Henry Kissinger phủ nhận phạm tội diệt chủng tại Campuchia

ZEIT ONLINE

Đỗ Kim Thêm, trích dịch

29-5-2023

Tổng thống Richard Nixon trình bày chiến dịch oanh kích Campuchia vào năm 1970 tại Washington D. C. Nguồn ảnh: History/ Universal Images Group/ Getty Images

Lời người dịch: Henry Kissinger kỷ niệm sinh nhật lần thứ 100 vào thứ Bảy ngày 27 tháng 5 năm 2023. Nhân dịp này, ông có dành cho tuần báo ZEIT ONLINE (Đức) một cuộc phỏng vấn dài với tiêu đề: “Nếu các chính khách khôn ngoan” (Wenn die Staatsmänner weise wären).

Nội dung thảo luận xoay quanh các chủ đề về Nga, Putin, cuộc chiến Ukraine, Trung Quốc, mối đe dọa chiến tranh hạt nhân, trí tuệ nhân tạo và vai trò của Mỹ. Cuối cùng, vấn đề Campuchia được bàn đến và Kissinger phủ nhận mọi cáo buộc đã phạm tội diệt chủng khi cho phép oanh kích bí mật tại Campuchia. Sau đây là phần trích dịch cuộc phỏng vấn.

***

ZEIT: Điều đó (tức những cáo buộc) có còn làm phiền ông không?

Kissinger: Vâng, nhưng trước hết nó sẽ làm phiền giới truyền thông …

ZEIT: Tại sao?

Kissinger: Làm thế nào tuyên truyền như vậy là có thể … (tự ngắt lời). Tôi không muốn nói về vấn đề này, tôi không phải tự bào chữa cho chính mình. Và tôi sẽ rất buồn nếu cuộc phỏng vấn này kết thúc với chủ đề Campuchia …

ZEIT: Chúng tôi có những câu hỏi khác …

Kissinger: Gọi tôi là phạm nhân chiến tranh là một cách dễ dàng để có một cuộc tranh luận mà không cần phân tích về nội dung. Đó là lý do tại sao tôi chưa bao giờ trả lời câu hỏi, các lời buộc tội này. Nó có làm phiền tôi không? Vâng, tất nhiên nó làm phiền tôi.

ZEIT: Ngày nay, khi ông nhìn lại cuộc chiến Việt Nam và các cuộc tấn công  Campuchia, ông không thấy có bất cứ điều gì mà ông nên làm khác đi không?

Kissinger: Ông hãy kể cho tôi tên của một cuộc chiến tranh du kích nào mà trong đó các du kích quân được dung túng khi thiết lập các căn cứ ngay bên ngoài biên giới của một quốc gia láng giềng! Ông hãy cho tôi một ví dụ! Các cuộc không kích của chúng tôi đã có ít thương vong dân sự, bởi vì hầu như không có bất kỳ người nào sống trong các khu vực của Campuchia mà chúng tôi tấn công.

ZEIT: Vào thời điểm đó, Campuchia trung lập. Ông nghĩ rằng việc tấn công một quốc gia trung lập là hợp pháp?

Kissinger: Nói một cách trừu tượng, tôi không nghĩ rằng việc tấn công một quốc gia trung lập là hợp pháp. Nhưng tôi đã xem xét và vẫn coi đó là hợp pháp để tấn công một quốc gia có căn cứ quân sự trên lãnh thổ đó, từ đó mà miền Nam Việt Nam và quân đội Mỹ đóng quân ở đó đã bị tấn công. Đó là tình huống, tất cả đều được ghi chép đầy đủ”.

***

Vấn đề ném bom Campuchia được Henry Kissinger đề cập trong Hồi ký, được cho là lệnh dội bom đến từ nhiều cơ quan khác nhau và có thông báo cho Quốc vương Sihanouk biết trước.

Theo tác giả Christopher Hitchens, Mỹ không có một căn bản pháp lý nào cho việc nới rộng chiến tranh sang lãnh thổ Campuchia, cũng như một đảm bảo an toàn cho các thường dân. Chính Kissinger góp phần quan trọng vào quyết định vấn đề này và đã theo dõi chặt chẽ diễn tiến các cuộc oanh tạc.

Theo các tài liệu từ Toà Bạch Ốc và Bộ Quốc phòng, quyết định ném bom Campuchia và Lào gây tổn thất các nạn nhân vô tội được dự kiến trước và có ít nhất 660.000 thường dân ở Campuchia và 350.000 ở Lào phải hy sinh oan uổng. Sự chấp thuận của Sihanouk, nếu có, cũng không giải tội cho Kissinger.

Cho đến nay, những người trong cuộc như Robert McNamara, McGeorge Bundy và William Colby đã chính thức lên tiếng hối lỗi, còn Kissinger tuyệt nhiên không có những biện minh nào. Kissinger không thể lập luận là không có ý thức về sự nguy hiểm của quyết định này

Theo các tài liệu hiện nay mọi người có thể truy cập được trong kho lưu trữ văn khố Hoa Kỳ, có nhiều sự thật mới được hé lộ.

Sau khi Nixon nhậm chức vào năm 1968, Kissinger và Haig bắt đầu soạn thảo kế hoạch tấn công Campuchia. Vì lo sợ dư luận và Quốc hội Hoa Kỳ sẽ không cho phép, nên cả hai che giấu người dân Mỹ, các cơ quan truyền thông, Quốc hội và thậm chí cả các quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc.

Về tội ác của Kissinger có nhiều tác phẩm bàn rất chi tiết, thí dụ như:

Greg Grandin: Kissinger’s Shadow: The Long Reach of America’s Most Controversial Statesman, Metropolitan Books, 2015

Nick Turse: Kill Anything That Moves: The Real American War in Vietnam, American Empire Project, 2013

Christopher Hitchens: The Trial of Henry Kissinger, Verso Books,  2001

Bài liên quan: Hồ sơ tội trạng của Henry KissingerBản tổng kết của một cố vấn

Bình Luận từ Facebook

7 BÌNH LUẬN

  1. ZEIT: Ngày nay, khi ông nhìn lại cuộc chiến Việt Nam và các cuộc tấn công Campuchia, ông không thấy có bất cứ điều gì mà ông nên làm khác đi không? Nếu là Kissinger, tôi sẽ trả lời như sau:
    Việc tấn công Campuchia là Tổng thống Johnson phải làm. Đây là một sai lầm của Johnson, nếu Johnson ném bom miền Bắc ác liệt hơn và tấn công Campuchia sớm hơn như làm Nixon sau này, thì với thành qủa này, Mỹ sẽ chiếm ưu thế trong việc đàm phán với Bắc Việt và tôi sẽ vất vả hơn, nhưng sai lầm của tôi là che dấu công luận, cộng thêm với vụ Watergate của Nixon làm cho việc ủng hộ của công luận và truyền thông quốc nội diễn biến tồi tệ hơn. Cả Nixon và tôi không thể nhận định chính xác các hậu quả nghiêm trọng này và nó có tác hại đến sự sụp đổ của miền Nam.
    ZEIT: Vào thời điểm đó, Campuchia trung lập. Ông nghĩ rằng việc tấn công một quốc gia trung lập là hợp pháp? Tôi sẽ có câu trả lời khác hơn:
    Ông đặt câu hỏi này với Cộng sản Bắc Việt thì đúng hơn. Vào thời điểm trước đó, Cộng sản đã xâm nhập tại các quốc gia trung lập như Lào và Campuchia, xây dựng con đường tiếp vận từ Bắc vào Nam để thực hiện việc xâm lăng, tại sao ông không đặt vấn đề hợp pháp này với Bắc Việt mà với Hoa Kỳ?

  2. Khi xưa, Tổng thống Truman không có thiện chí hợp tác với ông Hồ Chí Minh, nên ông Hồ đành phải theo Nga và Tàu mà làm khổ dân tộc. Sau này, Kissinger không có thiện cảm cho với giới lãnh đạo miền Nam, nên tìm mọi cách cho Mỹ rút quân, chấp nhận cho quân Cộng sản miền Bắc ở lại và bất chấp hậu quả. Bằng chứng là khi Kissinger nghe tin Đà Nẳng thất thủ và dân chúng tháo chạy thì đã nói: “Why don’t people die fast? The worst thing that could happen would be for them to linger on” (Sao cái bọn này không chết lẹ đi cho rồi. Điều tệ hại nhứt là chúng cứ sống dai dẳng mãi»). Đây là chuyện thật mà Ron Nesson, Phụ tá báo chí của Tổng Thống Gerald Ford đã kể lại trong hồi ký.
    Bây giờ trước sự đã rồi của lịch sử chỉ còn lại hối tiếc cho dân tộc, NẾU Truman giúp tối đa cho ông Hồ, nếu Kissinger chịu giúp tối đa cho miền Nam chống Cộng, thì Việt Nam sẽ khác hẳn.

    • Xin lỗi. Ý kiến trên không những sai lạc mà còn nguy hiểm vì nó giúp
      cho VC. tuyên tuyền bịp bợm để “chạy tội” rằng thì là mà đế quốc Mỹ
      là nguồn gốc trên hết và trước hết khiên VN.rơi vào xích xiềng CS. và
      phủ nhận rằng họ Hồ ngay từ đầu qua học trường Đông Phương của
      Nga không hề theo CS, chăng ?

      • Trong cuộc điện đàm ngày 12 tháng 9 năm 1946 với George M. Abbott, Tuỳ viên Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ tại Paris, ông Hồ phủ nhận là có hoạt động cho Cộng Sản, nội các không có các thành viên là người của Cộng sản và Đảng Cộng sản đã giải tán,
        ông Hồ dối trá là để tìm cách thuyết phục Truman hợp tác. Cộng sản ngày nay không thể chối cải trước bằng chứng lịch sử này mà nguỵ biện là tất cả là do Mỹ ngày xưa không chịu giúp. Truman không tin ông Hồ được thì làm sao mà giúp.

  3. 1. N
    gày trước (khoảng năm 1974), tôi có đọc một luận văn tiến sĩ văn chương MẠNH HƠN GƯƠM GIÁO nói về cuộc đời và sự nghiệp của Henri Kissinger của David Landau. Đây là bản tổng kết gần như đúng vào thời đó: DÙNG CÁC MƯU MẸO CHÍNH TRỊ THÔNG QUA CÁC HOẠT ĐỘNG NGOAI GIAO để giải quyết các điểm nóng (xung đột) của mọi nơi trên thế giới, đồng thời, luận văn này đã vạch trần bộ mặt thật của Kissinger: KẺ CƠ HỘI CÓ CHỨC VỊ HÀNH PHÁP CAO NHẤT ĐỐI VỚI MỌI KẺ CƠ HỘI KHÁC.
    2. Rất buồn là tôi đã làm mất bản luận văn này, vì thế, tôi rất mong có cụ nhân sĩ nào đó còn lưu giữ được văn bản này thì hãy công bố cho bạn đọc của baotiengdan.com và nghiencuulichsu.com được biết. Chân thành cảm ơn!!

    • Cuốn sách Kissinger: The uses of power của David Landau do NXB Houghton Mifflin; First Edition (January 1, 1972) ấn hành hiện nay vẫn còn bán trên Amazon, anh có thể đặt mua. Còn bản dịch hay luận án MẠNH HƠN GƯƠM GIÁO tôi không biết. Bây giờ có quá nhiều sách viết về tiểu sử của Kissinger kể cả hồi ký của ông viết ra, không thể kể hết, mới nhất là của Naill Ferguson. Còn về nhận xét về thành tích của ông thì đủ loại, gây nhiều tranh cải. Kỷ niệm sinh nhật 100 tuổi của Kissinger cho thấy là truyền thông quốc tế còn quan tâm đến ảnh hưởng của ông.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây