Tiệc cuối năm bên bờ Vịnh San Francisco

Yên Khê

12-1-2023

Tôi đi theo một người bạn đến dự buổi tiệc tất niên âm lịch Nhâm Dần do Tổng lãnh sự Việt Nam tại San Francisco tổ chức. Tiệc được tổ chức tại một nhà hàng nằm bên bờ Vịnh San Francisco. Nếu thời tiết hôm đó bình thường thì ắt hẳn phong cảnh nhìn ra từ các khung cửa kính lớn rất đẹp, nhưng hôm đó một trận bão lớn đang quần thảo trên miền Bắc California, cây cối oằn lại trong cơn mưa như trút, xa xa lắp lánh ánh đèn hai thành phố lớn San Francisco và Oakland.

Có khoảng trên 200 người tham dự, lắp đầy một không gian khá chật. Đây là những người được xem là những người Việt sống ở miền Bắc California, mà lại thân thiện với chính quyền trong nước, đôi khi họ bị những đồng bào của họ ở Mỹ phản đối, gọi họ là “thân cộng”.

Tôi nghe nói về những người “thân cộng” này đã lâu, đôi khi cũng tiếp xúc với một vài người ngoài đời, nhưng đây là lần đầu tôi gặp cả trăm người như thế này. Vì thế, tôi chú ý quan sát họ.

Đa số họ là những người trung niên, thuộc lớp U60. Điều này xóa đi một mặc định của tôi lâu nay, là những người “thân cộng” chắc già lắm rồi. Họ có vẻ thoải mái trong sắc diện của những người khá thành công, cho đến rất thành công trong xã hội Mỹ. Họ không phải là những nhân vật nổi lên từ thời chống chiến tranh Việt Nam như Vũ Đức Vượng, Nguyễn Công Chánh, Ngô Vĩnh Long… Họ đến Mỹ sau năm 1975, từng là thuyền nhân, hay muộn hơn nữa là sang Mỹ theo diện đoàn tụ gia đình, thậm chí … HO (con cháu của những công chức, sĩ quan chế độ Việt Nam Cộng hòa, bị cầm tù sau năm 1975).

Đặc biệt trong só khách mời hôm đó có khá đông người đến từ Oakland, và có vẻ như họ là những người Việt gốc Hoa. Oakland vốn là nơi tập trung nhiều người Việt gốc Hoa từ miền Nam Việt Nam, ra đi trong cái gọi là bán chính thức bằng đường biển (trả tiền cho các quan chức Việt Nam nhắm mắt làm ngơ cho họ vượt biển). Tại một bàn tiệc, tôi nghe họ nói tiếng Quảng Đông với nhau. Người bạn tôi cho biết, những người đó là những người Việt gốc Hoa, đến từ Hải Phòng. Có một bàn dành riêng cho một nhóm đến bảy người, của một doanh nhân khá nổi tiếng, là người Mỹ gốc Việt-Hoa.

Ảnh: Một cảnh trong buổi tiệc khi Tổng lãnh sự Hoàng Anh Tuấn phát biểu. Nguồn: Yên Khê

Những thực khách hôm đó khá thân thiện và cởi mở, nhưng có một điều tôi thấy lạ là có khá đông người đem theo rượu riêng, mà tôi nghĩ là rượu đắt tiền, để uống với nhau, họ đem đi mời các bàn bên cạnh. Tôi có cảm tưởng là buổi tiệc do ông lãnh sự mời, cũng là dịp để họ gặp gỡ, bù khú với nhau.

Nhân vật quan trọng nhất hôm đó, dĩ nhiên là ông chủ tiệc, ngài tân Tổng lãnh sự Việt Nam tại San Francisco, ông Hoàng Anh Tuấn. Ông Tuấn có dáng người nho nhã, nhưng hơi tiều tụy, gợi nhớ những nho sĩ ngày xưa ở miền Bắc Việt Nam, nghèo nhưng hiếu học. Nghe nói ông Tuấn tốt nghiệp từ một trường đại học lừng danh của nước Mỹ cả chục năm trước.

Ông Tuấn khai tiệc bằng một bài nói khá ngắn, trong đó ông nói đến những thành tựu của Việt Nam trong năm khó khăn vừa qua, ông cám ơn đồng bào ở Mỹ, ông nói đến tương lai sáng sủa của quan hệ Việt-Mỹ … Nhưng ông Tuấn không nhắc gì đến cơn bão chính trị làm nghiêng ngả Bộ Ngoại giao Việt Nam vừa qua, với hơn 40 người bị bắt trong vụ bê bối “chuyến bay giải cứu”, trong đó các quan chức ngoại giao, công an, hàng không, ăn cánh nhau, nâng giá vé máy bay đưa người gốc Việt về Việt Nam hồi đầu năm 2020, khi dịch Covid mới bùng phát.

Dĩ nhiên ai lại nhắc chuyện không vui trong một bữa tiệc cuối năm, chủ tiệc không thích, mà có lẽ khách cũng không quan tâm lắm. Ông Tuấn cũng không nhắc gì đến … “đảng và nhà nước”, cụm từ không thể thiếu đối với các quan chức trong nước, mà trong phòng tiệc cũng không thấy treo cờ đỏ, chỉ có một chiếc quốc huy ở phông nền.

Ảnh: Tổng lãnh sự Hoàng Anh Tuấn phát biểu. Nguồn: Yên Khê

Các món ăn khá ngon, đại khái là thực đơn thường thấy ở những nhà hàng Á châu trong vùng Vịnh San Francisco. Món khai vị lại là một chiếc bánh chưng khá lớn cho mỗi bàn, có lẽ được chủ tiệc thêm vào cho phù hợp với không khí tất niên ngày Tết Việt Nam, nhưng không có dưa kiệu lẫn dưa món, thế nên nó hơi khan khan thiếu thiếu.

Khoảng hơn nửa buổi tiệc thì tôi ra về, người bạn thì vẫn ở lại. Bên ngoài gió đã ngưng, chỉ còn mưa nhưng không nặng hạt. Về chỗ trọ, tôi mở máy tính lên để soát những email cuối ngày, mà trong đầu vẫn còn lẩn quẩn cái ý nghĩ bánh chưng mà thiếu dưa kiệu dưa món, khan khan thiếu thiếu, thì gặp một email forward từ một người bạn. Trong email đó, tác giả dẫn lại một bài viết trên báo Người Việt, nói là Tết Quý Mão năm nay, tại trung tâm Garden Grove của người Việt ở miền Nam California sẽ có tổ chức một … đường hoa, theo kiểu đường hoa Nguyễn Huệ ở Sài Gòn.

Tác giả email “đề cao cảnh giác” là không thấy nói gì về cờ vàng ba sọc đỏ cả (cờ của Việt Nam Cộng hòa ngày xưa), tác giả nghi ngờ rằng, những người tổ chức “đường hoa”, là… Việt cộng, cho nên không đề cập gì đến cờ vàng.

Tôi chợt nhớ lại quang cảnh buổi tiệc ở San Francisco, cũng không thấy cờ đỏ trong buổi tiệc tất niên của những người… Việt Cộng, và tôi tự hỏi rằng liệu tác giả email đầy tinh thần chống Cộng ấy có biết đến bữa tiệc mà tôi tham dự không!

Bình Luận từ Facebook

4 BÌNH LUẬN

  1. Tac gia cho biet ” NHUNG NGUOI THAN CONG trong Bua Tiec Chieu Dai ” la Họ đến Mỹ sau năm 1975, từng là thuyền nhân, hay muộn hơn nữa là sang Mỹ theo diện đoàn tụ gia đình, thậm chí … HO (con cháu của những công chức, sĩ quan chế độ Việt Nam Cộng hòa, bị cầm tù sau năm 1975).
    DIEU NAY CHUNG TO CSVN da “CAI NGUOI” vao “THAN QUYEN HO” ( dieu kien ) khi TIEN HANH “HO TRO THU TUC XUAT CANH”.

  2. Tác giả chỉ chú ý lá cờ. Rằng ai đứng ra tổ chức thì họ treo cờ của họ. Csvn không treo cờ nhưng có quốc huy. Thế nếu người chống cộng tổ chức lễ tiệc sẽ làm gì? Không lẽ kêu họ đừng treo cờ VNCH?
    Đây cũng chỉ là hình ảnh biểu tượng phô diễn. Thật tế không có cờ cs thì vẫn là cs không chối đi đâu được, chỉ là ngụy trang thôi. Và cũng là sự giả vờ như không còn phân biệt. Còn nếu phe chống cộng không treo cờ vàng cũng không hẳn là không còn chống cộng. Vì cái thứ vi trùng cs mà ai còn lạ gì với nó, cái độc lực của nó ai đã từng kinh qua đều rõ và nó đã ăn sâu trong vết thương của người Việt tha hương thì có cờ hay quên treo thì cũng chẳng là gì. Quan trọng là hành động và tư tưởng của người chống cộng. Và chính cái tư tưởng này là quốc huy của người chống cộng!

  3. Rõ dở hơi mới bỏ về giữa tiệc. Đã định “Kể Chuyện” thì phải có “chuyện” để kể. Kể có đấu có đũa, có khai tiệc, có tàn tiệc, ai nói gì, ai ăn gi, ai say ai tỉnh, ai khen ai chê… Vào hang cọp mà không bắt được cọp thì đi làm gì. Loanh quanh chỉ ba chuyện vớ vẩn “Bánh chưng dưa kiệu dưa món”. Đọc xong thấy quá thất vọng. Ở Mỹ bao năm rồi mà không khá được, không vượt ra khỏi tầm “miếng ăn”. Cứ loanh quanh đòi “dưa kiệu dưa món” “thiếu thiếu đủ đủ” làm sao khá được.

  4. Được ăn miễn phí thì phải có đôi lời cảm ơn, âu cũng là lịch sự tối thiểu.

Comments are closed.