Ông Tập Cận Bình đang tập trận chuẩn bị cho “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Biển Đông trong tương lai

Nguyễn Ngọc Chu

7-3-2022

1. Ở phía Tây, chỉ hai tuần trước đây, trước ngày 24/02/2022, ông Putin khăng khăng rằng việc tập trung 200.000 quân thường trực Nga liên tục trong nhiều tháng ở biên giới Ukraine là để tập trận; rằng thông tin Nga chuẩn bị tấn công Ukraine là hoàn toàn vu cáo, bịa đặt; thậm chí ngày 16/2/2022 ông Putin tuyên bố kết thúc tập trận ở Belarus và tuyên bố rút 30.000 quân về nước.

Nhưng rạng sáng 24/02/2022 ông Putin đã tuyên bố mở “chiến dịch quân sự đặc biệt”, lệnh cho 200.000 quân chính quy Nga tấn công Ukraine từ ba mặt, phía Nam từ Crimea, phía Đông từ hai tỉnh ly khai Donetsk và Lugansk, phía Bắc từ toàn bộ biên giới Nga – Ukraine và từ biên giới Belarus – Ukraine, nơi 30.000 quân Nga tham gia tập trận. “Chiến dịch quân sự đặc biệt” của tổng thống Nga Putin không phải mở trong lãnh thổ nước Nga, mà ở trên lãnh thổ của một quốc gia có chủ quyền khác là Ukraine.

Cuộc chiến tranh xâm lược toàn diện chống quốc gia có chủ quyền Ukraine mà ông Putin gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” – đã được triển khai từ một cuộc tập trận.

2. Ở phía đông, 9 ngày sau khi ông Putin mở “chiến dịch quân sự đặc biệt”, vào ngày 4/3/2022, Bắc Kinh thông báo quân đội Trung Quốc tập trận từ ngày 4/3 đến ngày 15/3/2022 trên biển Đông.

Trung Quốc lấy các tuyến hàng hải mà tàu thuyển và ngư dân Trung Quốc có lần đi qua trên biển để tuyên bố “chủ quyền lịch sử” – vẽ đường lưỡi bò chiếm 80% diện tích biển Đông để tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. Đường lưỡi bò chiếm phần lớn vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam.

Khu vực tập trận lần này của quân đội Trung Quốc nằm trên đường nối thành phố Tam Á Trung Quốc và thành phố Huế Việt Nam, cách Tam Á khoảng 300km và cách Huế chưa đến 100km. Một phần lớn khu vực tập trận của Trung Quốc nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam.

Trong năm 2021, Trung Quốc đã tiến hành không dưới 51 cuộc tập trận lớn nhỏ trên biển Đông, bình quân mỗi tuần một lần tập trận. Còn tính từ đầu năm 2022 đến nay Trung Quốc đã có ít nhất là 6 lần tập trận. Mỗi lần tập trận đều ngăn cấm thuyền bè đi qua vùng tập trận.

3. Ông Tập Cận Bình sẽ theo gương ông Putin để mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” trên lãnh thổ và lãnh hải của nước khác. Phản ứng của thế giới đối với ông Putin trong cuộc xâm lược Ukraine sẽ là thước đo cho phạm vi “chiến dịch quân sự đặc biệt” của ông Tập Cận Bình ở phía Đông trong tương lai.

Từ kinh nghiệm của ông Putin, ông Tập bất cứ lúc nào cũng có thể chuyển từ cuộc tập trận thành “chiến dịch quân sự đặc biệt” trên biển Đông.

4. Để bảo vệ lợi ích của Việt Nam trên trường quốc tế, quan điểm của Nhà nước Việt Nam luôn xuyên suốt và kiên định: “Tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ. Mọi tranh chấp quốc tế cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, dựa trên các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ, bao gồm các nguyên tắc về bình đẳng chủ quyền, độc lập chính trị và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia và không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực. Tất cả các quốc gia lớn hay nhỏ đều phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản này”.

Có nghĩa là:

– Nhà nước Việt Nam không ủng hộ vi phạm luật pháp quốc tế và vi phạm Hiến chương LHQ.

– Nhà nước Việt Nam không ủng hộ xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia khác.

– Nhà nước Việt Nam không ủng hộ giải quyết tranh chấp bằng chiến tranh.

Cuộc tập trận của Trung Quốc trên biển Đông từ ngày 4/3 – 15/3/2022 đang xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.

Phải ngăn chặn tất cả những kẻ cậy vào sức mạnh, dùng vũ lực vi phạm luật pháp quốc tế, xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia khác, nhất là các quốc gia yếu thế.

5. Trung Quốc là bậc thầy của phép “toạ sơn quan hổ đấu”. Trung Quốc chỉ nửa vời ủng hộ Nga, cho Nga sa lầy chiến tranh, bị cấm vận, bị cô lập, thêm suy yếu. Cuộc chiến tranh Nga – Ukraine sẽ làm Nga suy yếu toàn diện và sẽ thêm phụ thuộc vào Trung quốc, bị Trung Quốc lấn át. Nga bị Trung Quốc chi phối thì tương quan ở biển Đông bất lợi cho Việt Nam.

Bởi thế, ủng hộ ai không chỉ còn là quan điểm cá nhân, yêu ai, ghét ai, mà phải xuất phát từ lợi ích của quốc gia, dân tộc. Người Việt Nam, ủng hộ ai phải xuất phát từ lợi ích của Việt Nam. Lợi ích cụ thể của Việt Nam trong nhiều thập kỷ tới là bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ ở biển Đông. Việt Nam chống lại bất cứ ai dùng vũ lực để xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước khác.

Còn về quan hệ hữu nghị, hiển nhiên là phải quan hệ hữu nghị với tất cả các nước láng giềng, nhưng Trung cộng không chịu từ bỏ đường lưỡi bò, vậy các quốc gia nào trên thế giới có nhiều năng lực nhất để ngăn cản đường lưỡi bò của Trung cộng trên Biển Đông?

Từ đó mà các cá nhân rút ra quyết định thể hiện chính kiến nên hữu nghi với ai.

Bình Luận từ Facebook

5 BÌNH LUẬN

  1. @ Dennis Nguyen
    ‘Tướng Cương và tướng Hải đâu rồi, lên tiếng đi chứ? Nhân dân VN đang chờ định hướng dư luận của các vị tướng “đáng kính” đó!’

    #
    Các vị tướng “đáng kính” đó đang đi nha sĩ thay hàm răng giả. Vụ Putin đang dày vò Ukraina là khúc gân gà khó nhai, bị “xì trét” nên cấm khẩu không há miệng nổi.
    Xin tạm kiếu một thời gian, chưa biết bao lâu nữa.
    Đừng có khó dễ á khẩu luôn đó!

  2. “Người Việt Nam, ủng hộ ai phải xuất phát từ lợi ích của Việt Nam”

    Người Việt Nam hiện giờ ở VN là người Việt xã hội chủ nghĩa, ủng hộ ai phải xuất phát từ lợi ích của Việt Nam xã hội chủ nghĩa

    “Việt Nam chống lại bất cứ ai dùng vũ lực để xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước khác”

    Nhưng Việt Nam xã hội chủ nghĩa lại ủng hộ ai đem quân giải phóng phần đất nước đang rên xiết trong gọng kìm của dân chủ tư bản

    “Việt Nam chống lại bất cứ ai dùng vũ lực để xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước khác”

    Cái Việt Nam đó đã bị lịch sử đào thải . Việt Nam của các bác bi giờ aint cái loại Việt Nam này . Khác thế nào, đọc lại tên nước các bác dùm cái đi . Oh, và thế giới đã chấp nhận cái Việt Nam này của các bác, cái “Việt Nam” kia hãy quên chuyện rũ bùn đứng dậy sáng lòa đi .

    Chuyện nên hữu nghị với ai thì tớ đã nhiều lần khuyên, các bác nên hòa giải hòa hợp với những ai chia sẻ & tôn trọng các giá trị các bác đang tôn trọng . Ai có thể hoan hỉ nếu Đảng theo lời khuyên của tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu làm theo di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh ? Ai có thể chia sẻ nhận định của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên rằng tinh thần chống Mỹ đã trở thành 1 thuộc tính của dân tộc này, và vì vậy, trở thành bất tử ? Mỹ-Ngụy ? You Phúc kĐinh xíttin me, rite? Hòa giải hòa hợp luôn đi, khỏi cần hữu nghị chi cho nó viển vông .

  3. Bỏ phiếu trắng không phải là ngoại giao khôn khéo, mềm dẻo mà nó bộc lộ rõ sự bạc nhược của chính quyền cộng sản Ba Đình.

    Uy tín và vị thế của Việt Nam sẽ rơi rớt thảm hại sau lá phiếu này. Cái khả năng Việt Nam giữ được Trường Sa với sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế còn lại chẳng đáng là bao.

  4. Kinh tởm cho môi trường sống như thế!?

  5. Dân Việt Nam cứ yên tâm mà xem bóng đá. Đường lối ngoại giao cây tre của cộng sản Ba Đình đủ để bảo vệ vẹn toàn lãnh thổ, lãnh hải cha ông ta để lại.

    Những tuyên bố đanh thép của Thu Hằng đang làm cho giặc Tàu tái xanh mặt mũi.

Comments are closed.