Phải chăng trào lưu toàn cầu hóa đã kết thúc?

Project-Syndicate

Tác giả: Joseph S. Nye, Jr.

Đỗ Kim Thêm dịch

31-3-2023

Mặc dù sự cạnh tranh Mỹ-Trung có thể phá vỡ các thỏa thuận về kinh tế trong toàn cầu, nhưng chắc chắn nó không báo trước sự suy giảm nghiêm trọng về tình trạng tương thuộc của con người. Lịch sử cho thấy trào lưu toàn cầu hóa phần lớn được thúc đẩy bởi những thay đổi trong công nghệ mà nó làm giảm đi tầm quan trọng của khoảng cách và điều đó sẽ không thay đổi.

Cuối năm ngoái, Morris Chang, người sáng lập huyền thoại của hãng sản xuất chất bán dẫn đứng hàng đầu tại Đài Loan (và thế giới), tuyên bố rằng, “trào lưu toàn cầu hóa gần như đã chết”. Trong một thế giới mà các chuỗi cung ứng đã bị gián đoạn bởi COVID-19 và sự cạnh tranh Trung-Mỹ ngày càng sâu đậm, các nhà bình luận khác đã lặp lại quan điểm này và nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu lo việc mua sắm hàng hóa của họ “tại chỗ” và “gần bờ”. Nhưng thật là sai lầm khi kết luận rằng, trào lưu toàn cầu hóa đã kết thúc. Lịch sử loài người nhiều lần hé lộ cho biết tại sao.

Trào lưu toàn cầu hóa chỉ đơn giản là sự phát triển của tình trạng tương thuộc ở trong khoảng cách về liên lục địa, thay vì quốc gia hoặc khu vực. Nó có nhiều chiều hướng, tự nó không tốt cũng không xấu, và chắc chắn không phải là mới.

Biến đổi khí hậu và di cư đã thúc đẩy sự lan rộng của loài người trên khắp hành tinh kể từ khi tổ tiên của chúng ta bắt đầu rời khỏi châu Phi hơn một triệu năm trước, và nhiều chủng loài khác cũng đã làm như vậy.

Các tiến trình này luôn làm phát sinh các tương tác sinh học và tương thuộc. Bệnh dịch hạch có nguồn gốc từ châu Á nhưng đã giết chết một phần ba dân số châu Âu từ năm 1346 đến năm 1352. Khi người châu Âu du hành đến phía Tây Bán cầu vào thế kỷ XV và XVI, họ mang mầm bệnh tàn phá cho các dân bản địa.

Toàn cầu hóa về mặt quân sự quay trở lại ít nhất vào trong các thời kỳ của Xerxes và sau đó là Đại đế Alexander, người có đế chế trải dài trên ba lục địa. Và, tất nhiên, mặt trời không bao giờ lặn trên Đế quốc Anh vào thế kỷ XIX. Thông qua tất cả, các tôn giáo lớn cũng trải rộng trên nhiều châu lục, một hình thức của toàn cầu hóa về mặt văn hóa xã hội.

Gần đây, trọng tâm được đặt trên toàn cầu hóa về kinh tế: các dòng chảy xuyên qua các liên lục địa về các hàng hóa, dịch vụ, vốn, công nghệ và thông tin.

Một lần nữa, tiến trình này không phải là mới, nhưng những thay đổi công nghệ đã làm giảm đáng kể các chi phí liên quan đến khoảng cách, làm cho toàn cầu hóa kinh tế ngày nay “dày hơn và nhanh hơn”. Con đường tơ lụa kết nối châu Á và châu Âu trong thời Trung cổ, nhưng nó không giống như dòng chảy rộng lớn của các tàu chở các container hiện đại, chứ đừng nói đến truyền thông internet kết nối các lục địa không gián đoạn.

Trong khi trào lưu toàn cầu hóa được coi chủ yếu là một hiện tượng kinh tế trong thế kỷ XX, sau đó nó đã trở thành một từ thông dụng trong chính trị (cho những người ủng hộ và chỉ trích) trong những năm 2000. Khi những kẻ bạo loạn ở Davos phá cửa sổ của một cửa hàng McDonald’s để phản đối điều kiện lao động ở châu Á, đó là toàn cầu hóa về chính trị.

Trào lưu toàn cầu hóa hiện nay rõ ràng khác với toàn cầu hóa trong thế kỷ XIX, khi chủ nghĩa đế quốc châu Âu cung cấp phần lớn cấu trúc thể chế của nó, và khi chi phí cao hơn có nghĩa là ít người tham gia trực tiếp hơn. Các doanh nghiệp phương Tây bắt đầu lan rộng khắp thế giới vào những năm 1600 và đến cuối thế kỷ XIX, lượng đầu tư trực tiếp nước ngoài toàn cầu tương đương với khoảng 10% sản lượng toàn cầu. Đến năm 2010, nguồn vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài trên toàn thế giới bao gồm các doanh nghiệp ngoài phương Tây và tương đương với khoảng 30% GDP của thế giới.

Vào trước khi Đệ nhất Thế chiến năm 1914, đã có một mức tương thuộc cao độ trong toàn cầu, bao gồm cả sự di chuyển của các dân tộc, hàng hóa và dịch vụ. Cũng có sự bất bình đẳng, bởi vì các lợi ích của toàn cầu hóa kinh tế được chia sẻ không đồng đều.

Nhưng sự tương thuộc về kinh tế không ngăn cản được các đối tác quan trọng về thương mại chống đối nhau (đó là lý do tại sao mọi người vào thời điểm đó gọi đó là Đại chiến). Sau bốn năm với bạo lực và tàn phá tàn khốc, sự tương thuộc về kinh tế trong toàn cầu đã giảm mạnh. Thương mại và đầu tư thế giới đã không trở lại mức độ của năm 1914 cho đến thập niên 1960.

Liệu điều tương tự có thể xảy ra một lần nữa? Đúng vậy, nếu Hoa Kỳ và Nga hoặc Trung Quốc lọt vào trong một cuộc đại chiến. Nhưng ngoại trừ sự bất ngờ, điều đó là không thể.

Đối với tất cả các cuộc thảo luận về “tách rời” kinh tế, cho đến nay, sự phá vỡ là khá chọn lọc và không đầy đủ. Thương mại hàng hóa và dịch vụ toàn cầu đã trở lại mạnh mẽ sau cuộc suy thoái do COVID vào năm 2020, mặc dù không phải tất cả các lĩnh vực đều phục hồi như nhau.

Với việc Mỹ đã thiết lập các rào cản mới để cản trở dòng chảy của một số hàng hóa nhạy cảm đến và đi từ Trung Quốc, nhập khẩu từ Trung Quốc chỉ tăng 6% so với mức độ so với trước thời COVID, trong khi nhập khẩu từ Canada và Mexico đã tăng hơn 30%.

Trong trường hợp của Mỹ, sau đó, khu vực hóa dường như đã phục hồi mạnh mẽ hơn là toàn cầu hóa. Nhưng nhìn kỹ hơn, bạn sẽ thấy rằng trong khi phần nhập khẩu của Mỹ giảm từ 21% xuống 17% trong giai đoạn 2018-2022, nhập khẩu của Mỹ từ Việt Nam, Bangladesh và Thái Lan đã tăng hơn 80%. Những con số đó chắc chắn không cho thấy trào lưu toàn cầu hóa đã chết.

Số liệu này đang đề cập rằng, trên thực tế nền thương mại châu Á mới này với Mỹ là thương mại trung gian của Trung Quốc. Mỹ và các đồng minh vẫn gắn bó sâu đậm với nền kinh tế Trung Quốc hơn bao giờ hết nếu so với Liên Xô trong thời Chiến tranh Lạnh. Các nước phương Tây có thể giảm rủi ro về an ninh bằng cách loại trừ các doanh nghiệp Trung Quốc như Huawei từ các mạng viễn thông 5G của phương Tây mà không phải chịu chi phí quá cao để tháo dỡ tất cả các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Hơn nữa, ngay cả khi tình trạng cạnh tranh về địa chính trị làm giảm một cách đáng kể về toàn cầu hóa kinh tế, thế giới sẽ vẫn phụ thuộc lẫn nhau cao độ thông qua toàn cầu hóa về sinh thái.

Các trận dại dịch và biến đổi khí hậu tuân theo các định luật sinh học và vật lý, không phải là chính trị. Không quốc gia nào có thể giải quyết những vấn đề này đơn độc. Việc phát thải khí do hiệu ứng nhà kính ở Trung Quốc có thể dẫn đến mực nước biển dâng cực kỳ tốn kém hoặc làm các xáo trộn thời tiết ở Mỹ hoặc châu Âu và ngược lại.

Những chi phí này có thể rất lớn. Các nhà khoa học ước tính rằng, cả Trung Quốc và Mỹ đều phải chịu hơn một triệu ca tử vong do đại dịch COVID-19 mà nó bắt đầu ở Vũ Hán, một phần là do cả hai nước không hợp tác về các đối sách. Các thành công trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu hoặc các trận đại dịch trong tương lai sẽ đòi hỏi sự công nhận về các tình trạng tương thuộc trên toàn cầu, ngay cả khi mọi người không thích nó.

Toàn cầu hóa phần lớn được thúc đẩy bởi những thay đổi công nghệ mà nó làm giảm đi tầm quan trọng của khoảng cách. Điều đó sẽ không thay đổi. Toàn cầu hóa vẫn chưa kết thúc. Nó chỉ có thể không còn là loại mà chúng ta muốn.

______

Tác giả: Joseph S. Nye, Jr. Là Giáo sư Đại học Harvard, cựu Phụ tá Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ và là tác giả sách Do Morals Matter? Presidents and Foreign Policy from FDR to Trump (do nhà xuất bản Oxford University Press ấn hành năm 2020).

Bình Luận từ Facebook