Từ thư cảm ơn của chủ tịch tới ba lần xin giấy phép tái diễn Tiếng trống Mê Linh!

Lê Huyền Ái Mỹ

2-8-2023

Ngày 31-7, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội gửi thư cảm ơn nhóm nhạc K-pop BlackPink, khán giả, lực lượng chức năng hỗ trợ hai đêm nhạc. Qua đó “đã khẳng định hình ảnh của thủ đô Hà Nội – thành phố vì hòa bình, là điểm đến an toàn, thân thiện và khẳng định năng lực tổ chức những sự kiện văn hóa, âm nhạc quốc tế của thủ đô”…

Một ngày sau, 1-8, đúng ngay ngày Tuyên giáo của Đảng, Tòa án nhân dân TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ Công ty truyền thông Vietart khởi kiện hành vi của Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội kéo dài thời gian giải quyết thủ tục hành chính gây phiền hà, khó khăn cho doanh nghiệp trong việc giải quyết thủ tục tổ chức biểu diễn nghệ thuật chương trình Ngôi sao phương Nam số 10: Vở cải lương Tiếng trống Mê Linh của Vietart.

Theo trình bày tại tòa, Vietart nộp hồ sơ xin cấp phép biểu diễn lần đầu từ ngày 5-8-2022, trước ngày xin cấp phép biểu diễn hơn 3 tháng. Sở VHTT Hà Nội yêu cầu Vietart cung cấp văn bản chấp thuận đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả vở Tiếng trống Mê Linh. Nhưng theo nghị định 144 về hoạt động nghệ thuật biểu diễn thì lại không có yêu cầu này. Mà Luật Sở hữu trí tuệ quy định thỏa thuận về tác quyền là quan hệ dân sự, giữa các chủ thể với nhau.

Sau khi Vietart giải trình về việc thực hiện quyền tác giả thì Sở lại giao cho hội đồng nghệ thuật của Sở thẩm định, đánh giá về tư tưởng và chất lượng nghệ thuật của kịch bản vở Tiếng trống Mê Linh. Vietart lại giải trình đây là vở cải lương được coi là mẫu mực, đã được dàn dựng, biểu diễn nhiều năm trên khắp cả nước. Vở ca ngợi tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đấu tranh chống giặc ngoại xâm.

Xin nói thêm, năm 1978, khi đang công diễn vở Tiếng trống Mê Linh ở rạp Lux B, NSUT Thanh Nga đã nhận nhiều thư nặc danh hăm dọa, những kẻ lạ mặt còn ném lựu đạn lên sân khấu, rất may bà thoát nạn. Nhưng đến khi công diễn Thái hậu Dương Vân Nga thì thảm kịch đã xảy ra.

Tiếp theo, một nhân viên của Sở gọi điện cho Vietart nói hồ sơ cũ quá 5 ngày phải giải quyết theo quy định nên yêu cầu công ty này nộp hồ sơ mới. Nên ngày 5-9, Vietart nộp lại hồ sơ lần hai. Hôm sau, Sở mời Vietart họp và lại đưa ra yêu cầu chỉnh sửa kịch bản, cụ thể là chỉnh sửa một số từ ngữ, lời thoại cho phù hợp với… văn hóa miền Bắc, về cách thức xưng hô, hay phong cách nhân vật.

Vietart lại nộp lại hồ sơ có chỉnh sửa theo ý kiến Sở thì ngày 19-9, Sở lại tiếp tục giao hội đồng nghệ thuật của sở thẩm định, đánh giá về tư tưởng, nội dung, chất lượng nghệ thuật kịch bản. Vietart lại chờ và lại nộp hồ sơ lên Sở lần thứ ba. Ngày 3-10, Sở mới có văn bản chấp thuận cho Vietart được phép biểu diễn.

Chưa hết, Sở yêu cầu tổng duyệt trước 3 ngày biểu diễn khiến doanh nghiệp phải chi thêm chi phí ăn ở, vé máy bay cho toàn bộ ê kíp từ TP.HCM ra Hà Nội. Thông thường việc tổng duyệt diễn ra trước một ngày hoặc buổi sáng, chiều cùng ngày biểu diễn.

***

Rõ ràng, Hà Nội đủ, thậm chí “dư xăng” về “năng lực tổ chức những sự kiện văn hóa, âm nhạc quốc tế”, còn sự kiện văn hóa, sân khấu dân tộc thì bị hành cho… lên bờ xuống ruộng đến thế?

Với một vở diễn đã và (vẫn) đang công diễn, lại được lưu trữ công khai (trên nhiều phương tiện, nền tảng); là một vở tuồng lịch sử, tính hư cấu lẫn biến tấu về hoa văn, phục trang trong khuôn khổ cho phép thì tại sao cơ quan quản lý lại hà khắc tới mức như thế? Một vở tuồng cũ, đã công diễn cách đây 44 năm thì việc duyệt trên kịch bản là đã quá đủ, sao còn phải thông qua hội đồng nghệ thuật đến hai lần?

Hà Nội – thành phố vì hòa bình, nhưng 47 năm sau ngày đất nước thống nhất, một vở diễn khi đi lưu diễn trong Một-Đất-Nước thì lại phải xin ba lần cái giấy phép của một sở địa phương, thì liệu có hòa bình nhưng đã thật sự thái bình hay chưa?

Chả nhẽ, “ngôi sao Phương Nam” lại đổi họ thành IME, “sang tay” một vở diễn chống giặc ngoại xâm, cổ vũ lòng ái quốc qua cho một đơn vị tổ chức sử dụng “đường lưỡi bò” phi pháp, vi phạm chủ quyền lãnh hải quốc gia thì sẽ được đối đãi dễ dàng hơn chăng, mà lại còn được cả thư cảm ơn hậu sự nữa!

P/s: thông tin từ các báo:

https://tuoitre.vn/so-van-hoa-the-thao-ha-noi-bi-kien-gay-phien-ha-cho-doanh-nghiep-vang-mat-trong-phien-xet-xu-20230801190459903.htm

https://vnexpress.net/kien-so-van-hoa-va-the-thao-ha-noi-voi-ly-do-bi-gay-phien-ha-4636650.html

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Cảnh cáo montaukmosquito
    Người này sưng sưng viết ngay ở câu đầu tiên “Trích dẫn Hồ Chí Minh”
    một cách bịa đặt.
    Có giỏi, hay nêu nguồn trích dẫn, coi!

    TiengDan không phải nơi để lưu manh văn hóa tới viết bậy

  2. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết rằng dân mềnh đã theo Đảng, theo Bác Hồ để làm cách mạng diệt Đế quốc, phong kiến thì những thói quen hủ bại của phong kiến cũng nên dẹp bỏ, trong đó có những thái độ tiêu cực với Trung Quốc . Tư duy hiềm khích với Trung Quốc là 1 sản phẩm của phong kiến, hổng còn thích hợp trong thời đại Hồ Chí Minh, bớt được chút nào hay chút đó, thậm chí bỏ hẳn lại càng tốt .

    Cái “tinh thần yêu nước”, theo Huy Đức, hổng nên hiểu theo nghĩa thông thường được (nữa rùi). Mấy vở cải lương đó sặc mùi phong kiến, và thông điệp là cái quan niệm yêu nước cũ kỹ và khá là … may i say, phản động . Hiểu theo cái quan niệm cũ kỹ đó hóa ra … Hạ Đình Nguyên nói như thía là chủ quan, thậm chí cực đoan 1 chiều . Thôi đi thì hơn .

    Có thể sẽ có người nói yêu nước có nhiều cách thể hiện, và cách thể hiện của IME cũng hoàn toàn hổng sai . Nhưng nếu áp dụng “Tối Ưu Đại Cục” của Gs Hoàng Tụy, theo quốc sư Nguyễn Ngọc Chu là 1 thứ đại trí thức, thì có những cách yêu nước “tối ưu” hơn những kiểu yêu nước khác, thậm chí có hại cho “Đại Cục”. Có hại thì ta nên bỏ . Nghiện thì cai, 12-step program hoặc cold-turkey tùy theo nghị lực của mình .

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây