Ukraine – Châu chấu đá xe (Phần 2)

Dũng Vũ, lược thuật

13-11-2022

Tiếp theo phần 1

Người Nga nhỏ (1860–1917)

Chính quyền Nga và xã hội Nga không muốn “Người Nga nhỏ” (tức người Ukraine, như tên gọi chính thức) có một quốc gia riêng mà chỉ muốn họ là một phần tử thuộc về quốc gia “Chính Thống Giáo toàn Nga” bao gồm “người Nga lớn” (người Nga), “người Nga nhỏ” (người Ukraine) và “người Nga trắng” (người Bạch Nga (Belarus)). Tiếng Ukraine chỉ được xem như một phương ngữ Nga, lịch sử Ukraine chỉ là một phần của lịch sử Nga.

Năm 1863, nhà công luận Nga Mikhail Katkov (1818–1887) đã ngạo mạn khẳng định: “Ukraine chưa bao giờ có lịch sử riêng, chưa bao giờ có nhà nước riêng, dân tộc Ukraine luôn là một dân tộc thuần Nga. Nếu không phải vậy thì dân tộc Nga không thể như bây giờ“.

Bất cứ phong trào dân tộc Ukraine nào vừa thành hình, chính phủ Nga đã thẳng tay ngăn chặn sự ly khai của “người Nga nhỏ” khỏi người Nga. Năm 1863 và 1876, hai sắc lệnh cấm phát hành các tác phẩm viết bằng tiếng Ukraine, cấm trường học tiếng Ukraine, cấm trình diễn sân khấu và diễn thuyết.

Trong nửa sau của thế kỷ 19 thời Đế chế Nga, các phong trào đối lập tự do và xã hội chủ nghĩa nở rộ đã thu hút quần chúng Ukraine và giới lãnh đạo (thường là người Nga hoặc người Ukraine theo Nga và người Do Thái). Tột đỉnh của các phong trào là cuộc cách mạng năm 1905. Nông dân nổi dậy, công nhân kỹ nghệ đình công. Chế độ Sa hoàng đứng bên bờ vực thẳm;  Sa hoàng Nicholas II buộc phải nhượng bộ, tuy vậy, vẫn ương ngạnh và độc đoán. Tháng 2 năm 1917: Đế chế Sa hoàng Nga sụp đổ.

Chiến tranh, Cách mạng và Cộng hòa Nhân dân Ukraine

Năm 1914, Thế chiến thứ nhất bùng nổ, Ukraine đứng về phe Áo-Hung/Nga. Chiến tranh đã làm sụp đổ cả hai đế chế này. Tháng 2 năm 1917, một cuộc cách mạng đã quét sạch Sa hoàng. Vào tháng 3, một tổ chức mệnh danh là “Hội đồng trung ương” (Central Rada) dựa vào mô hình Cossack, do Hrushevsky làm chủ tịch, đã nhóm họp tại Kyiv và vào tháng 6, đòi hỏi Ukraine được quyền tự trị. Năm 1917, một cuộc cách mạng nông nghiệp đã diễn ra tại Ukraine và nông dân đã chiếm đoạt đất đai của giới quý tộc. Sau cuộc Cách mạng tháng 10 của Lenin, người Bolshevik lên nắm quyền, thành lập chính phủ Xô Viết tại Kharkiv và chuẩn bị chinh phục Kyiv. Ngày 12-1-1918, “Hội đồng trung ương” tuyên bố Cộng hòa Nhân dân Ukraine là nước độc lập.

Tháng 2 và tháng 3 năm 1918, quân đội Đức, Áo-Hungary chiếm Ukraine và dựng nên tại Kyiv một chính phủ dưới quyền của Pavlo Skoropadskyj (1873–1945), vị Hetman cuối cùng của Ukraine. Nhiệm vụ chính của nhà nước (gọi là Hetmanate) là cung cấp ngũ cốc cho Đức và Áo-Hungary. Nhưng chế độ bảo thủ này không được lòng dân. Theo Hòa ước Brest-Litovsk 1918, chính phủ Liên Xô của Lenin phải công nhận nền độc lập của Ukraine. Sau sự thất bại của các cường quốc Trung tâm, Cộng hòa Nhân dân Ukraine một lần nữa lại được tuyên bố độc lập tại Kyiv dưới sự điều hành của một hội đồng quản trị gồm có nhà dân chủ xã hội ôn hòa Symon Petlyura (1879–1926) một người rất được tín cậy. Gần như cùng lúc đó, một nước Cộng hòa Nhân dân Tây Ukraine cũng tuyên bố độc lập nhưng không thể chống lại quân đội Ba Lan. Vùng Galicia (cộng thêm vùng phía Tây Volhynia) lại bị Cộng hòa Ba Lan chiếm đóng. Đồng thời quân Romania chiếm Bukovina, quân Tiệp Khắc chiếm Carpatho-Ukraine.

Hội đồng quản trị Cộng hòa Nhân dân Ukraine bắt đầu xây dựng một nhà nước nhưng tình hình quân sự quá bấp bênh, không thể kiểm soát hết Ukraine. Liên Xô không còn công nhận nền độc lập của Ukraine. Hồng quân đã chiếm đóng Kyiv nhiều lần vào năm 1919 và 1920. Rồi một cuộc chiến đẫm máu đã xảy đến. Cuối cùng Hồng quân Nga chiến thắng, biến Ukraine thành một xứ Cộng hòa Xô viết. Rốt cuộc người Ukraine đã thất bại trong việc xây dựng một nhà nước bền vững sau Thế chiến thứ nhất.

Cộng hòa Xô Viết Ukraine: đói và khủng bố

Năm 1921, sau khi quân Bolshevik kết thúc cuộc chiến với Ba Lan và củng cố quyền lực, họ đã xây dựng một nhà nước Xô viết (Liên Xô) vào năm 1922 dựa vào ngôn ngữ và dân tộc. Theo đó, Ukraine gồm những vùng có đa số dân cư người Ukraine đã trở thành một nước gọi là “Cộng hòa Xô viết Ukraine” thuộc về Liên Xô. Mặc dù quyền lực của nhà nước chư hầu Ukraine vẫn còn hạn chế và phải phục tùng sự cai trị của đảng, nó vẫn là “hạt nhân” của mô hình “quốc gia-nhà nước” ngày nay. Trong nước “Cộng hòa Xô viết Ukraine”, tiếng Ukraine trở thành ngôn ngữ chính và ngôn ngữ học đường. Thế nhưng đến thời Joseph Stalin, các nước chư hầu Cộng hòa thuộc Liên Xô bị kiểm soát chặt chẽ; tiếng Nga trở thành ngôn ngữ chính, tiếng Ukraine lại bị coi là ngôn ngữ phụ. Giống thời Đế chế Sa hoàng, người Ukraine muốn vươn lên, phải chấp nhận bị Nga hóa.

Các cuộc thanh trừng của Stalin đã diễn ra vào thập niên 1930 và giới tinh hoa mới bị tiêu diệt. Đa số người Ukraine và người Ba Lan sống ở Ukraine đã trở thành nạn nhân (nhiều hơn so với người Nga). Cuộc thanh trừng bắt đầu với làn sóng đàn áp người bị coi là theo chủ nghĩa dân tộc tư sản. Tiếp theo là “Cuộc khủng bố lớn”  kinh hoàng vào những năm 1937-1938. Hàng triệu người Ukraine đã bị Stalin tống vào tù và trại lao động khổ sai gọi là Gulag. It nhất 500.000 người đã thiệt mạng.

Nền nông nghiệp bị tập thể hóa chỉ trong vòng vài năm. Stalin muốn kiểm soát nông dân và cưỡng bức họ gia tăng sản xuất ngũ cốc. Ruộng đất bị quốc hữu hóa và nông dân biến thành những nhà nông bần cùng trong các nông trường tập thể. Nhiều nông dân Ukraine đã chống lại các biện pháp cưỡng chế và đã bị hành quyết hoặc bị tống giam vào nhà tù Gulag. Nhà nước đã thi hành một cách tàn nhẫn việc cưỡng bức giao nộp ngũ cốc và cướp hết kho hàng, hạt giống của nông dân. Kết quả là một nạn đói khủng khiếp đã giết chết khoảng 3 triệu nông dân Ukraine chỉ trong hai năm 1932-1933. Dù nạn đói cũng hoành hành tại những nơi khác của Liên Xô nhưng hơn một nửa tổng số nạn nhân lại là người tại Ukraine.

Nông dân chết đói trên đường phố Charkiw 1933. Nguồn: Wikimedia / Alexander Winerberger

Ngày nay sự giải thích về nạn đói (Holodomor) vẫn còn nhiều bất đồng ý kiến. Tại Liên Xô, nó đã bị giấu kín. Mãi đến cuối thập niên 1980, tấm áo choàng im lặng mới được vén lên. Giới sử học xác nhận nạn đói đó là do Stalin gây ra. Phần lớn các nhà sử học công nhận chính sách không tin tưởng của Stalin đối với nông dân Ukraine đang chết đói là vô cùng tàn nhẫn. Thế giới chính thức gọi đó là tội ác diệt chủng người dân Ukraine và hiện tại vẫn mãi là chủ đề của các cuộc tranh cãi lịch sử – chính trị giữa Ukraine và Nga. Nga vẫn chối bỏ trách nhiệm. Gần đây, 19.10.2022, sau khi chiếm được thành phố Mariupol, quân Nga đã phá bỏ đài tưởng niệm nạn đói Holodomor.

Ukraine trong Thế chiến thứ hai

Ukraine là một trong những sân khấu chính của Thế chiến thứ hai với những đau khổ khôn lường. Khoảng 6,5 đến 7,5 triệu người Ukraine đã chết, hơn 1/5 tổng dân số; số thương vong của thường dân cao gần gấp đôi số quân nhân.

Mùa Thu năm 1939, theo hiệp ước Hitler-Stalin, Hồng quân Liên Xô được chiếm đóng miền Đông Ba Lan (gồm Đông Galicia và Tây Volhynia). Mùa Hè 1940, Romania bị Liên Xô buộc nhượng lại phía Bắc Bukovina. Mọi khu đều bị sáp nhập vào Liên Xô.

Sự kiện Đức xâm lược Liên Xô có nghĩa là vào tháng 11 năm 1941, toàn cõi Ukraine đã bị quân Đức và Romania chiếm đóng. Một nhóm rất nhỏ người theo chủ nghĩa dân tộc Ukraine (OUN) đã lợi dụng thời cơ, ngả theo Đức với hy vọng thành lập một nhà nước Ukraine độc ​​lập. Họ lập ra “Quân đội nổi dậy Ukraine” (UPA) để chống Liên Xô và cả cư dân Ba Lan ở phía Tây Volhynia và Galicia. (Từ đây Putin đã viện cớ Ukraine xưa nay là vùng đất người theo chủ nghĩa dân tộc chống Nga, điển hình là nhóm chiến binh cực hữu Asov bây giờ, cho nên phải đánh Ukraine, tiêu diệt họ. Chưa hết, Putin còn đổ thừa chính quyền Ukraine theo chủ nghĩa dân tộc và cần phải diệt trừ)

Chính sách chiếm đóng của Đức quốc xã ngay lập tức đã làm mọi hy vọng thành lập một nhà nước Ukraine tan thành mây khói. Ukraine được Đức “giao nhiệm vụ” của một xứ thuộc địa là phải đem lại lợi ích cho nền kinh tế Đức trong thời chiến. Erich Koch, Ủy viên Quốc hội tại Ukraine, tuyên bố vào tháng 8 năm 1942: “Không có cái gọi là Ukraine tự do. Ukraine được phép làm một điều là “cung cấp những gì Đức thiếu. Phải thực hiện nhiệm vụ này mà không được kể đến tổn thất …”, “Trình độ học vấn của người Ukraine phải được giữ ở mức thấp …”, “Bằng mọi cách phải đè bẹp tỷ lệ sinh sản …”. Lãnh tụ Đức đã đưa ra kế hoạch thực hiện các biện pháp đặc biệt này.

Hơn 2 triệu người Ukraine đã bị chở tới Đức để lao động khổ sai. Hàng trăm ngàn người Ukraine đã chết dưới sự giam cầm của Đức. Hầu hết người Do Thái ở Ukraine không thể chạy trốn vào Liên Xô, đã bị nhóm mật vụ SS Đức tàn sát. Vụ giết hại hơn 30.000 người Do Thái trong khe núi Babyn Jar ở Kyiv vào ngày 29 và 30.09.1941 đã trở thành một biểu tượng thảm sát tiêu biểu. Hầu hết người dân Ukraine không hợp tác với kẻ chiếm đóng ngoài sự chịu đựng những khổ đau. Hàng triệu người Ukraine đã chọn đứng về phía Hồng quân Liên Xô để chống lại Đức.

Sau khi Hồng quân Liên Xô tái chiếm Ukraine kể từ tháng 8 năm 1943 cho đến tháng 10 năm 1944, tất cả mọi nơi có người Ukraine sinh sống đã được thống nhất thành một nhà nước gọi là “Cộng Hòa Xô Viết Ukraine”. Những vùng phía Tây Ukraine lần đầu tiên trở thành vùng đất do Nga thống trị. Sự kiện này được Nga ca ngợi là “sự thống nhất” của nhân dân Ukraine. Một chương trình “thanh lọc sắc tộc” cũng được thực hiện. Hầu hết người Ba Lan được đưa về tái định cư tại Ba Lan và 500.000 người Ukraine từ Ba Lan trở về Ukraine. Khoảng 200.000 người ở miền Tây Ukraine bị coi như không đáng tin cậy về mặt chính trị đã bị trục xuất đến vùng Tây Bá Lợi Á đầy băng giá.

Thế chiến thứ hai hôm nay đã thuộc về những bãi chiến trường của ký ức lịch sử. Tại Nga, chính quyền vẫn ca ngợi tối đa, chiến thắng của Liên Xô chống Đức Quốc xã là một huyền thoại quốc gia, một “cuộc chiến Vệ quốc Vĩ đại” của người Nga. Ngược lại, một số người ở miền Tây Ukraine coi Thế chiến thứ hai là cuộc chiến giải phóng chống Liên Xô và tôn vinh những người lãnh đạo của họ chẳng hạn Bandera là “người hùng”. Đây chính là cái cớ để Nga tuyên truyền bôi nhọ, rằng chính phủ Ukraine năm 2014 là “phát xít”.

Ukraine sau Thế chiến thứ hai

Năm 1945, Ukraine bị tàn phá gần hết. Việc làm cần gấp là tái thiết những thành phố, nền kỹ nghệ và nông nghiệp. Người dân đã đổ máu nhiều vì chiến tranh nay tiếp tục sống trong cảnh đói nghèo cay đắng. Những vùng phía Tây Ukraine cuối cùng cũng bị đưa vào “vòng trật tự” của nhà nước Xô viết. Nông nghiệp được hợp tác xã hóa, kỹ nghệ và hệ thống trường dạy tiếng Ukraine được xây dựng. Năm 1946, Giáo hội Công Giáo Hy Lạp bị buộc phải giải tán và chỉ có thể tồn tại bí mật trong nhóm di dân.

Sau cái chết của Stalin, người lãnh đạo mới của đảng Cộng sản Liên xô, Nikita Khrushchev (1894–1971), từng là Bí thư thứ nhất của Đảng Cộng sản Ukraine gần mười năm, tiếp tục nắm quyền trong những năm 1920. Dân Ukraine giờ đây may mắn có được những người Ukraine mạnh mẽ nằm trong các cơ quan đảng và nhà nước và có thể vươn lên các vị trí lãnh đạo. Sự thất sủng Stalin ít nhiều đã làm giảm áp lực chính trị và trả tự do cho hầu hết các tù nhân. Những cố gắng phát triển nhà nước phúc lợi, thúc đẩy kỹ nghệ sản xuất hàng tiêu dùng và nhượng bộ nông dân dần dần đã đem lại một mức sống cao hơn. Sân chơi văn hóa cũng rộng rãi hơn và giới trí thức Ukraine được nhiều cơ hội hoạt động để phát huy ngôn ngữ Ukraine. Những nỗ lực này ngày càng gia tăng suốt những năm 1960, thậm chí còn được sự ủng hộ của người lãnh đạo đảng Cộng sản Ukraine lúc bấy giờ là Petro Schelest (1908-1996). Song đến đầu thập niên 1970, ông đã bị chỉ trích về đường lối quá cởi mở đối với dân Ukraine và bị khai trừ. Volodymyr Shcherbytskyi (1918–1990), người kế nhiệm ông lên thay. Một cuộc “thanh trừng” đã nổ ra nhắm vào đảng viên và giới trí thức. Xu huớng Nga hóa trong các trường học và sách vở gia tăng trở lại. Người dân ở các thành phố Ukraine kể từ đó nói tiếng Nga là chính, tiếng Ukraine chỉ còn thấy ở vùng quê và miền Tây Ukraine.

Sự Nga hóa mãi tiếp diễn là lý do khiến phe đối lập tại Ukraine lên tiếng. Giới trí thức thành thị đòi hỏi cải thiện tình trạng người Ukraine, đồng thời chống lại quan điểm thống trị của phe nhóm “dĩ Nga vi trung” về lịch sử. Ngoài mối quan tâm về văn hóa còn có thêm những đòi hỏi về dân chủ và nhân quyền. Mặc dù đó chỉ là những nhóm đối lập nhỏ, chính quyền vẫn thẳng tay đàn áp; nhiều người bị bắt giam.

Perestroika và phong trào độc lập

Sau khi Mikhail Gorbachev khởi sự cuộc “Đổi mới” (Perestroika) Liên Xô vào năm 1985, thì tại Ukraine chẳng thấy thay đổi gì mấy. Sau thảm họa nhà máy điện nguyên tử Chernobyl (phía Bắc thủ đô Kyiv) vào đầu năm 1986, nhiều nhóm lớn mới bắt đầu rục rịch. Chỉ đến khi hệ thống Liên Xô sụp đổ vào cuối thập niên 1980, các phong trào đối lập chính trị mới thực sự thành hình. Đầu tiên là những người đến từ miền Tây Ukraine. Năm 1989, nhiều nhóm đối lập khác nhau đã tập hợp lại thành một “Phong trào Nhân dân” do cựu tù nhân chính trị Vyacheslav Chornovil (1937–1999) lãnh đạo. “Phong trào Nhân dân” đã huy động một cuộc xuống đường khổng lồ gồm hơn 400.000 người tham dự từ Kyiv đến Lviv vào năm sau.

Phong trào đối lập lúc này đang chuyển dần thành “phong trào độc lập dân tộc”, đứng đầu là Leonid Kravchuk, đại diện đảng Cộng sản, được bầu làm Chủ tịch quốc hội. Cùng với hầu hết các nước Cộng hòa Liên Xô khác, Cộng hòa Ukraine tuyên bố chủ quyền vào tháng 7 năm 1990. Ngày 24.08.1991, một cuộc đảo chính đã xảy ra tại Moscow và thất bại. Ukraine tuyên bố độc lập và rời bỏ Liên bang Xô viết. Ngày 01.12.1991, trong một cuộc trưng cầu dân ý, 90% dân số đã bỏ phiếu ủng hộ, bầu Kravchuk với 61% làm Tổng thống Ukraine. Ngày 08.12.1991, ông cùng với hai vị đồng cấp là Yeltsin (Nga) và Shushkevich (Belarus) ký Hiệp định Belovezh: “kết thúc sự tồn tại của Liên Xô”.

Lễ ký Hiệp định Belovezh kết thúc sự tồn tại của Liên Xô. Nguồn: Wikimedia / U. Ivanov/Ю. Иванов

(Còn nữa)

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây