5-4-2023
Việc thu tiền khách trong nước và nước ngoài vào tham quan phố cổ Hội An, là người dân Hội An tôi có mấy ý kiến đề nghị như sau:
Thực tế khách tham quan phố cổ, nhất là khách du lịch trong nước, họ chỉ đi một lần cho biết, thời gian không nhiều. Vậy nếu chỉ muốn thu tiền tham quan phố cổ của khách du lịch, nhất là khách du lịch trong nước là thất sách. Muốn khách du lịch bỏ tiền ra, những đồng tiền xứng đáng, ở Hội An nên phát triển thật rộng, thật đa dạng, thật chất lượng các dịch vụ văn hoá: Khách sạn, nhà nghỉ gia đình, may mặc, dạo chơi trên sông bằng thuyền, trồng rau, ca nhạc dân tộc, thăm đảo… những thế rất mạnh của Hội An, đó là chưa kể sự liên kết du lịch văn hoá giữa các địa phương trong tỉnh Quảng Nam như Đại Lộc, Tiên Phước, Duy Xuyên… mà hiện nay tôi thấy tổ chức rất yếu, rời rạc. Giá như làm tốt điều này, khách du lịch sẽ ở lại Hội An dài ngày, tiền thu về gấp nhiều lần tiền thu của khách tham quan phố cổ.
Hội An có một điều cực hiếm so với nhiều địa phương khác trong cả nước, thậm chí một số nước trên thế giới là có cả một quần thể kiến trúc nhà cổ còn nguyên vẹn, nhưng người dân phố cổ, đa số lợi dụng mặt tiền nhà cổ để buôn bán mà đã buôn bán vì lợi nhuận có thể “quên” đi văn hoá, cạnh tranh không lành mạnh. Tôi ở Hội An gần như gần hết đời người mà chưa bao giờ thấy cán bộ phụ trách ngành văn hoá xuống hướng dẫn người dân nên tiếp xúc với khách du lịch như thế nào? Làm sao giữ nét đẹp văn hoá của người Hội An? Ngoại ngữ nên dạy cho dân, không riêng tiếng Anh, với phương pháp nào tốt nhất? Làm tốt điều này sẽ “níu chân” du khách, tiền thu được sẽ có nhiều lợi ích vừa phát triển văn hoá, vừa phát triển kinh tế. Du lịch, nhất là du lịch văn hoá, Hội An có thế cực mạnh nhưng phải làm dài hơi, từng bước thật bền vững không thể “tham bát, bỏ mâm” vội vàng thu tiền tham quan phố cổ, quên đi hoặc làm nửa vời về văn hoá như đôi ba lần trong năm tổ chức thi áo dài, hợp xướng quốc tế, lễ hội đèn lồng… không níu kéo được du khách ở lại mà khách không ở lại thì tổn thất về kinh tế sẽ nhỡn tiền. Tổn thất về kinh tế chỉ là phụ, tổn thất về văn hoá mới lớn: Người dân chán nản, phó mặc giữ phố cổ cho chính quyền, khách du lịch, nhất là khách du lịch trong nước có suy nghĩ “xấu” về văn hoá Hội An, khách du lịch nước ngoài đến Hội An “một đi không trở lại”.
Chúng ta hãy nhìn rộng ra ngoài biên giới, ở Malaysia cũng có phố cổ như Hội An, được tổ chức Unesco công nhận: “di sản văn hoá thế giới” năm 2007, nhưng khách vào tham quan, họ không thu tiền. Người dân ở đây ăn măc gần như giống với người dân phố cổ từng sống trước đây, dịch vụ rất đa dạng, thậm chí sân khấu kinh kịch của người Hoa vẫn biểu diễn cho khách du lịch thưởng thức cả ngày lẫn đêm. Hay như Campuchia, Thái Lan… khách du lịch vào tham quan một số di tích văn hoá lớn, ở đây họ không thu tiền mà mở rộng nhiều dịch vụ văn hoá cho khách tham gia như thuê quần áo chụp ảnh, ăn uống, ngủ qua đêm… tiền thu vào cực lớn mà văn hoá bản địa vẫn giữ vững.
Người Hội An như tôi, luôn tự hào về Hội An một mảnh đất giàu về văn hoá, rất đậm về tình người, rất phong phú về cảnh vật… Người Hội An muốn giới thiệu thật rộng rãi cho bạn bè gần xa trên thế giới được biết và mong khách du lịch ở lại thật lâu, coi Hội An là quê hương thứ hai của họ. Muốn vậy phải giữ cho được văn hoá Hội An, từ văn hoá Hội An làm tiền đề phát triển kinh tế… Nhất là cần có sự đồng lòng, thống nhất, chung sức từ trên xuống dưới, từ người dân đến lãnh đạo. Nếu chỉ dùng biện pháp hành chính mà không hỏi ý kiến dân hoặc lòng dân không thuận… phần nhiều những sự việc đó không đi đến thành công!
Trên đây chỉ là ý kiến của một người dân Hội An, có thể có phần chưa chính xác, nhưng điều cốt yếu của tôi trong ý kiến này, bằng mọi giá phải giữ được nét đẹp văn hoá Hội An. Chỉ có giữ nét đẹp văn hoá Hội An mới phát triển được kinh tế, kinh tế Hội An sẽ chuyển biến theo chiều hướng tốt!