Khi học thêm nhiều gấp đôi học chính

Thái Hạo

19-10-2022

Ảnh trên mạng

Đây là Thời khóa biểu của trường THCS Thanh Xuân Trung (Hà Nội). Bạn có nhận ra điều gì không? Số tiết học buổi chiều, tức là HỌC THÊM gấp 2 lần số tiết học chính khóa!

Nay, trước sự kêu la rên xiết của những phụ huynh nghèo khổ trên khắp cả nước, nhiều nhà trường đã khéo léo đổi cái tên “học thêm” thành “học câu lạc bộ”. Nhìn thời khóa biểu này bạn sẽ thấy, môn Lý chính Khóa 1 tiết thì học thêm là 2 tiết, môn Hóa cũng tương tự, các môn Anh, Văn, Toán học thêm đều nhiều hơn học chính. Học thêm tất cả các buổi chiều trong tuần, mỗi tháng 64 tiết.

Tôi đề nghị, với cái chương trình quái đản này, Bộ giáo dục hãy đổi ngược lại: chuyển học thêm thành học chính và học chính trở thành học thêm để cha mẹ học sinh bớt khổ đi phần nào. Bởi họ đang phải nai lưng đóng tiền cho nhà trường. Mỗi tháng học thêm của một học sinh lớp 8 là 2 triệu đồng!

Một phụ huynh chia sẻ với tôi: “nhìn số tiền mà hoảng hồn, nói với con là thôi đừng học “câu lạc bộ nữa”, nhưng con không chịu. Hỏi nó thì nó nói là cả lớp đều học, mà học thêm gấp đôi học chính, nếu nghỉ thì sao mà theo được, mẹ ơi”.

Con khóc. Mẹ khóc.

Đủ thứ mánh khóe để móc túi. Đến cái tình trạng mà học thêm của một học sinh lớp 8 gấp đôi thời gian học chính và mỗi tháng nộp đến 2 triệu đồng thì phải nhìn thẳng mà nói thật rằng: giáo dục đã đến hồi sa đọa và quái thai.

Trách nhiệm của Bộ Giáo dục ở đâu? Trách nhiệm của các cấp chính quyền ở chỗ nào mà để các hiệu trưởng công nhiên tung hoành, biến nhà trường thành các BOT giáo dục thế này? Những gì chúng ta đang phải chứng kiến làm liên tưởng tới hoạt động bảo kê của giới giang hồ, chỉ khác là bây giờ nó hiện diện diện ngay trong các trường học, nơi vẫn được tuyên truyền là “ươm mầm cho đất nước”.

Trước khi Bộ Giáo dục và chính quyền thấy được trách nhiệm của mình và chính thức đứng ra nhận lấy trách nhiệm dẹp loạn nạn dạy thêm thì tôi nghĩ, các bậc làm cha làm mẹ hãy thực hiện trách nhiệm công dân và thiên chức của mình: phản đối dạy thêm bằng cách không cho con tham gia các lớp học có dấu hiệu phạm pháp này.

_____

TB: Sẽ phân tích sự tai hại về mặt giáo dục của chương trình học thêm này trong bài sau.

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Hoàng Như Mai, thày của Nguyễn Phú Trọng, nói đại để: cái nhục của nghề giáo là năm sau nói lại đúng câu năm trước đã nói. Ý của Hoàng Như Mai là nghề giáo mòn mỏi, không phát hiện mới, kém sáng tạo, là cái nhục của người đứng trên bục giảng. Bây giờ cái nhục của người đứng trên bục giảng là ít tiền, nên bằng mọi cách kiếm tiền.
    Albert Einstein kiểm tra học trò, năm nào cũng dùng lại câu hỏi của năm trước. Và học trò của Albert Einstein lúc nào cũng phải nỗ lực hết sức để trả lời được câu hỏi của thày. Xứ Tây Phi thay sách liên tục, đổi câu hỏi như giở bàn tay, trình độ học trò vưỡn kém.
    Sao lại có sự ngược đời vậy? Thực ra giữa Hoàng Như Mai và Albert Einstein là cùng một suy nghĩ, chỉ khác là Hoàng Như Mai yêu cầu người dạy phải liên tục học hỏi sáng tạo, Albert Einstein yêu cầu sinh viên phải liên tục học hỏi sáng tạo, tức là cả thày và trò đều phải liên tục học hỏi sáng tạo, vì ngoài kia mọi thứ thay đổi hằng ngày, đấy là ở cấp độ đại học.
    Nay ở xứ Tây Phi, đầu tiên là việc trường chuyên lớp chọn, trái tuyến. Trường chuyên lớp chọn giúp cho các trò có khả năng vượt trội về một bộ môn nào đó phát huy, đó là điều tốt. Câu chuyện là lớp “đối ngoại” ở trường chuyên, lớp chọn “đối ngoại” và trái tuyến. Của đồng chia ba, chính quyền 1/3 suất, sở phòng giáo dục 1/3 suất, hiệu trưởng 1/3, nếu đồng chí nào có “tiêu chuẩn” mà không có con cháu, sẽ nhận tiền cho suất ấy.
    Sách vở, đồng phục, bảo hiểm, ăn uống, xây dựng … là do các “sân sau” đảm nhiệm, hiệu trưởng có tý chút.
    Học thêm học nếm trường tổ chức, thày cô dạy chui ở ngoài …
    Quỹ lớp thì chủ nhiệm “múa”.
    Trước, trò thấp bé ngồi trên, trò cao to ngồi dưới. Nay để đảm bảo “công bằng”, nảy ra việc “luân chuyển chỗ ngồi”, dựa trên ý tưởng “luân chuyển cán bộ”, đứa to như bò mộng ngồi chắn ngay trước mặt đứa gà ri chó kiến. Trò cần “khóc” với cha mẹ, cha mẹ sẽ phải “liệu điều kêu ca” với thày cô. Vào trường, vào lớp, liếc qua là biết ngay đội G7.
    Cái hay của xứ Tây Phi là ở chỗ, trình độ đại học thì tụt hậu, nhưng tiểu học thì cần “đi kịp thời đại,cập nhật thông tin” nên đổi chương trình liên tục.
    Và tất cả những thứ ấy, “có thể” là do cha mẹ học trò …!!!

  2. Một lũ bán mua cả thánh thần
    Vì danh, vì lợi chỉ lo thân
    Mồm thì lem lẻm chuyện nhân đức
    Thấy tiền, mắt sáng chúng quên dân.

    Thời nay lễ hội nhiều hơn nấm
    Cớ sao vẫn thiếu một chữ nhân.
    Chùa to, tượng lớn xây chi lắm
    Hỡi lũ con buôn, hại cõi trần.

    Nguồn Mạng.

  3. Thưa tác giả, bộ giáo dục và chính quyền cũng được đút cho ngập họng rồi. Nếu không có phần, chúng đâu có để yên.

    Ếch kêu dưới vũng tre ngâm
    Ếch kêu mặc ếch tre dầm mặc tre.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây