Bà Nguyễn Phương Hằng và quyền bảo vệ hình ảnh

Đặng Đình Mạnh

22-9-2023

Bà Nguyễn Phương Hằng (áo trắng) được dẫn giải ra toà hôm 21/9/2023. Ảnh trên mạng

Ba năm tù giam, đó là hình phạt mà Tòa án Nhân dân TP.HCM tuyên xử đối với bà chủ Đại Nam – Nguyễn Phương Hằng vào ngày 21/09/2023 với tội danh theo điều 331 Bộ luật Hình sự “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ…”.

Trái với thời gian điều tra vụ án kéo dài lê thê đến 18 tháng trời, phiên tòa xét xử bà lại kết thúc chóng vánh trong ngày. Do bà đã bị tạm giam 18 tháng, tương đương với một nửa hình phạt, cho nên, thời gian thụ án còn lại cũng chỉ còn 18 tháng mà thôi. Chưa kể rằng, sau khi bà kháng cáo và có thêm yếu tố giảm nhẹ như khắc phục, bồi thường thiệt hại bằng tiền cho bị hại, thì có thể thời gian thụ án sẽ còn được giảm hoặc đổi án tù giam thành tù treo là hoàn toàn khả thi.

Đây là lần thứ hai bà chủ Đại Nam hiện diện trong phiên tòa hình sự tại trụ sở Tòa án Nhân dân TP.HCM. Nhưng hai lần là hai tư cách tố tụng khác nhau.

– Lần đầu cách nay tròn 20 năm, năm 2003. Khi ấy, bà ra tòa với danh tính là Nguyễn Thị Thanh Tuyền, tư cách tố tụng là “bị hại” trong vụ án “Cưỡng đoạt tài sản”. Đây là một phần trong vụ án hình sự rất lớn, vụ án “Trương Văn Cam và đồng bọn phạm tội”.

– Lần thứ hai này vào ngày 21/09/2023. Bà ra tòa với danh tính khác là Nguyễn Phương Hằng, với tư cách tố tụng là “bị cáo”, trong vụ án “Lợi dụng những quyền tự do dân chủ…”.

Đối với lần đầu ra tòa của bà chủ Đại Nam vào năm 2003 trong vụ án hình sự lớn nhất từ trước cho đến nay, vụ án Năm Cam có đến 155 bị cáo, xét xử 24 tội danh các loại, kéo dài suốt 3,5 tháng với khoảng 120 luật sư tham gia bào chữa trong phiên tòa. Thì bà đã rất biết tận dụng quyền bảo vệ hình ảnh cá nhân của mình. Khi ấy, bà yêu cầu tòa án không cho phép phóng viên báo chí tiếp cận chụp ảnh bà trong suốt quá trình phiên tòa xét xử.

Phó Chánh án, thẩm phán Bùi Hoàng Danh, ngồi ghế chủ tọa phiên tòa hội đồng 5 đã chấp thuận và chính thức thông báo cho báo giới. Cho nên, đã không có một hình ảnh nào về bà trong phiên tòa kéo dài suốt 3,5 tháng đó lọt được lên trang báo hoặc truyền hình. Cho dù, thời điểm ấy, sự kiện xét xử vụ án với các tình tiết về hoạt động trong giới giang hồ, về mối quan hệ giữa họ với quan chức cao cấp, rồi tình, tiền… đều đang là đề tài nóng sốt, được các tờ báo (báo giấy) chầu chực săn tin, khai thác triệt để.

Có lẽ bà là người đầu tiên nêu ra yêu cầu bảo vệ hình ảnh đó trong một phiên tòa hình sự ở Việt Nam. Cho đến tận tháng 11/2019, trong một vụ án hình sự xét xử tại tỉnh Khánh Hòa, mới có một bị cáo khác nêu yêu cầu này và đã được tòa án chấp thuận.

Thế nhưng, ở lần ra hầu tòa thứ hai, thì có lẽ bà chủ Đại Nam đã bị khuất phục hoàn toàn về tinh thần đến mức không còn đặt ra yêu cầu giữ gìn hình ảnh cá nhân nữa. Thậm chí, ngay từ thời điểm bắt giữ bà vào tháng 03/2022, thì hình ảnh bà trong bộ dạng chưa được trang điểm, thất thần, tóc tai rũ rượi đã bị truyền thông trong nước tung tràn ngập khắp các trang mạng. Tương tự vậy, trong phiên tòa xét xử, ảnh chụp bà trong chiếc sơ mi trắng đi cạnh nữ cảnh sát dẫn giải và đoạn clip bà khai báo trước tòa cũng đã bị truyền thông trong nước phát tán tràn lan.

Nếu biết, về phương diện pháp lý, hình ảnh của một người thuộc quyền nhân thân của người đó, được luật pháp minh thị bảo vệ. Thế nên, tuy là bị cáo, bị hại hoặc bất cứ tư cách tố tụng gì khác trong một vụ án hình sự, thì quyền nhân thân của một người vẫn không hề bị suy suyển. Người thừa hành luật pháp vẫn phải bảo vệ nếu đương sự có lời yêu cầu chính thức.

Luật pháp quy định như vậy, hơn nữa, hiến pháp cũng quy định nguyên tắc “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật”. Thế nhưng, trong thực tế, người đòi hỏi được bình đẳng là ai? Vì lẽ, khái niệm “Mọi người” mà hiến pháp quy định sẽ được tòa án hiểu và diễn dịch theo cách họ muốn, rằng trong đó có bao gồm bạn hay không?

Điều đó được chứng minh trong phiên tòa phúc thẩm hình sự xét xử đối với cô Phạm Thị Đoan Trang vào tháng 08/2022. Khi ấy, hai phóng viên ảnh đã tìm mọi cách tiếp cận để chụp ảnh Đoan Trang mặc cho cô ấy xua tay phản đối. Tham gia phiên tòa với tư cách luật sư, chứng kiến việc chướng tai gai mắt ấy, tôi phải yêu cầu tòa án buộc các phóng viên ảnh tôn trọng quyền về hình ảnh của Đoan Trang, nhưng vô ích, tòa án im lặng phớt lờ như là cách ngầm hỗ trợ cho việc chụp ảnh của truyền thông “cách mạng”. Điều đó thật kệch cỡm khi sau đó họ tuyên án xét xử một công dân nhân danh quốc gia.

Xứ này, luật pháp nhiều như lá rừng, nhưng ở đó, luật rừng mới là cách hành xử với nhân dân…

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Hội anh em bò đỏ la ó rằng mấy anh em dân chủ khi ra hải ngoại mới dám ăn nói tự nhiên.
    Sai, tôi theo giõi cách hành văn của luật sư Đặng Đình Mạnh dù ở đâu thì anh ấy cũng rất nhã nhặn và chừng mực, thiết nghĩ cái tâm của anh là làm sao bênh vực kẻ yếu thế và đưa luật pháp về chỗ của nó, mong rằng các anh luật sư có tâm hồn đẹp như các anh mà tôi được biết tên sẽ còn cơ hội quay về giúp đồng bào ruột thịt trong nước, anh luật sư trẻ An Đôn sắp phải lưu dày nhưng tôi dám nói chắc là trái tim anh ấy luôn hướng về đất mẹ. Xin đấng tối cao luôn ban bình an và phù trợ cho những người con của mẹ Việt Nam thiện tâm còn cơ hội về chung tay xây lại quê hương.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây