Không chỉ học viên tại chức…

Chu Mộng Long

20-5-2023

Nhiều bạn đọc bài “Sao không hỏi Bộ trưởng” ở status trước chắc chắn đang chê cười học viên tại chức. Trong khi tôi chỉ xem họ là sản phẩm của giáo dục, trong đó có trách nhiệm của chính mình, mặc dù tôi đã nỗ lực khai phóng hết cỡ. Thầy sao thì đẻ ra trò vậy.

Chuyện học và thi chép tài liệu không chỉ có học viên tại chức. Quý thầy cô có học hàm học vị cũng không hơn đám học viên kia.

Nhớ cách đây khoảng chục năm, nhà trường yêu cầu Trưởng bộ môn phải có bằng Trung cấp chính trị. Tôi phải đi học.

Chương trình học lại Triết học Mác – Lê, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Đường lối và các Nghị quyết. Học lại, vì tôi đã từng học loại tri thức ấy rất nhiều lần, từ đại học đến cao học và học hàng năm. Mỗi lần học lại có cảm giác giống như mình bị lưu ban, mặc dù bao giờ các môn này mình cũng thi đạt điểm 9, điểm 10. Hạ nhục trí thức không ai giỏi hơn các ông lãnh đạo của đất nước này!

Tôi dự xong mấy học phần đợt 1 thì xảy ra sự cố. Hôm đó, chính Hiệu trưởng trường Đảng đứng lớp. Sơ kết đợt học, chuẩn bị cho kì thi, Hiệu trưởng hỏi: “Các đồng chí muốn đề mở hay đề đóng?” Nhiều bàn tay giơ cao và đề nghị công khai: “Mong thầy ra đề trong tài liệu cho chúng em chép ạ!” Gần như cả lớp đồng tình như vậy.

Ngứa tai quá, tôi đứng bật dậy quát: “Thành phần ngồi học đây là Trưởng bộ môn đến Trưởng khoa, học hàm học vị là Phó giáo sư, Tiến sĩ cả mà có cái yêu cầu không biết xấu hổ. Tôi đề nghị ra đề mở!” Hiệu trưởng Trường Đảng đồng tình với tôi. Không ai dám cãi một câu, nhưng nhìn tôi bằng đôi mắt oán hờn!

Khi tan lớp, thủ quỹ gọi tôi đến nhắc tôi nộp tiền quỹ. Tôi trố mắt hỏi: “Nhà trường chi học phí, tiền quỹ mới vừa thu 360.000 đ, chưa hết vài tuần mà đã phải nộp nữa sao?” Thủ quỹ trả lời thẳng tuột: “Chi ăn nhậu và phong bì cho các thầy hết rồi. Bây giờ là nộp cho kì thi. Mọi người nộp hết rồi, chỉ còn thầy“.

Tôi trợn mắt: “Mới vừa học xong đạo đức Hồ Chí Minh mà lại làm cái việc vô đạo đức. Tôi không nộp và không cần cái bằng Trung cấp đê tiện gọi là Trung cấp chính trị nữa!” Nói xong tôi bỏ về và bỏ học luôn!

Sau đó, một đồng nghiệp trong lớp mách cho tôi biết, lớp ở lại họp để đấu tố tôi, rằng tôi đã chống chủ trương, nghị quyết… của lớp, của trường gì đó, và gửi biên bản yêu cầu Hiệu trưởng kỉ luật và cách chức Trưởng bộ môn của tôi. Một đảng ủy viên cũng cho tôi biết, Bí thư đảng ủy, Hiệu trưởng có đưa vụ việc ra cuộc họp đảng ủy và xin ý kiến. Có đảng ủy viên rất hùng hồn đòi xử lí tôi, nhưng không có sự đồng thuận nào!

May quá! Nhưng không phải may cho tôi. Vì chức Trưởng bộ môn tôi trả trong 30 giây nếu Hiệu trưởng đòi. May là may cho cái lớp trung cấp chính trị đó, và may cho cả đảng ủy. Chứ nếu kỉ luật và cách chức tôi thì nhân loại có kịch hay để xem!

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. “Mỗi lần học lại có cảm giác giống như mình bị lưu ban”

    Bây giờ thì không thừa đâu Chu Mộng Long ạ . Ngày xưa, “trái tim người Cộng Sản” Phạm Quế Dương đầy đường nên mới đánh đuổi được Mỹ-Ngụy . Ngày nay … Ah, nói ra mà phát chán, bao giờ cho tới ngày xưa đây .

    Thấy những người như Gs Nguyễn Đình Cống không ? Không ai đui bằng những kẻ không muốn thấy, vô tri bằng những kẻ không chịu học . Đảng đã ra công đào tạo chủ nghĩa Mác-Lê cho những người như Gs Nguyễn Đình Cống, mà … mỗi lần đọc bài ổng viết gọi-là phản biện chủ nghĩa Mác-Lê chỉ thấy 2 điều . 1- Tri thức Mác-Lê, or more like the lack of it, của ông ta là 1 vòng tròn bất tử . 2- Ổng càng phản biện càng chứng tỏ tính đúng đắn của chủ nghĩa Mác-Lê, ít nhứt là vào trường hợp của chính ổng . Có thể xem Gs Nguyễn Đình Cống là poster man-child của chủ nghĩa Mác-Lê & tính ưu việt của nó, vì ổng là sản phẩm đặc trưng của chủ nghĩa Mác-Lê . Việc mọi người kính trọng ổng như 1 trí thức nói lên chủ nghĩa Mác-Lê vẫn trường tồn cùng đất nước & dân tộc .

    Không thừa đâu

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây