Vũ Tam Tập: Tính thành-thực của người Nam (1924)

29-3-2023

Phan Phương Đạt: Bài viết của cụ Vũ Tam Tập (bút danh Tuấn Đình, 1896-1976) từ 100 năm trước, đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự.

SÁCH HAI THỨ TIẾNG CỦA HỘI VIỆT NAM THANH NIÊN

NHỮNG CUỘC ĐÀM ĐẠO Ở HVNTN

Những nhà soạn giả chuyên tâm khảo sát về dân tộc ta đều công nhận rằng: ”người Nam mình kém tính thật thà lắm.” Người thì nói sượng ngay rằng: ”Dân An Nam là dân nói dối”, kẻ thì nói nhẹ hơn rằng: ”Người An Nam không được thực thà”. Các quan giáo sư ta cũng thường quở mắng ta về cái nết xấu ấy. Lời đó chẳng phải là lời khen cho chủng loại ta thật, song ta cũng chớ vội lấy làm giận. Trong bọn chúng ta cũng lắm người có tính động một tý là mích lòng quá đáng ngay. Hễ một lẽ phải gì không đẹp lòng ta là ta nhất thiết không công nhận. Về sự đó, ta nên kể cái thí dụ sau này: “Ở trong một quyển sách tây kia, có một câu rằng: ”Người Nam không có tính hiếu năng”. Câu ấy có thể gọi là chân lý được, thế mà có kẻ phê ngay vào câu đó một chữ “không thực”. Trong quyển sách ấy còn có nhiều lời nghiệm sát khác cũng đích đáng lắm mà cũng bị người gạch đi nhiều: những câu ấy chẳng qua chỉ vì không làm được đẹp ý các người đọc sách hay động lòng kia mà đến nổi bị xóa đi như thế.” Ta thấy thanh niên ta hay bị cái tật ương trái ấy mà rất lấy làm thương tâm. Nó tức là một sự cản trở bước tiến hóa của thanh niên ta vậy. Khi ta cứ tự phụ quá thì thật là ta chưa thiết gì đến sự tu thân cho hoàn mỹ vậy. Nhiều người Pháp chưa am hiểu dân tộc ta lắm thường ngày ngày phạm nhiều sự sai lầm làm cho ta mất lòng quá đáng, sự đó ta cũng không lạ gì, nhưng cũng có nhiều người thành tâm yêu mến ta và muốn làm những việc hay cho ta, thành thử những người ấy đem hết trí lực tài năng mà khảo sát suy tầm về tính tình phong tục của quốc dân ta. Vì thế những sự sát nghiệm của hạng người này rất là đích đáng, ta nên vì quyền lợi ta mà lưu tâm chú ý đến.

Các đồng bào ta có nhiều người thấy ta viết thế thì lấy làm ngạc nhiên, rồi xét quá nghiêm mà kêu lên rằng: ”Rõ thật là một bài làm cốt để trình quan giáo sư người Pháp…” Tuy thế mặc lòng, ai muốn nói sao cũng được, ta xin cúi đầu mà chịu nhận rằng câu “Người Nam không được thực thà“ là rất đích đáng. Và ta chẳng những không nên dại dột đem tâm giận dỗi những người đã bảo ta thế thôi, ta lại nên biết cho cái lòng thành thực của họ nữa. Bao nhiêu cái lòng tự ái sai lầm, ta nên vứt bỏ một bên mà hiểu rằng khi ta biết cái nết xấu của ta, ấy là một cách giữ thân của ta dễ chừa cái nết xấu ấy đó. Tuy có nhiều người trong chúng ta coi sự nói dối là một nết xấu nhỏ, nhưng ta thì coi nó như một thói xấu lớn làm mất danh giá cho dân tộc ta vậy. Ta lấy thế làm nhục nhằn xấu hổ và cố hết sức chữa cho con trẻ khỏi tật dối trá, thành nết thực thà.

Cách dạy dỗ cho trẻ con nên người thành thực quả là một phận sự tối yếu của nhà giáo dục, bất cứ là thầy giáo hay cha mẹ, là vì rằng nhờ có nết ấy mà các nết hay khác thuộc về tâm thần trí tuệ là những nết ta rất mong cho thiếu niên ta mới thường thực hành được. Đây ta hết sức suy tầm những cái duyên cớ cốt yếu nó làm cho phần nhiều chúng ta không được thực thà, rồi sau ta chỉ dẫn các cách giáo hóa thế nào có thể trừ bỏ được cái thói dan dối mà mở mang được cái nết thực thà cho con trẻ nhà Việt Nam ta.

***

Cái duyên cớ vì đâu mà ta không được thực thà cũng có một phần ở trong lịch sử kỷ vãng của ta.

