Kissinger và ý nghĩa đích thực của tình trạng hòa hoãn (Kỳ 2)

Foreign Affairs

Tác giả: Niall Ferguson

Đỗ Kim Thêm dịch

Số tháng 3 và tháng 4-2024

Tiếp theo kỳ 1

Lầu Năm Góc đề xuất bắn khoảng 200 vũ khí hạt nhân vào các cơ sở quân sự của Liên Xô gần biên giới Iran. Kissinger hét lên: ‘Các anh mất trí rồi sao? Đây là một lựa chọn hạn chế sao?’

Bên bờ vực thm

Ngày nay, giới phê bình khoa bảng của Kissinger tinh tế hơn, không phàn nàn rằng Liên Xô đã thoát ra khỏi tình trạng hòa hoãn nhiều hơn Hoa Kỳ. Thay vào đó, họ lập luận rằng Kissinger đã nhiều lần sai phạm khi nhìn mọi vấn đề qua lăng kính của Chiến tranh Lạnh và ứng xử với mọi cuộc khủng hoảng như thể nó mang tính quyết định đối với cuộc đấu tranh chống lại Moscow.

Như nhà sử học Jussi Hanhimaki đã viết trong một bài cáo buộc dài như một cuốn sách, Kissinger cho rằng đó là hiển nhiên “khi kiềm chế sức mạnh của Liên Xô – nếu không phải là ý thức hệ cộng sản – phải là mục tiêu chủ yếu trong chính sách đối ngoại của Mỹ”.

Bài phê bình này phản ánh những nỗ lực mà các nhà sử học đã thực hiện trong những năm gần đây để tập trung vào những đau khổ của những người dân sống ở các quốc gia bị mắc kẹt trong cuộc chiến tranh lạnh. Nhưng nó đánh giá thấp về mức độ đe dọa của Liên Xô đối với Hoa Kỳ ở Thế giới thứ ba. Bất kể đại sứ Liên Xô xảo quyệt Anatoly Dobrynin có thể nói gì với Kissinger, Điện Kremlin không coi việc hòa hoãn là bất cứ điều gì khác ngoài vỏ bọc cho chiến lược giành lợi thế trước Washington.

Như trong một báo cáo năm 1971 gửi cho Bộ Chính trị nêu rõ, Liên Xô muốn Hoa Kỳ “tiến hành các vấn đề quốc tế của mình theo cách không tạo ra nguy cơ của việc đối đầu trực tiếp”, nhưng chỉ vì làm như vậy có thể khiến cho Washington “nhận ra được sự cần thiết của phương Tây để thực hiện lợi ích của Liên Xô”. Để đạt được mục tiêu này, báo cáo kêu gọi Bộ Chính trị “tiếp tục sử dụng lợi ích khách quan của chính phủ Mỹ trong việc duy trì liên lạc và tổ chức các cuộc đàm phán với Liên Xô”.

Kissinger không biết gì về tài liệu này, nhưng nó sẽ không làm ông ngạc nhiên. Ông không có ảo tưởng về trò chơi đang được bày ra bởi các bậc thầy của Dobrynin. Rốt cuộc, Liên Xô cũng tuyên bố công khai vào năm 1975, rằng việc hòa hoãn không ngăn cản họ tiếp tục “ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc” chống lại “hiện trạng về chính trị xã hội”.

Như Kissinger đã nói với nhà bình luận Joe Alsop vào năm 1970: “Nếu Liên Xô nghĩ rằng một thỏa thuận về tình trạng quân bình hạt nhân sẽ phục vụ cho lợi ích của họ, một mặt, họ hoàn toàn có khả năng đạt được một thỏa thuận như vậy, trong khi mặt khác, họ cố gắng cắt cuống bao tử của chúng tôi”.

Tuy nhiên, mặc dù Kissinger biết rằng, Điện Kremlin có động cơ thầm kín, ông vẫn tiến hành việc hòa hoãn vì một lý do đơn giản: Lựa chọn tương ứng bảo thủ, quay trở lại chính sách bên miệng hố của chiến tranh trong thập niên 1950 và 1960, nó có nguy cơ của một cuộc chiến tận thế bằng hạt nhân. Kissinger nói với cử toạ ở Minneapolis hồi năm 1975: “Không có lựa chọn nào khác cho việc cộng sinh. Cả Liên Xô và Mỹ đều có khả năng phá hủy đời sống văn minh”. Do đó, việc hòa hoãn là một mệnh lệnh đạo đức. Kissinger lập luận vào năm sau: “Chúng ta có một nghĩa vụ lịch sử để cam kết với Liên Xô và đẩy lùi bóng tối của thảm họa về hạt nhân”.

Những quan tâm này không khiến cho Kissinger trở thành người ủng hộ cho việc giải trừ vũ khí hạt nhân. Sau khi  nổi danh như là một trí thức của công chúng với cuốn sách có tựa đề “Vũ khí hạt nhân và Chính sách đối ngoại, ông vẫn còn quan tâm đến khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh hạt nhân hạn chế, cũng như ông kinh hoàng trước viễn cảnh của một cuộc chiến toàn diện. Vào mùa xuân năm 1974, thậm chí Kissinger còn yêu cầu Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân đề ra một phản ứng về hạt nhân hạn chế đối với một cuộc xâm lược giả định của Liên Xô ở Iran.

Nhưng khi ông được tường trình về bản dự thảo kế hoạch vài tuần sau đó, ông ta rất kinh hoàng. Lầu Năm Góc đề xuất bắn khoảng 200 vũ khí hạt nhân vào các cơ sở quân sự của Liên Xô gần biên giới Iran. Kissinger hét lên: “Các anh mất trí rồi sao? Đây là một lựa chọn hạn chế sao?

Khi các tướng lĩnh trở lại kế hoạch chỉ sử dụng một quả nguyên tử và hai vũ khí hạt nhân để làm nổ tung hai con đường từ lãnh thổ của Liên Xô vào đến Iran, ông đã hoài nghi. “Đây là cuộc tấn công hạt nhân thuc loại nào?” ông hỏi. Một tổng thống Mỹ sử dụng quá ít vũ khí sẽ bị Điện Kremlin coi là “gà”. Vấn đề, như ông biết rõ, là không bao giờ có thể chắc chắn rằng Liên Xô sẽ phản ứng một cách hạn chế đối với bất kỳ cuộc tấn công hạt nhân nào của Mỹ.

Quan điểm của Kissinger về vũ khí hạt nhân đã khiến những giới bảo thủ chỉ trích ông, đặc biệt là những người trong Lầu Năm Góc. Họ tức giận với phương cách của Kissinger trong các cuộc đàm phán hạn chế về vũ khí chiến lược (the Strategic Arms Limitation Talks, SALT) bắt đầu vào tháng 11 năm 1969 và mở đường cho việc thỏa thuận kiểm soát vũ khí quan trọng đầu tiên giữa Mỹ và Liên Xô. Vào tháng 9 năm 1975, Cơ quan Tình báo Quốc phòng đã lưu hành một bảng ước tính tình báo dài mười trang, trong đó khẳng định rằng, Liên Xô đã lừa đảo một cách đạo đức giả trong các cam kết về SALT của mình để đạt được ưu thế hạt nhân.

Cuộc tranh luận lại bùng lên trong những ngày cuối cùng của chính quyền Ford, khi các báo cáo của CIA và Cơ quan Tình báo Quốc phòng cho rằng, Moscow đang tìm kiếm sự vượt trội, không phải là ngang bằng, khi nói đến vũ khí hạt nhân. Các quan chức trong chính phủ tuyên bố rằng, Kissinger biết điều này nhưng đã chọn cách cho nó thông qua.

Những lời chỉ trích này hoàn toàn không sai. Liên Xô đã đạt được sự cân bằng về số lượng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (intercontinental ballistic missiles, ICBM) vào cuối thập niên 1960 và dẫn đầu rất lớn về megaton vào năm 1970. Một số ICBM này mang theo các phương tiện tái nhập trong mục tiêu lớn và độc lập, mà nó có thể bắn một cụm đầu đạn vào nhiều mục tiêu.

Nhưng Hoa Kỳ vẫn giữ được lợi thế là năm chọi một trong các tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm vào năm 1977. Lợi thế của Mỹ về vũ khí hạt nhân mang theo máy bay ném bom thậm chí còn lớn hơn: 11 so với một. Và Moscow chưa bao giờ tiến gần đến việc có đủ tên lửa đạn đạo để thực hiện một cuộc tấn công chống lại các gia sản về hạt nhân của Mỹ mà nó khiến Washington không thể đáp trả bằng cuộc tấn công hạt nhân.

Thật ra, các cuộc phỏng vấn với các sĩ quan cao cấp của Liên Xô sau Chiến tranh Lạnh cho thấy vào đầu thập niên 1970, giới lãnh đạo quân sự đã bác bỏ quan điểm cho rằng, Liên Xô có thể  thắng trong một cuộc chiến tranh hạt nhân. Sự phát triển tiếp theo của kho vũ khí hạt nhân của đất nước chủ yếu là kết quả của tình trạng bất biến từ phía tổ hợp công nghiệp quân sự.

Kissinger đã chia sẻ quan điểm của các đối tác Liên Xô trong một mức độ. Quan điểm của ông từ thập niên 1950 là, một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn diện là quá thảm khốc để cho bất cứ ai thắng trận. Do đó, các chi tiết về quy mô và chất lượng của các kho vũ khí hạt nhân của hai siêu cường khiến cho ông quan tâm ít hơn nhiều so với cách ngoại giao về hòa hoãn mà nó có thể làm giảm đi nguy cơ về cuộc chiến tận thế.

Ông cũng tin rằng, sự ngang bằng về số lượng hạt nhân của Liên Xô cuối cùng sẽ chứng minh là không bền vững, vì nền kinh tế của Liên Xô nhỏ hơn nhiều so với nền kinh tế của Hoa Kỳ. “Cơ sở kinh tế và công nghệ làm nền tảng cho sức mạnh quân sự phương Tây vẫn vượt trội về quy mô và khả năng đổi mới”.

Trong một bài phát biểu năm 1976, Kissinger nói thêm: “Chúng ta không có gì phải lo sợ về việc cạnh tranh: Nếu có một cuộc cạnh tranh quân sự, chúng ta có sức mạnh để bảo vệ lợi ích của mình. Nếu có một cuộc cạnh tranh kinh tế, chúng ta đã thắng từ lâu”.

(Còn tiếp)

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây