Ukraine – Châu chấu đá xe (Phần 3)

Dũng Vũ, lược thuật

13-11-2022

Tiếp theo phần 1phần 2

Quốc gia Ukraine độc lập

Liên Xô sụp đổ, Ukraine trở thành một quốc gia độc lập kể từ tháng 12 năm 1991.

Ukraine rộng 603.628 km2, lớn thứ hai Âu châu sau Nga, hình thể giống hệt nước Cộng hòa Xô viết Ukraine thời Liên Xô. Thủ đô là Kyiv với 2,81 triệu dân (2012).

Ukraine là một nước Cộng hòa theo Tổng thống chế có nghị viện, gồm 24 khu vực hành chính. Cộng hòa tự trị Crimea giữ một vị thế đặc biệt.

Năm 2020, dân số Ukraine là 44,13 triệu người. Theo thống kê cũ năm 2001 (khi Crimea chưa bị Nga sáp nhập), dân cư đông nhất là người Ukraine (77,8%), kế đến là người Nga (17,3%). Tại vùng Donetsk và Luhansk, người Nga chiếm 40% dân số, và tại Crimea thậm chí 58%. Khoảng 1/2 dân số nói tiếng Ukraine; 1/2 còn lại nói tiếng Nga. Tuy vậy hầu hết đều nói hai ngôn ngữ, vì thế Ukraine được ví như một quốc gia song ngữ. Tiếng Ukraine là ngôn ngữ chính của quốc gia.

Ngôn ngữ và dân tộc bỗng trở thành vấn đề vào năm 2014, khi Nga biện minh cho việc chiếm báo đảo Crimea của Ukraine là để bảo vệ “đồng bào” Nga khỏi “những kẻ phát xít” Kyiv theo chủ nghĩa dân tộc đã đàn áp tiếng Nga và người nói tiếng Nga. Nhưng luận điệu này không đúng. Không thể có vấn đề ngược đãi người nói tiếng Nga hoặc sự phân biệt đối xử đối với tiếng Nga vì năm 2012, quốc hội Ukraine đã thông qua đạo luật cho phép giới thiệu “ngôn ngữ chính của địa phương”, gồm cả tiếng Nga, nếu tỷ lệ người bản ngữ nói ngôn ngữ này hơn 10% tại địa phương đó. Điển hình đã có 9 địa phương tiếng Nga đã trở thành ngôn ngữ chính. Mọi cố gắng bãi bỏ luật này vào năm 2014 đều thất bại. Hơn nữa, yếu tố dân tộc và ngôn ngữ không dính dáng gì tới chính trị. Trên thực tế đa số người Ukraine gốc Nga nói tiếng Nga là những công dân trung thành và đa số họ, theo mọi cuộc thăm dò, luôn phản đối việc sáp nhập nơi họ đang sinh sống vào nước Nga.

Ukraine là quốc gia nghèo thứ hai Âu châu, GDP khoảng 4862$/người (2021). Những ngành kỹ nghệ quan trọng là khai thác than ở Donbass và quặng sắt tại lưu vực Dnepr hoặc chế tạo vũ khí, sản xuất thép, phân bón, hóa chất. Hàng xuất cảng cũng gồm có máy bay, xe tăng và hỏa tiễn nhưng quân đội của họ lại bị lơ là. Chi tiêu cho quân sự chỉ bằng khoảng 5% của Nga. Về năng lượng cũng phụ thuộc vào dầu lửa và khí đốt nhập cảng từ Nga. Chính vì vậy mà Nga thường dễ gây áp lực với Ukraine, đe dọa ngừng cung cấp khí đốt.

Ukraine là một nước nông nghiệp, xuất cảng lúa mì đứng đầu thế giới và được ví như “cái nôi ngũ cốc của Âu châu”. Ngoài ra còn có bắp, củ cải đường, hoa hướng dương.

Giống hầu hết các nước hậu Liên Xô khác, nền kinh tế Ukraine đã sụp đổ vào những năm 1990; mức lương trung bình hàng tháng chỉ độ khoảng 66 Euro. Trong bảy năm đầu sau 2000, kinh tế Ukraine dần dần khá lên và gần như đã bù đắp được những mất mát trong thập niên 1990. Ngày nay tuy kinh tế có khá hơn xưa nhưng cuộc sống nhiều người lao động vẫn còn bấp bênh. An sinh xã hội và y tế còn kém. Tham nhũng phổ biến và có mặt khắp nơi trong giới kinh doanh, cảnh sát, tư pháp, và thậm chí trong hệ thống y tế và giáo dục.

Ukraine độc ​​lập, văn hóa thoát khỏi xiềng xích của chủ nghĩa “hiện thực xã hội chủ nghĩa”. Văn chương Ukraine nói riêng đã vươn lên và lần đầu tiên trong lịch sử Ukraine đã gây được tiếng vang trên thế giới. Các tác phẩm của Yuri Andrukhovych, Oksana Zabushko và Serhii Shadan đã được dịch ra nhiều thứ tiếng. Ngoài ra còn có tiểu thuyết và truyện ngắn viết bằng tiếng Nga của Andrei Kurkov.

Tình hình chính trị Ukraine giai đoạn 1991-2013

Năm 1994, Ukraine đã ký kết giác thư Budapest, cùng với Belarus và Kasachstan chịu từ bỏ vũ khí hạt nhân, đổi lại, Mỹ, Anh và Nga cam kết tôn trọng chủ quyền của Ukraine. Năm 1997 Ukraine cũng ký kết một hiệp định hữu nghị với Nga, theo đó hai nước bảo đảm sự toàn vẹn lãnh thổ của nhau. (Vậy mà giờ đây Nga lại đem quân xâm lược Ukraine và đổ thừa Ukraine muốn chế tạo vũ khí nguyên tử).

Trong 20 năm, nền chính trị của Ukraine tương đối bình lặng. Nhiều cuộc bầu cử quốc hội và tổng thống đã diễn ra một cách minh bạch, có tự do báo chí.

Sự phát triển chính trị được định hình qua nhiều đời tổng thống: tích cực có, tiêu cực cũng có.

Tổng thống đầu tiên Kravchuk (1991-1994) nổi lên như một người đại diện cho lợi ích quốc gia Ukraine. Kế tiếp là giám đốc Kỹ nghệ Leonid Kuchma (1994-2004), người đã cải thiện quan hệ với Nga và đưa ra những cải cách thị trường tự do. Về mặt đối ngoại, ông theo đuổi đường lối “đa phương” nhằm tạo sự cân bằng giữa Nga và EU. Tuy nhiên trong nhiệm kỳ thứ hai, ông cai trị ngày càng trở nên độc đoán, đặc biệt là vướng vào những vụ bê bối tham nhũng làm dân chúng bất mãn.

Trong cuộc bầu cử tổng thống mới, Kuchma ủng hộ Viktor Yanukovych, cựu thủ tướng kiêm thống đốc vùng Donetsk, thân Nga. Ngược lại, đối thủ của ông là Viktor Yushchenko, cựu chủ tịch ngân hàng quốc gia, lại chủ trương dân chủ hóa và thân Tây phương. Đầu tháng 9 năm 2004, Yushchenko bị đầu độc. Ngày 21 tháng 11, Yanukovych đắc cử tổng thống nhưng kết quả bị làm giả. Hậu quả là dân chúng đã xuống đường phản đối. Hàng trăm ngàn người đã đổ về quảng trường Độc lập Maidan (Kyiv), đòi tổ chức lại cuộc bầu cử. Sự kiện này được gọi là cuộc Cách mạng Cam. Cuối cùng Yushchenko thắng cử. (Trong vụ này, người ta nghi ngờ Nga đã đầu độc Yushchenko và ngụy tạo kết quả bầu cử để nhân vật Yanukovych thân Nga được đắc cử).

Tuy nhiên, hai nhân vật chính của cuộc Cách mạng Cam, tổng thống Yushchenko và thủ tướng Yulia Tymoshenko đã sớm đánh mất uy tín chính trị của mình khi mãi lo tranh giành quyền lực thay vì tiến hành các cuộc cải cách cần thiết. Hậu quả, họ đã trả giá đắt: trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2010, Yanukovych đã thắng Tymoshenko sít sao sau lần bỏ phiếu thứ hai.

Tổng thống Yanukovych đã cấp tốc mở rộng quyền lực, hạn chế các quyền dân chủ và đàn áp phe đối lập, đặc biệt là Tymoshenko đã bị ông bắt bỏ tù. Yanukovych cũng lợi dụng thế lực để làm giàu cho bản thân và gia đình. Đối với Nga, ông đã cải thiện được mối quan hệ vốn dĩ đã xấu đi dưới thời Yushchenko. Tuy nhiên tổng thống Putin đã không thuyết phục được ông gia nhập Cộng đồng Kinh tế Á-Âu được tạo ra để cân bằng với EU. Yanukovych muốn tiếp tục đưa Ukraine xích lại gần EU hơn. Sau các cuộc đàm phán kéo dài, một “hiệp định liên kết” với EU dự tính sẽ được ký kết vào ngày 28-29.11.2013 tại thủ đô Vilnius, Litva. Nhưng một tuần trước đó, dưới áp lực của Nga, Yanukovych đã rút lại cam kết của mình. Điều này lại làm dân chúng giận dữ và lại biểu tình.

Euro Maidan

Một cuộc biểu tình phản đối quyết định này được gọi là “Euro Maidan” lại nổ ra trên quảng trường Độc lập Maidan (Kyiv) vào tối cùng ngày 24 tháng 11. Hàng chục ngàn người đã xuống đường và con số đã tăng lên hàng trăm ngàn vào những ngày 1 và 8 tháng 12. Euro Maidan là phong trào xã hội dân sự quần chúng lớn nhất Âu châu kể từ cuộc cách mạng năm 1989.

Người dân biểu tình trên Quảng trường Độc lập Maidan ngày 24-1-2013 ở Kyiv vì Tổng thống Ukraine Yanukovych không muốn ký Hiệp định liên kết EU đã được đàm phán. Nguồn: Wikimedia CC BY 2.0/ Nessa Gnatoush

Các cuộc biểu tình mới đầu ôn hòa rồi trở nên bạo động. Cảnh sát đã ra tay tàn bạo. Nhưng người dân vẫn tràn xuống đường chống lại Yanukovych và chế độ độc tài của ông ta. Biểu tình từ từ lan rộng sang các thành phố khác. Giữa mùa Đông lạnh giá, hàng trăm ngàn người đã tụ tập tại Maidan (Kyiv). Họ được người dân cung cấp thực phẩm, trà nóng và thuốc men.

Nhà cầm quyền không lùi bước, đã ban hành luật khẩn cấp nhưng làn sóng chống đối càng dữ dội. Các cuộc đụng độ vũ trang đạt đến tột đỉnh vào hai ngày 19 và 20 tháng 2 đã cướp đi sinh mạng của khoảng 100 người, trong đó có 16 cảnh sát viên. Kết quả của sự kiện bạo động khiến phe chính phủ yếu đi và bị phe đối lập giành được đa số trong quốc hội. Nhiều đơn vị cảnh sát, quân đội và một số thương gia giàu có đứng về nhóm Maidan. Qua trung gian của các bộ trưởng bộ Ngoại giao Đức, Ba Lan và Pháp, một thỏa hiệp đã đạt được giữa Yanukovych và các nhà lãnh đạo ba đảng đối lập. Tuy nhiên nhóm Maidan đã không chấp nhận. Cuối cùng Yanukovych đã bỏ cuộc và trốn sang Nga. (Sự việc này dĩ nhiên làm Putin thất vọng vì Tống thống Yanukovych thân Putin bị dân Ukraine bất tín nhiệm).

Ngày 21.02.2014 quốc hội Ukraine cách chức Yanukovych, và sau đó, ngày 21 tháng 3, Ukraine đã ký kết phần chính trị của hiệp định liên kết với EU. Yêu cầu chính của cuộc cách mạng Euro Maidan đã được thỏa mãn. Tuy vậy phần lớn người dân ở miền Đông và miền Nam đã không tham gia và vẫn còn lưỡng lự. (Điều này dễ hiểu vì ở đây có nhiều người Nga hoặc người thân Nga sinh sống).

Nga đã giận dữ lên án “thỏa thuận liên kết” với EU lẫn phong trào Euro Maidan và cho rằng sự thay đổi quyền lực tại Kyiv là một “cuộc đảo chính của chính quyền phát xít”, một âm mưu của Tây phương nhằm chống lại Nga. Những tuyên bố này dĩ nhiên là vô cớ nhưng đã bộc lộ sự mất lòng tin của thổng thống Putin đối với EU và NATO. Ông đổ thừa sự bành trướng của Tây phương về phía Đông tới biên giới Nga là sự đe dọa lợi ích an ninh của Nga. Thế nhưng có lẽ lý do quan trọng nhất cho sự can thiệp của Nga là lo sợ các sự kiện Maidan có thể trở thành “tấm gương” cho phe đối lập trong nước vốn dĩ đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình lớn hai năm trước. Vì thế cần phải ngăn chặn điều “Ukraine đã thành công trong việc trở thành một quốc gia dân chủ theo Âu châu”. Nga giả vờ nói, họ phải bảo vệ “đồng bào” mình ở Ukraine khỏi sự đàn áp của chính quyền mới tại Kyiv. Đây là lý do biện minh cho một cuộc can thiệp vũ trang đã nhanh chóng biến thành một cuộc chiến tranh Nga-Ukraine không báo truớc.

(Còn nữa)

Bình Luận từ Facebook