Chúng ta đã từng bị áp chế, đã từng bị người Tàu và các quan ta hà hiếp, họ đã từng hả lạm và hành hạ dân ta quá. Ta vì làm thân tôi tớ lâu đời như thế, thành ra có tính nghi ngờ sợ hãi chuyển từ nhược tôn, tính này cố nhiên sinh ra hai thói xấu, thói nói dối và thói giả hình, là hai cái khí giới bản thân của người hèn yếu. Vì thế nên nhiều khi trong bụng ta biết cái ý kiến của người trêu ta là sai lầm mà ngoài miệng ta vẫn tảng lờ hăm hở cùng biểu đồng tình với những ý kiến ấy. Mà tội gì ta lại công bố một điều chân lý có thể tai hại dầy dà đến ta được, tội gì ta lại binh vực cái lẽ phải để mang lấy vạ vào thân như thế? Bởi vậy nên ta mới có cái tính hèn hạ là: hễ ai hỏi ta, ta không tìm đường đáp lại theo như ý mà ta coi là phải hơn cả. Nhưng ta chỉ kiếm lối trả lời theo như cách mà ta tưởng là có lợi cho ta thôi. Ấy lại cũng vì lúc nào ta cũng e sợ có người rình mò cái cách cử chỉ ngôn mạo, đến nổi trong một nơi hội họp thân bằng cố hữu cũng vậy, ta cũng không dám tự do thành thực phô bầy cái ý tưởng của ta ra, ta chỉ sợ liên lụy đến thân ta thôi.

Tuy nhiên ta cũng không đồng ý với phần nhiều đồng bào ta mà lấy cái duyên cớ ở trong lịch sử ấy để giảm bớt tội gian trá của ta và để có quyền nói được rằng: ”Một dân tộc hèn yếu cần phải dan dối mới toàn mệnh được. Vậy thì dân tộc ấy có dan dối cũng không nên trách, vì nhiều khi bắt buộc phải dan dối như thế” Lời xét đoán ấy thật là thấp kém quá. Đã dan dối thì dù lấy duyên cớ thế nào cũng không thể dung thứ được. Ta đây sỡ dĩ bầy tỏ cái duyên cớ cũ kỹ ấy ra không phải để cho nhẹ tội dan trá của ta, nhưng cốt để làm một cái mối quý hòa mà suy tầm cho ra những phương kế thần diệu, mục đích trừ bỏ cái thói nói dối và cái tật giả hình đi đó.

Ta kém thực thà còn vì nhiều cớ trực tiếp khác. Cớ ấy phần nhiều do cách giáo dục về dưỡng tinh thần và luân lý ở trong gia đình và tại học đường mà ra. Về đường luân lý giáo dục, ta xin riêng cậy ở cái thế lực ảnh hưởng của gia đình, vì chỉ có ở trong gia đình là các thói quen ấy hay chuyền nhiễm nhất mà thôi:

Đứa trẻ con Nam Việt sinh dưỡng theo như quy tắc của một cái đạo luân lý cốt ở sự kính cẩn và ở điều quyền pháp. Cái đạo ấy thì hay, thì quý thật, nhưng tiếc thay, người ta hay lạm dụng quá đáng: cha đối đãi với con ác ngược thiên tư quá, nhiều khi con trẻ phạm lỗi cỏn con cũng bị cha mẹ hành hạ tàn nhẫn. Nào là cha mẹ tát vả đánh đập con cái như mưa như gió, có người lại chẳng từ dùng đến cả thanh củi, cành cây, vọt tre gai góc để hành hạ con; thành ra cách trị con đã không xứng đáng với lỗi nó rồi mà lại còn trị nó một cách ác nghiệp như thế nữa. Thật là họ không có ý gì gợi đến tính tình tự trọng của nó ra cả, họ cũng không biết nể đến cái nhân phẩm nó mới nhu nhú lên là cái nhân phẩm mà ta cần phải phát khai cho rộng lớn thêm ra nữa. Phần nhiều ông cha ta thì chỉ có một cách luyện cho con cháu được nhiều nết tốt vào thân, là bắt nó phải cúi theo một cái luật không ai cưỡng được, phải chịu ép một bề mà vâng lời dạy bảo, và là không cho nó có nghị lực gì cả, mà nói tóm lại là hành hạ cho nó nhục nhằn hết nước. Các cụ tưởng như roi như vọt cũng đủ làm cho trẻ con khiếp sợ mà phải tuân theo phép tắc cùng là không ngả về đường ác được vậy.

Ở nhà trường, trẻ con ta cũng phải chịu một cái giáo dục quá ư nghiêm nhặt. Ông thầy bao giờ cũng lấy sự sợ làm chủ việc giáo huấn. Ông thầy lạm dụng những cách trừng trị nghiêm nhặt và những cách hình phạt thân thể này khác. Cái oai quyền của thầy giáo thường lại to hơn cái oai quyền của cha mẹ. Cha mẹ cho rằng thầy càng nghiêm nhặt bao nhiêu thì càng có oai quyền bấy nhiêu, nên mỗi khi giao con cho thầy, không bao giờ quên dặn câu này: “Thầy cứ đánh nó hết sức cho tôi thì tôi đội ơn lắm. Thầy càng phết roi mây cho nó bao nhiêu thì nó càng mở mắt ra bấy nhiêu.”, “Yêu cho roi cho vọt, ghét cho chơi” câu nói cửa miệng thiên hạ ấy thực đã tỏ hết cái thói nghiêm nhặt của ta ra. Nhiều người cha mẹ và thầy giáo theo câu tục ngữ ấy quá nệ, thành ra con cái và học trò thường coi cha mẹ cùng thầy giáo như người tàn ngược, chớ không phải là nhà giáo dục nữa.

Giáo hóa như thế chỉ làm cho trẻ con đần độn, đứa nào cũng đù đờ sợ hãi quá thành ra nói dối và giả hình. Trẻ con suốt đời chỉ những khiếp sợ cha mẹ và thầy giáo như thế, cho nên chúng đối với cha mẹ và thầy giáo không có chút chi là tín cẩn thành thực cả. Hễ khi nào chúng có dịp lừa dối người trên để khỏi phải quở phạt là chúng không từ.

Xem thế, bây giờ ta đưa mắt trông vào một chốn gia đình của đứa trẻ con sinh trưởng thì ta thấy nó đã sẵn có cái “mầm” nói dối và ta sẽ hiểu rằng nó chỉ đáng thương mà không đáng trách. Chung quanh người nó, cái gì cũng chủ gây dựng cho nó những thói xấu ấy: nào là thói lừa dối điên đảo, vờ vẫn, giả trá… Cha mẹ anh em nó thực đã là người đầu tiên rắt nó vào con đường dan dảo vậy.

Họ thường dọa nó những cách hình phạt ly kỳ, những sự nguy nan bí hiểm để cho nó sợ. Phần nhiều người cho cách nói dối ấy là “có ích”. Đêm nó khóc thì dọa: ”Mày có ngủ không, tao vứt ra sân cho ngáo ọp ăn thịt hay là Ba bị bắt đi bây giờ.” Nó có vô phép và bảo không ăn lời, thì họ dọa: ”Hể mày cứ thế thì giời đánh chết mất thôi.“

Về sự lễ phép, họ cũng lạm dụng những cách giả dối quá đáng. Thí dụ như có một người khách mà cả nhà không ưa, người cha cũng nói những lời nồng nàn để ngỏ ý hân hạnh được tiếp đãi người ấy, nhưng chính trong lòng thì không có chút thành tâm nào hết. Thế mà rồi người cha lại làm ra bộ khăng khăng giữ khách ngồi lại chơi lâu, tuy lấy người ta làm buồn như chấu cắn mà ngoài miệng vẫn hăm hở nói rằng câu chuyện của người ta nở như ngô rang, mình thực vui vẻ được ngồi hầu chuyện mãi mãi. Bà khách rắt lũ con đầu bù tóc rối, áo rách mặt nhem đến, người mẹ cũng khen lấy khen để rằng các cô, các cậu ăn mặc sạch sẽ gọn gàng. Người trên làm nhiều việc, nói nhiều câu thật mình không phục chút nào mà mình vẫn tưng bốc như giời, như thánh.

Trẻ con lại thường được thấy ở ngay trước mắt luôn luôn những cái gương dan dảo để kiếm lợi, kiếm tiền: Anh nó nói dối để khỏi bị phạt, chị nó nói dối để được tiếng khen.

Trong nhà nào có buôn bán, thì đứa trẻ thường được mục kích những sự dan dối hằng ngày, khi thì hàng xấu nói tốt, hàng ít nói nhiều, hàng đắt nói rẻ, có khi lại nói xấu cửa hàng bên cạnh để cho mối hàng người ta mất lòng tín cẩn.

Ta lại còn lừa con nữa thì thật là khả ố. Cha mẹ hay hứa phần thưởng cho con mà chẳng bao giờ có đồ thưởng cả. Cha bảo con: ”Mày chịu khó học rồi tao mua cho một đôi giầy thật đẹp”. Mẹ cũng bảo nó rằng: ”Mày ngoan ngoãn rồi đến cuối tháng tao cho 2 đồng bỏ ống.” Muốn khiến trẻ con chăm học và ngoan ngoãn, cha mẹ hứa cho rất nhiều cái này cái khác, mà rút cục lại chẳng có cho nó cái gì cả, họ tưởng rằng như thế cũng chẳng hại gì đến trẻ hết.

Về phần đứa trẻ, nhiều khi nó rất lấy làm ngang trái vì nó thường thấy cha mẹ nói một đường mà làm một nẻo. Cha mẹ bảo con rằng: ”Cờ bạc là thói rất hư” thế mà thường đánh bạc luôn ở trước mặt con. Lại có ông bố dạy con rằng rượu làm hại thân thể người ta, mà ngày nào ông cũng sơi rượu đến túy lý càn khôn.

Nhiều khi cha mẹ vụng về đến nỗi hình như khen con làm điều dan dối vậy. Khi thấy nó đang chơi mà nó lừa được anh chị nó cái gì thì cha mẹ thường vui cười hỉ hả lắm. Lần nào cha mẹ thấy con có tài dan dối hay có ý tinh quái cũng nói ngay với cả nhà rằng: ”Thằng này lớn lên là tài soay sở lắm, chớ không đần độn thực thà như thằng anh nó đâu.”

Nói tóm lại, người mình chỉ coi cái thói trí trá là một tật xấu không thấm vào đâu cả. Đối với đứa trẻ vô phép và cưỡng lời thì bao giờ mình cũng nghiêm nhặt hơn là đối với đứa trẻ dan dối. Người ta thường mắng nó, phạt nó thật, song không tỏ cho nó biết rằng lời nói, việc làm của nó là sự rất đê hạ. Vả chăng, người ta cũng không hay quý trọng sự thành thực cho sứng đáng. Sự thẳng thực đối với họ cũng chỉ là một vết tốt xoàng thôi. Khi đứa trẻ nói thật, những lời nói thật đó không làm mích lòng người trên thì người trên mới ban cho nó một câu rằng: ”Được”. Cũng có nhiều khi nó ăn nói thực thà mà lại bị quở, bị phạt. Thí dụ như nó thấy chú nó nói một câu vô lý, nó bẻ thì nhà đã chẳng biết bụng thực thà cho nó, lại còn hạch nó là sấc láo rồi trị nó. Mà trị nó cũng không bảo cho nó biết rằng tại nó vô phép, chớ không phải vì nó có tính thực thà là một tính tốt đâu. Một lần nó bị như thế, không còn bao giờ nó dám nói thật nữa.

Xem thế đứa trẻ sinh trưởng ở một nơi hầu hết chỉ gặp những sự dối trá, một nơi mà không ai trọng sự thực thà mấy, một nơi mà ngày nào nó cũng được dịp nghiệm biết ra rằng những sự bề ngoài mọi việc đời đều là giả dối, nữa là những lời nói ở cửa miệng người ta thì còn dao dảo đến đâu, thì khỏi sao nó lại không khuynh hướng về đường dan trá được.

Cái luân lý giáo dục đã tập nhiễm cho con trẻ cái thói dan như thế thì cái tinh thần giáo dục mà ta đem rèn tập cho chúng cũng chỉ lại giúp chúng càng tinh sảo về đường dan dối mà thôi. Các bậc phụ mẫu Việt Nam lại hiểu nghĩa chữ tinh thần giáo dục một cách nông nổi hẹp hòi quá, các người có tinh thần giáo dục chỉ là cách dạy trẻ thuộc nhiều kinh sách thôi. Thành thử cái tinh thần giáo dục lẫn với cái học văn chương phổ thông, thầy giáo chỉ có việc theo thế mà luyện tập học trò thôi. Trong sự học ngày xưa, các ông thầy chỉ chủ luyện người “thuộc nhiều” chớ không chủ luyện người “hiểu nhiều”. Các ông ấy lạm dụng trí nhớ, bắt học trò phải thuộc những bài luân lý hay triết học từng tiếng một, chớ không bao giờ thử xem chúng có hiểu không, hay là cố sức gợi cái nghĩa sâu xa bài ấy cho chúng biết. Vì cớ ấy ta thường thấy trẻ con có trí nhớ lạ lùng, chúng đọc thuộc lòng những bài thơ dài, những trang sách rất lớn mà không ngập ngừng từng chữ, nhưng tình cờ có ai hỏi nghĩa một câu thì chúng chẳng bao giờ giảng được rõ ràng hết. Những câu văn thuộc lòng ấy chứa chất đầy vào thành ra làm cho rối quẫn nặng nề trí khôn, mất cả những cái năng khiếu quý hóa, là cái tinh thần minh bạch hùng dũng, cái lý luận công minh chính đáng của trẻ đi. Jules Payot tiên sinh đã nói một câu đích đáng rằng: ”Những tiếng một bao bọc tinh thần người ta như một cái màng đặc bao bọc cái thực sự đến nỗi không sự gì thấm qua được nữa. Tinh thần như thế con tầm tự làm ra kén rồi nhốt mình trong kén, cái màng vỏ kia cũng nhốt tinh thần ở trong, không cho tinh thần được giao thông với các thực sự ngoài đời, ấy thế là tinh thần thành ra nhầm lỗi.”
Mà cái “tinh thần nhầm lỗi” thì có khác gì cái tinh thần giả dối, kẻ nào không biết đem chân lý làm đầu sự tìm tòi hăng hái và sự nghiền ngẫm sâu xa của mình thì đời nào lại biết chân lý được. Mà các người học hành như vẹt đã bị cách học những câu sáo ngữ không hiểu chính nghĩa là gì che lấp mất cả cái năng lực tự do tư tưởng đi thì phỏng những sự tìm tòi nghiền ngẫm của họ còn có giá trị gì.

Vả chăng những cách rèn tập tư tưởng như thế rất cần cho một người có lương tâm chín chắn để tìm tòi điều chân lý là cái mục đích sở nguyện của mình, nhưng những cách ấy ở trong một dân tộc bị cái học chính quá nệ làm hư nát thì phỏng còn mở mang làm sao được nữa! Ông đồ nho ta tuyệt nhiên không dạy học trò tư tưởng bao giờ, ông chỉ có một cái hứng thú, là bắt tư tưởng nó theo khuôn tư tưởng mình cũng như tư tưởng mình theo khuôn tư tưởng cổ nhân vậy, ấy vì từ cổ đến nay vẫn theo một cái khuôn mẫu như thế, cho nên hễ ai học tập, phẩm bình hay là tư tưởng thì bị người cho là trái phép nhà nho, và phải trừng trị rất nghiêm nhặt.

Cách giáo dục ấy thật không luyện được trẻ con thành người yêu mến sự thực và đem hết tài năng trí lực ra thực hành sự thực ở trong đời, cách ấy chỉ luyện được trẻ con thành những con vẹt khốn nạn đầy óc những câu sáo ngữ mà lại thêm cái tính kiêu ngạo trẻ con nó làm gì cho mình không bao giờ tự tìm tòi ra điều chân lý. Cái giáo huấn bất lợi và trái thời ấy còn sót lại nhiều giấu vết ở quốc dân ta lắm. Cái địa vị của trí nhớ lại còn to lớn quá, thành ra chiếm mất nhiều chỗ của cái giá trị quan sát, cái trí nghị luận và cái trí đoán định của người ta.

***

Trên kia ta đã bày tỏ hết cả những duyên cớ nó dễ khuynh hướng trẻ thơ về đường dan dối và nó ngăn trở đứa trẻ thơ khó lòng nên người thành thực. Nay ta đã biết rằng cái tật xấu đó duyên cớ bởi đâu, vậy ta cũng dễ tìm đường trừ khử nó được.

Như lời trên kia đã nói, chúng ta sỡ dĩ kém bề thực thà là phần nhiều do ở các thói quen và thể cách giáo dục về tinh thần, luân lý của ta. Vậy muốn cho trẻ con có nết thực thà, trước hết ta phải tính sự hoán cải những thói quen cùng các thể cách ấy đã:

VỀ ĐƯỜNG LUÂN LÝ GIÁO DỤC, – Ta phải dưỡng dục trẻ con theo một phương sách tự do hơn trước. Ta chẳng nên lúc nào cũng lấy oai quyền mà dạy trẻ, bất cứ làm cha mẹ hay thầy giáo, ta phải cố sức sao cho trẻ tin cẩn yêu mến ta thì cái tâm sự non nớt của chúng mới thành thực giãi bầy ra được. Trẻ con vốn có tính hay ngỏ tâm sự, nhưng không phải với ai nó cũng đem ý kiến tính tình mà bầy tỏ ra đâu; nó tin yêu ai thì nó mới ngỏ tâm sự cùng người ấy. Khi nó thấy mình yêu nó, biết bụng cho nó thì nó không ngại mình, nó ngỏ cho mình biết nỗi lòng và việc đời của nó, mà nó không có ý gì lừa dối mình cả. Trẻ con mở lòng cho ta biết phải có thành thực, sự đó tối cần cho nhà giáo dục. Vì có thế, nhà giáo dục mới biết rõ lòng trẻ con, mới dễ làm hết phận sự mình được. Nhưng khốn thay, nhiều bực cha mẹ và ông thầy tưởng lầm rằng chỉ có oai quyền là cái phương pháp độc nhất vô song nó làm chủ sự giáo dục thôi, thành ra đối đãi với con trẻ nghiêm nhặt quá, vùi giập mất cả cái khiếu mở mang của chúng đi. Đành rằng muốn cho sự giáo dục có kết quả hay thì ông thầy cần phải khiến trẻ thơ kính trọng mình và kính trọng cái giáo huấn của mình; vậy muốn thế, ông thầy chẳng nên cợt nhả với học trò, phải đối đãi với học trò cho nghiêm trang luôn, mà thỉnh thoảng cũng nên nghiêm nhặt nữa mới được; nhưng chớ có nghiêm nhặt quá đáng như phần nhiều các nhà giáo dục xưa nay.

Cái giáo dục tự do không dùng những cách hình phạt nặng nề để luyện tập cho con trẻ cái tính vờ vẫn và cái thói hèn mạt, cái giáo dục này bao giờ cũng cần đến cái tính tình biết tôn trọng nhân phẩm, vì tính tình ấy gợi cho ta cái lòng tự nhiên muốn xa lánh hẳn những sự gì có thể làm hạ nhân phẩm của ta xuống được. Ấy chính cái tính tình đó ta cần gây dựng cho trẻ, vì con trẻ có thế mới biết khinh sợ sự nói dối. Nó sẽ lấy sự nói dối làm hổ thẹn, nó sẽ coi sự nói dối như một vật không cùng ở với những tính tình tự trọng của nó.

Nên ta mong rằng: cách hình phạt thân thể bằng không bỏ hẳn đi được, cũng nên dùng ít thôi. Cái giá trị giáo dục của cách hình phạt ấy rất là mập mờ, vả ta chỉ thấy nó có hại hơn là có ích. Lấy sự đau đớn làm cho trẻ sợ hãi đê hèn tức là vùi giập cái lòng tôn trọng nhân phẩm của chúng đi và rắt chúng vào con đường điêu dan giả trá.

Ta cần gợi cho trẻ con lúc nào cũng có lòng can đảm mà đứng hẳn về bên chân lý, không chịu hèn mạt sợ hãi những sự nguy tai nhân đấy có thể sảy ra cho mình được, mà hết sức trả lời những người hỏi mình theo như ý mình cho là phải lẽ, chớ không theo như cách mình tưởng là đẹp lòng người hỏi chuyện, mà phó bầy tư tưởng ra một cách tự do thành thực chớ không phải rựa rẫn vào ý tưởng của người quyền thế hơn mình. Nhưng cái lòng thành thực ấy chớ nên hiểu lầm mà thành ra cái chứng táo tợn sấc láo.

Trong sự luyện tập cái nết thực thà cũng như trong sự luyện tập các nết hay khác, cái gương tốt bao giờ cũng là sự trọng yếu hơn cả. Vậy nên những người ở chung quanh trẻ, bắt đầu từ gia đình nó trở đi, phải có cái nết tốt ấy. Muốn thế dẫu việc nói dối thế nào cha mẹ cũng nên cẩn thận mà giữ mình đừng nói dối.

Phải trừ bỏ hết các những cách nói dối mà mình tưởng là ích lợi cho trẻ con như những cách dọa nạt hoang đường. Sự gì mình không muốn cho nó biết thì chớ có nói dối nó, chỉ nên bảo nó còn bé chưa hiểu được và đợi khi nào nó lớn lên sẽ giải nghĩa cho nó biết.

Ta cũng khá nên lạm dụng những cách giả dối thuộc về lễ phép. Đành rằng dẫu sao ta cũng không muốn cho con cái ta trở nên những người “lỗ mạng” quá thẳng rất khó chịu cho cái xã hội cần phải dung thứ nhiều sự ngày nay. Những người có tính thẳng quá thường là khiếm nhã. Nhưng không phải rằng muốn nhã nhặn thì phải lừa dối người ta đâu!

Ta chớ vì lợi dan dối mà làm gương cho con em bắt chước. Để cho nó thấy mình được lợi vì nói dối, ấy là đun đẩy nó vào con đường nói dối hầu như không còn phương sách nào ngăn ngừa lại được. Lợi là một cái chủ động mạnh nhất của muôn việc trần gian, khi đứa trẻ thấy nói dối có lợi thì cũng khó lòng mà kiêng nói dối được.

Nên ta không chủ ý cho trẻ cái gì thì đừng hứa với nó cái ấy. Mình lừa nó lần này, tất nó hay lừa mình lần khác. Ta lấy làm đau lòng vì thấy nhiều bực cha mẹ An nam rất hay nhẹ dạ hứa lời mà không mấy khi giữ lời hứa cả. Vậy thì các ngài phải bỏ hẳn cái thói xấu ấy đi. Khi các ngài hứa cho trẻ cái gì thì phải cho nó cái ấy, bảo phạt nó làm sao thì phải phạt nó làm vậy.

Một sự cần yêu nhất là phải giữ sao cho việc làm giống như lời nói, vì như thế thì ta mới tỏ ra người chỉ vì lòng yêu chân lý, bụng mến thành thực mà nói và làm những việc ấy thôi, chớ không phải vì những cái chủ động khác như lòng kiêu ngạo và trí tư lợi đâu. Nay thí dụ như ta vẫn thường dạy trẻ phải ăn tiêu tần tiện, thì ta chớ nên hoang phí một cách điên rồ cho thỏa cái lòng khoe khoang của ta ở trước mắt chúng nó, vì rằng ta làm gương xấu cho chúng nó như thế, tức là ta dạy cho chúng nó biết ta không thành thực. Ta bắt chúng không được làm những việc mà chính ta cũng vẫn làm thì có phải rằng chúng tưởng cũng có quyền làm những việc ấy khi nào có dịp làm được không?

Trong khi trò chuyện, hoặc ta nói về việc gì hay là về người nào, ta cũng chớ nên ngoa ngôn quá đáng. Vì hễ quá đáng lắm thì hay sinh ra giả dối. Khi ta mắng trẻ, chớ nên nói nặng thêm cái lỗi nó ra; khi ta kể chuyện, đừng vì muốn làm đẹp câu chuyện mà bịa đặt hoang đường vô lý.

Trẻ con tuy có tính bắt chước là tính thông thường hệ trọng hơn cả, những giữ cái thái độ đáng lấy làm gương đã nói trên kia đối với chúng nó thì cũng chưa đủ, phải xem xét những cái then chốt bí mật ở trong tâm sự chúng nó để mình biết rằng vì đâu mà chúng nó sinh ra dan dối, rồi sau mới có thể trừ thói dan dối ngay từ lúc đứa trẻ chưa mắc được. Ta quyết nhiên không cho trẻ vì khoe khoang hay lợi lộc mà ăn dan nói dối, muốn thế, hễ nó nói dối về phương diện nào, ta lại lấy ngay phương diện ấy mà trị cho nó. Đứa trẻ lười biếng thì ta bắt làm việc bội phần, đứa trẻ vì lợi nói dối thì không cho nó được hưởng lợi ấy, và cả hai đứa ta lại làm cho nhục nhã là từ giầy ta không tin chúng nó nữa. Nhưng khi sửa trị những tật xấu ấy, ta chớ nên cay nghiệt quá. Trẻ con thường vì sợ mà hay nói dối. Ta phải lấy sự dịu dàng mà khiến nó thú thực những lời nó nói, những việc nó làm ra, nhưng ta chớ quên tha lỗi cho nó, để gọi là khen thưởng nó vì nó đã thực thà thú lỗi. Nhưng khi nó mới phạm lỗi xong, ta đừng bắt nó thú ngay mà giầy vò lương tâm nó, vì lúc ấy nó còn sợ ta quá hay là hám lợi quá. Nếu ta không để nó có đủ thì giờ hồi tâm thì nhiều khi nó thành nói dối.

Ta chớ coi sự nói dối là một nết xấu nhỏ mọn nữa, ta phải lấy nó làm một nết xấu to của chủng loại ta mới được. Lúc nào ta cũng phải dạy cho con cái ta biết rằng nết nói dối là một sự đê mạt xấu xa nó làm mất phẩm giá người ta và khiến cho đồng bào khinh bỉ. Đối với những đứa trẻ có ý ngả về đường giả dối, ta phải nghiêm nhặt hơn là đối với những đứa lười biếng, bảo không ăn lời. Ta cần phải làm sao cho con cháu ta biết rằng nếu chúng phạm hai mươi tội khác nhau ta cũng rộng dung cho, chớ như chúng giả dối một chút để che đậy một tội trong hai mươi tội kia thì ta không tha thứ được. Nhưng trong khi ta trị cái thói giả dối là quân thù nghịch khả ô nhất của tâm địa nó, ta chớ nên tin nghe những lời vu khống của anh chị nó coi thường mà bầy đặt ra, sự vu khống tức là một phương nói dối bất nhân, bất trí. Ta bảo chúng nó biết rằng nói dối là việc quan hệ, cái ảnh hưởng của sự nói dối có hại to, không thể coi thường làm vậy được.

Sau nữa là ta phải ăn ở làm sao cho con em biết rằng ta lấy sự thực thà làm trọng yếu lắm, và ta phải lấy sự thực thà làm một nết hay cốt yếu mà luyện tập cho chúng nó. Hễ khi nào có dịp khuyến khích nó ăn ở thực thà thì ta đừng nhãng bỏ. Bất cứ ở nhà hay ở trường, một lời nói, một việc làm thành thực phải có ngợi khen và ban thưởng nữa. Cũng có đôi khi đứa trẻ thực thà lỗ mạng quá, thành ra trạm lòng người ta. Ta đừng vội vàng mắng nó, ta nên khuyên nhủ nó dịu dàng khôn khéo rằng: ”Nói thực rất là việc hay, nhưng không được vô phép. Phải thực thà, mà cũng phải lễ phép mới được.” Trong khi trò chuyện, chớ bỏ mất cái dịp nào nói đến sự thực thà, ta khen nó ở trước mặt con cháu ta. Nên ta xem nhật trình thấy có việc thực thà, ta bảo con cho con cháu ta biết. Ấy chỉ nhờ những phương pháp hằng ngày ấy mà ta có thể dạy cho con cháu ta biết yêu quý sự thực thà là sự chính ta đã yêu quý như thế.

VỀ ĐƯỜNG TINH THẦN GIÁO DỤC – Cách học kinh sử chuyên chế của ta làm cản mất cái tính hiếu năng, cái trí quan sát, cái trí đoán định và cái trí nghị luận, nói tóm lại là nó ngăn cản hết cả những đức tính thuộc về tinh thần có thể gầy thành cái nghĩa chân lý được. Vậy muốn gây rựng mở mang cho con em cái nghĩa chân lý ấy, ta phải sửa đổi cách giáo huấn cổ xưa lại, luyện tập cho con em ta được nhiều tính tốt nhờ đó có thể hiểu biết, mến yêu và tìm tòi cái chân lý một cách tuần tự được.

Trẻ con muốn thỏa mãn cái tính tò mò thì hay hỏi han cha mẹ luôn luôn. Cha mẹ phải kiên nhẫn rộng dung mà nghe con cái hỏi han, vì những câu hỏi ấy gợi cho ta biết rằng chúng có trí khôn cùng có tính tự  nhiên muốn tìm cõi học thức và muốn nhờ sự học thức tìm điều chân lý vậy. Có khi trẻ hỏi ta mà ta hơi lúng túng, những khi ấy ta chớ khinh bỏ đi hay là trả lời không thực. Thí dụ nó hỏi: ”Sao giời lại mưa?” ta chớ trả lời: ”Tại trên ấy có ông thần chuyên riêng về việc tưới đất”. Vì như thế, chẳng hướng sai cái trí suy sét của nó đi thì một ngày kia, nó cũng biết là ta lừa dối nó, mà lừa dối nó thế, là làm gương bất chính cho nó noi theo. Cha mẹ và thầy giáo cần phải khuyến miễn cho trẻ con có tính hiếu năng vì tính ấy là một bước khởi thủy tìm đường chân lý và có nhiều những gương tốt lắm; các ngài phải  nên giữ trẻ đừng để nó vì lém lỉnh mà hỏi nhiều câu vô ích thôi; muốn thế, bắt nó phải nghĩ rồi hãy nói.

Trẻ con chỉ nhớ về lúc nào cũng có tính nghĩ ngợi để biết đích sác cái tâm sự nó và các việc ở quanh mình nó, mà nó có thể đoán định được công minh những sự sẩy ra ở trước mắt hay là kể lọt vào trong tai nó, sự đó tức là con đường noi tới chân lý vậy. Ta cố sức mở mang cho nó cái trí quan sát phần nhiều còn kém cỏi lắm, nghĩa là ta phải tập tành cho nó biết chú ý và biết quan sát, ta phải trừ bỏ những cái ý tưởng non thiếu, sai lầm nó thường lộ xuất ra làm cho sự quan sát của trẻ không được kết quả vẹn tuyền.

Sự đoán định của trẻ thơ thường hay nông nỗi và hay chuyên nhất, nên chi hay sai lầm. Cha mẹ và thầy giáo phải dạy cho nó biết xem xét, phải có kiên tâm nghe lấy và sửa lại những quyết định mới mẻ của nó, và khiến nó đem những ý ấy đọ với sự vật ở đời, phải tập quen cho nó cái tính biết phá cái hình thực bề ngoài mà tìm cái thực sự ở trong cùng là biết truy tầm cái nguyên ủy của các việc sẩy ra cho thật đích sác. Phải chữa sửa cả những đường ăn tiếng nói sai lầm của nó, vì đó thường cũng là biểu hiện cái tư tưởng của nó đấy. Lại phải giữ miệng đừng ngỏ cho nó biết những cái ý tưởng cường ngạnh, những câu đoán định quá khích cũng những sự vọng đoán mà cái trí chuyên nhất của nó thường khi lại khuếch chương ra quá đáng.

Sự nghị luận của trẻ con thường không được chắc chắn. Muốn tập nhiễm cho nó cái tính nghị luận chính đáng và nghiêm nghị, thì phải trừ bỏ những cái tính dột nát, cẩu thả, chưa kinh nghiệm, hay hấp tấp, không buồn nghĩ ngợi, không chịu kết đoán, vì những tính xấu ấy thường làm sai lầm cái lý luận của nó đi. Sau phải dùng một cách giáo huấn có trật tự đã khảo sát kỹ càng và kinh nghiệm đích đáng mà dạy bảo cho nó thì nó mới thành tính nghị luận đích đáng và kỹ càng được. Ấy chính là ta tập nhiễm cho con em cái tính nghị luận công minh mà tự nhiên khiến chúng mến yêu cái chân lý đó.

Một cách giáo huấn tường tận như thế sẽ bồi bổ cho cái nết thực thà của con em ta một phần khá lớn. Lúc nào nó cũng phải quan sát, đoán định và nghị luận, thành ra nó sẵn tư cách biết phân biệt điều hay cùng điều dở và biết bướng lời nói và việc làm của nó về đường chân lý hơn.

***

Tiếc thay! phần nhiều cha mẹ và thầy giáo An nam ta còn lấy cái nghĩa tối yếu của sự thành thực làm mới lạ lắm. Họ không như người Tây, họ coi thường sự dan dối và sự thật thà quá. Đối với họ thì dan dối chỉ là một tật xấu nhỏ, không thể sinh ra những sự nguy hiểm được. Ấy phần nhiều người vẫn thế – , còn tính thật thà thì chỉ là một nết tốt xoàng, kém xa những nết vâng lời và nết có phép. Cái tư tưởng ấy rất có hại cho sự giáo dục trẻ thơ. Chính cần phải trị thói dan dối và gây nết thực thà cho con trẻ, thế mà không mấy người cố sức lưu tâm đến cả. Có lạ gì, việc mình đã không lấy làm hệ trọng thì khi nào mình chịu để ý đến. Ta rất mong rằng các bực cha mẹ và thầy giáo nên suy nghĩ về mấy lời sau này, vì mấy lời ấy là một điều chân lý sâu xa nó tỏ cho mình biết rằng sự thành thực đáng quý và sự gian dối đáng khing là nhường nào: ”Lời khen có giá trị nhất mà ta có thể ban cho một người nào được, tức là câu bảo người ấy rằng: ”Ông là người thực thà” (La Bruyere). – “Sự nói dối là một tật xấu khả bỉ. Nếu ta biết nó đáng sợ hãi gớm ghê ngần nào thì ta dùng súng lửa mà đánh đuổi nó đi, ta xử thế đối với tật nói dối công bằng hơn là đối với các tật xấu khác…” (Montaigne).

Nhiều người nói rằng: Những lời đó có phần có phần quá đáng lắm. Nhưng nếu những người ấy nghĩ đến cái kết quả gớm ghê của sự nói dối, thì tất nhiên cũng phải công nhận rằng những lời nói kia không có gì là quá đáng cả. Tật nói dối là cái nguồn suối sinh sản ra các thứ sú hướng: Khi mình đã cố ý giữ kín một lỗi gì ở trong bụng mình mà mình chẳng nói ra miệng, thì thế nào mình cũng sẵn lòng phạm điều lỗi ấy. Ở trong xã hội, nên không phải sự ăn cắp thì không còn sự gì là tội nặng nhất nữa, người trong xã hội mà không có lòng tin cần nhau do ở bụng tốt của mình ra thì còn thể nào giao tiếp cùng nhau được. Nếu trong một nước ai cũng lừa đảo gian trá để kiếm tư lợi một cách bất lương thì nước không thể có được một công nghệ, thương mại nào cả, mối hàng sẽ tản hết mà quốc gia cũng lụn bại! Một người lái buôn thực thà, ấy là một người lái buôn tài khéo khôn ngoan nhất. Nếu cái nguyên lý về khoa học vị nhà bác sĩ kém thành tín mà không được thế lực ảnh hưởng tự do, thì tinh thần làm sao còn tiến hóa được nữa; nếu trong một nước mà dân sự vì nghi ngờ e sợ lẫn nhau, mỗi người một nơi, không cùng đồng tâm hiệp lực với nhau để làm ăn, thì nước ấy còn khoáng chương tiến hóa làm sao được nữa! Một cái không gian nguy độc như thế tức là  bóp ngạt hơi cả quốc dân và hại cả quốc dân không sao tiến hóa lên được, dẫn đến thuốc tiên cũng không chữa nổi. Vậy tấm lòng yêu nước của ta đâu, mau mau cảm khích cho ta biết khinh sợ một cái tật xấu làm hại nước ta ghê gớm thế. Nước Pháp nhân từ hiện đang đem cái lòng thành tín đáng thừa nhận nó sẽ cứu ta khỏi mắc tật đó mà thay vào cái lòng nghi hoặc rất nguy tai gốc bởi sự áp chế xưa kia mà ra vậy. Ta phải thế cái lòng ấy cho nước Pháp, và ta đã được nước Pháp giúp sức như thế thì ta cũng phải tự bổ thêm sức cho ta mới được. Đối với nước ta cũng như đối với nước bảo hộ, cái nghĩa vụ cao nhất của ta là sửa mình tấn tới về đường tinh thần luân lý như thế mà giúp sự tiến hóa cho tổ quốc ta.

_______

Nguồn: (bản chụp). Số hóa: Lâm Việt Hoa – giữ nguyên chính tả, chỉ bỏ các dấu nối của các từ ghép

Bình Luận từ Facebook