Trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo để ở đâu?

Chu Mộng Long

11-12-2023

Xung đột giữa cô giáo và học trò, theo tôi, không còn là cá biệt ở Tuyên Quang. Theo báo chí và dư luận, đã từng diễn ra không ít ở nhiều nơi, phổ biến nhất là thầy bạo hành trò. Trò tấn công ngược lại thầy là hy hữu, coi như giọt nước tràn ly. Quy trách nhiệm cho toàn xã hội, nếu không có ý đánh bài khuấy loãng trách nhiệm, thì có lẽ ông Thứ trưởng muốn nói đó là lỗi của cơ chế, của hệ thống. 

Ảnh: Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn nói: Toàn xã hội phải có trách nhiệm vụ học sinh ‘quây’ cô giáo. Nguồn: CAĐN

Ý này tôi hoan nghênh. Nhưng ông nên cụ thể hoá, rằng xã hội là một kiến tạo với cơ chế, hệ thống nhất định, chi phối lối sống của cả cộng đồng, kể cả tâm lý cá nhân. Tâm lý là hiện tượng xã hội và “con người là tổng hoà các mối quan hệ xã hội”. Ai kiến tạo nên xã hội mà chúng ta đang sống? Và ai kiến tạo nên nền giáo dục mà những rối loạn đã đến mức sinh bạo loạn như vậy?

Tôi cứ giá như Bộ Giáo dục và Đào tạo không chỉ có trách nhiệm tạo ra các dự án ngàn tỉ để tiêu tiền ngân sách và thu các loại phí từ phụ huynh, học sinh, mà có trách nhiệm chấn chỉnh các tiêu cực trước thì giáo dục đã không đến mức rối loạn như một cơ thể bị mất kiểm soát của lý trí.

Tôi cứ giá như mỗi khi xảy ra tiêu cực trong ngành, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng lãnh đạo các cấp Sở, Phòng không vì thành tích mà cố tình bưng bít, che giấu đến mức cấm giáo viên và học sinh chia sẻ, bình luận thì giáo dục đã không thành cái ung nhọt đến ngày vỡ mủ với đủ loại giòi bọ phá hoại từ trong ra.

Tôi cứ giá như mỗi khi lộ các vụ bạo hành, dù là từ phía thầy hay trò, Bộ, Sở, Phòng không trấn áp, đe doạ các chia sẻ, bình luận mà chỉ đạo đến tất cả các trường, các bộ môn tổ chức sinh hoạt thảo luận công khai về những sự vụ ấy để răn đe và tìm ra giải pháp tích cực, thì ngành giáo dục đã không như kẻ mù, kẻ điếc làm càn.

Vừa rồi có học viên khoe với tôi rằng, “em có cách trừng phạt học sinh mà chúng khiếp sợ đến mức thấy thầy là cắm mặt xuống chứ đừng nói chuyện dám hỗn một câu!” Tôi hỏi cách gì vậy? Thì ra là vẫn dùng bạo lực, đấm đá, nhét giẻ lau vào mồm, nhốt vào toilet… Tôi hỏi, anh không đọc báo, không kết nối với mạng xã hội để nghe dư luận phản ứng về những sự vụ tương tự sao? Anh ta ngơ ngác như bò đội nón.

Tôi hiểu vô số giáo viên bị mù, bị điếc như anh ta. Họ không biết gì cả ngoài việc hàng ngày lên mạng khoe đủ thứ, kể cả khoe quà và phong bì để tự tôn vinh mình. Họ làm càn như côn đồ vô học chứ không phải nhà giáo được đào tạo những kĩ năng sư phạm.

Tôi không đòi các cấp quản lí phải ra tay trừng phạt từng vụ nhỏ nhặt mà chỉ cần công khai, minh bạch; nhờ công khai, minh bạch với tương tác xã hội cũng đủ dẹp các loại tiêu cực, các thành phần cặn bã vào sọt rác!

Trách nhiệm thuộc về ai thì ông Thứ trưởng tự hiểu!

_____

Bài liên quan: Bộ GD-ĐT: Toàn xã hội phải có trách nhiệm vụ học sinh ‘quây’ cô giáo (VNE).

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Trích
    “…xã hội là một kiến tạo với cơ chế, hệ thống nhất định…”
    @
    Xã hội do một cộng đồng người tạo ra, lập ra… bộ lạc hoặc quốc gia, liên quốc gia…cùng chung ý chí muốn tồn tại với nhau trên cùng một lãnh thổ.
    Vậy xã hội do chính con người làm nên.
    Trên căn bản nội dung nầy, có quyền dùng các khái niệm cấu trúc, cấu tạo, kiến trúc, xây dựng… để chỉ mọi hoạt động của con người trong xã hội nào đó.

    Riêng chữ KIẾN TẠO, có nội dung chỉ mọi tác động của LỰC KHÁCH QUAN, mà khiến cho thay đổi, hình thành nên, hoặc biến dạng, hao hụt, tan rã, dời đổi vị trí…
    mà KHÔNG DO BÀN TAY VÀ Ý CHÍ CỦA CON NGƯỜI,
    trái lại, DO THIÊN NHIÊN, và chỉ thiên nhiên.
    (bởi các động lực như động đất, cọ xát tự nhiên của những nguồn lực như sóng, gió, cát, va chạm, nghiêng ngả… vì mất cân bằng do xô đẩy bởi trọng lực, diễn ra trong hàng niên đại nhiều trăm triệu năm…)
    Thuật ngữ nầy chỉ dùng cho lãnh vực địa lý, địa chất. (Đôi khi cũng thấy đâu đó người ta dùng kiến tạo trong văn chương, là do thiếu cân nhắc, dùng đại).
    Thí dụ,
    “Mảng kiến tạo, xuất phát từ thuyết kiến tạo mảng, là một phần của lớp vỏ Trái Đất (tức thạch quyển). Bề mặt Trái Đất có thể chia ra thành 7 mảng kiến tạo chính và nhiều mảng kiến tạo nhỏ.” (Wikipedia)

  2. Nếu chỉ có đi tìm lỗi thì có mà bất tận và đó không phải là cách giải quyết, quan trọng là phải biết nguyên nhân và từ đó mới có cách giải quyết thỏa đáng. Phú quí sinh lễ nghĩa, bần cùng sinh đạo tặc, lẽ đời là vậy. Muốn thực hiện được thì ít nhất những khoai lang, thanh long, rau củ quả… với chất lượng kém ,không thể là chủ lực, mà phải thay thế bằng những sản phẩm công nghệ tinh xảo,mà cái này bắt nguồn từ những trang sách.Học hành vất vả, chi phí lớn… nhưng kết quả chỉ là những thứ nửa vời, là một thực tế.Muốn thay đổi nhưng làm mãi cũng không được vì không hiểu ,bế tắc trong tư duy được thể hiện rõ ràng qua nhiều lần cải cách giáo dục ,và tận cùng của nó chính là tích hợp…..

  3. Chế độ CS. là độc tài TOÀN TRỊ mà mở mồm ra là nói loanh quanh vòng vo tam quốc
    rằng thì là mà…xã hội, quần chúng thế này thế kia thì mãi mãi ở trong cái tình trạng
    “bệnh hoạn” vì ngoan cố không chịu nhận ra căn nguyên để triệt đi gốc rễ của nó !
    Từ căn nguyên độc tài toàn trị nói trên mà nảy nòi ra cái “nguyên tắc” bất công là đối
    xử phân biệt theo kiểu “con yêu con ghét”, từ đó mà có nạn bè phái, không những ở
    lãnh vực giáo dục mà còn trong nhiều lãnh vực khác hay nói tóm lại là làm việc theo
    cảm tính, chứ không phải theo “logic” và công lý ?

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây