Trịnh Khả Nguyên
8-9-2023
“Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường…” (Tôi đi học – Thanh Tịnh).
Đến bây giờ, những học sinh miền Nam trước năm 1975 không những thuộc câu trên, mà còn nhiều câu nữa trong bài “Tôi đi học”, vì đoạn văn ấy hay, hợp với không khí của ngày khai trường. Bài ấy còn được in chỗ bài đầu trong sách “Tập Đọc và Học Thuộc Lòng”.
Có điều hơi nghịch, là học sinh miền Nam lại học một bài văn của một tác giả đang ở miền Bắc, dù rằng khi viết đoạn văn trên, tác giả chưa “làm/ theo cách mạng”. Miền Nam khi ấy, người ta dạy cho học sinh những bài văn hay, trong sáng, của các nhà văn (dù họ ở bên nào), chứ không nặng nề về hành tung của tác giả, trừ những bài có tính tuyên truyền hoặc mạ lỵ. Việc nầy phù hợp với quan điểm giáo dục khác với huấn luyện, tuyên truyền.
Không biết học sinh miền Bắc khi ấy có học đoạn văn vừa trích, hay họ bận học thư của các lãnh đạo? Nhưng chắc một điều, “ngoài ấy” không bao giờ đề cập đến những bài văn “trong nầy”, thậm chí văn của những nhà văn “tiền chiến”, cũng học sơ qua, chỉ để phê bình (lãng mạng, tiểu tư sản, cá nhân …)
Trong câu trên, theo bút tích của tác giả, ông dùng từ “hoang mang”. “Hoang mang” là cảm thấy không chắc chắn, do dự, chưa biết làm như thế nào. Tại sao ông hoang mang? Ông cảm thấy e ngại trước cảnh mới, thầy mới, bạn mới. Tác giả như con chim non muốn bay nhưng rụt rè… đại loại là thế.
Nỗi hoang mang của tác giả cũng là tâm trạng chung của những học sinh mới đi học, chẳng có gì lạ. Nhưng nỗi hoang mang của giáo dục mới đáng bàn.
Lo lắng, hoang mang của phụ huynh học sinh
Gần đầu năm học 2023-2024, nhiều phụ huynh ở Hà Nội thức trắng đêm, đội mưa xếp hàng, xô đẩy nhau xin cho con vào học lớp 1 ở trường chất lượng cao. Một số khác thì đăng ký tạm trú (giả) cho con ở nhà người quen, gần trường tốt để dễ “xin” cho con vào đấy. Còn nhiều cảnh khác không thể kể hết, chỉ đơn cử một bài viết ngày 13-6-2023, đăng trên báo Người Lao Động: Hà Nội: Trắng đêm xếp hàng, xô đẩy nhau nộp hồ sơ vào lớp 1.
Rồi tiền mua đồng phục, đồng phục thì tốt, để các em thấy “như nhau”, không phân biệt giàu nghèo, nhất là trong một xã hội mà hố ngăn cách giàu-nghèo ngày một rộng. Nhưng, có trường lại nghĩ ra đồng phục riêng của mình, như in thêm logo trường, chọn màu áo … Thế thì “đồng” gì? Nhớ, vào những năm học liền sau năm 1975, các ông ngoài ấy chống đồng phục. Họ nói, con em nhân dân lao động có gì mặc đó, chả đồng điếc gì, chỉ con cái bọn tư sản mới làm bộ “đồng”.
Việc mua sắm dụng cụ, nộp tiền đầu năm… các trường cũng đặt thành chỉ tiêu thi đua cho lớp, rồi lớp lại cho học sinh thi đua. Học sinh biết “thi” với ai, chỉ về “đẽo” vào lưng phụ huynh. Phụ huynh nhiều người rất khó khăn, nhưng thương con nên phải chạy cho ra tiền để nộp.
Việc học thêm của con em cũng là gánh nặng cho phụ huynh. Ngay từ lớp mẫu giáo, các cháu đã học thêm, học kèm. Bởi, một phần phụ huynh bận làm ăn, một phần chương trình quá nặng. Do cái “giáo dục toàn diên”, một số phụ huynh còn cho con em học thêm nhạc, võ thuật, vẽ, bơi lội… Thế là phụ huynh suốt ngày chở con chạy hết “cua” nầy sang “cua” khác. Tối về thì thức để học với con. Ai cũng than, trẻ bây giờ không có thì giờ vui chơi thoải mái. Việc nầy cũng do sự háo danh, chuộng thành tích của trường và cả phụ huynh nữa.
Hình ảnh các cháu mỗi ngày đi học như bộ đội hành quân, phải cõng trên lưng một chiếc ba lô nặng, chứa gần hết dụng cụ. Cõng như thế thì sẽ bị gù là tất nhiên.
Chuẩn bị vào năm học mới, nhà trường, giáo viên chủ nhiệm gởi cho phụ huynh một “tờ sớ”, liệt kê tất cả các thứ mà học sinh phải có. Làm sao có? Mua. Không thể mượn đến ngần ấy thứ, đặt biệt sách giáo khoa là thứ chính, đắc tiền nhất. Phụ huynh phải “bấm bụng”. Ngược lại, rất nhiều báo đưa tin, Nhà xuất bản Giáo dục lãi khủng, do bán sách giáo khoa. Kể sơ mấy năm gần đây, nhà xuất bản lãi rộng, sau thuế: Năm 2020 lãi 125 tỷ. Năm 2021 lãi 287 tỷ. Năm 2022 lãi kỷ lục 372 tỷ. Báo CA TP HCM cho rằng: Nhà xuất bản Giáo dục ‘lãi kỷ lục’: Phụ huynh học sinh càng khổ!
Tiền lãi ấy nhà xuất bản tính thế nào? Lãi khủng thế sao còn tăng giá sách?
Làm sao phụ huynh không hoang mang được. Nhưng kể khổ thêm cũng thế thôi!
Giáo dục hoang mang
Giáo dục có hai việc lớn, nổi bật, đang được bàn cãi là các lần cải cách giáo dục và các đợt thay sách giáo khoa. Đây không phải là một bài biên niên về hai việc trên, chỉ nêu lên các mốc chính, quan trọng về cải cách và thay sách trên cả nước, không kể tại miền Bắc trước năm 1975.
Sau ngày 30/4/1975, đất nước thống nhất, tất nhiên giáo dục cũng thống nhất. Đầu năm 1979 diễn ra cuộc cải cách trên cả nước. Cụ thể, ngày 11/1/1979, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 14 về cải cách giáo dục. Nghị quyết chỉ rõ, cần ra sức nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, tạo ra những lớp người lao động mới làm chủ tập thể, đủ sức gánh vác sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Tiếp đến cuộc cải cách năm 1981 trên cả nước, điểm nhấn của lần nầy là bỏ kiểu chữ viết mới, chữ “lùn”, quay lại kiểu chữ viêt “cũ”. Theo Wikipedia, “bắt đầu từ năm 1981: Hệ thống giáo dục chuyển từ 10 năm sang 12 năm (bỏ lớp vỡ lòng), kéo theo sự đổi mới chương trình sách giáo khoa và cải tiến chữ viết. Do dư luận xã hội phản ứng mạnh, ngành giáo dục dần quay lại chữ viết cũ…”
Cuộc cải cách năm 2013, Nghị quyết 29 ngày 4/11/2013 của Trung ương xác định, đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục. Nghe “đổi mới căn bản, toàn diện” mọi người tưởng sẽ “bỏ hết làm lại”, nhưng thực tế chỉ bỏ hoặc thêm những thứ lặt vặt, giảm tải chỗ nầy, tăng tải chỗ kia.
Trên đời nầy chẳng có việc gì là bất biến, “muôn năm. Cái gì cũng đến lúc lạc hậu, nên cần phải cải cách. Khoa học kỹ thuật tiến bộ như hôm nay cũng nhờ mấy lần cách mạng (Cách mạng khoa học kỹ thuật, chứ không phải cách mạng tào lao bí đao). Và cũng thế, giáo dục cần cải cách.
Qua mấy lần cải cách giáo dục ở Việt Nam, có thể nhận ra rằng, mỗi lần cải cách thì có chủ trương (lớn) kèm theo, như tạo ra con người mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội, hoăc tạo ra con người làm chủ khoa học kỹ thuật đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nươc. Đến nay đã mấy chục năm, những lớp học sinh khi đó, nay đã thành “người lao động mới làm chủ tập thể, đủ sức gánh vác sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội” chưa? Đã đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước chưa? Một số đông chỉ lo vun quén cho riêng tư. Những kẻ bị “lộ”, (qua vụ án “chuyến bay giải cứu” và Việt Á) ra trước tòa ấp úng những câu ngây ngô như, “bản thân chưa nhận thức được nhận tiền hối lộ là có tội”. Thánh thần ơi!
Thay sách giáo khoa
Cải cách và thay sách là hai việc phải đi với nhau. Cứ mỗi lần cải cách thì phải thay sách.
– Lần 1: Từ năm 1956 – 1975, chỉ thực hiện trên miền Bắc.
– Lần 2: Từ năm 1976 – 2000, thực hiện trên cả nước. (Thay sách năm 1981 áp dụng chương trình phổ thông 12 năm trên cả nước).
– Lần 3: Từ năm 2002 – 2008, lần nầy việc thay sách áp dụng từ năm học 2002 – 2003, thực hiện theo cách “cuốn chiếu”, từ khối lớp 1 tới lớp 6, hoàn tất vào năm học 2008 – 2009. Đây là lần đổi mới sách giáo khoa được coi là “bài bản nhất” kể từ sau năm 1945 (theo Wikipedia).
– Lần 4: Từ năm 2013 đến nay. Bộ sách giáo khoa hiện hành thuộc “công trình” của lần nầy.
Theo lời giải thích của ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Bộ sách giáo khoa nầy có đặc điểm khổ to, giấy tốt nên giá thành cao và chỉ dùng một lần, lớp trước đã dùng, viết vào đấy thì lớp sau bỏ của. Chẳng hiểu các chuyên gia soạn sách học cách nầy từ đâu? Chẳng lẽ giúp nhà xuất bản giáo dục tiêu thụ giấy. Kỳ cục quá và phá của quá! Dân ta đại đa số vẫn còn nghèo, tiết kiệm chính đáng được đồng nào hay đồng đó.
Ngoài việc lớn là thay sách, cũng có những thay đổi nhỏ bằng những hướng dẫn, thông báo của nghành để chỉnh lý, bổ sung, thay đổi, hoặc phổ biến những chuyên đề, các phương pháp giảng dạy cho giáo viên áp dụng (những chuyện nầy thì nhiều và đi sâu vào chuyên môn nên khó có thể bàn trong bài này).
Trong tất cả các lần cải cách và thay sách, giáo viên đều được tập trung để nghe báo cáo lý thuyết, dự giờ dạy thử nghiệm, thảo luận rút kinh nghiệm ưu-khuyết điểm, để gởi lên trên. Dạy minh họa thì chọn giáo viên giỏi, chọn lớp xuất sắc, đã thế còn dạy đi dạy lại nhiều lần, được xây dựng, góp ý trước khi “trình diễn”, nên lần nào cũng “ưu điểm là chính”.
Như vậy thì “cải” 4 lần, chứ “cải” 5, 7 lần cũng vậy. Đây không phải là bệnh riêng của ngành giáo dục mà là bệnh của nhiều ngành khác như cải cách hành chánh, cải cách đất đai, cải cách tư pháp, cải cách kinh tế … “Cải đi cải lại”; “cải” rồi như chưa “cải”. Huề cả làng.
Nhận định về giáo dục, giáo sư Hoàng Tụy có nói: “Giáo dục của ta không chỉ lạc hậu mà nguy hiểm hơn, nó đang đi lạc hướng, ra xa con đường chung của nhân loại, đang phát triển lạc điệu với thế giới văn minh”.
Như thế là hoang mang chứ còn (mắc cở) gì nữa!
Gốc của giáo dục là con người “bần cố nông là nòng cốt” sau kHi “ trí Phú địa hào đào tận gốc trốc tận rễ” nên nó phải thế là “ĐUNG QUI TRÌNH” !
– Xin mọi người lưu ý chính sách sư phạm 7+1; 7+2; 7+3 ( 7 là lớp 7 mà bổ túc là chủ yếu, 1;2;3 là 1 tháng,2 tháng,3 tháng.Sau đó mói 1 năm,2 năm, 3 năm …
– ông Thur tướng PVĐ đã nói : ngành giáo dục đốt vòng tròn, học dốt không thi được vào các trường khác thì vào sư phạm. Sư phạm đào tạo ra những thầy dốt dạy học trò dốt …lại vào sư phạm …
( chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm )
Giáo dục Vn lạc hướng, không giống ai… bởi cái truyền thống văn hóa “uống rượu bình thơ”,hoặc học để làm quan…..không đủ để người ta tiếp thu một cách chính xác nền khoa học của phương tây,hiểu sai nên không có sản phẩm là điều tất yếu, thực tế đã chứng minh. Cái nguy hiểm ngày càng lớn mà đỉnh điểm của nó chính là mấy môn “tích hợp “bởi trên đời này làm gì có những thứ đó. Cái tên mỹ miều “cải cách triệt để “nhưng với sự điều hành của những người thiếu hiểu biết, thực tế đã biến thành cuộc phá hoại giáo dục….
Trong trại súc vật, phương pháp “giáo dục” đàn “gia súc” không thể giống với phương pháp mà các xã hội văn minh giáo dục con người được. Hãy hình dung một tên mục đồng chăn một đàn bò, bỗng một hôm đàn bò biết suy nghĩ, nhận thức như con người, thì làm sao nó chăn được nữa?