Nguyễn Thông
19-5-2023
Tiếp theo Phần 1 — Phần 2 và Phần 3
Khoai lang ăn nhiều bị nóng cổ, nhãi ruột, mà không ăn thì đói. Những nhà nghèo còn ăn luôn cả củ khoai bé tí (vốn để nuôi lợn), quê tôi gọi là khoai rãi, chả cần gọt vỏ, bỏ vào rổ tre chà xát cho vỏ mỏng ra rồi ghế chung với gạo.
Ăn khoai rãi cũng có nguyên do, bởi củ khoai lang to đem bán mua gạo, cả chục ký khoai mới được ký gạo. Củ nhơ nhỡ thì rửa sạch thái phơi khô bỏ vào chum chờ ngày giáp hạt. Nông thôn miền Bắc những năm trước và sau 1975 nhà nào cũng phải thủ sẵn chum khoai khô.
Tôi nhớ năm 1972, cơn bão số 7 vật vã quăng quật suốt một ngày, rồi tiếp đến mưa tầm tã thêm ngày nữa, nhà tôi phen ấy mà không có chum khoai khô có lẽ đổ đói cả nhà. Hết gạo không còn hột nào, chả thể chợ búa gì, bu tôi lấy khoai lang khô bung với đỗ đen, ăn cầm cự qua được cơn bão. Cũng có cái lạ, là ông Giá anh họ tôi sống ngoài phố rất thích món khoai khô đỗ đen bung này, ông bảo còn ngon hơn cả sơn hào hải vị ở phố, nếu có tí đường trộn vào nữa thì tuyệt.
Nghiệm ra rằng, thứ gì người ta thích thì ngon, chẳng cứ đắt rẻ. Nhưng nhà tôi chỉ tới tết mới mua được đường theo bìa mua hàng tết. Dân ở phố mỗi tháng được phân phối 5 lạng đường, còn dân thôn quê bị nhà nước lờ đi, hình như họ nghĩ nông dân sống thế nào cũng được.
Nhắc chuyện khoai lang, lại nhớ mấy “kỷ niệm”. Có một dạo, chả biết ban chủ nhiệm hợp tác xã xin ở đâu về được giống khoai năng suất cao, ông Viên đội trưởng đội 4 giải thích, đó là giống khoai do nước bạn Trung Quốc viện trợ. Bà con gọi nôm na thành khoai ba tháng, chả là giống khoai được trồng bấy lâu nay, như khoai chuột lột đặc sản chẳng hạn, phải 4 tháng mới thu hoạch, thì khoai mới này chỉ cần 3 tháng đã dỡ. Củ rất to, nhiều củ, ngắn thời gian, ai chẳng mừng. Tới khi dỡ khoai thì vỡ mộng. Củ khoai to thật nhưng nếu đem luộc, đem nấu thì nó trong vắt, bèo nhèo, nhạt như nước ốc. Nấu cho lợn, lợn cũng chê. Khoai 3 tháng chỉ để ăn sống, giống như ăn củ đậu, tất nhiên thua xa củ đậu. Trồng được đôi ba vụ, hợp tác xã bèn dẹp khoai 3 tháng, từ bấy không ai nhắc tới nữa.
Làng tôi (thôn Trà Phương, xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng) có ông Đại, nhà nghèo lắm. Ông thích nói khoác. Chị tôi bảo tại ông tên Đại nên cái gì cũng cứ phải phóng to ra. Vụ khoai năm ấy, may mắn sao, khoai nhà ông Đại “thắng lợi toàn diện”, củ nào củ nấy nần nẫn. Ông thích chí khoe khắp làng, bọn trẻ con chúng tôi tò mò tới chứng kiến thành tựu nông nghiệp xã hội chủ nghĩa nhà ông Đại. Bình thường thì người ta thu hoạch khoai lang ngoài đồng về, đem đổ dưới gậm giường, nhưng ông Đại thì khác. Ông bắt vợ con ngủ dưới đất, còn ông trân trọng chất khoai lên giường. Trên hai giường tre khoai cao như hai trái núi trong nhà. Ai cũng lắc đầu lè lưỡi thán phục. Từ bấy, làng lại có thêm sự tích văn hóa “khoai ông Đại”.
Trẻ con bây giờ sướng như tiên. Bà chị tôi bảo vậy. Tôi cũng thấy thế. Ngay cả ăn độn khoai chúng cũng không hề, nói chi thứ khác. Em gái tôi thì bảo, được ăn độn khoai đã khá, chứ nhiều lúc đói, thực đơn phong phú lắm, thứ gì cũng bỏ vào mồm được. Nó ngồi tỉ mẩn kể ra, này nhé, ăn cả quả thèn đen (tím thâm cả mồm), quả mây và quả sắn (vị chát xít), quả vối, quả sung, quả rau muống, mút nụ hoa dong riềng, ăn đòng đòng non, ổi xanh, táo rụng…
Lạ ở chỗ, ăn bẩn thế nhưng bụng dạ chẳng làm sao, có nhẽ miễn nhiễm rồi, cứ thế còi cọc, rồi lớn lên, rồi đứa đi bộ đội, đứa vào dân quân, đi học, thoát ly, tỏa ra khắp miền đất nước. Lâu lâu có dịp ngồi với nhau, tinh nhắc chuyện cũ, quanh đi quẩn lại cuối cùng lại về chuyện ăn uống một thời đói kém. Đúng là không quên nổi.
Tôi vừa sinh ra đã chịu cảnh ăn độn, thì như mọi đứa mới sinh cũng được bú mẹ nhưng bu tôi chỉ tinh ăn độn khoai củ, rau thay cơm, ít sữa nên suốt tuổi thơ tôi lúc nào cũng còi cọc đèo đẹn. Tôi chịu cảnh ăn độn từ khi chưa dứt sữa. Tuy nhiên, thời ăn độn ghê nhất lại là lúc bắt đầu đi làm, năm 1977, trở về sau.
(Còn tiếp)
Nói cho ngay, chuyện kể lại của tác giả NT. rất đáng đọc vì nó nêu ra một bằng chứng
tồi tệ, thậm chí bất nhân mà lịch sử cần phải ghi lại làm bài học cho hậu thế.
Hai miền, một bên bị chọn phe và bên kia chủ động chọn phe, đều được viện trợ bởi 2
thế lực tư bản và CS. nhưng miền Bắc lại dành phần lớn tiền tài trợ đó vào việc chiến
tranh, nhất là tuyên truyền và vũ khí còn miền Nam ngược lại xử dụng chính yếu vào
việc phục vụ nhân sinh như xây bệnh viện, trường học, cầu đường v.v. Đó là nguyên
nhân khác biệt khiến dân miền Bắc mới phải ăn độn còn miền Nam thì không !
Nhân chuyện kể về khoai độn của tác giả, tôi nhớ chuyện vui có anh tù cải tạo (nghe
anh ta tự giới thiệu là cháu nhà thơ Bùi Giáng) đã bị cán bộ bắt đứng giữa hội trường
để kiểm thảo vì đã “nổi hứng” làm 2 câu thơ sau :
Tôi ưa cuộc sống lang thang
cà phê buổi sáng, khoai lang buổi chiều !
Chỉ vì cán bộ suy diễn rằng thì là mà…anh là một tên phản động, được đi cải tạo mà
vẫn ngoan cố, khi ca tụng tư bản là anh không lo đói lại còn uống cà phê ở vế trước,
tức là chế độ cũ, trong khi ở vế sau chỉ chế độ mới, anh phải ăn… khoai lang !
Nhắn tác giả.
Chúng ta có cả “kho” ví dụ về đời sống mạt hạng thời chưa xa lắm. Có đủ, rất sinh động và ấn tượng, để viết rất nhiều bài.
Tuy vậy, nên tìm hiểu về lý luận để đánh giá những sai lầm (ngu xuẩn) trong chủ trương tập thể hóa nông nghiệp (xuất phát từ Mác Lê) đã gây thảm cảnh cho toàn dân. Chúng ta có cả “kho” ví dụ để minh họa.
Viết như vậy sẽ là một công trình khảo cứu, mà không phải là những bài báo tập hợp theo một chủ đề.
Sẽ bổ ích hơn và cũng bõ công viết hơn.
Tác dụng về dân trí cũng căn bản hơn và bền vững hơn.
Hoan nghênh ý tưởng của Cong anh. Mong tg NT quan tâm gợi ý nầy và đầu tư cho những bài tới trên chủ đề nầy.