Bình luận một số ý trong bài báo của TBT Nguyễn Phú Trọng (Kỳ 3)

Nguyễn Đình Cống

15-2-2024

Tiếp theo kỳ 1kỳ 2

4. Giai đoạn từ năm 2024 đến năm 2030 (100 năm ngày thành lâp đảng)

Ở đọan đầu của phần ba, ông Trọng viết trong bài: “Chúng ta tự hào, tin tưởng tiến lên dưới lá cờ vẻ vang của Đảng Để hoàn thành được mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội do Đại hội XIII của Đảng đề ra thì tốc độ tăng trưởng bình quân 6 năm 2024 – 2030 phải đạt khoảng 8%… đây là mức rất cao, đòi hỏi chúng ta phải có sự quyết tâm cao và nỗ lực rất lớn mới có thể đạt được”.

Đề ra mục tiêu, chỉ tiêu của phát triển kinh tế không phải thuộc kinh tế thị trường mà là do cái đuôi định hướng XHCN, tàn dư của nền kinh tế kế hoạch, mang nặng chất duy ý chí. Tăng trưởng 8% đối với Việt Nam vào cuối thế kỷ 20, (lúc GDP còn qua thấp) là chỉ tiêu dễ đạt được, nhưng khi GDP đã thuộc mức trung bình thì việc tăng thêm 1% đã là khó khăn.

Mục tiêu, chỉ tiêu do đại hội Đảng biểu quyết thông qua, nhưng khi biểu quyết ít có đại biểu hiểu được phải làm sao để thực hiện. Hơn nữa khi kinh tế đang kiệt quệ, việc tạm gác lại các vấn đề liên quan đến môi trường, giáo dục, văn hóa và đạo đức, để ưu tiên phát triển kinh tế là cần, nhưng khi môi trường, giáo dục, văn hóa và đạo đức đang suy thoái mà vẫn ưu tiên phát triển kinh tế thì chưa phải đã là cách lựa chọn đúng nhất vì nó tạo ra một xã hội quá quan tâm đến đồng tiền, và khi quá quan tâm đến phát triển kinh tế thì dễ bị lơ là những lĩnh vực thuộc tinh thần.

Khi đặt ra chỉ tiêu quá cao để đến nỗi rất khó đạt thì dễ phạm lỗi làm cho qua chuyện để báo cáo, tạo ra lãng phí lớn cho xã hội vì sản xuất ra những sản phẩm vật chất kém chất lượng, chưa dùng đã hỏng, hay tạo ra thói lập thành tích dỏm, khuyến khích sự dối trá.

Ngoài tầm nhìn đến năm 2030, người ta còn vạch ra tầm nhìn đến năm 2045 (một trăm năm thành lập chế độ). Cách tạo ra tầm nhìn là một đặc điểm của xã hội Việt Nam trong những năm gần đây. Đó cũng là một loại duy ý chí, đặc biệt trong một thế giới đầy biến động.

Tiếp đến, bài báo vạch ra những tiêu cực, bất cập trong nhiều lĩnh vực như: “Tình hình trên đây đòi hỏi chúng ta tuyệt đối không được chủ quan, tự mãn, quá say sưa với những kết quả, thành tích đã đạt được, và cũng không quá bi quan, dao động”. Thực ra, những tiêu cực, những bất cập của xã hội mà bài báo chỉ mới kể loa qua, (còn thực tế thì trầm trọng hơn), Đảng lãnh đạo toàn diện phải chịu trách nhiệm về đường lối, như thế thì “chúng ta” làm sao còn đủ tự hào và tin tưởng tiến lên dưới lá cờ của Đảng.

Tiếp theo, bài báo nêu ra những bài học kinh nghiệm chép lại từ nghị quyết. Đọc qua thấy hay, nhưng xem kỹ mới biết rằng, phần lớn các kinh nghiệm được rút ra từ lý luận, được viết theo mẫu, chứ không phải từ hoạt động thực tế.

Cuối phần ba, bài báo dẫn ra vài câu thơ của Tố Hữu ca ngợi Đảng như: “Niềm tự hào, niềm tin đó của Nhân dân ta đối với Đảng từng bước được vun đắp, nâng cao, ngày càng bền chặt hơn qua suốt chặng đường cách mạng vẻ vang của Đảng… Tự hào về Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại và Dân tộc Việt Nam anh hùng; tin tưởng vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng … toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Trên đây là trích dẫn đoạn văn tuyên truyền đầy chất giáo điều, trái với thực trạng. Sự độc quyền Đảng trị đã tạo ra nhiều cán bộ tham nhũng, thoái hóa về đạo đức, trong đó có cả một số ủy viên Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương, lại có cả những “cặp đôi hoàn hảo” gồm bí thư và chủ tịch tỉnh khoác tay nhau vào tù.

Cũng sự độc quyền ấy đã tạo ra nhiều vạn dân oan bị cướp đất, bị phá nhà như ở Vườn Rau Lộc Hưng, Thủ Thiêm, Dương Nội và nhiều nơi khác. Nông dân bị đàn áp, khủng bố như Đoàn Văn Vươn, Lê Đình Kình và dân thôn Hoành, Đồng Tâm, hay dân bị thủy điện xả lũ, cuốn trôi nhiều nhà cửa như ở miền Trung; bị tòa án kết tội oan sai đến mức tử hình bằng những “bản án bỏ túi”, gây ra cảnh “Tiếng oan dậy đất, án ngờ lòa mây”. Rồi giáo dục, văn hóa, đạo đức suy thoái, những vụ án kinh thiên động đia (Việt Á, Chuyến bay giải cứu, Vạn Thịnh Phát v.v…). Với tình hình xã hội như vậy thì làm sao mà: “Tự hào về Đảng quang vinh, … tin tưởng vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng”? Đã từng có phát biểu của một số lãnh đạo rằng “Niềm tin của dân vào Đảng ngày càng giảm sút”.

Về thể chế, liệu để xây dựng một đất nước thật sự dân chủ, mọi người được tự do, hạnh phúc, bình đẳng, thương yêu và tôn trọng nhau trong cuộc sống hòa bình, hợp tác, có nền sản xuất tiên tiến, có nền văn hóa, nền giáo dục nhân bản, khai phóng thì có nhất thiết phải xây dựng thể chế XHCN do đảng cộng sản theo chủ nghã Mác – Lê lãnh đạo hay không? Câu trả lời dứt khoát là không!

Thực tế sinh động chứng tỏ rằng, Liên Xô và các nước Đông Âu đang xây dựng XHCN giữa chừng thì bị sụp đổ, mà nguyên nhân cơ bản là không thể giải quyết những mâu thuẫn gay gắt nội tại, những mâu thuẫn đó hiện nay đảng Cộng sản Việt Nam đang mắc phải. Ở Việt Nam, ông Tổng bí thư Đảng công nhận là con đường xây dựng CNXH gặp quá nhiều khó khăn và đến cuối thế kỷ 21 chưa chắc đã làm được.

Một thực tế sinh động khác là tại các nước Bắc Âu. Ở đó người ta không xây dựng XHCN với sự lãnh đạo của cộng sản theo Mác – Lê, người ta không gặp một khó khăn, trở ngại nào cả mà đã xây dựng được những đất nước thật sự dân chủ, tự do, hạnh phúc, bình đẳng cho tất cả mọi người.

Một tấm gương nữa là lý thuyết “mèo trắng, mèo đen” của Đặng Tiểu Bình. Với lý thuyết đó Trung Quốc đã phát triển ngoạn mục, tiếc rằng vì tư tưởng Đại Hán mà Tập Cận Bình đã đi lệch phương hướng.

Thực ra ông Trọng chỉ mượn tiếng XHCN để che lấp ý đồ chính là xây dựng thể chế do đảng Cộng sản của ông điều hành, có như thế thì tên của ông mới được hậu thế đặt ngang hoặc cao hơn Hồ Chí Minh. Thế rồi những nhà tuyên truyền cộng sản dựng lên câu chuyện, rằng chính Hồ Chí Minh và toàn dân VN chọn chế độ XHCN. Thực ra nhân dân không chọn gì cả, mà bị áp đặt.

Theo Milovan Djilas, thể chế toàn trị của cộng sản đã sinh ra một “Giai cấp mới” đầy quyền lực, tạo ra những áp bức độc ác, thô bạo, phản nhân tính so với áp bức của những thế lực thống trị trước đây (đặc biệt là đối với những người bất đồng chính kiến)

Ông Trọng đã thể hiện một người rất nặng giáo điều, cuồng tín vào lý thuyết cộng sản. Nhân dân Việt Nam chỉ còn một số ít, vì cuồng tín mà tin vào ông còn đại đa số không còn hy vọng gì, họ tin chắc rằng không sớm thì muộn, sẽ có ngày họ thoát được thể chế toàn trị của cộng sản để xây dựng chế độ thực sự dân chủ.

(Còn tiếp)

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây