Phụ huynh tham gia chọn sách giáo khoa, nên hay không?

Thái Hạo

23-10-2023

Theo dự thảo thông tư mà Bộ Giáo dục vừa công bố, từ năm học tới, không những nhà trường (bản chất là giáo viên) sẽ được chọn sách giáo khoa (SGK) để sử dụng cho cơ sở giáo dục của mình, mà phụ huynh cũng sẽ được tham gia vào công việc này. Điều ấy có vẻ đang khiến nhiều người băn khoăn.

Trước hết tôi ủng hộ bước đi này của Bộ Giáo dục. Cần nhớ lại, theo quy định hiện hành tại Thông tư số 25/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hội đồng lựa chọn sách giáo khoa do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành phố thành lập, giúp UBND cấp tỉnh lựa chọn sách giáo khoa.

Vì sao ủng hộ và mấy điểm cần “cảnh giác” thì tôi đã viết trong bài báo dưới đây trên Dân Việt, xin không nói lại nữa. Các bác có thể đọc ở đây.

Việc phụ huynh được tham gia chọn sách giáo khoa có hợp lý? Trước hết nó đáp ứng thực tế rằng hàng ngày chính phụ huynh cũng đang quan tâm và lên tiếng về sách giáo khoa. Thứ hai, trong phụ huynh có nhiều người có trình độ và chuyên môn do nghề nghiệp của họ mang lại. Vì thế, quyết định này đáp ứng được nhu cầu của xã hội và thỏa mãn đòi hỏi của một thành phần người trong cuộc.

Ở Mỹ, sách giáo khoa cũng được lựa chọn qua/bởi nhiều đối tượng và thứ lớp: Chuyên gia, nhà giáo, phụ huynh (và công chúng nói chung), thậm chí có cả học sinh nữa. Sau khi sách được các nhà chuyên môn chọn, chúng sẽ được đưa lên mạng cho phụ huynh đánh giá, phản biện, nêu quan điểm… Các ý kiến này sẽ được tổng hợp để làm cơ cở cân nhắc, quyết định có đưa vào dùng hay không.

Lưu ý, bên cạnh danh mục “sách giáo khoa” thì các nhà trường Mỹ còn tiến hành lựa chọn các học liệu khác nữa để dùng trong giảng dạy. Quy trình cũng gần giống như trên, công chúng có thời gian để đọc và sau đó một cuộc họp với dân sẽ được mở ra để đi đến quyết định đồng ý hay từ chối.

Tóm lại, theo tôi những bước đi này của Bộ Giáo dục là hợp lý, trên đà tiến gần đến cách làm văn minh của nước ngoài. Vấn đề còn lại là đảm bảo làm sao cho hướng đi này không bị méo mó do các yếu tố thuộc “phần cứng” của bộ máy gây nên. Muốn thế, giáo viên và phụ huynh phải vượt qua “nỗi sợ hãi tự do” và ý thức được một cách sâu sắc vai trò, trách nhiệm của mình trong việc chọn học liệu cho mình và con cái mình học.

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. NHÀ THƠ NHÂN DÂN: THÁI BÁ TÂN.

    Thật xấu hổ, tiến sĩ
    Và giáo sư của ta,
    Đủ ban này, bệ nọ,
    Đủ cả gần, cả xa.

    Dân giao cái nhiệm vụ
    Soạn sách cho trẻ con.
    Thế mà hì hục mãi
    Soạn cũng chẳng ra hồn.

    Bây giờ cộng đồng mạng
    Nó chửi cho lút đầu.
    Chỉ giỏi cái danh hão,
    Mà vớ vẩn, ngu lâu.

    Vì sao? Các bác hỏi.
    Vì đơn giản một điều.
    Ta, giáo sư, tiến sĩ
    Trót được phong quá nhiều.
    *
    Tương tự, trong điện ảnh.
    Vì đạo diễn, diễn viên
    Toàn “nhân dân”, “ưu tú”,
    Nên phim toàn điên điên.

    Lịch sử ta không kém
    Thằng Hàn và thằng Tàu.
    Thế mà phim lịch sử
    Tìm mãi chẳng thấy đâu.

    Đến các trang phục cổ
    Chẳng ai biết là gì.
    Trình độ ta thế đấy.
    Tin hay không thì tùy.
    *
    Suy đi rồi ngẫm lại.
    Các vấn đề của ta,
    Cách này hay cách nọ,
    Từ cơ chế mà ra.

    NGUỒN MẠNG.

  2. 1″ Giáo án là bản thiết kế cho tiến trình một tiết học, là bản kế hoạch mà người giáo viên dự định sẽ thực hiện giảng dạy trên lớp trên nhóm đối tượng học sinh nào đó”.Vậy thì một tiết học bài học X(ví dụ về định lý Thalès),năm nào cũng dạy,thì chỉ cần một lần soạn giáo án bài này cho suốt đời dạy bài này.Tại sao tôi nghe các thầy cô thân quá mất thì giờ cho soạn giáo án.
    2.SGK ai dùng thì người đó chọn.Thầy cô giáo,học sinh và phụ huynh dùng thì họ chọn.Các quan ở các cơ sở giáo dục không đứng lớp,không dùng SGK,tại sao lại cướp quyền chọn SGK qua hình thức phải được cấp trên duyệt mới được dùng.
    3.SGK do ai biên soạn cũng phải có cùng một nội dung chương trình thống nhất ,chỉ khác nhau là hình thức trình bày,phương pháp diễn giải truyền đạt.Còn nội dung chương trình phải được một hội đồng quốc gia có thẩm quyền biên soạn và phải được các cấp có thẩm quyền thông qua.
    4.Để tôn trọng thầy cô giáo giàu kính nghiệm nghề nghiệp,bộ có thể cho xuất bản những SGK chỉ có nội dung chương trình.Còn phương pháp diễn giảng và cách truyền đạt cho học sinh,để các vị thầy cô giáo giàu kính nghiệm xử lý.Hãy xem các thầy cô giáo có thâm niên nghề nghiệp,họ lên lớp chỉ với viên phấn và tấm bảng,họ diễn giải thao thao bất tuyệt,học sinh rất thoả mãn.Nếu là bậc đại học,đến giờ dạy của các vị thầy dạy không nhìn giáo án hay tài liệu,sinh viên đến dự chật giảng đường.Tại sao lại không làm?.

  3. Sách giáo khoa phải chỉ ra được nền tảng của những kiến thức cơ bản,hữu ích, cách dễ dàng nhất để hiểu được chúng và được vận dụng như thế nào để đi vào cuộc sống…. Mục đích cuối cùng là phải tạo ra được những sản phẩm tốt, là vật chất, là con người. Qua sản phẩm bằng vật chất và tính cách của con người, người ta sẽ biết cao thấp về trình độ hiểu biết.Nếu hiểu như vậy thì câu hỏi được đặt ra là tầm cỡ của những người viết sách giáo khoa hiện hành, học sách của họ chúng ta sẽ đi đến đâu,…. ,có nghĩ đến nát đầu người ta cũng không hiểu nổi tại sao học sách tích hợp thì sẽ nâng cao được khả năng của con người, trong khi thế giới với những môn học truyền thống họ làm được bao điều phi thường và vẫn tiếp tục khám phá những điều mới mẻ .Định hướng phát triển giáo dục là công việc thuộc tầng vĩ mô,là của những người được gọi là chuyên gia, có ăn có học, được đi đó đây để học tập, để tìm hiểu ….chứ không phải là việc của mấy phụ huynh mà bày đặt họ tham gia vào việc chọn sách….

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây