Cải thiện mối quan hệ giữa nhà cầm quyền và Phật Giáo Hoà Hảo: Hiện trạng và Triển vọng (Phần cuối)

Đỗ Kim Thêm

13-6-2022

Phần đầu: Nhìn lại cuộc xung đột giữa Việt Minh và Phật Giáo Hoà

Lễ kỷ niệm ngày Đức Thầy khai đạo tại An Hoà Tự. Ảnh trên mạng

Hiện trạng

Ngày 16/6/2022 (nhằm ngày 18/5 âm lịch, năm Nhâm Dần), toàn thể tín đồ Phật Giáo Hoà Hảo (PGHH), lại một lần nữa, hân hoan chào mừng lễ kỷ niệm 83 năm ngày khai đạo 18/5 năm Kỷ Mão (4/7/1939 dương lịch).

Vào đúng ngày thiêng liêng này, đồng đạo khắp các nơi nô nức tràn về Tổ đình và An Hoà Tự tại làng Hoà Hảo để tưởng niệm ông Huỳnh Phú Sổ, một thanh niên chỉ mới 19 tuổi, đã tuyên bố:

“Ta thừa vâng sắc lệnh Thế Tôn

Khắp thế giới truyền khai đạo pháp”

sau khi cảm nhận được một sứ mạng thiêng liêng do Đức Phật Thích Ca giao phó.

Không đầy một năm sau ngày khai đạo, với tài năng trị bịnh phi thường và diễn thuyết không mệt mỏi, ông đã thu hút được hàng triệu đồng bào bình dân nông thôn, hầu hết nhiệt tình quy y và tôn sùng ông là Đức Huỳnh Gíao Chủ, gia đình nơi ông sinh trưởng trở thành tổ đình, An Hoà Tự nơi ông đầu tiên trị bịnh và giảng đạo trở thành chùa Thầy, và làng Hoà Hảo được mệnh danh là Thánh địa.

Từ đó, tại miền Tây, PGHH trỗi dậy thành một tôn giáo quan trọng và là một lực lượng đấu tranh vũ trang kiên cường chống thực dân Pháp.

Trong thời Thực dân Pháp và Đệ Nhất Cộng Hoà, sinh hoạt của PGHH phải trải qua bao sóng gió, nhưng đến thời Đệ Nhị Cộng Hoà, những phát triển khởi sắc bắt đầu.

PGHH được chính quyền chính thức công nhận tư cách pháp nhân và các cơ sở đại học và bệnh viện đi vào hoạt động. Nhờ tình đoàn kết đồng đạo mà tình hình an ninh các địa phương ổn định và không bị chiến tranh tàn phá.

Ngược lại, sau 1975, mối quan hệ PGHH với nhà cầm quyền cách mạng bước vào một giai đoạn mới mà bài viết sau đây sẽ giới thiệu các đặc điểm chính.

Sinh hoạt Giáo hội

Khác với những biện pháp khắc khe ngay sau ngày 30/4/1975, kể từ năm 1999, nhà cầm quyền bắt đầu thực hiện nhiều chính sách đổi mới đối với PGHH.

Về sinh hoạt của Giáo hội, chuyển biến đầu tiên là Đại hội PGHH lần thứ I được tổ chức ngày 26/5/1999 tại An Giang mà kết quả là các đại biểu đã thông qua quy chế tổ chức, chương trình đạo sự, hoạt động và bầu Ban Đại diện. Ngày 11/6/1999, Ban Tôn giáo chính phủ quyết định cấp t­ư cách pháp nhân cho giáo hội.

Phát huy thành quả này, các Đại hội tiếp theo đã lần lượt tu chỉnh Hiến chương, nên sinh hoạt Giáo hội đã có những tiến bộ đáng kể.

Về mặt giáo lý, Hiến chương năm 2009 đã đề cao việc học Phật, tu Nhân là đã giữ gìn giáo lý chơn truyền, phát huy giá trị đạo đức và tinh hoa văn hóa dân tộc.

Về mặt tổ chức, Giáo hội có văn phòng và các ban chuyên môn, trụ sở đặt tại An Hoà Tự, thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang. Cơ cấu hoạt động gồm có hai cấp, Ban Trị sự Trung ương và Cơ sở (bao gồm các xã, phường, thị trấn).

Nhiệm vụ của cấp Trung ương là tuyên truyền chủ trư­ơng, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nư­ớc về tôn giáo và truyền bá giáo lý và giáo luật.

Cụ thể là sấm giảng và băng giảng đư­ợc phép phát hành rộng rãi, tạp chí H­ương Sen, cơ quan ngôn luận chính thức của Giáo hội ra đời và Ban Hoằng pháp liên tục đào tạo nhiều thành viên mới.

Sinh hoạt tín đồ

Nhờ bối cảnh mở cửa sau năm 1989 mà đa số tín đồ được yên tâm trong việc làm ăn và tu tập tại gia. Trong một chừng mực nhất định, các ngày lễ quan trọng hàng năm như Khai đạo (18/5 âm lịch) và Đản sinh Đức Hùynh Giáo chủ (25/11 âm lịch) được tổ chức tự do.

Nhưng hoạt động nổi bật nhất của tín đồ là các công tác từ thiện như tổ chức khám bệnh và cấp thuốc miễn phí, hỗ trợ chi phí cho các tang gia, cứu trợ thiên tai, làm cầu đ­ường và nhà tình thương.

Thể hiện gần đây nhất là việc chống dịch bệnh COVID-19. Trong năm 2011, tín đồ đã quyên góp được 264 tỷ đồng (riêng tỉnh An Giang trên 179 tỷ đồng). Từ đầu năm 2022 cho đến nay, mức đóng góp lên đến 530 tỷ đồng (riêng tỉnh An Giang hơn 185 tỷ đồng), một thành tích quan trọng mà nhà cầm quyền đã nhiệt liệt tuyên dương.

Lý giải cho những thành tựu đạt được là người dân đã chứng minh trách nhiệm công dân và cùng lúc tình đồng đạo tương trợ trong thôn xóm. Khi những cư sĩ vận dụng giáo lý vào đời sống hàng ngày, thì nhờ thế, mà một nền đạo đức địa phương hình thành. Nhìn chung, đó là một giá trị gương mẩu mà các địa phương khác cần lan toả.

Nhưng hơn thế nữa, nếu trước mắt, nhà cầm quyền nhận thức và kết hợp được cả hai lợi điểm về mặt đạo đức và chính trị, thì hận thù của tín đồ do lịch sử để lại may ra sẽ xoá dần và niềm tin về sự lãnh đạo vì thế sẽ được phát huy thuận lợi trong lâu dài.

Để từng bước cải thiện mối quan hệ theo chiều hướng này, cả hai phía cần thảo luận về các việc hoà giải, vinh danh công nghiệp của Đức Thầy, đánh giá lại nội dung giáo lý PGHH và Bảng Tuyên ngôn Việt Nam Dân chủ Xã Hội Đảng (VNDCXHĐ).

Hoà giải

Cho dù thời gian làm lắng đọng các hận thù trong máu lửa, nhưng các vụ sát hại Huỳnh Thạnh Mậu, biến cố đường Miche và thọ nạn Đốc Vàng đã để lại trong lòng các tín đồ trung kiên của Đức Thầy một ký ức cực kỳ sâu đậm. Có phải vì thế mà họ không thể xoá bỏ hận thù?

Không hẳn như vậy. Hiện nay, các thế hệ tham chiến chống Pháp đã ra đi, vấn đề hoà giải với người nằm xuống không còn ai đặt ra. May mắn hơn là các tín đồ hậu thế hầu như không còn có thái độ “không đội trời chung” như trước đây, vì họ không liên quan trực tiếp và cũng đã có hai lý giải khác.

Một là, tín đồ tin rằng thế gian là vô thường và con người lại luôn bị cuốn hút trong vòng lẩn quẩn từ vô thường này sang vô thường khác. Nguyên nhân của hận thù xuất phát từ tính tham lam, ganh ghét và tình trạng vô minh. Cuối cùng, tất cả các thói xấu này làm cho hận thù ngày càng gia tăng.

Giáo lý của PGHH là kết tụ từ tinh thần từ bi hỷ xã. Để giải quyết các xung đột cá nhân, Đức Thầy từng khuyên tín đồ nên áp dụng tình thần hoà giải, mà trong một bài kệ viết năm Nhâm Ngũ tại Bạc Liêu đã chứng minh:

“Đạo Pháp thường hay dung với hoà

Xét người cho tột xét thân ta

Nếu người rõ phận vui lòng thứ

Ta thứ được người, người thứ ta”.

Hoặc:

“Rèn dân bằng giáo thuyết Bình Hoà

Giống Bác Ái gieo sâu vô tận”.

(Khuyến Thiện)

Ngay trong lĩnh vực chính trị, chính Ngài cũng áp dụng lý tưởng Hoà bình và Bác ái này. Bằng chứng là sau khi Hoàng đế Bảo Đại tuyên bố Việt Nam giành được độc lập, Ngài thiết tha kêu gọi các tín đồ nên xoá bỏ hận thù và cùng nhau chung tâm lo xây dựng đất nước.

Một trích đoạn trong lời kêu gọi của Đức Thầy trong năm 1945 sau đây cho thấy tinh thần này:

“… Đạo Phật là đạo từ-bi bác-ái, dĩ đức háo sanh khoan hồng đại độ; tuy tình thế có đổi thay chớ tấm lòng nhơn chăng đổi.

Vậy hãy coi toàn dân cũng như anh em một nhà, mong họ liên kết với chúng ta để kiến thiết lại quê hương cùng nền Đạo nghĩa.

Những kẻ bạo tàn từ trước đến giờ, nay đã ăn năn giác ngộ thì hãy dĩ đức nhiêu dung tội trạng của họ, để sau này quốc gia định đoạt, còn mình chỉ khuyên họ trở lại đường lành, chớ chẳng nên làm điều gì thái quá mà động đến từ tâm của chư Phật …”

“… Lo trả thù riêng, đốt phá nhà cửa , hoặc trộm cướp sát nhân, làm rối trật tự, có hại cho sự kiến thiết quốc gia: Kẻ yêu nước chẳng nên làm.

Bình tĩnh hiệp tác chặt chẽ với nhà đương cuộc, giữ sự an ninh cho dân chúng, có lợi cho sự kiến thiết quốc gia: Kẻ yêu nước nên làm….”

Cho dù hiện nay tín đồ vẫn còn tuân thủ các lời khuyên này của Đức Thầy, nhưng áp dụng việc tha thứ trong mức độ nào là một vấn đề mới và có những lập luận dị biệt.

Nếu tín đồ đơn phương xoá bỏ hận thù, thì việc hoà giải không đương nhiên sẽ thành tựu; đó chỉ là một yếu tố cần nhưng chưa đủ, vì nhà cầm quyền cũng phải tỏ ra là đối đãi với tín đồ trong tinh thần xây dựng một nền tảng chính trị và luân lý chung khả tín và tôn trọng sự thật lịch sử.

Chính xác hơn là điều tương phản lại xảy ra trong thực tế. Nhiều tín đồ trung kiên chứng minh, nhà cầm quyền chủ trương kiểm soát chặt chẻ nội bộ giáo hội và ngăn chận “các thế lực thù địch” thâm nhập; do khép lại quá khứ một cách có chọn lọc nên cố ý sử dụng một số người vì các lý do thầm kín khác nhau mà chấp nhận làm công cụ trong các sinh hoạt đạo sự.

Lo hướng về tương lai, có nghĩa là, Ban Tôn giáo chính phủ không quan tâm đến các gánh nặng trong quá khứ còn tồn đọng, nhất là thiếu can đảm nhìn ra sự thật trong việc sát hại Đức Thầy, mà lại cho là do: “… không khí chiến tranh thế giới lần thứ hai đã ảnh hưởng đến cá nhân ông Huỳnh Phú Sổ.…”

Hai là, nhiều tín đồ có niềm tin là “Đức Thầy sẽ trở lại để cứu độ chúng sinh”.

Theo quan điểm “thiên cơ bất khả lậu”, Đức Thầy là vị Phật hoá thân xuống trần để dựng Đạo cứu Đời. Việc “ra đi” của Ngài là chấm dứt một sứ mạng thiêng và bằng chứng là Ngài tiên đoán việc từ giả bổn đạo:

“Rán nghe lời dạy của Thầy,

Để chừng đến việc kiếm Thầy khó ra”

(Q.3 – Sấm Giảng)

Hoặc:

“Ra đi dặn lại ít lời,

Khuyên trong bổn đạo vậy thời rán nghe”

(Dặn-Dò Bổn-Đạo)

Hoặc:

“Từ nay cách biệt xa ngàn,

 Ai người tâm đạo đừng toan phụ Thầy.

Giữa chừng đờn nỡ đứt dây,

Chưa vui buổi hiệp bỗng Thầy lại xa.”

(Dặn-Dò Bổn-Đạo)

Đức Thầy là bậc siêu phàm thì người phàm không thể hại được; do đó, tín đồ cũng không có lý do hay đối tượng để hận thù.

Như trong bất cứ cuộc thảo luận nào khác, niềm tin tôn giáo và lòng suy tôn đấng giáo chủ là các nhận định khó gặp gở tinh thần lý trí khách quan trong thế gian.

Ở đây cũng vậy. Biến cố Đốc Vàng là sự việc đã rồi. Nếu cuộc tranh luận này còn kéo dài cho đến đâu đi nữa, thì cũng không thể đem lại một giải pháp nào tốt đẹp hơn. Vì không thể thay đổi được quá khứ, nên tín đồ hậu thế cũng phải đành lòng gác lại việc “vắng mặt” của Đức Thầy mà lo chuyện hiện tại và tương lai. Hiện nay, tín đồ hy vọng là cả hai phía sẽ cùng nhìn về một hướng để chung sống hài hoà, hợp tác và xây dựng.

Nhưng do hiểu biết về quá khứ lịch sử còn khác nhau, nên sự dị biệt về quan điểm vẫn còn tồn tại.

Khởi điểm cụ thể cho hai phía là cần phải đánh giá lại toàn bộ các công nghiệp của Đức Thầy, nội dung giáo lý PGHH và Bảng Tuyên ngôn VNDCXHĐ.

Vinh danh công nghiệp của Đức Thầy

Đức Thầy tự xác định mình là một nhà lãnh đạo tôn giáo với ước mơ cao cả:

“Biết làm sao gieo Đạo khắp đại đồng,

Đưa nhơn loại đi vào vòng hạnh phúc”

Để đạt mục tiêu này, Đức Thầy đã tham gia đấu tranh chính trị và trở thành một biểu tượng hoà hợp cho dân tộc mà nhiệt huyết này đã thể hiện qua:

“Tăng sĩ quyết chùa, am bế cửa,

Tuốt gươm vàng lên ngựa xông pha.

Đền xong nợ nước thù nhà,

Thiền môn trở gót Phật Đà nam mô.”

Dù bị thực dân Pháp gây bao áp lực trong lúc hoằng pháp, Ngài đã tỏ ra kiên cường để theo đuổi hai chủ trương dựng Đạo cứu Đời.

Trong việc cứu Đời, Ngài tỏ ra nhiệt tình hợp tác với Việt Minh để tranh đấu. Chính Tổng Bộ Việt Minh ủy nhiệm cho Ngài trong chức vụ Đại diện tại Nam Bộ, và sau đó là Uỷ viên Đặc biệt của Ủy ban Kháng chiến Hành chánh Nam Bộ. Do Việt Minh yêu cầu, Ngài đến Đốc Vàng để dàn xếp các xung đột. Trong thực tế, Ngài đã thể hiện thiện chí hợp tác trong ba lần.

Lần thứt nhất, ngay sau khi bào đệ Huỳnh Thạnh Mậu bị Việt Minh sát hại tại Cần Thơ, vì nợ nước mà Ngài không nghĩ đến việc nhà.

Ngược lại, tháng 2 năm 1946, tại miền Đông, Ngài còn khuyên tín đồ nên chấm dứt mọi cuộc xung đột với Việt Minh qua bài Tiếng chuông cảnh tỉnh:

Lúc bây giờ muôn binh xâm-lược,

Đang đạp giày non nước Việt-Nam. 

Thù riêng muôn vạn cho cam,

Cũng nên gát bỏ để làm nghĩa công.”

Lần thứ hai, dù là một Uỷ viên của Việt Minh, nhưng lại bị chính Việt Minh tổ chức vây bắt Ngài tại văn phòng. Nhờ tiên liệu được tình huống, nên Ngài đã may mắn thoát nạn.

Trong lúc giả làm người Thượng ẩn trú tại Rừng Chà Là (Bà Rịa), Ngài cũng kiên nhẫn chờ đợi Việt Minh tìm một giải pháp cho Ngài tiếp tục hợp tác. Trong bài thơ Tiếng súng bên lầu, Ngài tâm sự tha thiết:

“… Từ ấy lao mình vượt khổn nguy,

Băng rừng lội suối giả man di,

Ngày mong ải Bắc oan này giải

Đem sức ra nâng lá quốc kỳ

Nhưng khổ càng mong càng vắng bặt

Trời Nam tràn ngập lũ Tây di

Biết bao đồng chí phơi xương máu

Thức giả nhìn nhau hỏi tội gì?…”

Trong năm 1946, dù đang mang tâm trạng chờ đợi, Ngài cũng không quên kêu gọi tinh thần đoàn kết qua bài Tiếng chuông cảnh tỉnh:

“… Khắp Nam Bắc Lạc Hồng một giống

Tha thứ nhau để sống cùng nhau

Qúi nhau từng giọt máu đào

Để đem máu ấy tưới vào địch quân…”

Không chỉ kêu gọi đoàn kết đấu tranh, mà Đức Thầy còn kết án Việt Minh nhẫn tâm thủ tiêu những người đồng đảng của qua bài Đồng Đảng tương tàn:

“Người đồng đảng giết người đồng đảng

Ai Việt Minh, Cộng Sản là ai?

Đương cơn quyền lợi đắm say

Anh hùng, chí sĩ râu mày thế ư?…”

Lần thứ ba và cũng là lần cuối, tại Đốc Vàng, Ngài tham gia một cuộc họp hoà giải và vì không lường được sự phản bội của Việt Minh, tại đây, Ngài thọ nạn vào năm 27 tuổi.

Cho đến nay, nhà cầm quyền không nhận ra rằng, trong lịch sử truyền bá Phật giáo tại các nước Á Đông, chỉ trong một thời gian hành đạo bảy năm ngắn ngủi (1939-47), Đức Thầy đã tạo ra một trào lưu phát huy tín ngưỡng và tranh đấu giành độc lập cho dân tộc rộng khắp tại miền Tây.

Nếu kể cả sau này, khi Tổng thống Ngô Đình Diệm về nước chấp chính năm 1954, thì cũng chưa có một tinh thần đạo pháp và dân tộc nào trỗi dậy đầy phấn khởi như đã xảy ra tương tự.

Bằng một sự hiện diện thân thiết, một nhân cách cao quý và một gương mẩu sống động, các câu chuyện kể về hình ảnh Đức Thầy tôn kính vẫn còn sống mãi trong lòng người tín đồ hiền hoà. Trong đại cuộc dân tộc, đó là một sự nghiệp to lớn mà không có một vị lãnh đạo tinh thần hay chính trị nào có thể so sánh được.

Đó là lý do tại sao các tín đồ mong muốn nhà cầm quyền nên công khai vinh danh công nghiệp và tưởng niệm Đức Thầy; nếu khả thi, thì đây là một cơ sở thuận lợi cho việc hoà giải.

Nhưng trong sự dị biệt về mức độ hoà giải, tín đồ còn phải kể đến vấn đề nhà cầm quyền chưa nhận ra nội dung cao đẹp của giáo lý.

Giáo lý PGHH

Nói chung, toàn bộ lời giáo huấn của Đức Thầy là ca ngợi lòng ái quốc và tấm gương hy sinh của các bậc anh hùng dân tộc, tinh thần đoàn kết xã hội của đồng bào và nhân loại. Để thực hiện lý tưởng này, Ngài kêu gọi mọi người nên thể hiện lòng yêu chuộng hoà bình và bác ái, ý thức về quyền bình đẳng, giúp đỡ người lao động, đề cao giá trị giáo dục và bản sắc văn hóa.

Hai việc cụ thể nhất của Đức Thầy là chửa bịnh và hoằng pháp. Ngài làm việc không mệt mỏi khi 107 lần đi khắp miền Tây để trực tiếp hô hào khuyến tu, khuyến thiện và khuyến nông. Ngài được dân chúng nhiệt liệt hưởng ứng, mà đáng kể nhất là việc phổ thông gíao lý.

Trọng tâm giáo lý của Đức Thầy là chuyển mê khai ngộ, có nghĩa là, giúp cho mọi người trong một thế giới vô thường tỉnh thức để hướng về việc tu tập.

Thành tựu đặc sắc của Đức Thầy là đã hiểu đúng căn cơ, trình độ và hoàn cảnh của dân chúng địa phương và biến Phật giáo trở thành là của người Việt từ hình thức cho đến nội dung và có các mục tiêu cải tạo tôn giáo, tâm lý và xã hội.

Cách mạng tôn giáo

Năm 1945, khoảng 95% dân Việt còn mù chữ và trình độ dân trí của nông dân miền Tây cũng không thể khá hơn.

Trong bối cảnh xã hội đen tối này, Ngài đã đem lại một ánh sáng mới. Các giáo pháp của Phật giáo như Trung đạo, Tứ diệu đế, Tứ ân, Ngũ giới, Lục độ, Bát chánh đạo vả Thập nhị nhân duyên có một hình thức và nội dung mới, hoàn toàn Việt hoá, dễ học, dễ hiểu, dễ nhớ, và gần gủi với tâm tư của người nông dân chất phác.

Dù theo pháp môn Tịnh Độ, Đức Thầy chỉ nhất tâm hướng về nông dân để cứu độ, như trong Giác Mê Tâm Kệ, Ngài đã chứng minh:

“Muốn niệm Phật chẳng cần sớm tối

Ghi vào lòng sáu chữ Di Đà

Ở ruộng đồng cũng niệm vậy mà

Phật chẳng chấp, chẳng nài thời khắc”.

Ngược lại, có nhiều lập luận chống phá cho rằng giáo lý PGHH là bình dân và nông cạn. Nhưng khi nhìn lại vấn đề trong toàn cảnh, sẽ có những nhận thức khác hơn.

Đức Thầy không đề cập đến các khía cạnh uyên thâm của giáo lý và cũng không nhắm đào tạo các chư tăng ni theo như trình độ tại các Phật học viện hay lo thu phục các bậc trí thức khoa bảng mà là khai hoá cơ bản cho nông dân. Ngài chỉ mong sao đáp ứng được nhu cầu cá nhân của nông dân như là một nhu cầu tâm linh của thời đại.

Dù học vấn khiêm nhường, nhưng nhờ tài năng thiên phú, Đức Thầy giản dị hoá giáo lý để đa số có thể hiểu được và tu tập; do đó, công đức khai hoá là khác biệt và vô lượng.

Điều đáng ngạc nhiên là ngay cả các bậc trí thức Nho học, thoạt đầu, vì tò mò mà tìm đến Ngài, qua các vần thơ đối đáp và thảo luận về hiện tình đất nước, họ cũng thán phục Ngài; một số ngộ đạo và quy y; một số khác cũng hợp tác với Ngài trong đấu tranh chính trị, điển hình là các danh sĩ đương thời như Nguyễn Văn Sâm, Nguyễn Bảo Toàn và Trần Văn Ân.

Cách mạng tâm lý

Thời Pháp thuộc, tình trạng Phật giáo suy đồi nghiêm trọng làm sai lạc ý nghĩa Chánh Tín mà trong sinh hoạt các chùa chiền hay giới chư tăng ni và tín đồ là các thí dụ.

Đa số tín đồ còn sống trong mê tín dị đoan, chỉ hiểu việc dâng cúng lễ vật bạc tiền cho chùa để mong được phước. Các thứ vàng mã, thầy bùa, thầy pháp và chay đàn làm mê hoặc lòng người, nhưng thực ra chưa hiểu được cốt tượng và chuông mõ chỉ là hình ảnh tượng trưng.

Thay đổi tâm lý là một khởi điểm mà Đức Thầy nêu lên các điển hình:

“Xá với phướn là trò kỳ quái,

 Làm chay đàn che miệng thế gian

hoặc:

“Những giấy tiền vàng bạc cũng thôi,

Chớ có đốt tốn tiền vô lý”

hoặc:

“Trong sáu tỉnh nhiều điều tà mị, 

Tu hành mà vị kỷ quá chừng”

(Kệ Dân của Người Khùng)

hoặc:

Ghét những kẻ tu hành bốc xước,

Miệng kêu gào chuyện phước bề ngoài.

Bước vào chùa thấy Phật lạy dài, 

Lui khỏi cửa ra tay cấu xé. “

(Giác Mê Tâm Kệ)

hoặc:

“Thấy dương gian lường gạt Thánh thần, 

Mà chua xót cho đời Ngươn hạ”

(Giác Mê Tâm Kệ)

Đức Thầy chủ trương thay đổi hình thức tu tập, cụ thể là trên bàn thờ Phật không có tượng Phật và chuông mõ, chỉ có một tấm trần dà, tượng trưng cho sự hòa hợp nhân loại. Dưới bàn thờ Phật là bàn thờ Cửu Huyền Thất Tổ, ông bà cha mẹ đã khuất. Trước nhà có một bàn thờ bàn Thông Thiên để bày tỏ sự cảm thông với Trời Đất.

Các biểu tượng thờ cúng rất đơn sơ, chỉ dùng nước lạnh để tỏ lòng trong sạch, bông hoa cho sự tinh khiết và nhang là khử mùi uế trược.

Vì lòng thành là quan trọng nhất, nên theo Đức Thầy, mục tiêu cao cả của việc tu hành là chú trọng nơi trình độ giác ngộ và niềm tin kính nơi bản thân, cố giữ sao cho tâm linh được luôn thanh tịnh và không để cho tham sân si sai khiến.

Nhìn chung, giáo lý đem lại một lối hành đạo gần gũi với nông dân, bài trừ mọi hình thức mê tín và đơn giản hóa mọi nghi lễ. Do đó, Đức Thầy kết luận tu tâm là chính:

“Phật tại tâm chớ ở đâu xa
Mà tìm kiếm ở trên non núi”.

Cách mạng xã hội

Vì sinh trưởng ở nông thôn, nên Đức Thầy đã khởi tâm chuyên lo khai hoá cho nông dân. Thực ra, qua giáo lý, Ngài cũng có thiện tâm xây dựng toàn diện xã hội khi đề cập đến các giới trí thức mới, cũ, trẻ cũng như già. Nhìn trong xã hội, Đức Thầy phải than:

“Chẳng có người nào tu niệm hiền lương”

(Khuyên người đời tu niệm)

Nhìn giới Nho học, Đức Thầy cũng nêu lên sự thật:

Thấy đời ta cũng héo von,

Học Nho mà chẳng làm tròn nghĩa nhơn.

Khoe mình chẳng có ai hơn,

Nhờ làm thuốc Bắc đỡ cơn túng nghèo.

Hiền nhơn chẳng chịu làm theo,

Đợi ai có bịnh túng nghèo chẳng tha.

Hốt thời cắc bảy, cắc ba,

Nó đòi năm cắc người ta hoảng hồn.“

(Kệ Dân của Người Khùng)

Nhìn thành phần theo Tây học, Đức Thầy cũng không lạc quan:

“Mấy anh thầy thuốc Lang Sa,

Cũng là mổ mật người ta lấy tiền”
(Kệ Dân của Người Khùng)

Đức Thầy đề cao đạo lý Khổng Mạnh là một nền tảng đạo đức cho xã hội:

“Khuyên trai gái học theo Khổng Mạnh,

Sách Thánh hiền dạy đạo làm người.”
(Kệ Dân của Người Khùng)

hoặc:

Lời Thánh hiền để lại biết bao,

Sao trai gái chẳng coi mà sửa.
(Kệ Dân của Người Khùng)

Trong một cuộc phỏng vấn của ký giả Hồn Quyên báo Nam Kỳ ngày 29/11/1946, Đức Thầy đã đúc kết lý tưởng hành đạo như sau:

Cái hành đạo đúng theo ý tưởng xác thực của nó là làm thế nào phát hiện được những đức tánh cao cả và thực hành trên thiệt tế bằng mọi biện pháp để đem lại cái phước lợi cho toàn thể chúng sanh, thì đó là sự thỏa mãn trong đời hành đạo của mình”.

Bảng Tuyên Ngôn VNDC Xã hội Đảng

Trong tinh thần dựng Đạo cứu Đời, Đức Thầy chủ trương rất thực tế:

“Đời không đạo, đời vô liêm sỉ,

Đạo không đời, đạo biết dạy ai?”

Đức Thầy lập VNDCXHĐ với mục tiêu là tạo môi trường hợp tác giữa các phong trào đấu tranh để tăng cường hiệu năng trong công cuộc giành độc lập; đối kháng trước âm mưu Cộng sản hóa đất nước và tạo điều kiện cho các tín đồ tham gia sinh hoạt chính trị.

Việc thành lập Đảng cho thấy ý chí của Đức Thầy trong việc xây dựng một nước Việt Nam tự do, dân chủ, công bằng và nhân bản.

Về phương diện chính trị, VNDCXHĐ chủ trương:

“thực thi triệt để nguyên tác chính trị của chủ nghĩa dân chủ, chủ quyền ở nơi toàn thể nhân dân. Đã chủ trương toàn dân chính trị, thế tất đảng chống độc tài bất cứ hình thức nào.”

Về phương diện kinh tế, VNDCXHĐ tuyên bố:

“là một đảng cách mạng xã hội, chủ trương tổ chức nền kinh tế theo nguyên tắc chủ nghĩa xã hội: không để giai cấp mạnh cướp công quả của kẻ yếu, làm cho mọi người đều được hưởng phúc lợi cân xứng với tài năng và việc làm của mình, những người tàn tật thì được nuôi dương đầy đủ.

Việt Nam không chủ trương giai cấp đấu tranh giữa dân tộc Việt Nam vì lẽ ở xã hội Việt Nam hiện thời trên 80 năm bị trị chỉ có một gia cấp bị “tư bản thực dân bóc lột”

Triết lý chính trị của VNDCXHĐ có hàm chứa một nội dung Phật giáo: là người dân, ai cũng có ít nhiều đóng góp trong việc phát triển chung của đất nước. Do trình độ không đồng đều nên mỗi cá nhân có phần khác nhau. Nhưng điểm chung là mọi người đều có là Phật tánh và tinh thần từ bi hỷ xã, nhờ thế nên không ai vi phạm các quyền tự do, dân chủ và bình đẳng.

VNDCXHĐ chủ trương xây dựng kinh tế trên nguyên tắc chủ nghĩa xã hội, nhưng ở đây có sự khác biệt chính, không phải là đấu tranh giai cấp sắt máu và hủy diệt quyền tư hữu, vì bạo lực cách mạng luôn luôn là trái ngược với tinh thần hiếu sinh và bất bạo động của Phật giáo.

Vì vậy, ý nguyện “đem lại cái phước lợi cho toàn thể chúng sanh”, như Đức Thầy tuyên bố, là mục tiêu cũng vừa là động lực của PGHH và VNDCXHĐ.

Tóm lại, Bảng Tuyên ngôn đã đưa ra một khái niệm mới về xây dựng và phát triển đất nước, không những thích hợp cho bối cảnh trong năm 1946, mà còn cho năm 2022, nội dung đóng góp nhằm mang lại cho dân giàu, nước mạnh, thế giới an bình.

Triển vọng

Trước hiện tình này, liệu nhà cầm quyển có can đảm cải thiện mối quan hệ với PGHH không.

Cho đến nay, câu trả lời là không hay đúng hơn là vẫn còn né tránh. Lý do chính cho thái độ này bắt nguồn từ quan điểm cố hữu của Đảng là lãnh đạo triệt để, toàn diện và tuyệt đối; tôn giáo chỉ là công cụ để cho Đảng kiểm soát toàn bộ sinh hoạt xã hội.

Trong thực tế, Đảng đã tự quyền giới hạn các ý nghĩa hiến định của tự do tôn giáo, mà vụ tu viện Bát Nhã vào năm 2009 là điển hình.

Đảng đưa ra các giới hạn cụ thể là Phật giáo không được sinh hoạt độc lập; chính xác hơn là phải làm theo ý của nhà cầm quyền thì mới được phép. Việc Phật tử đi chùa chỉ trong nghi lễ cầu an, cầu siêu và cúng lễ vật bạc tiền, còn việc nâng cao trí tuệ để phá mê khai ngộ bị hạn chế.

Hiện nay, chính quyền và Phật giáo chỉ nhiệt tình hợp tác trong lĩnh vực kinh doanh tâm linh để trục lợi, một mục tiêu xa rời ý nghĩa nguyên thuỷ của hai phía.

Dĩ nhiên, PGHH không bị ảnh hưởng bởi vụ Bát Nhã, vì nằm trong hai bối cảnh khác hơn.

Một là, sau ngày 16/4/1947, tín đồ phải chấp nhận cảnh xa vắng Đức Thầy. Dù xa vắng, nhưng họ vẫn còn một tấm lòng son sắt giử Đạo chờ Thầy.

Hai là, sau ngày 30/4/1975, tín đồ phải thích nghi trong bối cảnh mới và hy vọng được nhà cầm quyền bảo vệ quyền tự do tín ngưởng, một quyền hiến định.

Nhưng các hy vọng này cần được đặt lại trong một viễn cảnh rộng lớn hơn: một tinh thần đồng thuận về mọi giá trị chính trị sẽ làm cho đất nước an bình và thịnh vượng.

Sự chung sống trong hoà hợp, một ý nghiã cao đẹp, trở thành là điều kiện tiên quyết, niềm tin cho toàn dân trong việc tạo lập một cộng đồng xã hội tương lai. Sự đồng tình trong bối cảnh mới sẽ là một khuôn khổ để xây dựng lại các mối quan hệ trong toàn xã hội.

Trong khuôn khổ mới này, vai trò của luật pháp là quyết định. Nhà cầm quyền phải tạo điều kiện cho tất cả các thành phần dân tộc, các xu hướng chính trị, các tôn giáo được bình đẳng trước pháp luật, thực thi dân chủ, tôn trọng nhân quyền và dân quyền.

Dù là hướng về tương lai, nhưng nhìn lại quá khứ cũng là cần thiết. Trong thời đại văn minh, mọi nhận thức về quá khứ vinh quang của một đất nước anh hùng cần được xét lại nghiêm chỉnh, và sự thật lịch sử sẽ là tiếng nói của lương tri và đạo đức.

Một thực tế không thể tranh cải là khi chiến tranh kết thúc, nhà cầm quyền đã không soi sáng các khuất tất lịch sử; ngược lại, độc quyền ban phát chân lý và giải thích lịch sử vẫn còn tiếp diển.

Trong triển vọng này, nhà cầm quyền phải phản tỉnh để tìm lại nguyện vọng trung thực của toàn dân và trong đó có các tín đồ PGHH. Ý thức mới này, nếu nhận ra được, trở thành một giải pháp mới cần thực thi.

Một là, lòng yêu nước của toàn dân trong công cuộc đấu tranh chống Pháp là mãnh liệt, mà trong đó có khối PGHH. Các xung đột nội tại và địa phương đã gây ra những ngộ nhận tai hại mà PGHH là một thành phần có liên quan trực tiếp.

Do đó, nhà cầm quyền phải có trách nhiệm làm sáng tỏ những bí ẩn lịch sử, trong đó có vụ sát hại Đức Thầy.

Hai là, PGHH đã, đang và sẽ đóng góp nhiều giá trị to lớn trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và đạo đức địa phương.

Do đó, trong việc hàn gắn những chấn thương tâm lý cho toàn dân, nhà cầm quyền phải quan tâm đến những thương tổn mà khối PGHH phải gánh chịu cho đến ngày nay.

Ba là, hiện nay, đất nước đang chuyển mình, nhà cầm quyền phải nâng cao vai trò của các tôn giáo, trong đó có PGHH, là có khả năng xây dựng một nền văn hóa đạo đức cho quốc dân, điển hình là giáo lý Tứ Ân.

Các nội dung về ơn tổ tiên cha mẹ, ơn đất nước, ơn tam bảo và ơn đồng bào và nhân loại là một nền tảng tốt đẹp hơn cho việc xây dựng đạo đức dân tộc trong tương lai.

Bốn là, Bảng Tuyên ngôn VNDCXHĐ mang lại các giá trị tổng hợp sinh động và dung hoà từ nhiều nguồn tư tưởng và văn hoá khác nhau.

Do đó, dù cũng là thực thi đường lối XHCN trong việc xây dựng đất nước, chấn hưng kinh tế và cải tạo xã hội, nhưng chủ trương của VNDCXHĐ là không dùng bạo lực sắt máu và độc tôn đảng quyền để bảo vệ tư bản thân tộc; ngược lại, đem lại dân chủ, bình đẳng, luật pháp và phúc lợi cho toàn dân, đó là một mô hình mà các nước Bắc Âu đã áp dụng thành công.

Kết luận

Thời gian lắng đọng và tình thế đổi thay, phe thắng cuộc cần có ý thức phản tỉnh, không còn là lúc để kiêu hãnh phân biệt thắng và thua, trong khi thế hệ hậu chiến đang vươn mình và bắt đầu đảm nhận vai trò mới cho lịch sử. Tất cả cần chung sống trong hài hoà và có trách nhiệm để lo xây dựng đất nước mà tinh thần đoàn kết và niềm tin về tương lai là có một giá trị cao cả.

Riêng đối với PGHH, nhà cầm quyền chỉ muốn tín đồ lo thờ cúng để dể bề phân hoá và kiểm soát mà không nhận ra vai trò lãnh đạo cao đẹp của PGHH trong việc xây dựng đạo đức dân tộc; do đó, vẫn chưa can đảm đối thoại để thành tâm hợp tác và còn né tránh các sự thật lịch sử.

Nếu nhà cầm quyền thành công trong các nỗ lực soi sáng lịch sử và thành tâm khép lại quá khứ, thì may ra, tương lai của mối quan hệ hết mờ mịt và một mạng lưới quang minh chính đại với toàn xã hội sẽ dần dà thành hình.

Bình Luận từ Facebook

4 BÌNH LUẬN

  1. Tiên Sinh Thái Bá Tân

    Quyết định tất tần tật
    Mọi cái ở Việt Nam
    Là đảng, chỉ mình đảng.
    Đảng cộng sản Việt Nam.

    Trong tất tần tật ấy
    Chỉ có mười mấy người,
    Nắm quyền sinh quyền sát
    Chín mươi triệu con người.

    Vậy họ là ai nhỉ,
    Chắc phải rất phi thường?
    Tôi tìm hiểu và thấy
    Hóa ra cũng bình thường.

    Giỏi mưu mô thì có,
    Chứ thực tài thì không.
    Sơ sơ, cũng có học,
    Chủ yếu học thuộc lòng.

    Cái tầm của các vị
    Không cao, cũng không xa.
    Ngang tầm đái ngọn cỏ
    Của mấy mụ đàn bà.

    Vậy mà họ, thật tiếc,
    Nắm quyền sát, quyền sinh
    Chín mươi triệu người khác,
    Thời đại này quang vinh.

    Nguồn Mạng.

  2. Sau ngày 30/4/1975, ba vị cao tăng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ở miền Nam là Thượng tọa Thích Quảng Độ, Thượng tọa Thích Huyền Quang và Thượng tọa Thích Thiện Minh bị Cộng sản bắt giam. Riêng Thượng tọa Thích Thiện Minh đã chết trong trại giam vào tháng 10/1978 mà không rõ lý do, nhưng chắc là bị tra tấn nhục hình. Chư tăng ni xin mang thi thể về chôn cất cũng không được chấp thuận vả mất xác.
    Sau khi ra tù Thượng tọa Thích Quảng Độ Thượng tọa Thích Huyền Quang đã nhiều lên tiếng xin nhà cầm quyền làm rõ vấn đề tử vong, nhưng không được đáp ứng. Hiện nay, không còn ai nhắc đến việc sát hại này.
    Tội ác của Việt Minh năm 1947 và Cộng Sản năm 1978 giống nhau. Dù sách vở Cộng sản che dấu các sự thật, nhưng việc truyền khẩu các tội ác này rất quan trọng, nhờ thế mà hậu thế biết được mặt thật của Cộng Sản.

  3. Hồ Chí Minh nói :”Ai không đi theo con đường do tôi đã vạch đều bị tiêu diệt “.

    Cộng sản Ba đình còn kiên trì CN Mác Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh thì sự hòa giải, hòa hợp thực sự còn ở cuối chân trời.

    • Họ vẫn có thể hòa giải hòa hợp với những ai vẫn còn kiên trì chủ nghĩa Mác-Lê & tư tưởng Hồ Chí Minh . Chỉ đừng có hghh với những người chống lại mấy thứ đó thôi

Comments are closed.