đồng với chúng tôi.

Nhưng rồi thời gian trôi qua, tôi dần hiểu, ngân hàng thì cũng chỉ là nơi người ta dùng tiền để kinh doanh. Lợi nhuận vẫn là thứ mà họ nhắm đến. Khi kinh doanh thì cũng có người đàng hoàng, có người chỉ biết tiền mà vô liêm sỉ, giống như trường hợp ngân hàng Techcombank đối với chúng tôi. Họ cũng tìm mọi cách để họ được lợi mà thôi.

Bạn cứ thử vay tiền ngân hàng đi, để mua xe chẳng hạn. Họ đưa ra mức lãi suất 12% một năm chẳng hạn. Rồi họ tính với bạn mỗi tháng bạn phải trả 1% lãi suất. Nhưng nếu bạn phân tích kỹ, thì lãi suất đâu phải là 12% một năm, mà sẽ tăng lên kha khá. Nhưng họ đâu có nói với bạn như vậy. Họ vẫn nói là lãi suất 12% năm. Họ làm cho bạn hiểu rằng, việc bạn trả mỗi tháng 1% lãi suất, cũng giống như việc bạn không trả lãi trong cả năm, chỉ đến cuối năm bạn mới trả 12% lãi suất.

Trường hợp nợ thẻ tín dụng cũng vậy. Họ sẽ tính lãi suất ngày theo mức phạt. Và suốt bao nhiêu năm, họ ngồi chờ cho số tiền phạt theo ngày tăng lên gấp hơn 1000 lần mức nợ gốc, rồi mới “tính sổ”. Chứ nếu họ nhắc nhở, khách hàng nào dám quên khoản tiền với lãi suất như vậy.

Tôi đồ rằng số tiền phạt này đã bắt đầu vượt số dư của khách hàng mà họ đang kiểm soát, mà họ có khả năng phong tỏa. Vì vậy, nếu để tiếp họ cũng chẳng thu hồi được thêm, nên họ mới thông báo, và phạt. Theo tôi, khách hàng này vẫn còn may mắn. Vì nếu họ có 100 tỉ trong trương mục tại ngân hàng này, thì ngân hàng sẽ chờ khi nợ và lãi lên đến con số đó mới thông báo và truy phạt. Khi đó khách hàng sẽ mất nhiều hơn nhiều.

Trong mấy năm vừa qua, khi hầu hết các doanh nghiệp đều lao đao, khốn khổ, thì chỉ có ngân hàng là vẫn lãi và tăng trưởng đều đều. Điều đó cho thấy, ngân hàng không phải là người giúp chúng ta, ngân hàng cũng không phải là bạn chúng ta. Nếu doanh nghiệp của bạn sụp đổ mà làm họ mất tiền, thì họ sẽ tìm cách để bị mất ít tiền nhất hoặc có lợi nhiều nhất. Còn nếu bạn có chết đi mà không ảnh hưởng gì họ, thì họ sẽ chỉ chăm chăm vào túi tiền của họ mà thôi.

Hãy cẩn thận với các giao dịch với ngân hàng.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây