Nguyễn Đình Cống
25-11-2023
Năm 1924, cụ nghè Ngô Đức Kế (1878-1929) viết bài “Luận về chánh học cùng tà thuyết”, mở đầu như sau: “Vận nước thịnh hay suy, quan-hệ tại đâu? — Tại nhân tâm thế đạo. Nhân tâm thế đạo xấu hay tốt, cỗi gốc tại đâu? — Tại học thuyết tà hay chính. Rộng xét năm châu, trải xem lịch sử, dọc ngang mấy vạn dặm, trên dưới mấy nghìn năm, từ Đông đến Tây, từ xưa đến nay, hễ nước nào khi vận nước cường tất là khi ấy trong nước chính học sáng rệt, nước nào khi vận nước suy đốn, tất là khi ấy trong nước tà thuyết lưu hành. Chính học sáng rệt thì thế đạo nhân tâm phải tốt, mà vận nước cũng theo chính học nổi lên, tà thuyết lưu hành thì nhân tâm thế đạo phải hư mà vận nước cũng theo tà thuyết mà đắm mất”.
Khi tà thuyết lưu hành, người ta dễ dàng truyền bá những ngụy biện, đổi trắng thay đen, cụ nghè viết: “Vả lại cái tính loài người, theo điều phải thì khó khăn như trèo ngược núi, theo điều xằng thì dễ dàng như nước chảy xuôi. Vậy cho nên lúc vận nước đã suy, thì trăm nghìn người phò trì chính học mà không đủ, một người xướng lên tà thuyết mà hãm hại nhân tâm thế đạo có thừa; gớm ghê thay! Cái tà thuyết làm say đắm lòng người không biết đến đâu mà nói! Một người xướng, mười người họa, cho đến trăm, nghìn người họa, lần lần phong bành cả nước; lấy trái làm phải, lấy xấu làm đẹp, lấy thối làm thơm, mà thế đạo nhân tâm hiện ra một tấn xú kịch: Nước không thành nước, người không thành người!”
Cụ nghè viết tiếp: “Thương hại thay! Trong nước kẻ học thì ít, kẻ không học thì nhiều; học mà có kiến thức thì ít, học mà không có kiến thức thì nhiều: Những văn chương nhảm nhí, ngôn luận càn xiên đã tràn khắp cả nước làm cho phải trái điên đảo, đen trắng lẫn phèo, rồi ra lấy dốt làm thông, tôn nịnh làm thánh: Đá vũ phu mà cho là ngọc, nàng Vô Diệm mà cho là sắc khuynh thành; đạo đức càng ngày càng suy đồi, nhân tâm càng ngày càng theo về đường hư ngụy” (*).
Xã hội Việt Nam vào năm 1924, tuy kiểm duyệt khắt khe nhưng vẫn còn một chút tự do ngôn luận, tự do báo chí, tuy có nhiều người bị tà thuyết mê hoặc nhưng cũng còn có nhiều người được nói lời phản biện để thức tỉnh những ai còn có lương tri.
Nhưng trong xã hội mà mọi tiếng nói phản biện đều bị ngăn cấm, mọi người lên tiếng phản biện đều bị quy tội là phản động, là kẻ thù giai cấp, có gặp may lắm mới thoát tù tội hoặc đày ải thì tình hình khác xa. Họ vừa viết hoặc nói, dù chỉ một câu; chưa cần đọc, chưa cần nghe, không cần biết họ đúng sai chỗ nào, thì những người tôn sùng tà thuyết đã vội vàng phủ định và lăng mạ, chỉ vì cái nhãn phản động. Mà đã là phản động thì phải xóa bỏ tất cả mọi thứ kể cả sinh mạng. Trong lúc đó, một người có vai vế nói ra một câu, chưa biết đúng sai như thế nào thì đã có hàng ngàn, hàng vạn lời nịnh bợ, tung hô.
Tà thuyết về chính trị, về khoa học, về mê tín dị đoan v.v… thì dễ hiểu, nhưng liệu có tà thuyết về văn hóa hay không, khi mà nghe nói đến văn hóa là người ta nghĩ về những điều chân, những điều thiện, những thành tựu tốt đẹp về tinh thần và vật chất. Thực ra là có đấy, đặc biệt là ở những nơi mà dân trí còn thấp, những nơi mà nhiều nghịch lý còn tìm được chỗ ẩn náu và phát triển.
Khi theo dõi Hội nghị Diên Hồng về văn hóa tháng 11 năm 2021, tôi phát hiện ra nhiều người, kể từ lãnh đạo cấp cao đến người tổ chức, tham dự và hưởng ứng hội nghị, đã phạm một sai lầm rất lớn là nhầm lẫn, ghép các “Hoạt Động Văn Hóa” với “Bản Chất Văn Hóa”. Nhầm lẫn do hai nguyên nhân. 1- Văn Hóa là một khái niệm rất rộng, có nhiều định nghĩa khác nhau. 2- Việt Nam có một Bộ Văn hóa chuyên quản lý, điều hành các hoạt động văn hóa.
Sau Hội nghị Diên Hồng về văn hóa, đặc biệt khi biết dự án chi 350 ngàn tỷ đồng để chấn hưng văn hóa, tôi đã viết một số bài báo vạch ra sự nhầm lẫn tai hại này, hy vọng thấu đến tai mắt lãnh đạo và có điều chỉnh, nhưng hình như không một ai có trách nhiệm chịu để ý đến. Hơn nữa gần đây, từ VTV1 tôi còn nghe nói đến kế hoạch làm “Công nghệ văn hóa” để chấn hưng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, thì càng ngạc nhiên (không biết tôi có nghe nhầm không).
Sự nhầm lẫn này, nếu chỉ là của dân thường thì tác hại không lớn, chỉ gây ra nhận thức không đúng. Nhưng khi lãnh đạo cấp cao bị nhầm hoặc cố tình nhầm rồi từ đó vạch ra dự án chi một núi tiền để chấn hưng văn hóa dân tộc và tuyên truyền cho nó, rồi áp đặt cho nhiều người thì sự nhầm lẫn ấy đã trở thành một thứ tà thuyết.
Nhầm lẫn hoạt động với bản chất là tai hại, chứng tỏ còn bị vô minh ngự trị.
Hoạt động văn hóa được định nghĩa: “Văn hóa là những hoạt động của con người nhằm thỏa mãn nhu cầu đời sống tinh thần”. Đó là những hoạt động như biểu diễn, phim ảnh, xuất bản, lễ hội, bảo tàng, di tích, triển lãm, thư viện v.v…
Bản chất văn hóa được định nghĩa: “Văn hóa là tổng thể những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra”. Những giá trị này mới mang tính đậm đà bản sắc dân tộc.
Phải chăng cả hai định nghĩa đều bắt đầu bằng “Văn hóa là…”, làm cho người ta có cớ để nhầm, một sự nhầm được nâng lên thành tà thuyết để lợi dụng.
Tà thuyết về văn hóa đang làm rối loạn tinh thần của những người Việt có lương tri, đang biến xã hội thành một loại bùng nhùng như cụ nghè Kế viết: “Ngôn luận càn xiên đã tràn khắp cả nước làm cho phải trái điên đảo, đen trắng lẫn phèo, rồi ra lấy dốt làm thông, tôn nịnh làm thánh: Đá vũ phu mà cho là ngọc, nàng Vô Diệm mà cho là sắc khuynh thành; đạo đức càng ngày càng suy đồi, nhân tâm càng ngày càng theo về đường hư ngụy”.
Chấn hưng văn hóa là khôi phục bản chất tốt đẹp của văn hóa dân tộc, bản chất đó được hình thành và phát triển trên nền tảng tình yêu thương và lòng tôn trọng con người chứ chủ yếu không phải chi nhiều tiền để làm mới một số công trình (đặc biệt là tượng đài và vườn hoa) hoặc phát triển các hoạt động văn học nghệ thuật.
Những người, khi nói đến văn hóa thường kèm theo “đậm đà bản sắc dân tộc” thường chỉ là loại sáo, vẹt, nói mà không hiểu bản chất văn hóa nằm ở đâu, họ sợ không nói theo câu đó của lãnh đạo sẽ bị đánh giá thấp, mặc dầu nếu có ai đó dám liều mạng hỏi lãnh đạo “cái đậm đà bản sắc dân tộc” ấy được thể hiện như thế nào thì chắc rằng nhiều lãnh đạo chỉ ậm ờ vòng quanh.
Bản chất văn hóa chủ yếu ở giá trị tinh thần, mà để tạo ra nó, tổ tiên chúng ta không cần đến nhiều tiền mà đã thực hành và truyền bá đạo đức làm người lương thiện. Nền đạo đức ấy đang bị suy thoái.
Tà thuyết về văn hóa đang lưu hành rộng rãi với công suất lớn, nó sẽ gây ra những tác hại khôn lường. Nếu những người có lương tri không tìm cách chặn lại thì rồi không biết đất nước này, dân tộc này sẽ đi về đâu.
_______
Ghi chú:
(*) Nàng Vô Diệm là người phụ nữ được cho là rất xấu ở nước Tề (thời Chiến quốc bên Tàu), nhưng khá thông minh, được nhà vua phong làm vương hậu.
Bài “Luận về chánh học cùng tà thuyết” đăng trên Hữu Thanh tạp chí số 21, ngày 1 tháng 9 năm 1924. Bài cũng đã được đăng lại trên tạp chí Nam Phong số 86. Sau đây là toàn bộ nội dung, được tìm thấy ở Wikisource:
Luận về chánh học cùng tà thuyết
Vận nước thịnh hay suy, quan-hệ tại đâu? — Tại nhân tâm thế đạo. Nhân tâm thế đạo xấu hay tốt, cỗi gốc tại đâu? — Tại học-thuyết tà hay chính.
Rộng xét năm châu, trải xem lịch-sử, dọc ngang mấy vạn dặm, trên dưới mấy nghìn năm, từ đông đến tây, từ xưa đến nay, hễ nước nào khi vận nước cường tất là khi ấy trong nước chính-học sáng rệt, nước nào khi vận nước suy đốn, tất là khi ấy trong nước tà-thuyết lưu hành; chính-học sáng rệt thì thế-đạo nhân-tâm phải tốt, mà vận nước cũng theo chính học nổi lên, tà-thuyết lưu hành thì nhân-tâm thế đạo phải hư mà vận nước cũng theo tà thuyết mà đắm mất.
Khi chính-học đang quang minh, thì tà thuyết không có chỗ nào xen vào được; tà-thuyết lưu-hành trong nước như gió lướt cỏ, như nước vỡ đê; không ai ngăn cản, thì thường vào lúc chính-học đã suy đồi, mà nhất là lúc việc đời biến cải, việc nước đổi thay, quốc thị mơ màng, nhân tâm bở-ngở, nền cũ đã đổ, nhà mới chưa thành bậc hiền nhân quân-tử, thì kín tiếng dấu tăm, nằm co ở nơi thảo dã, mà bọn bỉ-phu tục tử thì khua chuông gõ mõ, nhảy-nhót ở trên vũ đài; lúc ấy chính là lúc tà thuyết thừa cơ mà lấn lướt chính-học.
Thầy thuốc ta nói rằng: khi trong mình mà chính khí hư nhược, thì ngoại tà nhân dịp mà xâm vào, làm cho người phát bệnh, lần lần do biểu mà nhập lý, thì thành bệnh khó trị. Thầy phù thủy nói rằng, khi trong mình mà chính thần không bảo hộ, thì quỷ tà nhân dịp mà ám vào, cũng làm cho người phát bệnh, lần lần rồi người hóa ra ma. Tà thuyết cũng như thế: Vì chính học suy, cho nên tà thuyết thịnh, tà thuyết đã thịnh thì chính học phải đến tiêu vong, hai đàng ấy tiêu trưởng tồn vong dù đất nào thời nào cũng không sai một sợi tóc.
Vả lại cái tính loài người, theo điều phải thì khó khăn như trèo ngược núi, theo điều xằng thì dễ dàng như nước chảy xuôi. Vậy cho nên lúc vận nước đã suy, thì trăm nghìn người phò trì chính học mà không đủ, một người xướng lên tà thuyết mà hãm hại nhân tâm thế đạo có thừa; gớm ghê thay! cái tài thuyết làm sa đắm lòng người không biết đến đâu mà nói! Một người xướng, mười người họa, cho đến trăm, nghìn người họa, lần lần phong bành cả nước; lấy trái làm phải, lấy xầu làm đẹp, lấy thối làm thơm, mà thế đạo nhân tâm hiện ra một tấn xú-kịch: nước không thành nước, người không thành người!… Thầy Mạnh Tử sinh ở đời Chiến-Quốc, vì lúc ấy cái học-thuyết họ Dương họ Mặc thịnh hành trong thiên hạ, mà thầy phải lo cự họ Dương họ Mặc, giáng minh cái học Chu, Khổng để chữa đổi lòng người. Đời sau khen ngợi cái công thầy Mạnh tịch-tà-thuyết, chính-nhân-tâm không thua gì công vua Vũ tháo nước lụt, đuổi muông dữ, để cho thiên hạ được an cư lạc-nghiệp. Vì sao mà nói thế? — Là vì cái hại tà thuyết mê đắm lòng người có kém cái hại nước lụt trôi người, muông dữ ăn người đâu, mà lại thậm hơn nữa.
Nước Việt-Nam ta vài nghìn năm nay, học chữ Hán, theo đạo Khổng, Hán-văn tức là Quốc-văn. Khổng học tức là Quốc học: tuy rằng giang sơn biến cải, triều đại đổi thay có mấy mươi lần, cơn hiểm nguy biến loạn đã nhiều, mà chính học một giòng vẫn không sa sút, nhân tâm, phong tục, đạo đức, chính trị, đều bởi đó mà ra: nước nhà, giống nòi, cũng nhờ đó mà vững được. Từ khi Âu trào tràn khắp thế giới nước ta có cuộc bảo hộ, mà cái lối học « chi, hồ, giả, dã » mới đổi sang « a, b, c, d ». Đem Âu học mà đổi Hán học, không phải là có hại, song thiên hạ việc gì cũng thế, phá cái cũ thì dễ mà chóng, lập cái mới thì khó mà lâu. Âu học chưa vin được ngọn ngành, mà Hán học đã dứt cả cội rễ; những người chân chính Âu-học có kiến-thức tư-tưởng, thì còn trông mong ao ước ở đâu chưa thấy, mà những chân nho chính-sĩ Hán-học thì đã quá nửa mòn-mỏi điêu linh.
Chính-phủ thì chỉ có thể chăm-lo tác-thành lớp nhân tài trong các học đường mà thôi, còn ngoài ra miễn là không phạm đến chính-trị thì tha hồ ngôn-luận: Nhà in đã sẵn, sở báo cũng nhiều; khi ấy bọn văn sĩ giả dối mới ứng thời xuất hiện. Những người học thức kiến văn chưa được một nắm, nhân cách giá trị chẳng đáng là bao, mới lom-lem những học thuyết ông Mạnh (Montesquieu), ông Lư (Rousseau) bập bẹ những cách ngôn họ Trang, họ Liệt, thì đã nghiễm nhiên tự lập thành một đấng văn-hào, tự-xưng khai-hóa quốc dân, mà không ngó lại tự mình đã khai hóa hay chưa; thôi thì bài diễn văn chất đống, sách du ký đầy thùng, thôi thì tán xằn tán nhảm, nói bậy, nói càn, không còn có nghĩa lý chính đáng chi nữa.
Thương hại thay! trong nước kẻ học thì ít, kẻ không học thì nhiều; học mà có kiến thức thì ít, học mà không có kiến thức thì nhiều: những văn chương nhảm nhí, ngôn-luận càn xiên ấy đã tràn khắp cả nước làm cho phải chăng điên đảo, đen trắng lẫn phèo, rồi ra lấy dốt làm thông, tôn nịnh làm thánh: đá vũ-phu mà cho là ngọc, nàng Vô-Diệm mà cho là sắc khuynh-thành; đạo đức càng ngày càng suy-đồi, nhân-tâm càng ngày càng theo về đường hư-ngụy. Cái xã-hội Âu chẳng ra Âu, Hán chẳng ra Hán này, há không phải bởi cái nhân-vật giả-dối Âu chẳng ra Âu, Hán chẳng ra Hán ấy, múa bút khua lưỡi mà gây nên ư? Tác giả có phải cố-ý bài bác người đời để mua hờn chác oán làm chi; thiệt là trông ra gai mắt, nghĩ đến đau lòng, muốn nói cũng chẳng nói hết đâu, hãy dẫn ra sau này một chuyện:
« Kim vân Kiều » là sách gì? Chưa nói đến sự tích thiệt không, chưa kể văn chương hay dở, chỉ nhắc đến cái tên sách thì nghe đã không thể nào ngửi được; vì sao thế? Phàm bộ truyện nào, dầu trong có bao nhiêu nhân vật mặc lòng, chỉ là một người làm chủ nhân: sự tích là sự tích một người chủ nhân ấy, thì tên sách cũng theo đó mà gọi. Nay truyện ấy là sự tích cô Vương-thúy Kiều, mà tên sách đặt ba người: một người thì lấy chữ họ mà mất tên, hai người thì lấy chữ tên mà mất họ, thì thiệt là đốt vô cùng. Cái tên ấy, chắc là tự nhà khắn bản in đặt ra, chứ ông Nguyễn Du chắc không đặt tên dốt như thế? Dù cái tên ấy là nguyên bản của Tàu, là nguyên bản của Tàu thì càng đủ biết rằng truyện ấy đặt ra bởi một anh Tàu dốt nào đó mà thôi. Nói đến sự tích, thì phàm chuyện tiểu-thuyết đều là lấy một chút sự thực trong lịch-sử, hoặc là tự ý nhà văn-sĩ bịa ra, chứ bất tất có chuyện thiệt. Chuyện « Thanh tâm tài nhân » (tức là truyện Kiều) là một bộ tiểu thuyết tầm thường không có giá trị gì. Xem bộ « Tình sử » của Tàu, biết bao nhiêu chuyện li-kỳ hơn nữa. Và dù sự tích ấy mà có thiệt đi nữa, thì một đôi thiếu niên nam nữ, đêm thanh người vắng, trèo tường trổ ngõ, ước hội chuyện trò với nhau, đối với phong hóa đạo-đức là việc bất chính, mở đầu quyển sách như thế, dù sau có tô vẽ hiếu nghĩa gì đâu nữa, cũng không đủ làm gương tốt cho đời.
Nói về văn chương quốc âm của ông Nguyễn Du, thì vẫn là hay thiệt, song cái lối văn vận, ngâm nga ngợi hát, chỉ là một lối trong đạo văn chương. Văn tuy hay, mà truyện là truyện phong tình, thì có vẻ ai dâm sầu oán, đạo dục tăng bi tám chữ ấy không tránh đàng nào cho khỏi. Cái bản ý ông Nguyễn Du làm truyện « Đoạn-Trường tân-thanh » ấy (tức là truyện Kiều) chỉ là mượn văn chương mà ngụ chút tâm sự mình; cho nên ông đã có câu: « Lời quê góp nhặt nên bài, mua vui cũng được một vài trống canh ». Xem thế thì biết truyện ấy chỉ là một thứ văn chương ngâm vịnh chơi bời, để lúc thanh nhàn mà đọc đôi câu cho tiêu khiển, chứ không phải một thứ văn chương chính đại theo đường chính học, mà đem ra dạy đời được đâu.
Ngày trước, các cụ tiền bối thường cấm con em xem truyện Kiều: trong xã hội, ai hay đọc Kiều nghêu ngao, thì cho là kẻ đàng điếm. Ý các cụ nghĩ rằng: các gả thiếu niên chí khí chưa định, tình dục đang nồng, xem truyện thì mê, rồi sinh cái tư tưởng trộm ngọc cắp hương, khêu hoa ghẹo nguyệt, say đắm trong trời tình bể ái, mà mềm nhũn cái gan lòng sắt đá, bỏ mất cái chí nguyện cao xa. Cái phép gia đình giáo dục của các cụ như thế, thiệt phải lắm. Vì cái tính trộm ngọc cắp hương, say hoa đắm nguyệt, người sinh ra không dạy cũng biết, vẫn cấm mà không được, huống chi lại thấy trong sách trong truyện, ngâm nga ngợi hát, thành ra một việc rất phong nhã rất hào hoa.
Thế mà ngày nay « đức » văn-sĩ giả dối ta biểu dương truyện Kiều lên, để khai hóa cho quốc dân, đem truyện Kiều làm sách « quốc văn giáo khoa » (sách dạy) làm sách « sư phạm giảng nghĩa » (sách thầy). Văn-sĩ thường nói rằng: « học Hán văn là học mượn, học Pháp văn là học mượn; học quốc văn mới là học nhà: truyện Kiều tức là sách nhà đó ».
Ôi! Học làm quốc văn thì học thế nào? — Bài này chưa có thể nói kỹ được: song có phải là học nghĩa-lý, danh từ, về các khoa học, luân lý, cách-trí, chính-trị, cùng là phép luân lý, phép ký-sự, để xem các sách về ngôn luận của ta cho hiểu, để đem tư tưởng sở đắc trong Pháp-học mà phát ra làm trước thuật ngôn luận của ta cho thông không? hay là học cái lỗi thơ phú ca ngâm, nắn một chữ cho hay, dùng những điển cho lạ, rung đùi lắc gối như lối học ngày xưa đã vì thế mà người ngu nước yếu nay lại đổi ra chữ nôm? hay là những cái danh từ tài tử giai nhân, ba sinh duyên nợ, gương thề quạt ước, liễu dựa hoa kề, rày ước mai ao, thầm yêu trộm nhớ, xưa nay không ai dạy mà không mấy ai không thuộc lòng thuộc lòng, trong các bức hoa tình không câu nào không Kiều, mà nay còn phải dạy nữa cho thêm hay thêm giỏi, thế là học quốc văn ư? Một anh giả dối lóp lép, đứng đầu sùng bái Kiều, mà một bọn u mê hờ hững gào hơi rán sức để họa theo, còn một lớp người chỉ nghe lóm nhìn mồm thì về tay tán thưởng, khiến người phải bịt tai bưng mũi, phải nhức đầu long óc vì những tiếng to « quốc văn…. Kim-Vân-Kiều… Nguyễn Du… »
Cứ như ý họ, thì nước ta ở thế kỷ này, mà muốn chế cái tể thuốc « thập hoàn đại bổ » cho dân cho nước, thì không chi bằng quyển sách « trăm năm trong cõi người ta ». Cứ như lời họ, thì từ lúc Gia-long lại nay, nước Nam ta có cái của rất quí báu, mà người mình ngu dại không biết là quí, nay nhờ đức văn-sĩ có cái đại-nhãn đại-thức mà phát-minh cái của báu ấy cho dân cho nước được nhờ: kể cái công phát kiến không kém gì ông Kha-Luân-Bố (Colomb) tìm được Mỹ-châu vậy!
Vậy cho nên, trong nước ngày nay, nào là bình phẩm văn chương Kiều, nào là phê-bình Kiều, nào là chú-thích Kiều, nào là thơ vịnh Kiều, cho đến hát tuồng Kiều, diễn kịch Kiều, chớp ảnh Kiều, trong nhà ngoài đường, trên trời dưới đất đâu đâu cũng Kiều. Cứ xem hiện trạng ấy, thì nước Việt-Nam ngày nay gọi tên là Kim-Vân-Kiều quốc, nòi giống Việt-Nam ta mà gọi là đại Kim-Vân-Kiều tộc cũng đúng lắm chứ không sai!
Xem trong bộ « Tùy viên thi ngoại » có nhà làm bài thơ vịnh Quan-công, dùng sự tích Vân-trường bỉnh chúc (là lúc Quan-công cầm đuốc suốt đêm đứng hầu Nhị Tẩu) mà ông tùy viên chê rằng đem sự tích tiểu thuyết mà làm vào thơ, là người vô học. Bộ « Tam quốc Chí » bộ tiểu thuyết nhất danh tiếng, sự tích Quan công ai chẳng tin thật mà kính thờ; thế mà người ta còn cười đem tích tiểu thuyết làm thơ. Truyện « Tham tâm tài nhân » là tiểu thuyết hèn mạt bên Tàu, mà nay nước Việt-Nam tôn phụng làm chính kinh chính sử: thiệt là rước lấy một cái đại sỉ nhục!
Thậm chí sùng bái truyện Kiều mà nói rằng: « truyện Kiều là quốc hoa, là quốc hồn, là quốc túy của Việt-Nam »: — Không biết có còn quốc gì không? — Xưng tụng ông Nguyễn Du mà nói rằng: Nguyễn Du đổ máu làm mực, làm vẻ vang cho giống nòi ». Ông Nguyễn Du dịch Kiều từ đời Gia-long; thế thì từ Gia-long về trước, chưa có truyện Kiều, thì nước ta không quốc-hoa, không quốc-túy, không quốc-hồn; thế thì cái văn-trí vũ-công mấy trào Đinh, Lý, Trần, Lê, sáng chói rực rở đó, đều là ở đây đem đến cho bọn « học thuê viết mướn » ấy mà thôi; thế thì những bậc đại hào kiệt, đại huấn nghiệp, cứu dân giúp nước, tái tạo giang-sơn, mở mang bờ cõi cho nước ta ngày xưa, không ai làm được vẻ vang cho nòi giống, không ai đáng kỷ niệm cả; mà chỉ ông văn-sĩ làm sách « trăm năm trong cõi » là làm vẻ vang giống nòi, là đáng kỷ niệm mà thôi? Giống nòi ta vẻ vang ra thế nào?!…
Thậm nữa lại nói rằng « truyện Kiều quan hệ văn hóa Việt-Nam, truyện Kiều quan hệ quốc-văn Việt-Nam nếu không có truyện Kiều thì tình trạng dân tộc Việt-Nam chưa biết đến thế nào »: thiệt là con oanh học nói, xằng xiên bậy bạ, giồ dại điên cuồng, tà thuyết vu dân đến thế là cực! Mà có ai cho là tà-thuyết đâu; nay đã nhà treo một bức, cửa yết một tờ, kèn trống rước vào, hương hoa cúng lễ rồi: « truyện Kiều là văn hóa Việt-Nam; truyện Kiều là sách học quốc-văn », in vào trong óc, thấm vào trong lồng, tỉ như ngoại tà đã nhập đến ngũ tạng, quỉ-tà đã ám mất linh hồn, thì dù lang-y hay giỏi đến đâu, pháp sư cao tay đến đâu, tưởng cũng không cứu được nữa.
Trịnh Khải ở đời Đường, vì tiếng hay thơ, mà làm quan Tể-tướng (cụ lớn); anh ta lấy làm ái ngại mà tự nói rằng: « Trịnh-Khải mà làm Tể-Tướng thì cuộc đời chẳng nói cũng biết rồi », Ôi! than ôi! Kim vân Kiều mà cai trị nước Việt Nam, thì xã hội Việt Nam không nói cũng biết rồi!…
Cái đám lãnh đạo mà hiểu những điều cụ Cống nói chít liền á, chúng nó toàn tiến sĩ giấy cả thôi, tư duy đất sét cụ ráo trọi.
Ôi, trích đoạn của bác trong bài của cụ NĐK, sao mà nó xác đáng, nó thích hợp thế ! Đã gằn chín mươi năm, điều cụ Nghè Ngô bàn vẫn mang tính thời sự như mới viết gần đây
Nhân tâm, thế sự sẽ thế nào trong một xã hội đảo điên, người trong thiên hạ cứ chống mắt lên nhìn sẽ biết . Lãnh đạo có nghe, có thấy , có biết hay không , người ta không hiểu được , Bởi, mọi kiến nghị, mọi thỉnh cầu, mọi tâm thư đều “Bặt vô âm tín” . Đã thế, còn hi vọng gì . Nhưng, bác thấy chả lẽ ngồi không, nên vẫn viết , phải không ạ .
Cảm ơn bác .