Nghiên cứu khoa học và Liêm chính khoa học

Nguyễn Hồng Vũ

6-11-2023

Mấy hôm nay, tên của PGS.TS Đinh Công Hướng, giảng viên Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM, thành viên Hội đồng ngành toán Quỹ Nafosted (Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia), được nhắc đến trên khắp các phương tiện truyền thông, và là đề tài bàn luận của nhiều chuyên gia, cũng như người bình dân về một vấn đề “nghe có vẻ” nghiêm trọng, đó là vị GS này đã “vi phạm” liêm chính khoa học trong quá trình nghiên cứu.

Để trả lời cho vấn đề này, anh Hướng chỉ cho biết “Tôi làm vậy để kiếm tiền, cải thiện kinh tế, kiếm thêm thu nhập, mong muốn đời con mình sẽ được cải thiện hơn”. Ngoài ra, anh cũng nhanh chóng nộp đơn xin rút khỏi Hội đồng ngành toán Quỹ Nafosted.

Ở góc nhìn của mình, là một nhà khoa học, việc làm của anh Hướng nên cần được “cảm thông” hơn là bị “đấu tố”. Sự cảm thông của mình trong trường hợp anh Hướng không phải dựa vào sự dễ dãi trong cảm tính mà dựa vào mức độ ảnh hưởng trong “sai phạm liêm chính” và “hoàn cảnh hiện tại”.

Để hiểu về vai trò của “liêm chính khoa học” trong môi trường nghiên cứu, mình muốn nói qua về nghiên cứu khoa học và tầm quan trọng của nó. Chúng ta nên biết rằng “khoa học” đang đóng vai trò “sống còn” của con người trên trái đất này. Không có khoa học có lẽ con người chúng ta vẫn không biết rằng trong không khí có nhiều loại phân tử khí khác nhau; không thấy những thứ nhỏ hơn khả năng mắt thường thấy được như vi khuẩn, vi rút và thậm chí là DNA; không hình dung được âm thanh, ánh nắng và bức xạ hạt nhật đều di chuyển dưới dạng sóng ở các tần số khác nhau. Để một nghiên cứu khoa học đi đến ứng dụng thực tiễn vào đời sống, đó là một “quá trình” nghiên cứu của nhiều người, thậm chí nhiều thế hệ, sự phối hợp của các nghiên cứu đa ngành.

Lấy một ví dụ, để có vaccine COVID-19 ra đời trong đại dịch vừa qua thì không phải chỉ nhờ vào các nghiêu cứu trong 1-2 năm mà nó dựa vào khối lượng lớn các công trình nghiên cứu của cả lịch sử khoa học về DNA, virus, miễn dịch,… tin học, toán học, hóa học, vật lý cũng đóng vai trò không nhỏ.

Chúng ta có thể hình dung khoa học như một tòa tháp được xây dựng bằng những viên gạch, mỗi viên gạch là một công trình khoa học làm điểm tựa cho viên gạch tiếp theo đặt lên để xây cao hơn. Tòa tháp sẽ vững chắc và vương cao khi những viên gạch này được tạo ra một cách đúng đắn và chắc chắn, con người sẽ có những tòa tháp cao mà “nới rộng tầm mắt” của mình. Nhưng nếu có một số viên gạch được tạo ra “kém chất lượng” do “sự lương lẹo” trong quy trình sản xuất, sẽ có thể làm nguy hiểm cho cả tòa tháp!

Nói đến đây chắc các bạn cũng hình dung được sự quan trọng trong việc “quản lý chất lượng sản xuất” của những “viên gạch”, hay trong khoa học chính là “chất lượng của các công trình khoa học”. Để làm điều này, hiện nay các nhà khoa học đang dựa vào các “nguyên tắc liêm chính” trong nghiên cứu mà chúng ta thường gọi là “liêm chính khoa học”.

Có khá nhiều các “nguyên tắc” để quy định sự liêm chính khoa học, trong đó có thể kể ra một số nguyên tắc quan trọng hàng đầu để bảo đảm chất lượng công trình khoa học (hay nói dễ hiểu hơn là làm sao để tạo ra những viên gạch “dùng được”):

1. Độ tin cậy: Liên quan đến chất lượng và khả năng thực hiện lại của nghiên cứu. Nếu một nghiên cứu được thực hiện một cách gian dối, ngụy tạo số liệu thì khó mà có thể thực hiện lại được bởi các nhà khoa học khác và vì thế sẽ làm tổn hại đến thời gian, tiền bạc và công sức của các nhà khoa học khác; không thể dùng nó để phát triển thêm kiến thức khoa học. Thậm chí có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng con người hoặc môi trường sinh thái nếu nghiên cứu này liên quan đến ứng dụng.

2. Tính trung thực: Liên quan đến tính minh bạch và khách quan của nghiên cứu. Các số liệu, điều kiện nghiên cứu phải được ghi nhận rõ ràng, minh bạch. Việc thiết kế thí nghiệm, thu số liệu và phân tích phải được thực hiện khách quan, không thiên vị, để đưa ra những kết luận phù hợp.

3. Tôn trọng: Đối với môi trường con người, văn hóa và sinh thái. Vấn đề này thường được nói đến đạo đức trong nghiên cứu (ethical), nghiên cứu phải không được vượt quá giới hạn đạo đức con người ví dụ như giảm thiểu tối đa các đau đớn ở các nghiên cứu trên động vật, không được nhân bản con người trong phòng thí nghiệm.

Ngoài các nguyên tắc chính kể trên, để giúp bảo đảm “chất lượng của công trình khoa học” thì liêm chính trong khoa học có thể nới rộng hơn khi bàn về việc “đạo văn” khi sử dụng lại các câu từ, cách hành văn mà người trước đó sử dụng hoặc trong trường hợp anh Hướng thì liên quan đến việc để tên địa chỉ cơ quan không trực thuộc nơi anh thực sự làm việc.

Trở lại vấn đề anh Hướng bị “tố” dù rằng là giảng viên Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM nhưng có tất cả 42 công trình nghiên cứu khoa học, trong đó có 13 công trình đứng tên Trường Đại học Tôn Đức Thắng và 4 công trình đứng tên Trường Đại học Thủ Dầu Một. Dựa vào câu trả lời của anh Hướng là để “kiếm thêm thu nhập” và chưa có bằng chứng nào cho thấy anh vi phạm bất kỳ “nguyên tắc quan trọng” nào của “liêm chính khoa học” như mình kể trên thì mình nghĩ rằng chuyện này cũng không có gì to tác mà phải “đấu tố” anh ấy như một nhà khoa học thiếu liêm chính như vậy. Anh đã hoàn thành vượt chỉ tiêu nghiên cứu của cơ quan đang làm giảng viên trực tiếp, thì việc anh “kết hợp” thêm nghiên cứu với sự “tài trợ” của các cơ quan bên ngoài khác cũng là việc bình thường trong cộng đồng khoa học.

Những “công trình nghiên cứu” của anh không sử dụng số liệu giả, kết quả nghiên cứu không bị bóp méo theo ý chủ quan, chất lượng của nghiên cứu vẫn được bảo đảm và có thể được sử dụng làm nền tảng cho các nghiên cứu phía sau phát triển, như những viên gạch được tạo ra với chất lượng tốt để làm nền cho những viên gạch khác đặt lên xây cao hơn.

Suy cho cùng thì nhà khoa học cũng là những con người và họ có quyền “mưu cầu hạnh phúc”. Việc làm của anh Hướng nhằm “cải thiện kinh tế” bằng chính chất xám của mình mà không ảnh hưởng đến sản phẩm khoa học của mình, vẫn có thể đóng góp cho khoa học phát triển thì nên “cảm thông”, hỗ trợ chứ không phải bị “đấu tố”, nặng lời.

Có bạn nào ở đây đang làm việc nghiên cứu trong các cơ quan ở Việt Nam có thể giúp tính thử thu nhập trung bình của giáo sư như anh Hướng và chi tiêu cần thiết trong gia đình hiện nay như thế nào để mình cập nhật với?

_____

https://dantri.com.vn/giao-duc/pho-giao-su-bi-to-ban-nhieu-bai-nghien-cuu-toi-lam-vay-de-kiem-tien-20231103155011206.htm

https://bmcresnotes.biomedcentral.com/articles/10.1186/s13104-021-05875-3 (Reproducibility and research integrity: the role of scientists and institutions).

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Tiến Sĩ Nguyễn Quang A quan niệm những cặp phạm trù đúng-sai, thật-giả, tốt-xấu … có thể đúng ở nơi nào đó & ở thời điểm nào đó, Việt Nam aint that place & now aint that time. Vì vậy TS NQA đã thành lập trường phái Xuyên Quyền Thế chủ trương Phúc ’em all. Chắc chính vì vậy, cùng với thuyết “Tối Ưu Đại Cục” của Giáo Sư Hoàng Tụy, ông đã được Thủ tướng Võ Văn Kiệt mời vào 1 tổ chức gọi là i đê ớt, gồm toàn những trí thức đáng … uh, kính trọng nhứt thời bấy giờ & cả ngày hôm nay để tạo ra this heap of xít . Và the rest là cái bể phốt mà chúng ta đang chứng kiến

    Trích Giáo Sư Nguyễn Đình Cống “phẩm chất, tài năng của họ đã được hình thành từ những hạt giống tinh thần của “tiên thiên”, là những thứ đã hình thành từ trong bào thai trước khi sinh”. Việt Nam nên tập trung nghiên cứu những khoa học liên quan đến “tiên thiên” if it didnt happen already. Lúc đó khoa học của Việt Nam đã & luôn khít khìn khịt với vũ trụ quan . 2 cái đó mà nồi nào úp vung nấy thì ở VN lúc nào cũng có hòa bình, hoặc ít nhứt hòa hợp . Nguyễn Quốc Tấn Trung đưa ra khái niệm “coercive harmony”, cho phép tớ thay “coercive” thành “involuntary”, nghe ôn hòa hơn hẳn

  2. Chuyện chỉ có ở Việt Nam: nghiên cứu làm vắc xin giả thì được tặng huân chương.
    Nghiên cứu nghiêm túcđeer kiếm thêm tiền ngoài lương thì bị đấu tố.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây