Couscous à la marocaine

Krishna Trần

16-12-2022

Gần 30 năm trước, tôi ăn món Couscous kiểu Maroc trên bờ biển Bắc Phi, gần nơi đại tướng Antoine và nàng Cleopatra… tắm.

Đó là một bữa tiệc cuối năm, do hai anh bạn, một người từ Niger, còn anh kia từ … Maroc nấu. Có khoảng hơn 10 người bạn tham dự, trong đó chỉ duy nhất tôi là người đầu tiên nếm món này.

Với cái khẩu vị của một tay chuyên ăn… cơm (mangeur de riz) tôi không phân biệt được hạt nào là hạt nào trong cái món này, cứ nghĩ nó là một loại hạt tên là … couscous. Nhưng điều quan trọng nhất của bữa ăn đó là dư vị của couscous kéo dài đến tận hôm nay, nay nhớ lại nhân chuyện đội banh Maroc ra sân “quyết chiến” với đội Pháp… ông chủ thuộc địa cũ (bảo hộ thì đúng hơn). Ông chủ này, dĩ nhiên, cũng là đề tài chúng tôi bàn đến trong suốt đêm ấy.

Một điều thú vị được dự báo trước, đó là cái gã mangeur de riz (tôi đây) được các bạn ấy xem là đại diện cho phong trào giải thực, cho… Hồ Chí Minh. Nói ra điều đó bây giờ không rõ tôi có bị chụp cho cái nón cối hay không, nhưng nó đã diễn ra như thế. Trong cái tình anh em với các bạn ấy, chẳng lẽ tôi đi tranh cãi nào là cải cách ruộng đất, nào là Nhật ký Trong tù… Mà giải thích suốt cả đêm chắc gì đã thông, còn dành thời gian cho chuyện khác vui hơn chứ.

Một lần nữa, rõ ràng rằng sự việc không phải lúc nào cũng trắng với đen, mà đa số các trường hợp là nó xám xám. Dân An Nam ta thường ăn hạt gạo thôi, hóa ra trong món couscous à la marocaine này tùm lum hạt.

Trước khi quen biết các bạn Bắc Phi này, tôi biết xứ Maroc là nơi làm nền cho bộ phim nổi tiếng Casablanca (Ngôi nhà trắng, một thành phố tôi có quá cảnh), và loại thạch anh tím nổi tiếng (amethyst). Anh bạn Maroc cho tôi biết thêm, ngoài món couscous à la marocaine, thì xứ của anh cũng nổi tiếng với dịch vụ … làm giả passport. Không rõ sau 30 năm, họ còn làm cái đó hay không, nhưng kể ra thì trong các tin tức bi kịch về người Bắc Phi vượt biên qua Địa Trung Hải, chúng ta ít nghe về người Maroc. Chắc là họ OK.

Chúng tôi không uống bia rượu gì trong đêm ấy, vì có đến 99,99% là người Hồi. Chúng tôi uống trà kiểu Maroc, thé à la marocaine. Bạn gái Hinda pha trà. Đó là trà đen uống với… rau quế. Ngoài cái vị là lạ đó còn có cái cách họ rót. Hinda giơ cao cái ấm bằng sắt, rót xuống những chiếc tách cho nó kêu to lên, nghe rất vui tai.

Hinda không phải người Maroc, bạn ấy là người Algeria dòng Berber, đám du mục trên rặng Atlas kéo dài từ Maroc qua Algeria. Nghe đồn họ là hậu duệ đám dã man Visigoth, phá tan tành đế quốc La Mã năm xưa.

Nhưng Hinda không xâm mặt, xâm tay như các bà chị Berber truyền thống. Lúc ấy đám cực đoan cũng đang quậy tưng bừng bên Algeria. Hinda không về núi Atlas, bạn tị nạn bên núi… Alp.

Trong cái không khí vừa phấn khích vừa tò mò trước trận banh Maroc-Pháp, đối với một gã chả mê đá banh mấy như tôi, thì tôi lại nhớ đến buổi chuyện trò chính trị về “giải thực” năm xưa, mà trong đội banh Pháp lại toàn các hảo thủ đến từ Bắc Phi, hay là Nam Sahara, rồi tại Pháp cũng có cả trăm ngàn người ăn … couscous. Tinh thần ái quốc sẽ ra sao trong trận banh này?!

Tôi nhớ cái điều thực hơn, không cần giải, đó là món couscous à la marocaine, rất “bắt” với vị trà quế, và tiếng kêu lách tách khi Hinda rót trà.

Noel 2022.

Hôm qua, sau khi tôi viết xong bài này vài tiếng đồng hồ thì đội Maroc bị đội Pháp đánh bại với tỷ số 2-0.

Bình Luận từ Facebook

4 BÌNH LUẬN


  1. Đội tuyển Pháp trong điệu buồn Tango cuối cùng nơi Doha
    ******************

    https://www.youtube.com/watch?v=7JD4fTV7QIo

    Mondial-2022 : l’Argentine de Messi sacrée championne du monde de football • FRANCE 24

    Điệu buồn Tango cuối cùng nơi Doha !
    Đội hình nhuần nhuyễn đội tuyển Á Căn Đình
    Phối hợp tổ hợp tuyệt vời nhịp ảo linh
    Chọn đến Doha lần này kết thúc
    Điệu Tango bóng đá đội nhà mình
    Cổ vũ vang vọng từ Sa mạc đến Nam Mỹ
    Tinh thần Túc cầu Quốc gia Quang vinh !
    Khuất phục đội Pháp tài năng toàn đá mướn
    Đa sắc nặc mùi kim tiền cảnh phù sinh
    Âu là tín hiệu tàn phai Toàn cầu hóa
    Xâm thực Thể thao + Lý tưởng + Nhân tình !
    Quốc ca cất vang dậy Paris Côing xã
    Thay vũ điệu Toàn cầu tiêu cực quá trình
    Tuyệt cú mèo chung kết tranh hùng hai đội tuyển
    Người thắng kẻ thua đều chơi bóng – đá hết mình !
    Như siêu vũ sư điệu Tango trên sân cỏ
    Sàn nhảy nóng bỏng trữ tình cầu thủ Á Căn Đình

    Huấn luyện viên Pháp : Bậc thầy Chiến lược
    Tài năng tuyển thủ biến thành chiến thuật đội hình
    Đội trưởng kiêm thủ môn Pháp ngàn tay bắt bóng
    Đối phương tuyệt vời cao thủ phá thế trận tình hình
    Cầu thủ gạo cội kém may cũng đành gội cạo
    Nguyên lý bất định xác suất chi phối Túc cầu nhục-vinh
    Bao chú gà trống Phú Lăng Sa hết còn gáy nổi
    Hoàng hôn Sa mạc Qatar Nhạc Cát gọi Bình minh
    Cuối trận mấy chốc gà đá hóa gà chọi mỏi mệt
    Vỡ trận hết tiến công chống đội Á Căn Đình
    Dù vậy bên này nửa cân – bên kia tám lạng
    Nghệ thuật Túc cầu trình độ Thế giới tuyệt xinh
    Buồn chăng tiền bạc phá nát Bóng đá Quốc tế
    Sân vận động Doha gần vạn Nhân công bỏ mình !!!!

    http://universite-digitale1.com/wp-content/uploads/2018/05/MeVietNam.jpg
    TRIỆU LƯƠNG DÂN VIỆT
    cảm tác nhân xem trận chung kết Pháp-Á Căn Đình thật tuyệt vời tuyệt cú mèo và cảm mến Tài năng Đức độ Bậc Thầy Túc cầu Messi của xứ Á Căn Đình

  2. Pháp thắng Ma rốc 2-0 chính là 1 hành động “phá hoại” à la xì tai Ngụy . Kết quả là những cuộc xung đột giữa di dân gốc Ma rốc ủng hộ đội “nhà” Ma rốc của mình & dân “Pháp” ủng hộ đội “nhà” Pháp cũng, tất nhiên, của “mình”. Vậy có thể xem chiến thắng của đội “Pháp” trước đội Ma rốc có phải là 1 hành động mang tính phá hoại kiểu Ngụy hay không ? Why the Phúc not, theo lô dít của Kít na Trần

  3. Bổ sung: “Còm” này của tôi cũng chính là để trả lời tác giả bài “Bóng đá-Đen-Trắng” đã đăng trước đó: Nước Pháp đã từ bỏ chủ nghĩa thực dân kiểu cũ, nhưng gần 70 năm nay họ vẫn níu kéo và chuyển sang phương thức bóc lột kiểu mới đối với các nước thuộc địa cũ (có cả Morocco), thậm chí, còn lập nên cái gọi là ” Các nước nói tiếp Pháp” để giữ thị trường so với Vương quốc Anh.
    1. Pháp phồn vinh dân chủ nhờ vào bầu sữa mà nó vẫn có quyền bú từ các nước được Pháp trao trả từ trước đó 70 năm.
    2. Cánh tay nối dài sau này của hội nói tiếng Pháp, nói tiếng Anh chính là Toàn Cầu hóa đó. Vì thế ở các nước này (kể cả Đức, Ý nữa) có nhiều mầu da thì có gì lạ đâu. Nhưng, điều phải lên án là các nước này lại cho mình có quyền chọn dân di cư có chất lượng, còn lại hầm bà lằng thì phân bổ cho các nước khác. Nô dịch các nước châu Âu khác bằng biện pháp này đấy!

  4. Hề… hề….
    1. Hinda không phải là hậu duệ của Visigoth nhé. Visigoth chính là bộ tộc đã đánh đuổi hai bộ tộc Alan và Vandal năm 418, khi liên minh này đang cai trị bán đảo Iberia (Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha ngày nay). Vua Alan chết trận nên dân Alan xin nhập vào Vandal và cùng nhau chạy trốn sang Bắc Phi, tại đây, họ tàn sát rất nhiều dân bản địa (dân Berber ở tỉnh Bắc Phi của La Mã) và còn tấn công tàn sát Rome vài lần (để đến nỗi tên của bộ lạc này trở thành từ vựng: NHỮNG KẺ PHÁ HOẠI). Sau này, Vandal bị Đông La Mã tiêu diệt và bộ tộc này bị hòa tan vào tộc Berber bản địa của Bắc Phi. Cho nên, Hinda chỉ có thể là hậu duệ của Vandal mà thôi!
    2. Sau này, Hồi giáo trỗi dậy lan sang Bắc Phi bởi vương triều Umayyad, chính những người Berber lai Vandal này lại là lính tiên phong đánh chiếm Iberia và họ đã cai trị xứ này 800 năm, để lại nhiều chứng tích về văn hóa, kiến trúc và được gọi là người Moor, cho đến khi bị phong trào Tái Chinh Phục (Reconquista) của Kito giáo đánh đuổi. Một phần bị lưu đầy về các khu tái định cư nhưng phần nhiều trốn thoát và trở về đất bản địa của mình mà Morocco hiện nay là phần lõi chính đó.
    3. Điều này cũng giải thích tại sao màu da của đội tuyển Morocco lại “đẹp” hơn màu da của đội tuyển Pháp nhé!

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây