Nhiệm vụ then chốt trong cuộc phản công của Ukraine: Săn tìm mìn

Wall Street Journal

Tác giả: Isabel ColesIevgeniia Sivorka

Cù Tuấn, biên dịch

21-7-2023

Một binh sĩ Ukraine lắp ráp máy dò kim loại trong một ngôi nhà được dùng làm căn cứ tạm thời gần Novovasylivka, miền nam Ukraine. Ảnh: WSJ

Tóm tắt: Mìn là một trong những thách thức lớn nhất đối với cuộc phản công chậm chạp của Kyiv.

BAHATYR, Ukraine—Những người lính Ukraine khởi hành trong bóng tối đen kịt, băng qua những cánh đồng đầy bom đạn để thực hiện một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của cuộc phản công—và cũng là một trong những nhiệm vụ nguy hiểm nhất.

Được trang bị máy dò kim loại, xẻng và móc câu, các kỹ sư chiến đấu—được gọi là công binh—tìm kiếm mìn dọc chiến tuyến với quân Nga, đồng thời cố gắng không bị kẻ thù gần đó phát hiện.

“Bạn không được phép tỏ ra căng thẳng”, một lính công binh 49 tuổi với biệt danh Fisherman (“Ngư dân”), người dẫn đầu một nhóm 50 người trong Lữ đoàn Jaeger 68 của Ukraine cho biết.

Sau một cuộc tấn công ban đầu bằng cách sử dụng xe tăng do phương Tây tài trợ và các phương tiện bọc thép khác, và bị kẹt lại trong một bãi mìn của Nga vào đầu tháng 6, quân Ukraine đã chuyển sang sử dụng những người lính như Fisherman để mở đường tiến lên.

Nga đã xây dựng một số công sự chiến trường quy mô nhất kể từ Thế chiến 2 trong những tháng mà quân đội phương Tây tập trung huấn luyện và trang bị cho quân đội của Kiev để tiến hành cuộc tấn công. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky than thở rằng, các đồng minh phương Tây đã không hành động nhanh hơn, khiến Nga có thời gian để gài mìn trên một khu vực lớn hơn cả bang California.

Bất chấp các thách thức, Ukraine đã giành lại nhiều lãnh thổ hơn kể từ khi bắt đầu cuộc phản công hơn sáu tuần trước so với Nga đã chiếm giữ trong cùng số tháng. Và Kyiv vẫn chưa tung hết lực lượng vào trận chiến, giữ lại một số đơn vị do phương Tây huấn luyện để khai thác bất kỳ lỗ hổng nào trong hệ thống phòng thủ của Nga.

Tuy nhiên, tiến độ chậm hơn so với những gì mà các quan chức Ukraine và phương Tây mong đợi, và tuyến phòng thủ chính của Nga vẫn còn ở phía trước—ngoài những cánh đồng rải đầy mìn chống tăng và sát thương, hào bằng bê tông cốt thép, hệ thống dây điện chằng chịt, răng rồng và hào chống tăng.

Cơ khí đã được chứng minh là một trong những mảng mạnh của quân đội Nga, viện nghiên cứu Royal United Services Institute có trụ sở tại Anh cho biết trong một báo cáo đầu năm nay. Các chướng ngại vật bao gồm mìn được thiết kế để làm chậm đà tiến quân của Ukraine và hướng bộ binh Ukraine tiến vào các vị trí mà máy bay trực thăng tấn công, pháo binh và máy bay không người lái của Nga có thể đánh bật họ ra.

Một sách hướng dẫn của Nga đề năm 2023 do một sĩ quan quân đội Ukraine thu được, cho thấy, các hướng dẫn sử dụng mìn để cản trở các đoàn xe cơ giới của Ukraine. Một số mìn chống tăng sẽ được đặt mà không có ngụy trang để chuyển hướng quân Ukraine vào các khu vực có mìn. Những mìn khác được gài thành cụm bên cạnh các chướng ngại vật như các xe cơ giới bị phá hỏng và những đoạn đường bị pháo kích để gài bẫy quân Ukraine khi họ cố gắng vượt qua chúng.

Thiết bị rà phá bom mìn nằm trong gói viện trợ quân sự trị giá 60 triệu USD mà Mỹ cung cấp cho Ukraine vào năm ngoái.

Trong số các giải pháp này có Đường dây rà phá bom mìn, chúng phóng một tên lửa nhỏ với một đường dây chứa thuốc nổ qua một bãi mìn và được kích nổ để kích hoạt bất kỳ quả mìn nào gần đó. Ukraine đã có một sản phẩm tương đương do Liên Xô phát triển.

Theo Oryx, một nhóm các nhà phân tích độc lập theo dõi thiệt hại của cả hai bên trong cuộc chiến, một trong sáu xe bọc thép rà phá bom mìn Leopard 2R do Phần Lan cung cấp cho Ukraine, đã bị phá hủy trong những ngày đầu của cuộc phản công và hai chiếc khác bị hư hại.

Một hình ảnh vệ tinh trên điện thoại của Fisherman minh họa những gì quân Ukraine đang phải đối mặt: Nó cho thấy một vành đai mìn chống tăng, gài thành năm hàng, phía trước một vị trí phòng thủ của Nga. Nhưng trước khi dọn đường xuyên qua mìn của kẻ thù, các lính công binh Ukraine phải mở ra một khoảng trống cho riêng họ.

Là một người đam mê câu cá, Fisherman so sánh sở thích này với công việc của mình, theo nghĩa, cả hai đều liên quan đến việc đặt mồi và chờ đợi một mẻ cá. Anh đã chiến đấu chống lại Nga trong giai đoạn đầu của cuộc xung đột vào năm 2015 nhưng đã quay trở lại làm việc trong ngành xây dựng cho đến khi Nga xâm lược toàn diện vào năm ngoái.

Đường dây rà phá bom mìn, hay Miclic, có thể rà phá mìn và tạo thành một hành lang dài tới 1km, xuyên qua các bãi mìn và đủ rộng để chứa xe tăng hoặc xe chở người một cách an toàn. Nó hoạt động bằng cách phóng một tên lửa thủy lực mang theo một dây chất nổ C-4 phía sau. Khi phát nổ, chúng cũng kích hoạt các quả mìn trong phạm vi, gồm cả mìn sát thương và mìn kích hoạt từ trường.

Sau khi đến tiền tuyến gần Vuhledar hồi năm ngoái, những người lính thuộc nhóm này đã tự gọi mình là Fisherman, bắt đầu đặt khoảng 25.000 quả mìn trên một khu vực có diện tích bằng một phần tư Manhattan. Đôi khi nó liên quan đến việc đi bộ vài dặm mang theo nhiều quả mìn chống tăng, mỗi quả nặng 11kg.

Những quả mìn mà nhóm Fisherman gài đã phá tan Lữ đoàn Bộ binh Hải quân 155 của Nga, cản trở các cuộc tấn công lặp đi lặp lại quanh làng Vuhledar, trong một cuộc tấn công mùa đông thất bại. Một đoạn video trên điện thoại của Fisherman cho thấy, ba chiếc xe tăng Nga không ngờ tới, đang tiến thành một hàng dọc theo một con đường được vạch ra trên những cánh đồng đầy tuyết. Fisherman cho biết, lính công binh của Nga trước đó đã dọn sạch tuyến đường, nhưng người của anh đã đi ra khu vực đó trong đêm tối và cài lại mìn. Đoạn phim cho thấy, chiếc xe tăng đầu tiên đi qua một quả mìn, gây ra một vụ nổ khiến phần còn lại của đoàn xe phải quay đầu lại.

Khi cuộc tấn công bắt đầu, Fisherman được giao nhiệm vụ dọn đường xuyên qua hệ thống phòng thủ của chính họ mà không tiết lộ nơi quân Ukraine định tấn công vào. Để quân Nga không biết, những người lính công binh đã gỡ bỏ chất nổ khỏi những quả mìn mà họ đã đặt, trong khi để lại lớp vỏ bên ngoài để đánh lừa.

Quân Ukraine đã đạt được một số thành công ban đầu về mặt chiến thuật trên hướng tiến công mà Fisherman phụ trách, chiếm lại ngôi làng phía đông Blahodatne. Nhưng, giống như mọi nơi khác, các bãi mìn đã chứng tỏ là một vấn đề lớn. Trong một trường hợp, quân Ukraine đã vượt qua một vị trí của Nga chỉ để hứng chịu hỏa lực pháo binh hạng nặng. Trong khi cố gắng rút lui với những người lính bị thương, họ đã kích hoạt một quả mìn sát thương, một lính công binh với chòm râu dê có mật danh Buba cho biết.

Buba nói: “Khi chúng tôi đi vào lãnh thổ bị chiếm đóng, chúng tôi coi như mù”.

Đeo kính nhìn ban đêm, lính công binh càn quét mặt đất trước mặt bằng máy dò kim loại. Đôi khi họ đến gần các vị trí của quân Nga đến mức có thể nghe thấy tiếng nói của kẻ thù. Khi máy dò kim loại nhận được tín hiệu, chúng sẽ thăm dò nền đất để xác định những gì nằm bên dưới. Không có chỗ cho sự lo lắng. “Tay của bạn không được run”, Fisherman nói, mặc một chiếc áo phông có dòng chữ “Xin chào, chúng tôi đến từ Ukraine”.

Thường kim loại được phát hiện là những mảnh đạn vô hại nằm rải rác trên các cánh đồng dọc chiến tuyến ở miền nam Ukraine. Nhưng nếu đó là mìn, những người lính công binh sẽ phát hiện ra nó bằng cách sử dụng một cái xẻng có tay cầm ngắn trước khi gắn móc vào nó bằng một sợi dây.

Từ một khoảng cách an toàn, họ giật mạnh sợi dây để lôi bật quả mìn chống tăng lên. Quân Nga thường đặt một quả mìn sát thương bên dưới, quả mìn này sẽ được kích hoạt khi có người gỡ bỏ quả mìn chống tăng. “Luôn có rủi ro”, Buba nói.

Dây bẫy kích hoạt mìn không thể nhìn thấy trong bóng tối, vì vậy lính công binh đôi khi đợi đến rạng sáng để ra ngoài và tìm kiếm chúng. Đối với loại bẫy đó, Fisherman cho biết, công cụ tốt nhất là một cây sậy: Đủ căng để chạm vào dây, nhưng đủ mềm để không kích hoạt mìn. “Không ai nghĩ ra một công cụ nào tốt hơn thế này”, ông nói, nhổ một cây sậy bên bờ sông. Những người lính trong nhóm của Fisherman đang nghỉ ngơi tại tiền tuyến và đang ở trong một ngôi nhà trống trong khi chờ lệnh tiếp theo.

Fisherman cho biết, tuổi thọ của lính công binh rất ngắn. Mặc dù vậy, anh nói rằng, cho đến nay nhóm của anh chưa mất một người đàn ông nào vì mìn. Fisherman coi đó là thành tựu lớn nhất của mình.

Anh nói: “Tôi không đến đây để trở thành anh hùng. Tôi chỉ đến đây để làm công việc của mình: Đó là giành chiến thắng trong cuộc chiến”.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Một cách nhìn nhân văn

    Cậu lính U Cà đứng trên cầu nói vọng xuống sông: Bèo trôi hay Nga cộng trôi?

    Có tiếng đáp: Nga cộng. Người lính bảo: Trôi lẹ đi cha nội kẻo U Cà tới càn bây giờ

    Zhinkyna có anh đi lính U Cà nhưng ba của Zhinkyna lại tiếp tế cho Nga cộng. Diễm tử tế, Sergey anh trai Diễm tử tế, ba Diễm lại càng tử tế.

    Này thì, Zelensky yêu Zhinkyna mà gia đình Sơn, hai anh theo U Cà, hai anh theo Nga cộng sản. Hai anh theo U Cà bị chết, một anh theo Nga cộng sản cũng bị chết, còn một anh tuy không bị chết nhưng bị đạn xẻo mất cái cần nối giống.

    Thế là cậu Zelensky không phe nào phải quyết yêu và quyết có con để nối giống. Và tất cả cũng đều rất tử tế, rất yêu quê, thương mẹ cha và cũng rất lý tưởng nữa mới lạ chứ

    Lạ thật đấy chớ nhỉ

    See, không phải cứ cầm vũ khí chống lại Nga mới là yêu nước . Bà tham tám U Cà nên đọc những của khỉ này để biết nếu Nga Cộng Sản thắng, your people gonna have to swallow this PoS wholesale

Comments are closed.