8-2-2024
Sau khi thi đậu vào báo Phụ Nữ, lần đầu tiên tôi được dự phiên họp tòa soạn toàn thể, có đại diện phòng báo chí của Ban Tuyên giáo xuống dự. Ông hiền khô, từ khuôn mặt đến giọng nói.
Khi ông đưa ra nhận xét báo tuần qua nhiều tin bài tiêu cực quá, trang báo nhìn u tối. Đại diện Ban Biên tập là chị Mai Hiền, phó tổng nội dung bật lại, đó là những sự kiện đã và đang xảy ra, báo tường thuật và có tỏ rõ chính kiến phản đối hành vi tiêu cực thì có nên xem đó là bài tiêu cực hay không. Ông Tuyên giáo cười cười rồi thôi.
Đến thời chị Khánh Tâm, một bài viết nêu sai phạm về một dự án bất động sản của nữ doanh nhân có cậu con trai nổi tiếng ông Tơn. Bài đăng. Có điện thoại của đồng chí lãnh đạo phụ trách phía Nam mời chị lên gặp.
Tổng biên tập xuất thân là bà cán bộ Hội Phụ nữ xinh đẹp xuất hiện tại văn phòng. Cửa mở. Chị bước vào và gặp ngay nữ doanh nhân. Đồng chí lãnh đạo vừa mới nói mấy câu, chị Khánh Tâm đã dứt khoát: Xin lỗi đồng chí, tôi chấp hành đến để trao đổi về bài viết với đồng chí nhưng với sự có mặt của đại diện doanh nghiệp ở nơi không phải tòa soạn như thế này thì tôi không làm việc. Tôi xin phép.
Và chị quẩy cái váy đen quen thuộc đi luôn một mách. Chị về và kể cho tôi nghe.
Sau này, tôi cũng nhiều lần lâm cảnh như chị. Ba bên, bốn bề, tứ hướng. Nhưng cốt lõi, điều may mắn nhứt là tôi có được lòng tin. Tin vào điều tốt. Tin vào sự thật.
Chuyện thứ nhất là với một phóng viên trẻ, cậu đi xác minh đơn phản ánh về một phòng khám hoạt động sai chức năng. Chẳng biết thế nào mà email tôi nhận được clip chủ phòng khám rút bao thư, dúi vào tay cậu. Cậu đẩy ra nhưng bên kia vẫn tiếp tục. Rồi cắt. Tôi và trưởng ban tòa soạn làm việc với cậu phóng viên. Cậu bảo họ cho em tiền nhưng em không nhận. Chúng tôi tin cậu bởi nhiều lý do, kể cả cái email “đi lạc” kia liệu có là vô ý?
Tôi âm thầm nhờ một bạn “chức năng” xác minh. Chủ phòng khám xác nhận là phóng viên Báo Phụ nữ không nhận tiền, dù bà tiếp tục nài. Lại còn tiết lộ thêm: Sau đó, bà có gọi lên phòng quảng cáo đăng ký quảng cáo nhưng nơi đây từ chối với lý do: Ban Biên tập quy định, khi đang thực hiện bài điều tra một đơn vị, công ty thì không nhận bất kỳ mẩu quảng cáo hay dạng bài PR nào của đơn vị, công ty đó.
Chuyện thứ hai là với đơn vị chủ quản – Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM, bài viết đụng đến một tập đoàn bất động sản, ngay trong đêm trước giờ báo đi in, có tin nhắn đề nghị dừng bài. Tôi hỏi lý do. Phía tập đoàn nói với chủ quản rằng báo phản ánh sai. Tôi báo cáo đã rà soát tư liệu, bảo đảm liều lượng thông tin đúng, vừa phải, nếu sai tôi chịu trách nhiệm nhưng phải để cho bài báo phát hành vì không lý gì, bài chưa ra mà doanh nghiệp lại “nhúng” vào công tác tòa soạn, duyệt đăng. Chủ quản chấp thuận. Và chúng tôi đã đúng.
Cũng có khi, phía chủ quản đề nghị chậm đăng một nhịp, để đích thân chủ tịch Hội kiểm tra hồ sơ vụ việc. Tôi chấp nhận vì biết bài viết rất chặt chẽ. Và đúng kỳ hẹn, chủ tịch Hội gọi nói đúng ba chữ, tôi vẫn nhớ như in: Đăng đi chị.
Cho nên, nhiều khi cái khó không phải chỉ từ trên mà từ trong – trong chính mình, trong nội bộ mình có đủ niềm tin vào sự thật, cái giá trị mà không chỉ nghề báo theo đuổi, nó là phẩm cách làm người, nhờ nó, vì nó mà mình tin nhau, trọng nhau và sẵn sàng “hy sinh” tất cả.
Vậy thôi… Nhớ đến đâu viết đến đó.
Viết đến đâu lại thấy mình may mắn đến đó, không gặp phải “người trên” mới hụ còi, người dưới đã co vòi chối bỏ…