Công bằng ở đâu?

Lê Huyền Ái Mỹ

13-8-2022

Tuổi trẻ đưa tin “Mỗi tháng 1.000 cán bộ, công chức, viên chức TP.HCM nghỉ việc”, với 3 lý do chính: chế độ tiền lương và chính sách đãi ngộ; cơ hội thăng tiến; áp lực công việc. 6 tháng đầu năm 2022, trong tổng số 5.501 viên chức nghỉ việc, nhiều nhất là ở lĩnh vực giáo dục (2.436 người), kế đến là y tế (2.145 người) và phần còn lại ở các lĩnh vực sự nghiệp khác.

Là giáo dục – y tế, hai lĩnh vực “cốt nền”, gắn với quyền thụ hưởng cơ bản của công dân nên cũng là trách nhiệm quản trị căn bản của chính quyền.

Trong số 676 cán bộ, công chức nghỉ việc, nhiều nhất là ở Sở Xây dựng, kế đến Sở Kế hoạch – đầu tư, TP Thủ Đức…

Là những sở nóng, liên quan đến vấn đề thẩm định, cấp phép đề án, dự án xây dựng, đầu tư, gắn với quyền lợi khởi nghiệp, cơ nghiệp của người dân, doanh nghiệp nên cũng là trách nhiệm vận hành của bộ máy chính quyền.

Nhìn lại 3 lý do chính, cái lõi vẫn là sự không công bằng trong phân phối, phân phối tiền lương, đãi ngộ; phân phối các cơ hội phát triển nghề nghiệp, vị trí; đi cùng sự đảm bảo về hành lang pháp lý trong việc phân phối các đầu việc với môi trường làm việc lành mạnh, an toàn, văn minh…

Để thấy, vẫn là năng lực quản trị, điều hành của bộ máy nhà nước của cả hệ thống các cấp, các lĩnh vực. Giờ thì lãnh đạo thành phố đầu tàu, một trong 8 thành phố “cơ chế đặc thù” lại “có văn bản khẩn về hướng giải pháp, đề xuất, kiến nghị tới Bộ Nội vụ”- nói cho dễ hiểu là “cắp cặp đi xin” tháo, gỡ cơ chế. Những mấy đời mà gỡ chưa ra, tháo chưa nổi.

Lại nhớ “món nợ” hồi tháng 6 mà bà bộ trưởng truy trách nhiệm dôi dư 5.700 biên chế, thành phố chưa kịp trả thì nay lại chất chồng thiếu hụt và làn sóng nghỉ việc ập đến.

Khi công bằng cho một thành phố 13 triệu dân vẫn bị cào bằng ở nhiều quy định với 62 địa phương khác thì cũng đừng đòi hỏi công bằng cho từng ấy viên chức giáo dục – y tế đang lặn ngụp trong cái bể “thiên chức” nhiều áp lực. Khi sự công bằng đã lệch cán bởi nguồn ngân sách dành cho đội ngũ cán bộ quản lý luôn lấn át quỹ lương của lực lượng lao động trực tiếp, của những bộ phận cấu thành dây chuyền tạo ra sản phẩm… Khi sự điều tiết và phân bố ngân sách chưa thật sự dựa trên những đánh giá định lượng, định tính và đầu ra của từng sản phẩm cụ thể trong thực tế thì vẫn tồn tại sự bất công giữa khối cơ quan đảng, mặt trận – hội đoàn chính trị và khối quản lý nhà nước…

Một điều nữa, trong sự bất công, có cả sự… bất minh, ở tuyển dụng, thăng tiến, bổ nhiệm. Nên nhớ, công bằng trong các cơ hội chính là con đường tạo ra cơ hội thực thi công bằng (xã hội). Ở ta, điều ấy lại quá hiếm, nhọc nhằn, đơn lẻ.

Tôi cũng từ “trong ấy” bước ra, khước từ một cơ hội “tức tốc điều chuyển” mà thực chất là tước đoạt. Khi nhìn rõ bản chất người lẫn việc, thì cũng là lúc một cánh cửa cơ hội khác mở toang. Sự công bằng, đôi khi gác bỏ lại sau lưng để nhìn tới, phía trước, xung quanh, thì đã rẫy đầy bất công, bất minh, bất lực.

Như chuyện 3 nghệ sĩ hát bội Ngọc Khanh, Linh Hiền, Ngọc Dung lại đang được “cứu xét” trong khi diễn viên Trịnh Kim Chi (sự tốt bụng, vì cái chung của cô lại là chuyện khác) lại nghiễm nhiên bước qua. Xét cả về tài năng, cống hiến, với các nghệ sĩ hát bội, là sự tận hiến thì việc để họ trượt, hay ngay cả khi phải xem xét lại hồ sơ của họ cho công bằng hơn thì tôi nghĩ, đã là sự báng bổ, trước hết là với… Tổ nghề!

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây