Phổ cập giáo dục kiểu Việt Nam

Thái Hạo

15-7-2023

Luật Giáo dục 2019 quy định, tiểu học là bắt buộc, Mầm non và THCS là phổ cập. Và theo nguyên tắc, thì giáo dục phổ cập là không được thu học phí, nhưng tại sao nhà nước vẫn đè dân ra thu? Đây có phải là công khai vi phạm pháp luật?

Hiến pháp Việt Nam qua nhiều thời kỳ đều quy định: Giáo dục bắt buộc ở cấp học phổ thông và không thu học phí. Nhưng trên thực tế, điều này chưa bao giờ được thực hiện đầy đủ.

Nhìn ra ngoài: “Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã cưỡng bách giáo dục đến hết bậc THPT hoặc ít nhất là đến cấp THCS, Nhật Bản thì cưỡng bách cấp 1 từ năm 1870…” (Báo Lao Động).

Câu chuyện trường THCS Lê Quý Đôn (Hà Nội) vì “tự chủ tài chính” mà thu học phí 6 triệu/tháng được phụ huynh phản ánh trên Dân Trí đang gây xôn xao dư luận, một lần nữa khiến ta phải đặt lại câu hỏi nghiêm túc về các khái niệm “giáo dục bắt buộc/ giáo dục phổ cập” trong các văn bản quy phạm pháp luật do chính nhà nước ban hành.

Phổ cập giáo dục mà thu học phí thì đã thậm vô lý, vì ngang nhiên dẫm đạp lên luật pháp; nay trong chính cái cấp học được quy định là phổ cập ấy, trường công lại “tự chủ tài chính” là một lần nữa vi phạm. Trường công là đầu tư của nhà nước, tức tiền thuế dân, mà lại gọi “tự chủ tài chính” là thế nào? Vi phạm chồng lên vi phạm.

Giáo dục cưỡng bách/phổ cập có cùng bản chất là tính bắt buộc của nó, tức học hành là một nghĩa vụ và nhà nước phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm của nó, để nếu cha mẹ nào không cho con đến trường thì có thể phải ở tù. Và vì thế, nhà nước phải xây đủ trường, trang bị đồ dùng, phân phát sách giáo khoa và cung cấp tài chính đầy đủ cho các cơ sở giáo dục hoạt động.

Tuy nhiên, như đang thấy, khi ban ra một văn bản luật có 2 chữ “phổ cập” thì nhà nước lại dồn trách nhiệm ấy lên vai người dân tới 2 lần: lần 1 là nộp thuế, lần 2 là đóng học phí (đó là chưa kể đến các chính sách “xã hội hóa” có thể coi như lần 3, lần 4).

Như vậy, nhà nước đang cưỡng bách 2 lần: cưỡng bách nộp tiền để học một nội dung bị cưỡng bách tiếp thu. Nếu như so sánh với việc bán hàng (mà thực ra giáo dục hiện nay ở ta đã có nhiều phần mang tính kinh doanh rồi) thì cũng gần giống như bắt khách hàng phải bỏ tiền ra mua một món hàng mà mình bán, không được từ chối.

Kinh doanh như thế thì sướng quá! Tuy nhiên, nếu chỉ là bị bắt phải mua một món hàng hóa thông thường thì chỉ mất tiền, nhưng đây nghiêm trọng hơn nhiều, bị mất luôn cả cái đầu, vì nội dung giáo dục là toàn bộ vấn đề của nhân cách, tâm hồn, trí tuệ.

Nếu muốn người dân tuân thủ pháp luật thì nhà nước phải là người đầu tiên chấp hành nó, bằng cách thực hiện đúng nguyên tắc của giáo dục phổ cập: miễn học phí, phát sách giáo khoa… Không thể tiếp tục ngày càng biến tướng, từ việc thản nhiên thu học phí, đến biến dạng thành cái gọi là “trường công tự chủ kinh phí” để thu mỗi tháng bằng thu nhập của cả một người công nhân đầu tắt mặt tối.

Quay trở lại với chuyện mua – bán hàng hóa. Nếu ngửa bài với nhau mà công khai coi giáo dục (phổ thông) là một loại hình kinh doanh thì phải thôi việc độc quyền bán hàng và mua hàng cưỡng bách (nội dung dạy – học), để thực hiện “trăm người bán, vạn người mua” theo đúng quy luật của thị trường tự do. Bằng không, nếu vẫn bắt buộc thì ít ra, để thể hiện chút tử tế, cũng nên chỉ bắt người mua trả tiền một lần thôi, là đóng thuế, chứ không thể vừa đóng thuế vừa trả học phí lại vừa xã hội hóa theo kiểu “tự nguyện bắt buộc” như đang diễn ra như một cái nạn khốn đối với toàn dân. Lại càng không thể vừa bắt học (phổ cập) nhưng lại vừa không có đủ trường cho trẻ em học. Thật quái lạ với cái “phổ cập” này ở nước ta. Hay phải chăng, đây là “phổ cập” mang màu sắc Việt Nam để thực hiện tôn chỉ “làm những việc mà thế giới không thể bắt chước được” như ông bộ trưởng 4T đã tự hào tuyên bố?

Đầu tư cho giáo dục (cả tiền của và nội dung dạy – học) chính là đầu tư cho phát triển quốc gia để xây dựng một đất nước giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc. Vì thế, mọi nhà nước có trách nhiệm đều thực hiện công việc hệ trọng này một cách minh bạch, tận tụy. Nên, nghèo như Campuchia cũng miễn phí đến hết bậc THCS, là vì thế. Và chúng ta thấy đất nước này đang vươn lên một cách đáng nể, nhiều mặt đã vượt qua Việt Nam, dù điểm xuất phát của họ trước đây vốn thấp hơn nhiều…

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. “Phổ cập giáo dục kiểu Việt Nam”

    Đúng hơn là “phổ cập giáo dục” kiểu Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu . Nhưng vì ông quốc sư Nguyễn Ngọc Chu là người Việt Nam khá tiêu biểu nên Thái Hạo cũng hổng sai lém

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây