Nghĩ vụn nhân vụ bình chọn 50 tác phẩm!

Lê Huyền Ái Mỹ

21-11-2023

TP.HCM đang hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, một trong nhiều hoạt động là bình chọn các sự kiện, công trình, tác phẩm ở các lĩnh vực, với con số biểu tượng 50 để tôn vinh.

Đọc báo, thấy sáng nay, Hội Sân khấu TP.HCM tổ chức hội nghị giới thiệu tác phẩm tiêu biểu. Những đề xuất đã lần lượt xuất hiện và dĩ nhiên là xứng đáng, mà trước nhất xứng đáng là một tác phẩm giá trị, xứng đáng được/bởi công chúng đón nhận, yêu thích, lưu giữ… Có hay không cuộc bình chọn, đề xuất này (với cơ man tiêu chí) thì nó cũng đã tồn tại và được tôn vinh trong lòng khán giả, người dân thành phố. Vậy có cần tốn kém giấy má in ấn, thời gian, chi phí hội họp…?

Vả lại, 50 năm là thời gian hữu hình, còn văn hóa nghệ thuật với sức sáng tạo, ngôn ngữ trong mỗi loại hình, tác phẩm là “vô hình”, là giá trị không thể cân đong, đo đếm. Việc cố sức lượng hóa 50 tác phẩm chắc chắn sẽ gây tranh cãi. Vậy có cần hao tốn công sức, năng lượng; và tất nhiên thời gian đáng ra để làm những việc hữu dụng hơn?

Những tác phẩm ra đời có ý nghĩa, tạo ra những khuynh hướng nghệ thuật, gây hiệu ứng xã hội rộng lớn thì chẳng cần ai đề xuất, thành phố cứ thế mà trao biểu tượng thành tựu 50 năm. Nhìn rộng ra, ở những lĩnh vực khác, nhất là kinh tế, 50 năm “thành phố đi trước về sau” đã luôn là người-mở-đường cho các định chế của cả nước như kinh tế tập trung, hướng đến xuất khẩu với mô hình khu chế xuất, khu công nghiệp Tân Thuận, Linh Trung (1991-1992), mô hình đổi đất lấy hạ tầng, giải quyết bài toán phát triển đô thị với sự ra đời của khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng…

Hay trước khi Quốc hội khóa VIII ban hành Luật Doanh nghiệp tư nhân và Luật Công ty năm 1991 thì từ năm 1989, UBND TP.HCM đã ban hành dưới hình thức một Quyết định nhằm chế định các loại hình doanh nghiệp như doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần nhằm tạo điều kiện phát triển khu vực kinh tế tư nhân theo khuôn khổ pháp lý…

Ra đời trong điều kiện hệ thống pháp lý chưa hoàn thiện và đồng bộ; các quan hệ quốc tế, khu vực đều mới “hé mở”, nguồn vốn, nguồn lực con người đều hạn hẹp càng cho thấy những nỗ lực “phá rào” thật sự đáng để ghi nhận, tôn vinh. Song, sau 50 năm, ngưỡng phát triển đã chạm…. giới hạn. Đúc kết, ghi nhận, tôn vinh nhưng có những mô hình đã lỗi thời thì cũng cần loại bỏ.

Vì vậy, trở lại câu chuyện bình chọn 50 tác phẩm, tôi lại nghĩ nhiều hơn làm gì, làm như thế nào, ai làm để sau cột mốc 50 năm, văn hóa – nghệ thuật thành phố có được những công trình, tác phẩm giá trị để xứng đáng điểm son 50, xứng đáng với nửa thế kỷ đã đi qua và trưởng thành.

Nhìn ra các lĩnh vực xã hội khác, cái cần là làm sao sau 50 năm, thành phố phải có nhiều hơn những trường học, bệnh viện, hệ thống chăm sóc sức khỏe, an sinh chất lượng cao và phục vụ bình đẳng cho người dân thành phố. Ngoái nhìn quá khứ để trân trọng, lưu giữ, tự hào nhưng cần nhìn thẳng vào hiện tại để hành động thực, tạo ra sản phẩm, đảm bảo mức sống tốt, duy trì xã hội trật tự, an toàn… Để cho tương lai, con cháu có cái mà nhìn lại hôm nay.

Với 2 năm còn lại, việc thoát khỏi đáy khủng hoảng liệu có thành công, tin là có, trước nhất theo chu kỳ. Nhưng, không chắc được gì khi ngày càng đối diện quá nhiều rủi ro, bất toàn của thế giới và… hội chứng “thùng xốp” từ bà cục trưởng. Cho nên, trong khi chờ một phép màu, hãy làm phép… tính tiết kiệm, đừng bày biện những hoạt động gây lãng phí, tốn kém, không thiết thực…

Như hôm rồi, đọc tin tổng kết ngành văn hóa năm 2023 của 5 thành phố trực thuộc trung ương, thấy TP.HCM báo cáo TP đã chi thường xuyên cho lĩnh vực VH&TT là 1.668 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 2,77%, vượt gần 1% so với chỉ tiêu đặt ra. “Điều này khẳng định sự quan tâm, đầu tư cho văn hóa, thể thao ngày càng được chú trọng” – Phó giám đốc Sở Võ Trọng Nam, vấn đề là chất lượng và hiệu quả đến đâu, ông đạo diễn ạ!

Chứ nhìn vào 4 mô hình của thành phố được Bộ tuyên dương, Bộ tiêu chí xây dựng gia đình hạnh phúc trên địa bàn TPHCM in màu hồng lung linh lắm, đăng trên trang web của Sở nhà, lỗi chính tả, mo rát sai đầy ra!

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Nên đưa những tác phẩm Tù Cải Tạo, Vượt Biên, Kinh Tế Mới, Ăn Độn, Hộ Khẩu, Tem Phiếu, Hợp Tác Xã, Cúp Điện…
    Bảo đảm dân Miền Nam sẽ hoan nghênh đón nhận tác phẩm sau 50 năm Phỏng Dái.

  2. Trong thòi gian dài thành phố đổi tên Saigon ra Hô chi Minh đã ưu tiên cho Đoàn thanh niên làm lãnh đạo nên họ đã phát huy phá cho tan Saigon và nhắn chìm xuống nước mọi con đường trong thành phố!

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây