Tên đường (Kỳ 5)

Nguyễn Thông

2-12-2023

Tiếp theo kỳ 1 — kỳ 2kỳ 3kỳ 4

Nhân chuyện đặt tên đường có nhẽ phải nhắc ngay tới cụ Trần Văn Lai, người đã để lại dấu ấn đặc biệt trong vụ đổi lại tên đường cho Hà Nội giữa năm 1945. Mà đã nêu tên cụ Lai thì lại nhớ ngay một nhân vật lẫy lừng khác, cụ Trần Trọng Kim.

Chính hôm nay 2.12, cách đây tròn 70 năm, cụ Lệ Thần Trần Trọng Kim mất. Bữa trước, khi sang thăm Nhật Bản, ông trẻ Võ Văn Thưởng đã rủ rỉ lẫn cao giọng trước người Nhật rằng, “nếu dùng một câu thật khái quát, ngắn gọn và cảm xúc về quan hệ hai nước chúng ta, tôi xin nói đó là ‘lương duyên trời định’.” Ta cứ tạm hiểu lời ông trẻ, như có duyên tiền định.

Chả biết đứa nào gợi ý hay mách bảo mà ra câu lập ngôn ấy, nhưng đúng thực bức tranh Việt – Nhật từng có những nét chạm khắc đáng kể. Chẳng hạn cụ Sào Nam Phan Bội Châu và bậc thân vương Kỳ ngoại hầu Cường Để đã từng có thời gian khá dài ở Nhật để học hỏi, mở mang đầu óc, tìm cách phục quốc. Và không thể nhắc, chính người Nhật thời còn nắm quyền ở Việt Nam đã chọn cụ Trần Trọng Kim làm thủ tướng chính phủ, cái chính quyền sau đó bị Việt minh cướp mất.

Cụ Trần Trọng Kim. Nguồn: Wikimedia

Trần Trọng Kim là người thế nào, rồi lịch sử còn tốn nhiều giấy mực, nhưng tài năng, danh tiếng, trước tác do cụ để lại thì chẳng ai (trừ cộng sản) có thể phủ nhận. Đất nước này phải lâu lắm mới đẻ được con người vạm vỡ như vậy. Chả hạn gần thế kỷ nay, có ai làm được cái việc một mình soạn ra bộ lịch sử Việt Nam đầy đủ chi li như bộ “Việt Nam sử lược” của cụ Trần Trọng Kim. Tất nhiên bộ sử này chưa hẳn đã đúng cả, như phần biên về nhà Mạc còn sai lệch, lấn cấn, thiếu khách quan. Vậy nhưng, sử quốc doanh sau khi cụ chết chỉ đáng xách dép cho ngọn núi tác giả và tác phẩm đồ sộ ấy. Nếu đặt tên đường một cách công tâm, chính xác, thì Trần Trọng Kim là cái tên xứng với những con đường hoành tráng nhất ở thủ đô hoặc các đô thị lớn, trong đó có thành phố Vinh xứ Nghệ quê ông.

Cụ đốc lý (thị trưởng, đô trưởng) Trần Văn Lai chỉ có hơn tháng đứng đầu bộ máy cầm quyền thủ đô nhưng đã kịp làm được điều tầm quốc gia: Đổi tên những con đường, đưa chúng từ nỗi ám ảnh thực dân trở thành vinh dự dân tộc. Những cái tên Pháp gợi một thời thuộc địa đau thương bị xóa bỏ, thay bằng những sự kiện lịch sử, danh nhân vốn là niềm tự hào của đất nước này.

Thay đổi, nhưng không để yếu tố chính trị xen vào. Một mình cụ Lai làm được và làm tốt cái điều sau này những hội đồng nhân dân, hội đồng đặt tên đường không làm được. Chỉ tiếc mỗi điều, khi thực thi sự đổi mới, cụ Lai lại hơi quá tay, cho phá bỏ nhiều bức tượng-công trình văn hóa, ví dụ tượng đài canh nông, tượng nữ thần tự do… Ông anh tôi bảo, cũng đừng trách cụ Lai, bởi nếu cụ không phá thì đám tượng quý ấy cũng không thể nào sống sót sau năm 1954.

(Còn tiếp)

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Thầy phá phải kể đến mứa anh việt cộng như ĐM, Lê Duẩn, Đặng Xuân Khu..bọn chúng phá vì dốt nát cùng cực.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây