Biết thêm từ “Chính đề Việt Nam” (Phần 4)

Nguyễn Đình Cống

2-1-2022

Tiếp theo phần 1 phần 2phần 3

5- Phần II (B): Một ví dụ lịch sử

Ngày xưa các nước nằm trong đế quốc La Mã đều bị La Mã hóa trên mọi lĩnh vực, trừ tôn giáo và những phần văn hóa sáng tạo. Ngày nay các dân tộc ở châu Âu đều sống trong một nền văn minh kỹ thuật chung nhưng tất cả sáng tạo trong mọi ngành của mỗi dân tộc đều khác, văn hóa Nga Xô vẫn mang tính dân tộc Nga. Sau hơn một trăm năm TPH dân tộc Nhật vẫn giữ nguyên văn hóa của họ.

Để làm chủ được TPH phải chế ngự được khả năng sáng tạo, nó bắt nguồn từ nền văn minh với hai trụ cột cơ bản là chính xác về lý trí, ngăn nắp và minh bạch trong tổ chức. Tùng Phong đề lên rất cao hoạt động của lý trí, nó được khởi sắc từ thời kỳ Phục Hưng. Phải dựa trên lý trí mới có thể suy luận chính xác. Ông phê phán các suy nghĩ của người phương Đông có phần dựa vào trực giác nên dễ bị mơ hồ.

Chính xác về lý trí, ngăn nắp và minh bạch trong tổ chức không phải chỉ trong khoa học kỹ thuật mà phải là từ mọi việc nhỏ nhặt của đời sống. TPH không phải chỉ của một nhóm người mà phải là của toàn dân tộc, do đó phải chú ý đến nông thôn, dồn vào đó sức lực cần thiết.

Mục đích của TPH là để phát triển dân tộc. Tôn giáo ảnh hưởng lớn đến phát triển dân tộc nhưng không ảnh hưởng đến TPH.

Tùng Phong viết: “Ít hay nhiều, công cuộc phát triển dân tộc sẽ diễn ra trong không khí khổ hạnh cho mọi người… Trong trường hợp như vậy cố nhiên là tín đồ của các giáo lý, thuộc loại thứ nhất, sẵn sàng tham gia một công cuộc phát triển dân tộc”. Ông đã dẫn ra và phân tích những trường hợp khác nhau của nước Nhật, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Trung Hoa để nói lên những thuận lợi và khó khăn giữa tôn giáo và TPH.

6- Phần II (C): Phát triển dân tộc và tôn giáo ở VN

Việt Nam chịu ảnh hưởng của Trung Hoa với Tam Giáo: Nho, Lão, Phật. Đạo Phật tuy có quan tâm đến “Nhập Thế” nhằm giúp chúng sinh, nhưng chủ yếu là “Xuất Thế” để tìm sự cứu rỗi cho bản thân. Tùng Phong cho rằng: “Nhưng rồi thiểu số tín đồ Thiên Chúa Giáo sẽ đóng góp một tham gia tích cực vào công cuộc phát triển dân tộc”.

Tùng Phong nêu ra hai cơ hội phát triển dân tộc (và đã dài dòng thuyết minh thế nào là cơ hội và điều kiện).

Cơ hội thứ nhất là vào khoảng những năm 30 thế kỷ 19, lúc mà giữa các cường quốc Phương tây có mâu thuẫn lớn. Nhật Bản lợi dụng được cơ hội này, còn VN, vì các lãnh đạo đất nước tự xem là thuộc quốc của Trung Hoa nên đã bỏ lỡ và đẩy dân tộc vào đường nô lệ.

Cơ hội thứ hai là sau sự xuất hiện của Nga Xô theo chủ nghĩa Mác. Ban đầu Mác cũng hấp dẫn được các đảng CS châu Âu, họ tưởng rằng CS là một phương thuốc chữa được căn bệnh xã hội. Nhưng rồi nhiều nước châu Âu tìm ra phương thuốc khác, hữu hiệu hơn. Cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa Nga Xô và phương Tây tác động đến các nước thuộc địa. Nga giúp họ đấu tranh còn phương Tây tìm cách trả độc lập cho họ và giúp họ phát triển. Ấn Độ đã không theo Nga. Trung Quốc, tuy bề ngoài là CS nhưng có phần chống lại Nga. Việt Nam đã không lợi dụng được mâu thuẫn giữa Nga và Tây phương để phát triển mà lại lọt vào vòng mâu thuẫn đó.

Tùng Phong cho rằng, lãnh đạo Nga Xô (và kể cả Mao Trạch Đông) chỉ xem lý thuyết CS như là một lợi khí để chiến đấu với Tây phương. Ông dẫn câu của Mao: “Sở dĩ chúng ta nghiên cứu thuyết của Các Mác không phải vì nó tốt đẹp gì, cũng không phải nó chứa đựng một phép thần diệu để trừ ma quỷ. Nó không đẹp, cũng không thần diệu. Nó chỉ ích lợi” – (ý mới). Thế mà lãnh đạo CS Bắc Việt lại tôn lên thành giáo lý, họ say mê thuyết CS, cho rằng nó là chân lý tuyệt đối (trùng ý).

Tùng Phong nhận xét: “Đưa một phương tiện chiến đấu của người ta làm chân lý của mình là mặc nhiên hạ mình xuống thấp hơn một bậc đối với các lãnh tụ CS quốc tế và tự biến mình thành nô lệ tri thức cho người sử dụng. Vì vậy cho nên trong những hành động chính trị của các nhà lãnh đạo phía Bắc lý thuyết CS được để lên trên quyền lợi của dân tộc… Do các lý lẽ trên đây có thể quả quyết rằng các nhà lãnh đạo phương Bắc vẫn chưa nhận thức nguy cơ đang đe dọa dân tộc, và những ngày đen tối của chúng ta vẫn còn tiếp tục”.

Và rồi cơ hội thứ hai cũng sẽ bị bỏ qua.

Bình luận: Kết thúc đại chiến 2 là một cơ hội lớn. Hồ Chí Minh và Việt Minh đã lợi dụng được cơ hội này, nhưng chủ yếu là để giành chính quyền cho CS chứ không phải vì lợi ích cho sự phát triển lâu dài của dân tộc. Liên Xô sụp đổ cũng là một cơ hội, nhưng Trần Độ, Trần Xuân Bách, những người muốn từ bỏ CS đã bị Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười nhanh chóng loại bỏ. Phải chăng số mệnh của dân tộc xui ra như thế, vận nước còn trong thời bỉ cực.

7- Phần II (D): Chỉnh đốn nội bộ

Đó là nội bộ của hai bên kình địch nhau là phương Tây và Nga Xô. Với phương Tây, họ phát hiện ra rằng mâu thuẫn giữa các nước làm họ bị suy yếu trong việc chống CS, vì thế họ đã tìm cách thỏa hiệp để tạo ra Liên minh châu Âu. Nga Xô phải đồng thời xử lý hai mối quan hệ, với Tây phương và với các nước theo CS. Dân chúng càng ngày càng tỏ ra thích Tây phương, lãnh đạo đề ra đường lối “Chung sống hòa bình” để ve vãn.

Bình luận: Vào năm 1962 Tùng Phong chưa có được dự đoán việc Liên Xô sẽ tan rã, chỉ mãi sau này Brzezinski mới dự đoán được chuyện đó.

8- Phần III (A): Điều kiện nội bộ

Phần này trình bày về nội bộ của Việt Nam và quan hệ với các nước Đông Á.

Với Trung Quốc và các nước, Tùng Phong nhận định (trích từng đoạn ghép lại): “Suốt gần một ngàn năm lịch sử, Trung Hoa lúc nào cũng muốn xâm chiếm VN, lấy lại phần đất mà họ coi như bị tạm mất… Ngay bây giờ ý định của Trung Cộng vẫn là muốn thôn tính, nếu không phải toàn bộ VN thì ít ra cũng là Bắc phần… Họa xâm lăng đe dọa chúng ta đến nỗi, trong suốt ngàn năm lịch sử từ ngày lập quốc, trở thành một ám ảnh cho tất cả lãnh đạo của chúng ta. Và do đó mà lịch sử ngoại giao của chúng ta lúc nào cũng bị chi phối bởi tâm lý thuộc quốc… Vì vậy cho nên chống ngoại xâm là một yếu tố quan trọng trong chính trị của VNĐể chống xâm lăng chúng ta có những biện pháp quân sự và ngoại giao. Nhưng hơn cả, về phương diện hữu hiệu và chủ động là nuôi dưỡng tinh thần độc lập và tự do của nhân dân, phát huy ý thức quốc gia và dân tộc, mở rộng khuôn khổ giới lãnh đạo để cho vấn đề lãnh đạo quốc gia được nhiều người thấu triệt… Đương nhiên một chính thể chuyên chế và độc tài không làm sao đủ điều kiện bảo vệ Quốc gia chống ngoại xâm được. Bởi vì bản chất của nó là tiêu diệt tận gốc rễ tinh thần tự do và độc lập trong tâm não của mọi người, để biến mỗi người thành một cái máy hoàn toàn không có ý chí, dễ điều khiển, dễ đặt để và dễ sử dụng. Bản chất của một chính thể chuyên chế và độc tài là giữ độc quyền lãnh đạo quốc gia cho một hay một số rất ít người, để cho sự thấu triệt các vấn đề căn bản của Quốc gia trở thành, trong tay họ, những lợi khí sắc bén, để củng cố địa vị của người cầm quyền… Một chính thể chuyên chế hay độc tài là một lợi khí cho kẻ ngọai xâm”.

Bình luận: Nhiều người Việt rất lo ngại hiểm họa bị Trung Cộng xâm chiếm. Tùng Phong thấy rõ hiểm họa đó và nhiều lần viết trong sách này. Thế nhưng nhiều lãnh đạo CS không thấy mà còn đàn áp những người con ưu tú của dân tộc khi thể hiện thái độ chống dã tâm của Trung Cộng. Về chuyên chế và độc tài, ông phản đối nó, nhưng có nhiều thông tin cho rằng chính thể của ông là “gia đình trị”, chuyên chế, độc tài. Không biết sự thật đến đâu. Về tự do, ông quan tâm đến tự do của nhân dân, tự do cho mọi người. Hồ Chí Minh nói “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, nhưng chủ yếu là cho Quốc gia. Mà tự do cho Quốc gia phải chăng là tự do cho những người lãnh đạo. Câu “Một chính thể chuyên chế hay độc tài là một lợi khí cho kẻ ngoại xâm” là một ý mới (ngưng bình luận).

VN có lịch sử Nam tiến, ngoài ý đồ mở mang bờ cõi thì cũng vì áp lực của Trung Hoa. Tùng Phong viết: “Nếu, đối với Trung Hoa chúng ta là thuộc quốc thì đối với các nước chung quanh, chúng ta lại muốn họ là thuộc quốc….” Rồi ông kể lại tương đối chi tiết các giai đoạn của việc Nam tiến và kể ra các hậu quả (mà nhiều người đã biết).

(Còn tiếp)

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Nói rồi, chỉ có Ngụy, chỉ có Diệm-Thiệu mới chống Trung Cộng thôi . Công dân xã hội chủ nghĩa chỉ có tinh thần chống Mỹ là cao ngút trời, mà chống Mỹ thì cả ngày xưa lẫn hôm nay, đều phải dựa vào Trung Quốc . Đúng, giải phóng miền Nam là 1 chiến thắng huy hoàng, trích Nguyên Ngọc trích lời bài hát nổi tiếng, nhưng cái di hại là người Bắc sau 75 vô Nam sẽ lây nhiễm những tư tưởng phi xã hội chủ nghĩa của miền Nam . Đáng lẽ ra sau khi giải phóng miền Nam, Đảng Cộng Sản nên lợi dụng thời cơ thống nhất đất nước thì lại không làm . Để tới bây giờ, tinh thần chống Trung Quốc nó mang thêm tinh thần chống Cộng . Ngay cả những người xuất thân gia đình cách mạng, lý lịch đẹp như cuốn Mao tuyển mà cũng mở miệng ra là Trung Cộng thối tha nọ kia .

    Đảng các bác nên xem chống Trung Cộng tức chống Cộng, chống chế độ, & hành xử accordingly như 1 đảng Cộng Sản chân chính . Như nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đã nhận xét sau khi đọc hồi ký chống Mỹ của nhà văn Nguyên Ngọc, tinh thần chống Mỹ đã trở thành 1 phần của dân tộc xã hội chủ nghĩa . Đảng cần nuôi dưỡng & phát triển nó, vì dù muốn dù không, tinh thần chống Mỹ đã trở thành bất tử . Giữ tinh thần đó cháy mãi trong tâm tư của người Việt xã hội chủ nghĩa mới không làm “tủi nhục cho tất cả những người đã chiến đấu, hy sinh vì lý tưởng, vì đất nước và đồng bào mến yêu của mình”. Làm cho tinh thần chống Mỹ đó bị mai một, chính là làm “tủi nhục cho tất cả những người đã chiến đấu, hy sinh vì lý tưởng, vì đất nước và đồng bào mến yêu của mình”, chính là phỉ báng vào đạo đức & lý tưởng cách mạng của dân tộc xã hội chủ nghĩa .

Comments are closed.