Đỗ Kim Thêm
21-11-2022
Hội nghị Thượng đỉnh APEC 2022 ở Bangkok kết thúc, 21 quốc gia thành viên đã đồng thuận đưa ra một Bản Tuyên bố chung với nội dung lên án Nga về cuộc chiến tranh xâm lược ở Ukraine. Tuy nhiên, Bản Tuyên bố có nêu rõ giới hạn dè dặt là nhìn chung vẫn còn có “những quan điểm và đánh giá khác nhau về tình hình và các biện pháp trừng phạt”.
Với tư cách là quốc gia đăng cai tổ chức, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã đưa ra Bản Tuyên bố này.
Đại diện cho Tổng thống Vladimir Putin tại Hội nghị là Phó Thủ tướng Andrei Belousov. Trước đó, người đứng đầu điện Kremlin cũng đã vắng mặt tại hai Hội nghị Thượng đỉnh được tổ chức ở Đông Nam Á là ASEAN ở Campuchia và G20 ở Indonesia.
Nhân dịp này, Thủ tướng Thái Prayut cũng cho biết, 21 quốc gia APEC đã đề ra một khái niệm mới được gọi chung là “mục tiêu Bangkok” để nhắm tới một nền kinh tế tuần hoàn xanh. Đây là chủ trương quan trọng của chính phủ Thái Lan, cũng như của khối APEC nhằm theo đuổi một chính sách phục hồi tăng trưởng kinh tế bền vững sau đại dịch Corona. Những chính khách tham gia hội nghị cũng lên tiếng ủng hộ một nền thương mại tự do và công bằng cho khu vực.
APEC là diễn đàn kinh tế khu vực được thành lập năm 1989 nhằm thúc đẩy hội nhập kinh tế. APEC chiếm 38% dân số toàn cầu, 62% GDP và 48% dung lượng thương mại. Trước thềm hội nghị APEC, các quốc gia muốn đặt ra một mục tiêu toàn diện cho các vấn đề môi trường và khí hậu.
Ông Prayut cho biết, trong năm tới, Hoa Kỳ sẽ đảm nhận vai trò chủ tịch hội nghị APEC. Ông đã chuyển giao quyền lãnh đạo tổ chức này cho Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, người đã thay mặt Tổng thống Mỹ Joe Biden tham dự cuộc họp. Bà Harris thông báo, Hội nghị APEC lần tới sẽ được tổ chức tại San Francisco, California kể từ ngày 12 tháng 11 năm 2023.
Đặc biệt, dù Pháp không phải là thành viên của khối APEC, nhưng đây là lần đầu tiên, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã được mời làm khách danh dự tại Hội nghị.
Trong bài phát biểu trước Hội nghị, Tổng thống Pháp đã kêu gọi các quốc gia trong khu vực nên gia tăng sự đồng thuận để chống lại cuộc chiến tranh xâm lược của Nga ở Ukraine vì “Cuộc chiến này cũng là vấn đề của các bạn. Ưu tiên hàng đầu của Pháp là đóng góp cho hòa bình ở Ukraine và cố gắng phát triển một động lực toàn cầu để gây áp lực lên Nga”.
Pháp lên tiếng muốn hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc, Ấn Độ và toàn bộ khu vực. Cho đến nay, Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam và Campuchia vẫn chưa tỏ ra ủng hộ các biện pháp trừng phạt Nga.
Lên tiếng tại Hội nghị, Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris đã hứa, Mỹ sẽ “cam kết về mặt kinh tế trong lâu dài tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”. Cụ thể, Mỹ sẽ tiếp tục thúc đẩy đầu tư trực tiếp nước ngoài và tự do di chuyển vốn tư bản và thương mại với khu vực.
Trong phần phát biểu của Trung Quốc, ông Tập Cận Bình, Chủ tịch nhà nước và lãnh đạo Đảng Cộng Sản Trung Quốc, đã kêu gọi các nước láng giềng nên áp dụng một hệ thống an ninh hợp tác và cảnh báo, Trung Quốc sẽ chống lại “sự can thiệp vào công việc nội bộ. Các mối quan tâm an ninh chính đáng của từng quốc gia cũng cần được thực hiện nghiêm túc. Vấn đề chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các nước cũng phải được tôn trọng”.
Nhưng ông Tập không nêu lên chi tiết về các yêu sách đang gây nhiều tranh cãi của Trung Quốc đối với vấn đề Biển Đông và Đài Loan.
Trong phần chính sách kinh tế, ông Tập phàn nàn rằng, chủ nghĩa bảo hộ đang ngày gia tăng và chuỗi cung ứng toàn cầu đang chịu áp lực, đặc biệt nhất là các vấn đề lạm phát và an ninh lương thực đang tạo ra nhiều thách thức mới.
Bên lề hội nghị, hôm thứ Bảy, bà Harris đã gặp ông Tập Cận Bình. Ông Tập bày tỏ hy vọng rằng“Trung Quốc sẽ có mối quan hệ tốt hơn với Mỹ, cả hai bên sẽ thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau, giảm bớt những hiểu lầm và tính toán sai lầm, đồng thời hợp tác để đưa quan hệ Mỹ-Trung vào một hướng đi lành mạnh và ổn định”.