Tâm thư gửi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng

Lê Văn Hòa

13-8-2023

Tác giả thay mặt các gia đình liệt sĩ Sư đoàn 316 phát biểu trong một lần kỷ niệm ngày truyền thống Sư đoàn 316 tại Hà Nội. (Hàng ngồi từ trái sang phải: Trung tướng Trịnh Trân, nguyên Tư lệnh Bộ đội Biên phòng; Đại tướng Chu Huy Mân, Chính ủy đầu tiên của Trung đoàn 174 Cao Bắc Lạng, từ năm 1951 là Đại đoàn 316; bác Đặng Văn Việt, Trung đoàn trưởng đầu tiên của Trung đoàn 174 Cao Bắc Lạng). Ảnh: FB tác giả

Kính thưa Tổng Bí thư và Chủ tịch nước!

Tôi tin là nếu gửi theo đường bưu điện thì các đơn, thư của tôi sẽ bị văn thư các cơ quan tham mưu cho Bộ Chính trị, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ sẽ vứt bỏ vào sọt rác (như lâu nay họ vẫn làm), vì tôi đã bị họ mặc định là kẻ bất mãn tiêu cực vì đã trả thẻ Đảng cho đảng ủy Ban Nội chính Trung ương (khi tôi còn công tác ở đó).

Hôm nay tôi chính thức xin thưa với các vị Lãnh đạo tối cao của Đất nước rằng: Tôi không phải là kẻ bất mãn, tiêu cực; tôi là người yêu nước, yêu Công lý, nên dám công khai, trực diện chống tiêu cực ở bất cứ đâu nhằm góp phần nhỏ bé xây dựng một nền tư pháp trong sạch, một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Chẳng dám vỗ ngực tự hào, để làm được nhiều việc có ích cho Đảng, cho Dân như tôi thì có lẽ trong hơn 4 triệu đảng viên hiện nay chắc chỉ đếm trên đầu ngón tay mà thôi.

1. Năm 2006-2008: Tôi là ủy viên Ban Thanh tra nhân dân-Ban Nội chính Trung ương, tôi phát hiện, tố cáo lên Bộ Chính trị, Ủy ban Kiểm tra Trung ương vụ Tham ô tập thể đặc biệt nghiêm trọng tại Ban Nội chính Trung ương (thời ông Trương Vĩnh Trọng là Trưởng ban) – Sau 2 năm bao che không được (do tôi kiên quyết đấu tranh với Đoàn Kiểm tra của UBKTTW) nên ngày 6/3/2008, UBKTTW đã phải ra Thông báo Kiểm tra số 250 kết luận tôi đã Tố cáo đúng (nhưng việc xử lý những kẻ tham ô, tham nhũng của UBKTTW và Ban NCTW chỉ như trò đùa, chỉ yêu cầu số này “Nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm” – mặc dù Đoàn Kiểm tra đã kiến nghị “Cảnh cáo” hơn 10 đối tượng tham nhũng).

2- Năm 2014: Tôi được Trưởng ban NCTW Nguyễn Bá Thanh giao làm Tổ trưởng Kiểm tra án oan của Ban Nội chính Trung ương tại tỉnh Quảng Nam. Tôi đã phối hợp tốt với Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Nam lúc đó là anh Phan Việt Cường (hiện là Ủy viên Trung ương, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam) đề xuất, tham mưu cho Ban Thường vụ tỉnh ủy Quảng Nam và Lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương (ông Phan Đình Trạc) chỉ đạo xử lý dứt điểm, có lý có tình, tháo gỡ được 2 vụ án hình sự nổi cộm nhất tỉnh Quảng Nam trong 15 năm (2001-2014), đó là vụ án khởi tố, bắt tạm giam oan ông Lương Hạnh, Giám đốc Công ty TNHH Quảng Cường và ông Nguyễn Mười (được mệnh danh là “Trùm cổ vật miền Trung”). Kết quả: Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam đã trực tiếp chỉ đạo lãnh đạo 3 ngành tố tụng tỉnh Quảng Nam ngay tại cuộc họp của Ban Thường vụ tỉnh ủy Quảng Nam và Phó trưởng ban, Phụ trách Ban NCTW Phan Đình Trạc với Tổ Kiểm tra của BNCTW; ông Lương Hạnh đã được xử lý hành chính thay cho xử lý hình sự và ông Nguyễn Mười đã được CA tỉnh Quảng Nam trả lại gần 2000 cổ vật bị tịch thu trái pháp luật từ năm 2001.

3- Năm 2014: Tôi được cử làm Phó trưởng Đoàn Kiểm tra Liên ngành (Đảng ủy khối các cơ quan Trung ương-Ban Nội chính Trung ương) kiểm tra đơn tố cáo đảng viên Lê Sỹ Bảy, Phó vụ trưởng Vụ I Thanh tra Chính phủ khai man bằng cấp, kê khai tài sản không trung thực…

Qua kiểm tra tôi phát hiện, báo cáo đơn tố cáo (nặc danh) là có vấn đề, xuất phát từ mâu thuẫn nội bộ (Lê Sỹ Bảy thuộc diện quy hoạch Vụ trưởng Vụ I và Phó tổng Thanh tra Chính phủ)… ngay sau báo cáo tôi bị Ban NCTW rút về không tham gia Đoàn Kiểm tra Liên ngành nữa.

Tôi đã viết đơn tố cáo ông Phạm Quang Thao, Phó bí thư Đảng ủy khối Cơ quan Trung ương (trực tiếp chỉ đạo Đoàn Kiểm tra) và gặp trực tiếp ông Đào Ngọc Dung (Bí thư Đảng ủy Khối cơ quan TW), tôi nói với ông Dung: Mặc dù tôi không tham gia Đoàn Kiểm tra nữa nhưng tôi sẽ theo dõi chặt chẽ cuộc kiểm tra, nếu cần thiết tôi sẽ tố cáo cả anh nếu tôi phát hiện anh chỉ đạo kiểm tra bậy. Kết quả: Đoàn Kiểm tra kết luận đơn tố cáo đảng viên Lê Sỹ Bảy là không có cơ sở, sau đó Lê Sỹ Bảy được bổ nhiệm Vụ trưởng Vụ I và hiện là Phó Tổng thanh tra Chính phủ.

4- Cũng năm 2014: Tôi được Ban Nội chính phân công thụ lý xác minh, giải quyết đơn Tố cáo-Kêu cứu của Nghệ sỹ ưu tú Hán Văn Tình (Chu Văn Quềnh), Trưởng đoàn kịch 1-Nhà hát Tuồng Trung ương, về việc vợ chồng Nghệ sỹ bị một sĩ quan Công an lừa đảo chiếm đoạt gần 200 triệu đồng (trong lúc Nghệ sỹ Hán Văn Tình đang chạy chữa bệnh ung thư bị kiệt quệ về tài chính). Tôi đã sang làm việc với lãnh đạo đơn vị người bị tố cáo, kết quả: Ngay lập tức viên sĩ quan CA kia đã phải xin lỗi và trả hết tiền cho vợ chồng Nghệ sỹ Hán Văn Tình.

5- Trước đó vào năm 2012: Tôi là Phó Vụ trưởng Vụ Nội chính-Văn phòng Trung ương, tôi đã phát hiện, tố cáo và Đảng ủy Văn phòng Trung ương và Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương đã kiểm tra và ra quyết định “Cảnh cáo” bà L.T.H.N (Phó Chánh văn phòng, phụ trách Văn phòng Đảng ủy Văn phòng Trung ương) do vi phạm về đạo đức, lối sống.

6- Năm 1999-2000: Tôi là Đảng ủy viên-Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Ban Nội chính Trung ương, Phụ trách Vụ An ninh (Vụ )-Ban Nội chính Trung ương, tôi phát hiện, đề xuất và được Tiểu ban Trung ương 6/2 + Ủy ban Kiểm tra Trung ương + Ban Nội chính Trung ương chấp thuận thành lập Đoàn Kiểm tra liên ngành, kiểm tra đơn kêu oan của đảng viên Trần Trung Dũng, Phó Bí thư-Chủ tịch UBND quận Thủ Đức bị Ban Thường vụ Thành ủy Tp Hồ Chí Minh kỷ luật “Cách chức” oan. Tôi được tham gia Đoàn Kiểm tra. Kết quả: Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã ra Quyết định xóa án kỷ luật oan cho đảng viên Trần Trung Dũng; sau đó anh Trần Trung Dũng được bổ nhiệm làm Phó giám đốc Thường trực, rồi Giám đốc Sở Lao động-Thương binh-Xã hội Tp Hồ Chí Minh và luân chuyển làm Bí thư Quận ủy Thủ Đức…

7- Năm 2009: Tôi được Trung tướng Hải Bằng, Trưởng ban liên lạc Bạn chiến đấu Đại đoàn 316 tại Hà Nội (Trung tướng Hải Bằng là đồng đội với bố tôi-Anh hùng Lê Văn Dỵ, trong kháng chiến chống Pháp) giao nhiệm vụ giúp Ban LLBCĐ Đại đoàn 316 nghiên cứu, hoàn thiện bộ hồ sơ đề nghị truy tặng, phong tặng danh hiệu Anh hùng thời kỳ chống Pháp (Điện Biên Phủ) cho 2 cá nhân: Liệt sỹ Bùi Hữu Hữu và Đại tá Lâm Viết Hữu (2 trường hợp này được đề nghị cùng với bố tôi từ năm 2004, nhưng chỉ mình bố tôi được truy tặng). Tôi đã đem hết sức mình và làm tròn nhiệm vụ do Ban Liên lạc Bạn chiến đấu Đại đoàn 316 đặt niềm tin giao phó. Một mình tôi đi xe máy lên Phú Thọ gặp chỉ huy các đơn vị Trung đoàn 174 và Sư đoàn 316 cùng Bộ Tư lệnh Quân khu II; tôi còn gặp cả Đại tướng Lê Văn Dũng (Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Bộ Quốc phòng) để trình bày là 2 trường hợp nêu trên hoàn toàn xứng đáng được xét phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND thời kỳ chống Pháp. Kết quả: Cả 2 trường hợp trên đã được truy tặng, phong tặng danh hiệu Anh hùng Điện Biên Phủ.

***

Còn lý do tôi trả thẻ đảng cho Đảng ủy Ban Nội chính Trung ương là để phản đối các cấp, các ngành chức năng đã quan liêu, không quan tâm, không trả lời các đơn Kiến nghị của tôi về vụ án Thái Lương Trí (ông Trí bị cướp mỏ Huổi Chừn, Lào). Kết quả: Vụ án này tôi đã kiên trì đấu tranh làm rõ 100% oan sai, hiện tôi đang tố cáo ông Nguyễn Hữu Chính, Chánh án Tòa án TP Hà Nội chỉ đạo xử bậy, chờ cơ quan chức năng mời lên làm việc để giải quyết đơn Tố cáo của tôi.

Việc tôi bị ai đó quy chụp là có vấn đề về tư tưởng, quan điểm chính trị là họ căn cứ vào việc tôi đã làm luật sư bào chữa cho các bị cáo vụ án Đồng Tâm và một số vụ án xâm phạm an ninh quốc gia. Tôi chỉ làm theo đúng quy định của pháp luật và do lương tâm thôi thúc mà thôi.

Trở lại vụ án Nguyễn Văn Chưởng, tôi kiến nghị Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các ban, ngành chức năng chỉ đạo kiểm tra làm rõ cũng chỉ nhằm góp phần xây dựng một nền tư pháp trong sạch và góp phần xây dựng, củng cố niềm tin của Nhân dân vào Đảng, vào Chế độ, chứ không vì mục đích nào khác.

Tôi hy vọng Tâm thư này của tôi sẽ đến tay Tổng Bí thư và Chủ tịch nước.

Kính thư!

Luật sư Lê Văn Hòa

Bình Luận từ Facebook

6 BÌNH LUẬN

  1. Người thơ NHÂN DÂN LÊ PHÚ KHẢI

    Thêm một đại ca lên tướng
    Thêm một cô gái đứng đường
    Thêm một bà già mất đất
    Thêm một em bé vé số lang thang.

    Thêm một lon tướng
    Thêm một thằng ăn cướp đeo lon
    Thêm một phiên toà ô nhục
    Thêm một lời thách thức nhân dân.

    Đất nước nghèo như cọng cỏ, cọng rơm
    Đi làm ô sin khắp năm châu bốn biển
    Nhưng ra đường là gặp tướng
    Ra đường là gặp dân oan

    Nguồn mạng.

  2. Trong lịch sử tư pháp của Việt Nam mà tôi quan sát, hiếm khi có một vụ trọng án mà cơ quan điều tra chịu bó tay. Không ít vụ án được phá trong một thời gian kỷ lục. Nhưng, cũng hiếm khi tôi thấy những vụ án oan nghiêm trọng nhất được chủ động phát hiện bởi các cơ quan tố tụng.
    Năm 1983, cho dù mang “trái tim trong trắng” [kịch Lưu Quang Vũ], ông Nguyễn Sỹ Lý vẫn bị giam cầm 2.000 ngày. Và, ông Lý chỉ được minh oan khi một người bạn tù được tha trước, âm thầm giúp ông tìm ra thủ phạm. Ông Huỳnh Văn Nén cũng chỉ nhìn thấy ánh sáng sau 17 năm nhờ hung thủ, bị giữ tình cờ trong một vụ vi phạm luật giao thông, tự thú. Ông Nguyễn Thanh Chấn ở tù 10 năm cho đến khi hung thủ tự đến đồn công an.
    Chuyện không phải của thời mông muội. Chỉ mới cách đây 10 năm, 7 thanh niên ở Sóc Trăng cũng chỉ được minh oan sau 4 tháng tạm giam nhờ hai nữ hung thủ cướp của giết người ra đầu thú.
    Những người chịu “án oan thế kỷ”, trong phòng tạm giam, đều khai nhận “hành vì giết người” hoàn hảo. Trừ 7 thanh niên ở Sóc Trăng, tất cả, khi đứng trước tòa, đều phản cung và đều bị tòa căn cứ “án tại hồ sơ”, bác bỏ. Và, chỉ khi hung thủ thật bị lương tâm cắn rứt khai ra, những gì họ tố cáo bị bức cung mới được xác nhận hóa ra là đúng.
    Với hai tử tù Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải, nếu thực sự oan, không rõ, chúng ta có thể chờ đợi lương tâm của những người đã tiến hành tố tụng hay lại phải chờ lương tâm hung thủ.
    Khi nhậm chức, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng yêu cầu công tác xét xử “không được để xảy ra oan sai”. Đây là điều mà những người tiền nhiệm ông cũng đều nhấn mạnh.
    Không phải lúc nào thông điệp này cũng được diễn dịch giống nhau. Nó tùy thuộc vào một hệ thống tư pháp sợ OAN cho thường dân hay chỉ sợ cái SAI của mình bị phát hiện.
    Tôi không biết hiện nay, ngành tòa án có còn giữ tiêu chí “án bị cải sửa” làm căn cứ bình xét thi đua và căn cứ để tái bổ nhiệm thẩm phán nữa không. Sợ sai, sợ án bị cải sửa là lý do mà các cơ quan tố tụng rất khó từ bỏ một tiền lệ rất sai là họp án [“ba bộ đồng tình…”] và thỉnh thị án.
    Nếu một nền tư pháp vận hành theo hướng để dân không bị OAN, nền tư pháp đó phải luôn đặt ra khả năng tố tụng có thể SAI. Không phải tự nhiên mà ngay từ xa xưa loài người đã nghĩ đến việc tách bạch các cơ quan tố tụng và phân ra nhiều cấp xét xử.
    Một nền tư pháp mà hướng tới mục tiêu hoàn hảo, các cơ quan tố tụng không bao giờ sai thì chỗ của những người thực sự bị oan là ở trong tù chứ chưa chắc đã phải là những người được tuyên vô tội.
    Tôi đã từng phỏng vấn tử tù “Phước Tám Ngón” và có mặt tại pháp trường cái buổi sáng 3 bị án trong vụ Tamexco bị bắn. Trừ những loại giết người do bệnh lý, thích chơi trò cân não với cơ quan điều tra, phần lớn những hung thủ thật sự giết người rất ít khi kêu oan. Chúng chấp nhận đã vay [mạng người] thì trả.
    Chúng ta đang nghe những lời kêu oan từ hai bị án Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải. Chúng ta có thể vĩnh viễn không biết sự thật nằm ở đâu. Nhưng, tôi nghĩ những người tiến hành tố tụng trong hai vụ án này biết rõ.
    Chúng ta đã phải đợi cho đến khi hung thủ thật sự ra đầu thú mới biết là Nguyễn Sỹ Lý, Huỳnh Văn Nén, Nguyễn Thanh Chấn bị oan. Nhưng, những người tiến hành tố tụng chắc chắn đã biết điều đó khi họ bắt đầu sử dụng nhục hình và mớm cung bị cáo.
    Đã từng có khá nhiều hung thủ thật ra đầu thú để minh oan cho người gánh án thay mình; nhưng, trong nền tư pháp nước ta, ít khi có một cán bộ từng tiến hành tố tụng tự nhận là mình sai để minh oan cho nạn nhân của chính mình và cộng sự.
    Trong các vụ án oan như Nguyễn Sỹ Lý, Huỳnh Văn Nén, Nguyễn Thanh Chấn… đều có vi phạm tố tụng nghiêm trọng. Chúng ta chứng kiến, việc khăng khăng tuyên bố “sai phạm tố tụng” nhưng “không làm thay đổi bản chất vụ án” đáng sợ thế nào.
    Một nền tư pháp mà chỉ sợ lộ ra cái SAI sẽ không bao giờ tránh được OAN [khiên – cho dân].
    Cứ tống vào tù một dân oan là cấp phép tự do cho một tên tội phạm [hung thủ trong vụ án Huỳnh Văn Nén từng gây án đâm, chém trong thời gian ông Nén bị tù oan].
    Không có mô hình tư pháp nào hoàn hảo. Mô hình ưu việt hơn không phải là có khả năng lập thành tích “phá án 100%”, là không phải không có “án bị cải sửa” mà là có khả năng tự phát hiện sai sót.
    Mục tiêu của một nền tư pháp là công lý chứ không chỉ là phá án. Chính vì thế mà trong nhiều trường hợp, các cơ quan tố tụng phải chấp nhận thua; bởi, một khi các cơ quan tố tụng cứ khăng khăng thắng sẽ không có chỗ cho công lý.
    FB H.Đ

  3. HỌC GIẢ BÙI CHÍ VỊNH

    Trong bộ đội khi tấn công một tên chỉ huy tham ô đàn áp lính
    Là đã bị chụp mũ “mưu sát cán bộ, cướp đoạt chính quyền”
    Năm 25 tuổi tôi đã từng nằm quân lao với tội danh như vậy
    Nên chuyện ngậm máu phun người vốn là chuyện tất nhiên

    Vì thế tôi không mơ hồ gì việc có người muốn Nguyễn Văn Chưởng quy tiên
    Với lý do duy nhất là phạm nhân nhận tội
    Xin lỗi, những thằng xử Nguyễn Văn Chưởng chỉ cần một ngày nằm ở nhà giam
    Hứng tra tấn là mẹ cha không nhìn nổi

    Quan tòa mà ở tù thì quan tòa cũng phải nói
    Không khai man cũng khai đại, miễn khỏi bị đòn
    Không giết người cũng sẵn sàng nhận dối
    Sẵn sàng nhận mình là hung thủ ác ôn

    Sẵn sàng nhận mình là hung thủ cho xong
    Bất chấp hệ thống tư pháp được lập đầu danh trạng
    Ở một xứ sở đầy ma quỷ cô hồn
    Ai đang sống cũng chờ ngày lãnh án

    Hỡi những kẻ nắm cán cân công lý mà tâm hồn chai sạn
    Làm ơn một lần trong năm thở hơi thở con người
    Làm ơn ngưng ngay việc tử hình Nguyễn Văn Chưởng
    Để bia miệng ngàn đời không nguyền rủa tanh hôi…

    NGUỒN MẠNG.

  4. Có một câu chuyện được luật sư Triệu Quốc Mạnh – Chỉ huy lực lượng cảnh sát Sài Gòn – Gia Định, kể lại như vầy: Ngày 29/4/1975, sau khi nhậm chức Chỉ huy lực lượng cảnh sát Sài Gòn – Gia Định, ông Mạnh đến Tòa Sài Gòn – Gia Định thì thấy lực lượng cảnh sát tư pháp ở đây vẫn tề tựu đầy đủ, quân trang gọn gàng đứng chào ông nghiêm cẩn. Ông mới vội vã hỏi: “Các anh còn làm gì ở đây mà chưa đi di tản?” Chỉ huy trưởng cảnh sát tư pháp mới nói: “Tại sao chúng tôi phải di tản? Chúng tôi đâu có liên quan gì đến chính quyền?”

    Chuyện này tôi được nghe chính một người cùng trong “lực lượng thứ ba” với ông Mạnh kể lại. (Vì sự riêng tư của ông, tôi sẽ không nói tên, nhưng tôi tin ông, và cũng không thấy ông có lý do để bịa đặt chuyện này).

    Bây giờ nghe chuyện này chúng ta có thể thấy vô lý, nhưng đó chính là nhận thức của những người thời đó, cụ thể là của những người trong ngành tư pháp Sài Gòn bấy giờ: “TƯ PHÁP ĐỘC LẬP”.

    Chính vì thế mới có chuyện, những “trùm sinh viên” của Tổng hội Sinh viên Sài Gòn như Huỳnh Tấn Mẫn, Dương Văn Đầy… được thả ngay tại tòa, trước sự tức tối của Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu, trong vụ “10 tháng 3” nổi tiếng.

    Tư pháp độc lập không phải sự đảm bảo tuyệt đối cho công lý, nhưng nó là điều kiện tối cần thiết để có được công lý.

    Công lý cần cho tất cả chúng ta. Công lý cần cho mọi người dân, và cần cho cả chính quyền.
    Một chính quyền muốn thực sự vững mạnh, muốn giữ được xã hội thực sự ổn định bền vững thì phải đảm bảo công lý cho từng người dân và tất cả nhân dân.

    Hôm qua, đọc bức thư của Nguyễn Văn Chưởng trên trang FB của luật sư Lê Văn Hòa tôi chợt nhớ lại câu chuyện của luật sư Triệu Quốc Mạnh ở trên.

    Có lẽ cũng đã đến lúc nghiêm túc đặt ra vấn đề độc lập tư pháp và thành lập một lực lượng cảnh sát tư pháp độc lập, để hạn chế tối đa những oan sai do sự chồng chéo của hệ thống điều tra – xét xử hiện hành.

    FB NĐK

  5. Những người trung thực không bao giờ thích hợp với CS
    Xin phân biệt:
    – Những gì CS tự khoe khi đối ngoại, tuyên truyền
    – Những gì CS tự xử lý trong đối nội, giữa các phe phải

    Tác giả nên tự hiểu và tự đánh giá mình:
    – Tâm thư ngàn chữ vô tác dung so với một câu vắn tắt của Trương Hòa Bình và Nguyễn Hòa Bình UV bộ CT
    – Chúng trùn tay giết Hồ Duy Hải và Nguyễn Văn Chưởng là do dư luận trong nước và quốc tế. Không phải do “tâm thư” dù đưa tận tay. Tâm thư cần công khai là do vậy

    Làm luật sư cãi vụ Đồng Tâm cũng tốt, nhưng công bố rộng rãi bài cãi mới là hành đông đúng.

  6. -Giải pháp tạm thời là Quốc hội ra Nghị quyết loại bỏ án tử hình theo ‘thông lệ quốc tế’ rồi Chính phủ ra Nghị quyết thực thi loại bỏ án tử hình.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây