Ấn Độ không thể là một siêu cường kinh tế như Trung Quốc

Project-Syndicate

Tác giả: Ashoka Mody

Đỗ Kim Thêm, dịch

28-7-2023

Ảnh minh họa. Nguồn: DIBYANGSHU SARKAR/ AFP/ Getty Images

Bắt đầu từ giữa thập niên 1980, các giới quan sát người Ấn Độ và quốc tế ngày càng tin là chế độ độc tài của Trung Quốc sẽ quản lý sai lạc nền kinh tế, trong khi Ấn Độ dân chủ sẽ nổi lên như là một đất nước hùng mạnh và phát triển nhiều hơn. Thay vào đó, Ấn Độ hiện nay đang phải trả một cái giá cho việc thiếu đầu tư trong nguồn nhân lực của mình.

Tháng 3/1985, báo Wall Street Journal đã không tiếc lời khen ngợi dành cho vị tân Thủ tướng Ấn Độ Rajiv Gandhi. Trong một bài xã luận có tựa đề “Rajiv Reagan”, tờ báo đã so sánh Gandhi, 40 tuổi, với “một người cắt giảm thuế nổi tiếng khác mà chúng ta biết” và tuyên bố rằng việc bãi bỏ quy định và cắt giảm thuế đã gây ra một “cuộc cách mạng nhỏ” ở Ấn Độ.

Ba tháng sau, trước chuyến thăm Hoa Kỳ của Gandhi, nhà kinh tế học Jagdish Bhagwati của Đại học Columbia, thậm chí còn sôi nổi hơn khi viết trên báo New York Times: “Hơn cả Trung Quốc ngày nay, Ấn Độ là một phép màu kinh tế đang chờ đợi để xảy ra. Và nếu phép màu được thành tựu, khuôn mặt chính sẽ là vị thủ tướng trẻ” .Bhagwati cũng ca ngợi việc giảm thuế suất và nới lỏng quy định dưới thời Gandhi.

Những năm đầu tiên của thập niên 1980, đánh dấu một thời khắc lịch sử quan trọng, khi Trung Quốc và Ấn Độ là hai quốc gia đông dân nhất thế giới, với thu nhập bình quân tính theo đầu người gần giống nhau, bắt đầu tự do hóa và mở cửa cho nền kinh tế của họ. Cả hai nước đều gợi lên những dự báo về “cách mạng” và “phép lạ”. Nhưng trong khi Trung Quốc tăng trưởng nhanh chóng trên nền tảng vững chắc về phát triển nguồn nhân lực, Ấn Độ ít thay đổi về khía cạnh tăng trưởng này. Trung Quốc trở thành một siêu cường kinh tế; các dự đoán về Ấn Độ như là siêu cường kế tiếp, chỉ là cường điệu.

Sự khác biệt trong việc thực hiện đã có từ lâu. Năm 1981, Ngân hàng Thế giới so sánh mức sống dự liệu “cao vượt trội” của Trung Quốc là 64 tuổi so với Ấn Độ là 51. Ngân hàng Thế giới ghi nhận rằng, dân chúng Trung Quốc được ăn uống đầy đủ hơn so với người dân Ấn Độ. Hơn nữa, Trung Quốc cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe gần như phổ quát hơn và cho toàn dân – bao gồm cả phụ nữ, được hưởng mức giáo dục cao hơn ở bậc tiểu học.

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh đến những bước tiến đáng chú ý của Trung Quốc đối với việc bình đẳng giới trong thời kỳ Mao Trạch Đông. Như Nicholas Kristof và Sheryl WuDunn ghi nhận trong cuốn sách Half the Sky được xuất bản năm 2009, Trung Quốc (đặc biệt là các khu vực đô thị) đã trở thành “một trong những nơi tốt nhất để nuôi dưỡng phụ nữ“. Gia tăng khả năng tiếp cận về giáo dục và tỷ lệ tham gia trong lực lượng lao động của nữ giới cao hơn, dẫn đến mức sinh sản thấp hơn và cách thực hành việc nuôi dạy trẻ em được cải thiện. Nhận thấy sự tiến bộ của Trung Quốc trong việc phát triển nguồn nhân lực và trao quyền cho nữ giới, Ngân hàng Thế giới đã đưa ra một dự báo táo bạo bất thường: Trung Quốc sẽ đạt được “sự gia tăng đáng kể” về mức sống “trong vòng một thế hệ hoặc tương tự như vậy”.

Thay vì cắt giảm thuế hoặc tự do hóa kinh tế, báo cáo của Ngân hàng Thế giới tập trung vào một thực tế lịch sử được nhà kinh tế học Oded Galor của Đại học Brown nhấn mạnh gần đây. Kể từ buổi bình minh của Cách mạng Công nghiệp, mọi trường hợp tiến bộ kinh tế – mấu chốt của vấn đề là việc tăng trưởng năng suất bền vững – đều gắn liền với đầu tư vào vốn nhân lực và sự tham gia nhiều hơn của nữ giới trong lực lượng lao động.

Chắc chắn, việc tự do hóa thị trường đã giúp ích rất nhiều cho sự tăng trưởng của Trung Quốc và Ấn Độ. Nhưng Trung Quốc đã xây dựng chiến lược phát triển thành công trên hai trụ cột là tư bản nhân lực và bình đẳng về giới tính, những lĩnh vực mà Ấn Độ đã tụt hậu.

Ngay cả sau khi trở nên hướng về thị trường nhiều hơn, Trung Quốc đã đầu tư một cách đầy ấn tượng cho dân chúng, vượt xa Ấn Độ trong việc nâng cao các tiêu chuẩn về giáo dục và y tế lên trên các mức cần thiết để cho lực lượng lao động cạnh tranh được trên trường quốc tế. Bảng chỉ số về tư bản nhân lực năm 2020 của Ngân hàng Thế giới –  mà nó đo lường các kết quả về giáo dục và y tế của các quốc gia trên thang điểm từ 0 đến 1 – đã cho điểm Ấn Độ là 0,49, thấp hơn Nepal và Kenya, cả hai quốc gia nghèo hơn. Trung Quốc đạt 0,65 điểm, tương tự như Chile và Slovakia, hai nước giàu hơn (nếu tính theo đầu người).

Trong khi tỷ lệ tham gia của nữ giới Trung Quốc trong lực lượng lao động đã giảm từ khoảng 80%, xuống còn khoảng 62% vào năm 1990, Ấn Độ đã giảm so với cùng kỳ, từ 32% xuống còn khoảng 25%. Đặc biệt ở khu vực thành thị, tình trạng bạo hành đối với nữ giới đã ngăn cản nữ giới Ấn Độ tham gia trong lực lượng lao động.

Nhìn chung, tư bản nhân lực vượt trội và bình đẳng giới lan rộng hơn, cho phép Trung Quốc tăng trưởng các yếu tố tổng hợp trong năng suất cao hơn nhiều, đây là một thước đo toàn diện nhất về hiệu quả trong việc sử dụng tài nguyên. Giả sử hai nền kinh tế có năng suất như nhau vào năm 1953 (là khoảng thời gian mà họ bắt tay vào các nỗ lực hiện đại hóa), Trung Quốc đã trở nên có năng suất cao hơn 50% vào cuối thập niên 1980. Ngày nay, năng suất của Trung Quốc gần gấp đôi Ấn Độ. Trong khi 45% các công nhân Ấn Độ vẫn còn làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp không có năng suất cao, Trung Quốc đã vượt qua ngay cả từ tình trạng sản xuất đơn giản, thâm dụng lao động để nổi lên, ví dụ như một lực lượng đang chế ngự trên thị trường xe hơi, đặc biệt là xe điện.

Trung Quốc cũng chuẩn bị tốt hơn cho các cơ hội trong tương lai. Bảy trường đại học của Trung Quốc được xếp hạng ở bảng đứng đầu trong 100 trường đại học trên thế giới, Đại học Thanh Hoa và Bắc Kinh nằm trong Bảng đứng đầu trong số 20. Thanh Hoa được coi là đại học đứng đầu thế giới về khoa học điện toán, trong khi Bắc Kinh được xếp hạng thứ chín. Tương tự như vậy, chín đại học Trung Quốc nằm trong số 50 đại học hàng đầu trên toàn cầu về toán học. Ngược lại, không có trường đại học Ấn Độ nào, kể cả Viện Công nghệ Ấn Độ nổi tiếng, được xếp hạng trong số 100 trường hàng đầu thế giới.

Các nhà khoa học Trung Quốc đã có những bước tiến đáng kể trong việc thúc đẩy số lượng và phẩm chất nghiên cứu, đặc biệt là trong các lĩnh vực như hoá học, cơ khí và khoa học vật liệu, và có thể sớm dẫn đầu về trí tuệ nhân tạo. Như các con số cho thấy, các nhà nghiên cứu Trung Quốc, cả trong học viện và công nghiệp, đang nhanh chóng tạo ra các bằng sáng chế với phẩm chất cao.

Từ giữa thập niên 1980, các giới quan sát người Ấn Độ và quốc tế đã dự đoán rằng, thỏ rừng Trung Quốc độc tài cuối cùng sẽ chùn bước, và rùa Ấn Độ dân chủ sẽ thắng trong cuộc đua. Các biến cố gần đây – các hạn chế khắc nghiệt của Trung Quốc về chống COVID xuống bằng số không, tình trạng thất nghiệp của giới trẻ gia tăng và hậu quả bất lợi từ những nỗ lực của chính quyền Trung Quốc nhằm kiềm chế lĩnh vực bất động sản phát triển quá mức và các doanh nghiệp khổng lồ của đất nước dường như ủng hộ quan điểm này.

Nhưng với nguồn nhân lực dồi dào và bình đẳng giới lan rộng hơn, Trung Quốc đứng ở lằn ranh của cả hai nền kinh tế cũ và mới, các nhà lãnh đạo Ấn Độ và các đối tác quốc tế của họ quảng bá cho một khả năng không có cơ sở lịch sử là họ sẽ vượt qua một nền tảng mong manh về nhân lực với cơ sở hạ tầng về kỹ thuật số và vật chất sáng chói. Trung Quốc có một con đường hợp lý để vượt qua tình trạng hỗn độn trong hiện tại. Ngược lại, Ấn Độ có nguy cơ rơi vào ngõ cụt mù mịt của sự lạc quan vô căn cứ.

________

Tác giả: Ashoka Mody là Giáo sư thỉnh giảng về Chính sách Kinh tế Quốc tế tại Đại học Princeton, trước đây ông làm việc cho Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Ông là tác giả của cuốn sách India is Broken: A People Betrayed, Independence to Today (do NXB Stanford University Press ấn hành năm 2023).

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Ấn Độ dẫn đầu ở phần tin dị đoan của đán Hindu và ăn ở chung với chuột, khỉ và bò. Thay vì nâng cao đời sống sạch sẽ cho dân và tầm văn minh xã hội thì họ đổ tiền vào quân đội và vũ khí.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây