Bình luận một số ý trong bài báo của TBT Nguyễn Phú Trọng (Kỳ 2)

Nguyễn Đình Cống

15-2-2024

Tiếp theo kỳ 1

3. Về thời kỳ từ năm 1975 đến nay (năm 2024)

Mở đầu phần hai, ông Trọng viết: “Sau khi đất nước được thống nhất, nước ta phải đối mặt với nhiều hậu quả rất nặng nề của 30 năm chiến tranh để lại. Để khắc phục hậu quả chiến tranh, tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước, Đảng ta đã tập trung lãnh đạo xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 1976 – 1980 và 1981 – 1985. Qua đó, hạ tầng kinh tế – xã hội, nhất là các cơ sở công nghiệp, nông nghiệp, y tế, giáo dục – đào tạo, giao thông, thuỷ lợi từng bước được khôi phục. Kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể được chăm lo phát triển, có nhiều đóng góp cho sự phát triển của đất nước”.

Sau chiến tranh mọi khó khăn đổ lỗi cho nó là quá đơn giản, nhưng điều đó chỉ đúng một phần cho miền Bắc mà không đúng cho miền Nam, nơi vẫn giữ được nền kinh tế khá phồn vinh. Chỉ đến khi ông Đỗ Mười vào thực hành cải tạo công thương nghiệp, không cho làm kinh tế tư nhân, đưa người đi làm kinh tế mới, ngăn sông, cấm chợ, cấm tư nhân buôn bán thì đã xô cả nền kinh tế xuống vực thẳm. Sai lầm này của ông Mười được Đảng lờ đi, không nhận.

Ở miền Bắc, Đảng bắt ép nông dân vào hợp tác xã, làm cho sản xuất nông nghiệp trì trệ. Nhiều người thợ thủ công tài giỏi như vua lốp Nguyễn Văn Chấn, làm ra nhiều sản phẩm có ích cho xã hội thì bị cấm đoán, bị tịch thu, bị bắt giam, đời sống của cán bộ thường và người dân rơi vào cảnh cùng quẩn chứ không được như nhận xét của bài báo. Chỉ có cán bộ cấp cao, được cung cấp hàng hóa giá rẻ, mới có thể sống ung dung được.

Bài báo viết về “đổi mới”, với việc cho làm kinh tế tư nhân, mở cửa đón đầu tư từ nước ngoài, phát triển ngoại thường, nhờ thế mà đã khôi phục được kinh tế. Nhưng đó thực chất là sửa sai, làm trái với đường lối kinh tế của chủ nghĩa Mác – Lê chứ chẳng đổi mới ở đâu cả.

Ông Trọng viết tiếp:Càng đi vào chỉ đạo thực tiễn, Đảng ta càng nhận thức được rằng, quá độ lên chủ nghĩa xã hội là một sự nghiệp lâu dài, vô cùng khó khăn và phức tạp”. Nhận thức được như vậy, với người có hiểu biết thì nên tạm dừng lại để nghiên cứu xem có khả năng chọn sai đường hay không, nếu chọn sai thì phải tìm cách đổi hướng. Cứ nhắm mắt, bịt tai “đâm lao phải theo lao” là thái độ của người cố chấp, bảo thủ, cuồng tín.

Bài báo tiếp: “Đưa ra khái niệm phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một đột phá lý luận rất cơ bản và sáng tạo của Đảng ta, là thành quả lý luận quan trọng qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới”.

Cho rằng đưa thêm cái đuôi “định hướng XHCN” là đột phá lý luận và sáng tạo, là sự suy diễn thiếu căn cứ. Như chỗ tôi biết được, phải chăng đó chẳng qua là câu trao đổi bất chợt của hai đảng viên mà một ủy viên Bộ Chính trị khóa IX nghe được. Nhưng cái đuôi ấy chỉ được dùng trong nước. Với nước ngoài, chính phủ Việt Nam muốn vận động người ta công nhận nền kinh tế thị trường thì phải cắt đuôi. Tuy vậy cũng chưa thuyết phục được ai.

Thực ra kinh tế thị trường có kiểm tra, giám sát của nhà nước đã xuất hiện từ lâu ở nước Anh, chỉ là trong định hướng XHCN phải chấp nhận sự lãnh đạo của đảng Cộng sản.

GS Trọng viết: “Phát triển văn hoá, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới; phát triển giáo dục – đào tạo và khoa học – công nghệ là quốc sách hàng đầu; bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề sống còn, là tiêu chí để phát triển bền vững; xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ làm tế bào lành mạnh, vững chắc của xã hội, thực hiện bình đẳng”. Đoạn này viết đúng sách, nhưng nhìn vào thực tế thì thấy Đảng nói như thế nhưng không làm được thế. Trong mấy chục năm qua đạo đức xã hội xuống cấp, văn hóa và giáo dục suy thoái. Đảng với vai trò lãnh đạo toàn diện không được thoái thác trách nhiệm về các việc đó.

Trích trong bài báo: “Mô hình chính trị và cơ chế vận hành tổng quát là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và Nhân dân làm chủ. Dân chủ là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa… Đảng ta chủ trương không ngừng phát huy dân chủ…”

Mô hình nhà nước ba cấp (Đảng lãnh dạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ) là mô hình tạo ra sự chồng chéo, dẫm đạp lên nhau, kém hiệu quả, lãng phí. Cũng đã có người thấy ra nhược điểm của nó và chủ trương “nhất thể hóa” vị trí người đứng đầu bên Đảng và chính quyền, nhưng bộ máy vẫn giữ nguyên, chỉ khắc phục được chút ít mà thôi. Cơ chế này nên được thay thế chứ không nên kéo dài.

Cho rằng “Dân chủ là bản chất của chế độ XHCN và Đảng ta chủ trương không ngừng phát huy dân chủ” là một cách tuyên truyền, không phản ảnh đúng sự thật, không những đối với toàn dân mà nhiều quy định về bầu cử trong Đảng là trái với dân chủ. Còn việc Đảng cử dân bầu quốc hội là một dẫn chứng rõ ràng về dân chủ giả hiệu.

Cũng theo ông Trọng viết trong bài báo: “Nhờ thực hiện đường lối đổi mới, nền kinh tế bắt đầu phát triển và tăng trưởng liên tục với tốc độ tương đối cao trong suốt 40 năm qua với mức tăng trưởng trung bình gần 7% mỗi năm. Quy mô GDP không ngừng được mở rộng, năm 2023 đạt khoảng 430 tỉ đô la Mỹ”.

Khi nói về tăng trưởng kinh tế, Đảng thấy rất rõ vai trò lãnh đạo của mình mà quên mất hai nhân tố quan trọng hơn là nhờ vào vị trí địa lý và tài nguyên của đất nước, nhờ vào sự năng động, sáng tạo của các doanh nhân, các trí thức Việt. Chính vì phát hiện ra điều này mà Le Van Vu ngày 27/1/2024, viết bài: “Few countries are better placed than Vietnam to get rich. Yet political paralysis could slow it down”. (Hiếm có nước nào có điều kiện làm giàu tốt hơn Việt Nam, nhưng tê liệt chính trị làm chậm tiến trình).

Trong sách “Tại sao các quốc gia thất bại” tác giả chỉ ra rằng, thể chế chính trị (là dân chủ hay độc quyền tàn bạo) có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển hoặc thất bại. Trong lúc thể chế của Việt Nam được Đảng cho là dân chủ, của dân, do dân, vì dân thì những người phản biện nhận ra rằng đó là thể chế toàn trị của Đảng dựa vào công an và tuyên giáo. Thể chế đó có phần kìm hãm chứ không thúc đẩy sự phát triển.

Cứ nhận rằng GDP là 430 tỷ USD thì một phần đáng kể trong số đó là do tư bản nước ngoài nắm giữ, chúng ta chỉ được cái tiếng. Nhưng với đất nước có dân số như Việt Nam, mà chính thể thật sự dân chủ như Nhật Bản, Đài Loan, Nam Hàn, Singapore, Malaysia thì liệu GDP sẽ nhiều hay ít hơn so với 430 USD? Theo tôi, cũng như theo Le Van Vu và nhiều người khác, thì sẽ nhiều hơn, có thể đến gấp rưỡi hoặc trên gấp đôi.

Sau khi kể ra nhiều công lao của Đảng, ông Trọng viết: “Ở Việt Nam, không có một lực lượng chính trị nào khác, ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam có đủ bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín và khả năng lãnh đạo đất nước”.

Về hình thức, đoạn trên phản ảnh đúng một sự thật, nhưng nguyên nhân tại sao? Có phải vì dân tộc Việt không thể sinh ra người tài giỏi? Không phải như vậy mà chính vì đảng Cộng sản cầm quyền giành quyền “lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối”, không chấp nhận bất kỳ ai có ý kiến khác với họ. Công an và tòa án sẵn sàng đàn áp tàn khốc những người có xu hướng chính trị chỉ hơi khác với chính quyền. Mới sinh ra, chưa kịp thở đã bị bóp chết thì làm sao có thể trưởng thành để lãnh đạo đất nước?

Kết thúc phần hai, ông Trọng viết: “Với tất cả sự khiêm tốn của người cách mạng, chúng ta vẫn có thể nói rằng: ‘Đảng ta thật là vĩ đại! Nhân dân ta thật là anh hùng! Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay’.”

Nói là khiêm tốn, nhưng thật ra câu đó chứa đầy sự kiêu ngạo cộng sản mà không khó khăn gì để phát hiện.

(Còn tiếp)

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Lú viết :”với tất cả sự khiêm tốn của người cách mạng” thì đó là cái sự “khiêm tốn cộng sản”, chứ không phải là cái sự khiêm tốn thông thường, thưa cụ.
    Và Tổng thống Thiệu đã rất đúng khi nhắn nhủ :” Đừng nghe cộng sản nói…”

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây