Bệnh sợ phản biện

Ngô Huy Cương

12-7-2022

Nhiều người bạn của tôi đang làm việc tại các cơ quan công quyền nói thẳng với tôi rằng: Ông phản biện dữ dội quá nên người ta ngại không dám mời ông tham dự các hội thảo, tọa đàm hay hội nghị nữa.

Trước kia tôi thường được mời tham dự những hội thảo, tọa đàm, nhưng nay thì họ ngại mời tôi tham dự với nhiều lý do khác nhau mà bản thân tôi cũng ý thức được. Thời đó nhiều người nói đùa với tôi là: phải có ông tham dự hội thảo thì hội thảo mới vui, mới thành công, có lẽ vì tôi phát biểu rất hăng và không mấy ngần ngại điểm này, điểm nọ.

Tôi còn nhớ như in, cái lần hội nghị tổng kết của Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQG HN) do ông Nguyễn Kim Sơn (lúc đó là Giám đốc, nay là Bộ trưởng Bộ Giáo dục) chủ trì, khi được phép phát biểu tự do, tôi giơ tay và đi lên phát biểu tự do đầu tiên. Tôi quan sát thấy từ Giám đốc và một số lãnh đạo ĐHQG HN cho tới sếp trực tiếp của tôi biểu lộ sự lo lắng ra mặt và bứt rứt như bị ngồi trên đống lửa. Tiếng đằng hắng, ánh mắt liếc nhìn thường có khi vấn đề nào đó nhậy cảm cho các sếp bị tôi đụng chạm đến. Và tất nhiên khi vấn đề nhậy cảm nhất (liên quan tới sự an toàn của cái ghế, nhưng đúng thực chất) được chạm đến, thì bài nói bị chấm dứt. Tiếng vỗ tay ầm lên cho diễn thuyết của tôi vì:

(1) Có thể là lần đầu tiên có một người của Khoa Luật đăng đàn nói tự do trước bá quan văn võ, quan khách của ĐHQG HN như vậy (nhân đây, tôi xin nói thầm với mọi người rằng: lãnh đạo Khoa Luật chúng tôi chỉ oai với bên ngoài thôi, chứ trong khuôn khổ của ĐHQG HN thì xẹp hơn cả con gián); hoặc

(2) Có thể là tôi nói thẳng đầy tính xây dựng vào những chỗ “nhạy cảm” trong quản trị, điều hành một cách rành mạch, rõ ràng và có lập luận. Sau đó một số người bị Giám đốc vặn vẹo là tại sao lại để tôi đi dự hội nghị này dù rằng tôi là một thành phần bắt buộc phải đi dự theo qui chế của ĐHQG HN. Từ đó trở đi tôi không còn được đi dự hội nghị như vậy nữa.

Đó, phát biểu hoàn toàn xây dựng ở một nơi được cho là đầy tự do học thuật mà còn khó như vậy đấy, huống hồ là phát biểu tại những nơi mà mọi thứ đã được định sẵn và hội thảo hay tọa đàm chỉ để chi tiêu hợp lệ.

Lưu ý: Không phải một mình tôi nói thẳng hôm đó. Ông Giám đốc bệnh viện E (Trưởng Khoa y dược của ĐHQG HN) sau đó cũng nói thẳng về sự yếu kém trong nghiên cứu, triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học của ĐHQG HN so với một số cơ sở trong ngành y tế…

Tôi sinh ra sống trong thời kỳ bom đạn, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, không lẽ bây giờ tôi lại phải dùng những lời lẽ lươn lẹo, giả dối để góp ý xây dựng đất nước, dù rằng khả năng văn chương kém cỏi của tôi cũng vẫn có thể tìm ra những từ ngữ đẹp hơn cả trong mơ dành cho các sếp.

Vấn đề là ở chỗ họ sợ phản biện. Phản biện đúng tức là họ sai. Họ sai tức là họ không oai được nữa và khó giữ ghế, khó kiếm ăn hơn. Còn câu nói cửa miệng “vì công việc chung” luôn chỉ là câu nói vô hồn với họ?

Chúng ta hiện đang đề cao phản biện xã hội. “Sợ phản biện” tức là phủ nhận chủ trương lớn này của Đảng?

Đất nước này là của chung tất cả chúng ta, cho nên ai trong số chúng ta cũng có quyền và nghĩa vụ xây dựng và bảo vệ. Vì vậy mỗi người đều có những cách thức đóng góp để xây dựng và bảo vệ đất nước khác nhau.

Hãy tôn trọng và ghi nhận những đóng góp đó!

Đừng nghĩ: Lãnh đạo, quản lý có quyền và nghĩa vụ đóng góp lớn hơn người thường!

Nếu xã hội nhận thấy một người quét rác đóng góp thực chất hơn một anh cục trưởng, vụ trưởng hay trưởng khoa, thì anh này cần phải tôn trọng sự đánh giá đó!

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Đọc loạt bài của Lại Nguyên Ân về cuộc tranh luận quanh tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu, rồi Dương Quốc Chính vinh danh dòng họ danh giá Nguyễn Lân mới thấy thời bây giờ Đảng các bác thiếu đến đau đớn những trí thức có tâm, có tầm, có đủ khả năng phản biện lại những kẻ phá hoại nhiều hơn là phản biện . Trương Thái Du gọi những người này là “phản biện của phản biện”, & Đảng xem những người như Giáo sư Nguyễn Lân là hiền tài của đất nước cần có chế độ ưu đãi . Tớ đồng ý .

    “Phản biện đúng tức là họ sai”

    Vấn đề ở Việt Nam là không còn ai muốn phân biệt đúng-sai thế nào cả . Ngay cả “phản biện” sai bè bè ra cũng không ai dũng cảm đứng lên phê phán, và khi phê phán bằng ngôn ngữ không đủ, cũng không ai muốn làm 1 điều gì hết . Đảng đang rơi vào tình trạng cha chung không ai khóc, nên giờ này lũ bất hiếu, phản bội, đại nghịch vô đạo mới mọc lên như nấm sau mưa

  2. Một người quét rác, một danh hài đều có cơ hội trở thành nguyên thủ quốc gia ngang nhau là điều chỉ có thể xảy ra ở các nước tự do, dân chủ.

    • Ở Việt Nam mình tuy chưa bằng thế giới nhưng pretty close. Bần nông mắt toét trở thành Tiến Sĩ, đứng lớp về tâm lý cho lãnh đạo . Cửu vạn trở thành Tiến Sĩ Toán … Không thiếu những tấm gương vượt khó nhờ quy trình giáo dục của nước nhà . Danh hài chưa thành nguyên thủ quốc gia ở nước mình, nhưng đôi khi, là nguyên thủ quốc gia rùi, họ mới khám phá cái tài năng đó của mình . Trên thế giới này không ít người đam mê nghệ thuật, âm nhạc, mơ trở thành diễn viên … nhưng vì cuộc sống đã bỏ những ước muốn đó đi . Không ít người chỉ khi về hưu mới dám trở lại với những đam mê tuổi trẻ của mình . Bên này có không ít các lớp vẽ cho người về hưu, Rediscover yr passions là lời quảng cáo .

      Không phải chỉ có ô Phúc, thời lãnh đạo thế hệ Vàng của ta, hầu như ai cũng làm thơ . Bác Hồ chơi nổi, làm thơ tiếng Hán hay hơn tiếng Việt . Có thể xem nước Ta, hễ ở đâu có sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản, răng như ì, ở đó có tự do, dân chủ .

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây