Đề xuất vài ý kiến nhằm tìm giải pháp khắc phục lũ ngập ở Đà Lạt

Chí Khiếu

17-7-2023

Cứ mỗi năm đến đầu mùa mưa, Đà Lạt lại hứng những cơn mưa đầu mùa với lượng nước rất lớn trút xuống trong khoảng thời gian ngắn và thường kèm theo mưa đá, chẳng hạn như hôm 12/7/2023, lượng mưa 90 mm trút xuống chỉ trong khoảng một giờ.

Lượng mưa 90mm thường được xếp vào loại mưa vừa, không lớn nếu không xét đến thời gian mưa. Nếu mưa cả buổi mới được 90 mm thì đúng là không lớn nhưng chỉ trong một giờ đã lên đến 90 mm là mưa rất to, mưa xối xả.

Rất nhiều người thắc mắc vì sao Đà Lạt cao 1.500m so với mặt biển mà lại ngập sau cơn mưa chỉ 60 tới 90mm. Nếu ở đồng bằng như ở Hậu Giang chẳng hạn, thì mưa 90mm cũng chẳng là gì, nước có không thoát được thì giỏi lắm chỉ ngập tới mắt cá chân. Thế nhưng ở vùng núi đồi bát úp như Đà Lạt, nước mưa không dàn đều như đồng bằng mà sẽ dồn xuống các thung lũng nhỏ hẹp tạo thành lũ ống. Đà Lạt không bị lụt như Miền Trung mà là bị lũ ống.

Lũ ống chỉ xảy ra ở miền núi, nước chảy thành dòng rất xiết, dâng lên bất ngờ và rút cũng rất nhanh. Lũ ống không lạ gì với các vùng cao trên cả nước như ở Nghệ An, Thanh Hóa, Lào Cai, Sơn La, Yên Bái… nhưng không mấy ai thắc mắc như khi nó xảy ra ở Đà Lạt.

Lũ ống tại Đà Lạt không phải chuyện mới mẻ gì. Là một người sinh sống tại Đà Lạt hơn 60 năm nay, tôi có thể nói những ai cho rằng Đà Lạt bây giờ mới ngập là chưa biết rõ Đà Lạt. Con suối Phan Đình Phùng từ lúc tôi còn bé đến nay cứ một vài năm lại tràn bờ sau những cơn mưa to đầu mùa, nhưng hồi xưa ven con suối này toàn là vườn rau, sát bên suối là bờ lau sậy, cỏ dại chứ không có nhà cửa san sát như bây giờ cho nên ít người bị nước tràn vào nhà. Khúc đường Hải Thượng trước trường Việt Anh xưa bị ngập nhiều lần – ai là cựu học sinh trường Việt Anh hẳn chưa quên. Khu quy hoạch Nguyễn Công Trứ bây giờ nằm cuối đường Phan Đình Phùng ngày xưa là vườn rau cũng thường bị ngập. Ven suối Cam Ly từ khu Abattoir cho tới thác Cam Ly ngày xưa có biệt danh là “Xóm Sình” đủ biết nó hay bị ngập như thế nào, và hồi thời Pháp thuộc khu này thậm chí lũ cuốn trôi nhà cửa.

Rất nhiều ý kiến cho rằng việc xây dựng ồ ạt, nhất là nhà kính trồng rau hoa phủ kín mặt đất cùng với bê tông hóa khắp nơi làm cho nước mưa không thấm được xuống đất mà chảy thẳng xuống các thung lũng rất nhanh là nguyên nhân chính gây ra ngập. Điều này rất đúng nhưng đó chỉ là một nhân tố làm trầm trọng thêm thôi, nguyên nhân chính của lũ giống như tất cả các vùng đồi núi khác trên thế giới chính là địa hình.

Khi người Pháp lập quy hoạch ban đầu cho Đà Lạt họ đã nhận biết nguy cơ lũ ngập và đã có biện pháp khắc phục, đó là xây dựng các hồ chứa lớn ở tất cả các lưu vực chính của thành phố. Lưu vực Thái Phiên có hồ Than Thở, Chi Lăng có hồ Mê Linh, hạ lưu 2 lưu vực trên có hồ Xuân Hương và các hồ phụ cho các lưu vực nhỏ quanh hồ Xuân Hương như hồ Tổng Lệ cho lưu vực đồi Cù, hồ Đội Có cho lưu vực ấp Võ Tánh – nay là thung lũng Golf Valley, lưu vực Thánh Mẫu thượng nguồn suối Phan Đình Phùng có hồ Vạn Kiếp… Tất cả các hồ trên không chỉ tạo cảnh quan mà công dụng chính là điều hòa dòng chảy chống lũ. Khi mưa lớn, nước thấm xuống đất không nhiều bằng nước chảy vào các hồ này. Với hệ thống đập ngăn nước và các cửa xả, người ta có thể hạn chế các cơn lũ không cho gây hại.

Sau chiến tranh, Đà Lạt chứng kiến bùng nổ dân số, nhà cửa xây dựng ồ ạt nhưng công tác quy hoạch yếu kém, quản lý lỏng lẻo, hệ thống hồ điều hòa dòng chảy nói trên bị xâm hại nghiêm trọng. Hồ Vạn Kiếp bị xóa sổ, suối Phan Đình Phùng không còn được bảo vệ. Hồ Mê Linh, hồ Than Thở bị lấn chiếm, diện tích thu hẹp, thậm chí hồ Mê Linh gần như biến mất, thượng nguồn suối Cam Ly mất phương tiện điều hòa. Các hồ phụ của Xuân Hương như hồ Đội Có, Tổng Lệ đều bị thu hẹp cả diện tích lẫn đường cống nối với hồ lớn. Các khu vực ven suối có nguy cơ lũ ngập trước đây là đất nông nghiệp nay xây kín nhà cửa. Con suối chảy từ khu vực Đông Tĩnh, Nguyễn Công Trứ khi băng qua đường Phan Đình Phùng trước kia là kênh mở nay biến thành cống kín.

Con suối lớn nhất chảy từ hồ Xuân Hương đến thác Cam Ly tuy đã được cải tạo xây kè kiên cố – việc cải tạo này giúp cho khu quy hoạch Mạc Đĩnh Chi thoát lũ ngập- nhưng vẫn không đủ thoát nước từ hai nguồn Hồ Xuân hương và suối Phan Đình Phùng bởi vì phía cuối công trình là thác Cam Ly, một vùng núi đá như một con đập tự nhiên cản dòng chảy mà nếu muốn khơi thông thì phải đào qua một con đồi đá lớn, lại còn phải phá hủy thắng cảnh thác Cam Ly. Cầu Ông Đạo, con đập lớn nhất thành phố đã được xây dựng lại rộng gấp đôi nhưng không biết hệ thống cửa xả liệu có dễ vận hành như xưa không. Và cuối cùng, việc tu bổ, cải tạo đường và cống thoát nước ở một số điểm không đạt yêu cầu, chẳng hạn cống thoát đường Hoàng Diệu, đường Hai Bà Trưng đoạn gần ngã tư Hoàng Diệu Hải Thượng… đều khá nhỏ hẹp, thường xuyên bị rác bít kín cộng với địa hình trũng xuống gây ngập dù cho lưu vực không lớn.

Lề đường ven hồ Xuân Hương xây dựng trông rất đẹp nhưng lại biến thành con đập ngăn nước khá cao cản trở nước thoát xuống hồ, các cống thoát quá nhỏ và bố trí không hợp lý – có miệng cống nằm trên cao khiến cho đường thì ngập một nửa nhưng nước không lên tới miệng cống.

Nhiều người đã hiến kế khắc phục tình trạng ngập ở Đà Lạt, trong đó có cả những kiến trúc sư nổi tiếng song điều lạ là hầu như không ai nhắc tới hệ thống hồ chứa có sẵn như một giải pháp, trong khi đó chính là giải pháp mà những kiến trúc sư người Pháp đầu tiên quy hoạch Đà Lạt đã thực hiện và sau này người Việt dần bỏ quên hay không biết cách vận hành, không hiểu công dụng nên đã phá bỏ để chiếm đất.

Là một người dân có thể coi là chánh gốc Đà Lạt, đã cư trú hơn nửa thế kỷ ở đây, tôi xin đề xuất vài ý kiến nhằm tìm giải pháp khắc phục lũ ngập thế này:

– Khôi phục các hồ đã bị vùi lấp, lấn chiếm như Than Thở, Mê Linh, Vạn Kiếp… thiết kế lại hệ thống cửa ngăn, xả nước hiện đại dễ vận hành hơn;

– Nghiên cứu nghiêm túc về tần suất mưa lớn, các lưu vực hứng mưa trong thành phố, vạch ra quy trình vận hành các hồ chứa để điều hòa dòng nước, dự đoán mưa lớn, chủ động giảm mực nước hồ khi không mưa để lấy chỗ chứa nước lũ, khi mưa lớn cho nước hồ dâng lên, dứt mưa xả ra từ từ;

– Trước mùa mưa phải kiểm tra khơi thông cống rãnh;

– Sửa chữa, nâng cấp các cống rãnh trước đây thiết kế kém, không hiệu quả;

– Nếu có thể, mở rộng dòng suối, nắn thẳng các đoạn quá khúc khuỷu – chẳng hạn đoạn suối Cam Ly dưới thác từ thác Cam Ly tới nhà máy xử lý nước thải; xem xét đục thông dòng chảy phía trên thác Cam Ly cho dù phải đào đá và làm ảnh hưởng cảnh quan thác Cam Ly – thắng cảnh này ngày nay không còn thu hút khách, nên cân nhắc giữa các lợi ích;

– Vạch ranh giới hành lang an toàn dọc các con suối, hạn chế cư trú trong hành lang này, thậm chí giải tỏa di dời các khu vực nguy cơ cao.

Các việc trên không quá khó, nếu chịu khó nghiên cứu và quyết tâm thực hiện chắc chắn sẽ giảm tác hại của lũ lụt mà vốn chỉ xảy ra vài ngày đầu mùa mưa nhưng ảnh hưởng tới cuộc sống của nhiều người dân và danh tiếng của thành phố du lịch.

Bình Luận từ Facebook

5 BÌNH LUẬN

  1. Dùng lu ngay thôi, đại biểu quốc hội đã đề xuất rồi, mỗi nhà một cái lu chứa nước mưa, thế là hết ngập!

  2. Chính vì địa hình nên mới có sự xuất hiện của các hồ Mê Linh,Vạn Kiếp,Tổng Lệ…(nơi tiếp giáp của các đường đồng cao độ từ 2 hoặc nhiều đồi,núi).Trước 75,nếu mưa nhiều quá,nước từ hồ Xuân Hương chảy qua đập Ông Đạo theo con rạch chảy đến thác Cam Ly,lâu lâu thì nước tràn dâng lên 2 bên con rạch(sau cầu Abattoir),ngập hết các cánh đồng trồng rau xung quanh rồi chỉ 1,2 ngày là hết vì nước đã chảy thoát qua thác Cam Ly…

  3. Nếu tác giả đề xuấr chống ngập hợp lý thì nguyên nhân chính không phải địa hình như
    tác giả khẳng định mà chính vì rất nhiều hồ bị lấn chiếm, thậm chí bị xoá sổ và biến mất
    như hồ Vạn Kiếp và Mê Linh nên Đà Lat mới ngập lụt trầm trọng thế náy !
    Trước 1975, báo chí chưa hề than phiền về tình trạng ngập lụt đó vì mức độ ít hay không
    đáng kể ?

  4. Hay,đồng ý 100% với đề xuất chống ngập rất hay của tác giả ! Mong sẽ đến tai các ông lớn ở Lâm Đồng (Lưu ý là các ông đã phá hủy cảnh quan tuyệt đẹp của hồ Tuyền Lâm bằng cách cho xây rất nhiều các biệt thự chung quanh hồ…)không biết các ông có xem xét kỹ các hệ thống nước thải của các biệt thự này chưa?

  5. Lạ!
    Tác giả là người dân, muốn góp ý kến với ĐCS và chính quyền của ĐCS… sao không nhè báo Nhân Dân hoặc báo mặt trân TQ mà đăng bài?

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây