Vivian Micks phỏng vấn Markus Reisner
Vũ Ngọc Chi, chuyển ngữ
14-8-2023
Ukraine đã nhiều lần cố gắng tấn công các cây cầu ở Crimea, nhưng cho đến nay vẫn chưa thành công. Đại tá người Áo, Markus Reisner cho biết trong một cuộc phỏng vấn hàng tuần với ntv.de, rằng để tiêu diệt mục tiêu, Kiev mong đợi được cung cấp tên lửa hành trình Taurus. Tên lửa này có lợi thế quyết định so với Scalp hoặc Storm Shadow. Chuyên gia quân sự mô tả thái độ do dự của chính phủ Đức về khả năng chuyển giao chúng là sự tiếp nối chiến lược “boiling the frog” (luộc ếch) của Hoa Kỳ.
NTV.de: Ukraine đã nhận được tên lửa hành trình Scalp và Storm Shadow từ Pháp và Anh. Tại sao Kiev cũng muốn Taurus? Điều gì làm cho tên lửa này hấp dẫn như vậy?
Markus Reisner: Có hai lý do cho điều này là số lượng và chất lượng. Số lượng sẽ tự động cải thiện nếu Đức nhường một số lượng đáng kể cho Ukraine từ khoảng 600 chiếc Taurus của họ. Kết quả là, kho vũ khí của Ukraine sẽ tăng lên, bởi vì các hoạt động đang diễn ra làm giảm số lượng tồn kho của Scalp và Storm Shadow. Tuy nhiên, quan trọng hơn nhiều là sự khác biệt về chất lượng. Tên lửa hành trình Scalp hoặc Storm Shadow là vũ khí phá boong-ke được thiết kế để xuyên sâu vào lòng đất, chọc thủng các bức tường bê tông và kích nổ bên trong boong-ke. Điều này là do kíp nổ, được thiết kế để chỉ phát nổ sau khi xuyên qua một số bức tường bê tông hoặc mặt đất. Những ngòi nổ này trong Storm Shadow và Scalp không thể thay thế được, không giống như Taurus, loại có ngòi nổ có thể điều chỉnh linh hoạt. Điều này có lợi thế lớn là có thể dùng Taurus tấn công và phá hủy các cây cầu.
NTV.de: Ukraine đã cố gắng hết lần này đến lần khác trong vài ngày và vài tuần qua để tấn công những cây cầu ở Crimea. Tuy nhiên, không có thiệt hại thực sự.
Markus Reisner: Điều này là do các lượt tấn công, mặc dù rất chính xác. Tuy nhiên, chúng chỉ đủ để làm thủng các làn đường cầu, nhưng không phá hủy được các trụ cầu quan trọng. Với Taurus thì có thể.
NTV.de: Hồi cuối tuần, Ukraine đã cố gắng tấn công Cầu Kertsch ở Crimea. Tên lửa nào đã được sử dụng cho việc này?
Markus Reisner: Cầu Kertsch đã bị hư hỏng nặng hai lần trong các cuộc tấn công của Ukraine. Một lần với sự trợ giúp của một chiếc xe tải chứa đầy chất nổ và lần thứ hai thông qua các xuồng không người lái, đã phá sụp một cột cầu. Cuộc tấn công cuối cùng đã diễn ra trên không. Nó rất có thể bị tấn công bởi các hệ thống tên lửa, có thể so sánh với tên lửa hành trình. Có một dự đoán cho rằng, đó là S-200s được biến đổi. Tuy nhiên, vì không có hình ảnh về các mảnh vụn, nên không thể nói một cách chắc chắn. Điều duy nhất chắc chắn là không trúng cây cầu.
NTV.de: Vậy thì những đám khói lớn bốc lên trên cây cầu đến từ đâu?
Markus Reisner: Tới từ các biện pháp phòng thủ của người Nga. Việc sử dụng sương mù, tức là những đám khói mà chúng ta thấy, là một nỗ lực cổ điển để làm cho việc nhắm chính xác vào cây cầu là không thể.
NTV.de: Có phải các cuộc tấn công vào các cây cầu là lý do duy nhất khiến Ukraine muốn có tên lửa hành trình Taurus?
Markus Reisner: Người Ukraine muốn tấn công các cây cầu bằng Taurus vì họ có thể sử dụng chúng để phá hủy theo một cách có chủ đích. Chúng cũng có tầm bắn xa hơn so với Scalp hoặc Storm Shadow.
NTV.de: Taurus có tầm bay trên 500 km còn Scalp và Storm Shadow “chỉ” bay tối đa 350 km phải không?
Markus Reisner: Chính xác. Do đó, thật thú vị khi các cuộc thảo luận đang diễn ra ở Đức về việc “hạ hỏa” những tên lửa này. Nhưng điều đó có nghĩa là gì? Có phải người Ukraine không thể cho vào tọa độ trong lãnh thổ Nga? Hay tên lửa sẽ bị giới hạn tầm bắn?
NTV.de: Ông có nghĩ rằng, nên giới hạn phạm vi tấn công của tên lửa Taurus?
Markus Reisner: Rõ ràng đó là một nỗ lực để không đưa đến việc Nga có thể dùng các biện pháp trả đũa quy mô lớn. Vấn đề là Ukraine có vũ khí để chống trả, nhưng lại không sử dụng được 100% số vũ khí đó. Điều này đặt họ vào thế bất lợi so với Nga. Cũng cần có sự tin tưởng nhất định rằng Ukraine không sử dụng các tên lửa này trên lãnh thổ Nga. Họ đã làm điều đó với máy bay không người lái và các vũ khí khác. Và họ đúng ra có quyền làm như vậy theo luật pháp quốc tế, vì họ đang tự bảo vệ mình trước Nga.
NTV.de: Họ tấn công lãnh thổ Nga, nhưng không phải với Scalp và Storm Shadow do phương Tây cung cấp.
Markus Reisner: Chính xác, cho đến nay không có một ví dụ nào mà người Nga cho thấy có những mảnh của Scalp trên lãnh thổ Nga chẳng hạn.
NTV.de: Do đó, ông có thể hiểu được sự miễn cưỡng và lo ngại của chính phủ Đức rằng Ukraine có thể sử dụng tên lửa Taurus trên đất Nga không?
Markus Reisner: Tôi nghi ngờ chính phủ Đức đang tiếp tục chiến lược mà chính phủ Mỹ cũng đang theo đuổi. Có một số ví dụ cho thấy, họ không muốn cuộc xung đột sẽ leo thang. Từ các hệ thống HIMARS của Mỹ, rất thành công, 20 chiếc đã được chuyển giao vào mùa hè năm ngoái và 18 chiếc nữa đã được hứa hẹn trong hai năm tới. Tuy nhiên, Ukraine đã yêu cầu 100 đến 150 chiếc, điều này cũng có ý nghĩa quân sự. Nhưng họ đã không nhận được nó. Câu hỏi là: Tại sao?
Thứ hai, ATACMS vẫn chưa được chuyển giao, một tên lửa đạn đạo tầm ngắn của Mỹ với tầm bắn hơn 300 km. Cho đến nay, Mỹ vẫn khẳng định rằng, những tên lửa này không phải là thứ Ukraine cần ngay bây giờ, mặc dù thực tế, điều này phản lại mọi logic quân sự. Điểm thứ ba là việc giao máy bay F-16. Khoảng 3.000 máy bay phản lực F-16 đang hoạt động trên khắp thế giới và trong nhiều tháng người ta đã không đào tạo thêm phi công, cũng như bàn giao máy bay.
NTV.de: Và ví dụ thứ tư?
Markus Reisner: Tất cả các tên lửa của Nga, tên lửa hành trình và máy bay không người lái chỉ có thể phá hủy các mục tiêu trong Ukraine và cơ sở hạ tầng quan trọng vì chúng bay với GPS, hệ thống Glonass của Nga (phiên bản GPS của Nga). Người ta có thể gây nhiễu chúng, nhưng lại không làm. Và ngay cả trong cuộc thảo luận về Taurus, đằng sau rõ ràng là có chiến lược của người Mỹ “boiling the frog” (BTV: chiến lược này nhằm mục đích đánh hạ từ từ đối thủ khiến hắn không nhận thấy và phản ứng lại). Bất cứ khi nào Ukraine thất thế về quân sự, họ mới viện trợ đối xứng với đối thủ một lần nữa, nhưng không bao giờ vượt quá mức. Bởi vì họ rõ ràng sợ Nga sẽ thực hiện các biện pháp có thể có hậu quả trong khu vực, hoặc thậm chí quốc gia. Điều này cũng được phản ánh trong các cuộc thảo luận hiện tại.
NTV.de: Tên lửa hành trình Taurus chỉ phù hợp với máy bay Eurofighter, F-16 hoặc Tornado. Nhưng Ukraine không có chúng, phải không?
Markus Reisner: Không, nhưng đã có vấn đề với Scalp và Storm Shadow. Ukraine sau đó đã sửa đổi máy bay SU-24 M của mình theo cách mà chúng có thể mang tên lửa hành trình. Vì vậy, họ sẽ phải thử lại để sửa đổi các máy bay phản lực để chúng có thể mang theo Taurus. Tuy nhiên, điều này không phải là việc lớn lao vì Taurus, về cơ bản, rất giống với Scalp và Storm Shadow trong cấu trúc của chúng.
NTV.de: Ukraine sau đó sẽ phải sửa đổi một số máy bay phản lực Su-24M để chúng có thể mang theo Taurus nhưng không còn Scalp hay Storm Shadow nữa. Số lượng máy bay có đủ cho việc này không?
Markus Reisner: Ukraine chỉ có một số ít máy bay Su-24M. Vấn đề sẽ không được giải quyết cho đến khi họ có máy bay phản lực F-16 như mong muốn. Do cấu trúc của nó, nó có thể mang theo nhiều hệ thống vũ khí, chẳng hạn như những hệ thống do Mỹ sản xuất, như bom dẫn đường bằng laser GBU-28. Điều đó sẽ cho phép Ukraine thực hiện nhiều cuộc tấn công cùng một lúc. Lý do họ vẫn có một lực lượng không quân hoạt động là vì Su-24-M của Liên Xô rất bền chắc. Bền chắc hơn nhiều so với F-16 chẳng hạn.
Và thứ hai, bởi vì người Ukraine di chuyển những chiếc máy bay này từ sân bay này sang sân bay khác gần như hàng ngày, thậm chí giữa chừng chúng còn đậu trên đường cao tốc. Bằng cách này, họ cố gắng trốn tránh sự phát hiện của người Nga. Họ tiếp tục tấn công các sân bay ở Ukraine với hàng tá tên lửa hành trình. Nhưng cho đến nay, hầu như họ không đạt được kết quả nào cả. Điều này có thể cải thiện đáng kể cuộc thảo luận về việc chuyển giao F-16 cho Ukraine và tăng khả năng mang theo các hệ thống vũ khí khác.
NTV.de: Chúng ta hãy nhìn về tiền tuyến. Các lực lượng Ukraine được cho là đã giải phóng thị trấn Urozhaine ở miền nam Donetsk vào cuối tuần qua. Điều này có thể được xác nhận?
Markus Reisner: Ở khu vực trung tâm, Ukraine đã thực sự tiến được vào Urozhaine. Chúng tôi thấy điều này rõ ràng trên các video về những người lính Nga đang cố gắng đi bộ chạy trốn khỏi thị trấn nhỏ này dưới làn đạn pháo hạng nặng và cố gắng đóng quân ở một nơi nào đó ở phía nam. Đây là một thành công về mặt chiến thuật vì nó cho phép Ukraine mở rộng cuộc tấn công về phía đông tại Staromajorske, đồng thời đẩy lùi quân Nga. Tuy nhiên, đó chưa phải là thành công trong hoạt động phản công vì đột phá chưa bền vững, chưa đi vào chiều sâu.
NTV.de: Có bất kỳ thay đổi nào khác ở tiền tuyến kể từ tuần trước không?
Markus Reisner: Ở phía nam, tại các tỉnh Zaporizhia và Kherson, điều thú vị là Ukraine đã nhiều lần cố gắng thiết lập nhiều đầu cầu khác nhau ở bờ nam của Dnipro trong những ngày gần đây. Vẫn chưa có đầu cầu lớn để có thể đưa thiết bị và dụng cụ sang phía bên kia. Địa hình còn rất khó khăn vì phần lớn bị ngập lụt.
Ở phía bắc, chúng ta thấy những thành công của người Nga, những người đã phát động một cuộc phản công thành công tại Kupyansk. Ở đó, Tập đoàn quân xe tăng cận vệ số 1 của Nga tiến vào trung tâm bằng hai cánh trái và phải. Nhưng ngay cả ở đây, người ta vẫn chưa thể nói về một bước đột phá trọng điểm.