Đỗ Kim Thêm
7-1-2022
Tháng 1/2022: Kỷ niệm 20 năm phát hành tiền Euro
Vào ngày 1/1/2002, trong khuôn khổ thống nhất tiền tệ và kinh tế, mười hai quốc gia châu Âu đã thoả thuận cho lưu hành đồng Euro. Do đó, hơn 300 triệu người châu Âu bắt đầu sử dụng tiền giấy và xu Euro.
Muốn được gia nhập khu vực sử dụng đồng Euro, các nước phải tuân theo các điều kiện về tiêu chí hội tụ Maastricht năm 1992. Điều kiện chính liên quan đến chính sách tiền tệ ổn định, vấn đề quản lý ngân sách và nợ công.
Trong năm 2008 đến 2010, tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng về tài chính và nợ công đã làm cho đồng Euro bị rung chuyển. Một số quốc gia thành viên, đặc biệt là Hy Lạp, không còn đáp ứng các nghĩa vụ thanh toán.
Trước tình hình này, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và một số lớn các nước đã hỗ trợ bằng cách tung ra một số gói cứu trợ.
Hiện tại, có 19 quốc gia châu Âu sử dụng đồng Euro làm phương tiện thanh toán. Đồng Euro được coi là một loại tiền tệ ổn định, nếu so với các loại tiền tệ hàng đầu khác như đồng đô la Mỹ hay đồng bảng Anh.
Ngày 1/1: Pháp nhận chức chủ tịch Hội đồng Liên Âu
Chức chủ tịch Hội đồng được tổ chức luân phiên bởi các quốc gia thành viên, cứ sáu tháng một lần. Trong sáu tháng này, Chủ tịch chủ trì các cuộc họp ở tất cả các cấp của Hội đồng.
Lần này, Tổng thống Pháp sẽ tập trung chủ yếu vào việc đối phó với hậu quả của đại dịch Corona. Ngoài ra, châu Âu có một vài cải cách khác liên quan đến các quy tắc ngân sách, số hóa, khí hậu và an sinh xã hội.
Châu Âu sẽ phải đối mặt với các vấn đề vào năm 2022 như áp lực quân sự gia tăng từ Nga, người nhập cư, tác động của Brexit, mối quan hệ giữa châu Âu và Mỹ có thể trở nên căng thẳng hơn.
Ngày 6/1: Kỷ niệm một năm vụ tấn công tòa nhà Quốc Hội Mỹ
Tổng thống Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris dự trù sẽ đọc diễn văn kỷ niệm sự kiện này vào ngày 6/1. Quốc hội cũng tổ chức phút mặc niệm.
Bộ Tư pháp loan báo, đến nay, hơn 725 người bị bắt liên quan đến vụ bạo loạn, khoảng 145 người nhận tội liên bang, trong đó có 20 người nhận tội đại hình. Bộ Tư pháp cho biết thêm là sẽ tiếp tục điều tra và truy tố những người dính líu và cam kết sẽ bảo vệ dân chúng và nền dân chủ Mỹ tránh cảnh tương tự sẽ xảy ra.
Ngày 4-20/2: Thế vận hội mùa đông XXIV tại Bắc Kinh
Thế vận hội mùa đông sẽ diễn ra từ ngày 4 đến ngày 20/2/2022 tại Bắc Kinh.
Gần đây, Trung Quốc đã bị Hoa Kỳ chỉ trích vi phạm nhân quyền, quan trọng nhất là tội diệt chủng, chống lại người Duy Ngô Nhĩ. Ngoài ra, các nước phương Tây đã cáo buộc tình trạng thiếu tự do ngôn luận và báo chí, và hành động hung hăng của Bắc Kinh chống lại Đài Loan.
Mới nhất là số phận của tay vợt Bành Soái, người gần như biến mất khỏi mắt của công chúng sau khi cáo buộc cựu Phó Chủ tịch Trung Quốc lạm dụng tình dục.
Về mặt ngoại giao, Mỹ, Canada, Úc, Tân Tây Lan, Đức và Pháp đã quyết định tẩy chay Thế vận hội.
Ngày 13/2: Bầu cử Tổng thống Liên bang Đức
Quốc hội Liên bang họp bầu Tổng thống Liên bang. Hội đồng nghị viện lớn nhất chỉ họp 5 năm một lần với nhiệm vụ duy nhất là bầu tổng thống liên bang.
Chủ tịch Quốc hội triệu tập cuộc bầu cử bao gồm các thành viên của Quốc hội và một số lượng bằng nhau của các đại biểu từ các tiểu bang.
Đương kim Tổng thống Frank-Walter Steinmeier tái tranh cử và là ứng cử viên duy nhất. Do sự thu xếp trong các đảng đang cầm quyền, triển vọng tái thắng cử hầu như là chắc chắn.
Ngày 10-24/4: Bầu cử Tổng thống Pháp
Cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra vào ngày 10/4/2022. Ngay từ cuối năm 2021, nhiều chính trị gia đã tuyên bố ứng cử: Valérie Pécresse là phụ nữ đầu tiên đại diện cho đảng Cộng hòa bảo thủ sẽ ra ứng cử. Trong nội bộ đảng, bà đã gây ưu thế hơn bốn nam đảng viên khác. Đảng Xã hội chính thức chọn Anne Hildalgo, Đô trưởng thủ đô Paris, làm ứng cử viên. Cựu nhà báo cực đoan cánh hữu Éric Zemmour cũng tham gia cuộc đua.
Theo các nhà quan sát, Marine Le Pen của đảng cực hữu Rassemblement National có cơ hội thắng trong cuộc bầu cử vòng hai dành cho hai ứng cử viên với số phiếu cao nhất vào ngày 24/4. Năm năm trước đây, bà đã thua Emmanuel Macron thuộc phong trào tự do “La République en Marche”.
Lần bầu cử này, Macron đã phải đối phó với các cuộc biểu tình dữ dội, ví dụ như phong trào áo vàng hoặc gần đây nhất là những người chống lại chính sách Corona. Để gây thu hút cử tri, Macron đưa ra đề tài hội nhập châu Âu và việc thành lập quân đội châu Âu để thảo luận và hy vọng rằng Pháp sẽ nắm giữ vai trò lãnh đạo guồng máy châu Âu trong thời kỳ mới.
Ngày 17/6/2022: Kỷ niệm 50 năm vụ Watergate
Vào ngày 17/6/1972, trước cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, năm người đàn ông đã đột nhập vào trụ sở đảng Dân chủ tại toà nhà Watergate ở Washington D.C. để tìm cách cài đặt hệ thống nghe và chụp ảnh các tài liệu. Một nhân viên bảo vệ đã bắt giữ những tên này.
Trong những tháng tiếp theo, ngày càng có nhiều chi tiết về vụ Watergate được báo chí biết đến. Nhà Trắng cũng dính líu đến vụ bê bối này. Tổng thống Mỹ Richard Nixon đã cố gắng che đậy vụ việc và dùng toà án để tìm cách ngăn trở cuộc điều tra của FBI.
Các phóng viên Carl Bernstein và Bob Woodward đã phát hiện ra vụ Watergate và cho tung ra trên tờ Washington Post. Thành công vang dội này đã giúp cho cả hai nhận được giải Pulitzer năm 1973.
Để ngăn chặn việc luận tội, Nixon từ chức vào tháng 8 năm 1974. Việc ra đi này có tác động cực kỳ quan trọng đến việc sụp đổ của Việt Nam Cộng Hoà vào ngày 30/4/1975.
Ngày 1/7: Cộng hòa Séc nhận chức vụ chủ tịch luân phiên của Hội đồng châu Âu
Vào ngày 1/7 Cộng hòa Séc sẽ nhận chức chủ tịch Hội đồng châu Âu trong sáu tháng. Chức vụ này được tổ chức bởi các quốc gia thành viên trên cơ sở luân phiên. Trong sáu tháng này, Séc chủ trì các cuộc họp ở tất cả các cấp của Hội đồng.
Ngày 15/8: Kỷ niệm 75 năm ngày độc lập Ấn Độ
Ngày 15/8/1947 Ấn Độ giành độc lập từ Vương quốc Anh. Kết quả cuộc đấu tranh này đạt được là do tài năng lãnh đạo của Mahatma Gandhi và Jawaharlal Nehru. Trong nhiều thập niên chống lại quyền lực thuộc địa Anh, cả hai đã vận dụng mọi hình thức hiếu hoà và nghị trường, và đã tránh được các cuộc xung đột bạo động.
Tiểu lục địa Ấn Độ được chia thành các quốc gia độc lập là Ấn Độ và Pakistan. Pakistan có đa số người theo Hồi giáo đã bị chia cắt với hai phần đất nước, Tây và Đông Pakistan. Hàng triệu người đã chạy trốn khỏi quê hương để tìm cách định cư tại Ấn Độ hoặc Pakistan. Trong những tháng tiếp theo, đã có những cuộc bạo loạn nghiêm trọng và khoảng một triệu người đã chết.
Ngày 2/10: Bầu cử Tổng thống Brazil
Vào ngày 2/10, cuộc bầu cử tổng thống Brazil sẽ được tổ chức để thay cho Tổng thống đương quyền Jair Bolsonaro, thuộc thành phần cực hữu.
Kể từ khi nhậm chức vào năm 2019, ông đã bị chỉ trích là gây ra tình trạng căng thẳng trong xã hội ngày càng tăng. Đặc biệt trong việc ngăn chặn đại dịch Corona, Brazil có số ca tử vong cao, ông bị cáo buộc là thất bại nặng nề khi so với các quốc gia khác. Do đó, sau một cuộc điều tra kéo dài nhiều tháng, Thượng viện Brazil đã bỏ phiếu truy tố ông. Do sự phá hủy liên tục rừng nhiệt đới Amazon, ông cũng bị quốc tế chỉ trích.
Đối thủ chính dự kiến sẽ là Lula da Silva, cựu tổng thống Brazil và là thành viên sáng lập của đảng Công nhân Partido dos Trabalhadores.
Chiến dịch tranh cử tổng thống sắp tới của Brazil vào tháng 10 hứa hẹn nhiều sôi động vì có tầm ảnh hưởng quan trọng cho Brazil và toàn Nam Mỹ. Các vấn đề được coi là trọng tâm cho toàn khu vực trong năm 2022 là phát triển thương mại, bài trừ ma túy và ngăn chặn làn sóng nhập cư giữa Mỹ và Mexico.
Ngày 7-18/11: Hội nghị Liên Hiệp quốc về biến đổi khí hậu COP27 tại Ai Cập
Hội nghị Khí hậu Thế giới COP27 sẽ họp từ ngày 7-18/11 tại Sharm el-Sheikh, một thị trấn ven biển của Ai Cập.
Gần đây, Tổng thống Abdel Fattah al-Sisi cho biết là sẽ nỗ lực biến hội nghị thành một sự “phối hợp với tất cả thành viên và tạo một bước ngoặt triệt để trong các nỗ lực khí hậu quốc tế vì lợi ích của châu Phi và toàn thế giới”.
Châu Phi chỉ gây ra khoảng 4% lượng khí thải carbon dioxide cho toàn cầu, nhưng bị ảnh hưởng nặng nề bởi hậu quả khí hậu do con người tạo ra.
Dĩ nhiên, không chỉ có châu Phi mà Bắc Cực và Nam Cực cũng không thoát khỏi các nguy cơ trong hiện tượng thời tiết khắc nghiệt.
Nhìn chung, các thiên tai như hạn hán, hỏa hoạn, bão lụt chắc chắn sẽ lại xảy ra thường xuyên tại nhiều nơi và ảnh hưởng sẽ rõ ràng hơn trong năm 2022.
Ngày 8/11: “Bầu cử giữa nhiệm kỳ” ở Hoa Kỳ
Cứ hai năm một lần, tất cả các dân biểu của Hạ viện và một phần ba thượng nghị sĩ được bầu lại tại Hoa Kỳ. Cuộc bầu cử quốc hội vào giữa nhiệm kỳ bốn năm của tổng thống được gọi là “bầu cử giữa nhiệm kỳ”. Đồng thời, cuộc bầu cử thống đốc sẽ diễn ra vào ngày 8/11 tại nhiều tiểu bang.
Theo công luận, cuộc bầu cử này cũng được coi như là một thăm dò về ảnh hưởng của Donald Trump. Wall Street Journal cho biết, 81% cử tri Cộng Hòa còn tiếp tục ủng hộ Trump. Đảng Dân chủ cố gắng ngăn cản đảng Cộng hòa giành lại quyền kiểm soát quốc hội.
Sau vụ triệt thoái Afghanistan, Joe Biden yếu thế, nhất là không tạo được tinh thần đoàn kết như khi tuyên bố nhậm chức. Biden thành công nhất định trong việc điều chỉnh một vài chính sách bài Hoa của Trump, nhưng đất nước bị chia rẽ hơn bao giờ hết, mà lý do chính là sự bất đồng lưỡng đảng.
Các vấn đề quốc nội như dịch bệnh, chuỗi cung ứng toàn cầu, nhập cư, phân biệt chủng tộc, bất công kinh tế, tái thiết cơ sở hạ tầng và quyền phá thai sẽ tiếp tục gây nhiều tranh cãi trong chính giới, truyền thông và công luận Mỹ.
Các vấn đề quốc tế như người nhập cư từ Trung Mỹ, xung đột giữa Trung Quốc và Mỹ, Nga và Ukraine, căng thẳng ở eo biển Đài Loan, xung đột giữa Israel và Iran, sẽ là những chủ đề nóng bỏng dành cho Mỹ trong năm 2022.
Ngày 21/11 – 18/12: World Cup tranh tài tại Qatar
Từ ngày 21/11-18/12, Qatar sẽ tổ chức World Cup 2022. Qatar và FIFA đã chuyển World Cup sang mùa đông vì nhiệt độ mùa hè trong vùng sa mạc lên tới 50 độ.
Giải bóng đá này là cơ hội thúc đẩy cho thương mại và du lịch của các quốc gia vùng Vịnh thuận lợi hơn, đồng thời cũng đã được truyền thông xã hội khai thác triệt để là các nước theo Hồi giáo không có tự do ngôn luận, quyền phụ nữ v.v…
Công luận quan tâm nhất là việc hàng ngàn công nhân châu Á đến Qatar để xây dựng các sân vận động, khách sạn, sân bay và đường xá. Họ phải làm việc trong điều kiện khắc nghiệt và không được luật lao động bảo vệ. Các chủ đề tiêu cực này đang được báo chí khai thác. Gần đây, tờ Guardian cho biết, kể từ khi quốc gia này đăng ký tổ chức World Cup, có ít nhất 6.500 công nhân đã thiệt mạng.
Tát nước theo mưa. Dự đoán tình hình nước Đảng nhà béc Hồ của bầy trí théc hệ xhcn+hệ hochme
1. Tình hình nước Đảng vẫn như cũ và có phần ổn đinh, bề vững hơn xưa
2. Tình hình khai trí cành cạch trăm hoa đua nở cùng với sự ổn định, bền vững của nước Đảng vì tất cả đều có đùi gà và cha già dân tộc Đảng vưỡn cứ mãi là cha già
3. Trung cuốc cứ vẫn là anh cả Đỏ, 2 thằng đảng em Lao, Cam vưỡn cứ được nuôi báo cô
4. Các ” tù nhân lương tâm” đã dần dần quen với ” bình thường mới”
5. Phong trào dãy chết đành đạch cả đám có chiều hướng gia tăng nhờ cuộc cắt mạng khai trí cành cạch