Biết thêm từ “Chính đề Việt Nam” (Phần 2)

Nguyễn Đình Cống

31-12-2021

Tiếp theo phần 1

2- Bối cảnh của vấn đề

Mở đầu sách là những trình bày về: Vị trí của VN trong thế giới hiện tại (1962), hình ảnh lịch sử của cộng đồng, Quốc gia, Cộng sản và sự phân chia lãnh thổ, Đường lối phát triển của dân tộc.

Tùng Phong chia cộng đồng làm hai phần: Thiểu số và đa số (trùng ý) và gán cho thiểu số làm lãnh đạo và đa số được lãnh đạo. Điều này chỉ đúng một phần vì có những cộng đồng mà thiểu số là thống trị, độc tài, còn đa số là bị trị. (Phản biện). Từ đây trở xuống tôi chỉ gọi họ là Thiểu số và Đa số, chỉ khi nào cần nhấn mạnh mới kèm thêm định ngữ lãnh đạo hoặc thống trị và bị trị).

Tùng Phong nhận định, “VN là nước nhỏ về dân số, về lãnh thổ, kinh tế kém phát triển và không có đóng góp gì đáng kể vào văn minh nhân loại. Chúng ta bị chi phối bởi sự vô trách nhiệm của các nước lớn, luôn bị đe dọa nạn ngoại xâm”. Tôi chỉ tán thành một phần vì cho rằng VN không thuộc loại dân số ít (không những bây giờ, năm 2022 mà cả vào thời năm 1962), lãnh thổ không đến nỗi bé, hơn nữa có vị trí địa lý khá tốt. VN không có đóng góp gì vào văn minh nhân loại vì kém phát triển, vì yếu, chứ không phải vì nước nhỏ, VN luôn bị đe dọa nạn ngoại xâm chủ yếu là từ dã tâm của Đại Hán chứ không còn từ phương Tây. Bị chi phối bởi sự vô trách nhiệm cùa các nước lớn cũng vì ta yếu kém chứ không thể đổ lỗi cho ai được. (Một số người Việt tự hào là đóng góp lớn cho nhân loại bằng cách mạng giải phóng thuộc địa, lập chính quyền công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Xin chưa bàn đến điều này đúng sai đến đâu).

Tôi tán thành với Tùng Phong rằng, sự yếu kém của cộng đồng do thiểu số lãnh đạo kém phẩm chất là chủ yếu (trùng ý). Nguyễn Trãi viết: “Như nước Đại Việt ta…Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau mà hào kiệt đời nào cũng có”. Mạnh là khi hào kiệt được trọng dụng, lúc đó dân tộc sẽ đoàn kết, mạnh lên, yếu là khi hào kiệt bị thiểu số thống trị loại bỏ, dân tộc sẽ bị phân tán và có nguy cơ tan rã. Tùng Phong đã viết rất đúng rằng, thiểu số lãnh đạo cần có được NHÂN, DŨNG, LƯỢC và thấu triệt được vấn đề của cộng đồng. Từ đó mới chọn được đường lối đúng.

Đa số, dù được lãnh đạo hoặc bị trị, là những người dân, lý do sống là vì cá nhân, nhưng điều kiện sống là thuộc cộng đồng (ý mới). Hai điều này thường phù hợp nhưng nhiều khi xảy ra mâu thuẫn, lúc này người dân phải chấp nhận một sự hy sinh nào đó. Vậy đa số cũng cần phải thấu triệt được vấn đề của cộng đồng. Thiểu số có nhiệm vụ giúp đa số làm việc này (đó là nâng cao dân trí, chấn hưng dân khí).

Giữa thống trị và bị trị thường xuyên có mâu thuẫn. Giữa lãnh đạo và được lãnh đạo cũng có những lúc phát sinh mâu thuẫn, đó là mâu thuẫn chủ yếu trong cộng đồng. Để giải quyết mâu thuẫn thì thiểu số lãnh đạo cần phải; 1- Tôn trọng tinh thần dân chủ, là một lợi khí sắc bén, 2- Phát huy sự hiểu biết của đa số đối với vấn đề cần giải quyết của quốc gia để củng cố tinh thần dân tộc.

Khi đất nước bị chia cắt, sự tranh giành ảnh hưởng giữa phe Quốc gia và phe Cộng sản đã làm tan rã dân tộc. Chống Cộng mà chỉ nhằm vào việc loại bỏ cá nhân và tổ chức, dù có quyết liệt đến đâu cũng chỉ là chống một cách tiêu cực. Cần vạch ra rằng, CS chỉ là một lý thuyết tranh đấu ngoại lai, nó sẽ đưa dân tộc vào con đường đen tối. Chống Cộng tích cực phải trên cơ sở thực trạng của Quốc gia và có giải pháp để thay thế.

Bình luận: Ai cũng nói rất giỏi về việc đánh giá đúng thực trạng, về vấn đề cần giải quyết, nhưng nói thì dễ, làm được rất khó vì bị chi phối bởi chủ nghĩa này, học thuyết kia, lãnh đạo nọ. Vậy để có một đánh giá tương đối đúng về thực trạng, có thể tin được, cần phải có sự điều tra toàn diện của một tổ chức trung lập, một cách khách quan, trung thực, không bị chi phối bởi bất kỳ học thuyết, chủ nghĩa hoặc sự lãnh đạo nào cả (ngưng bình luận).

Phần cuối của mục “Bối cảnh…”, Tùng Phong viết về vai trò cá nhân, rằng ông luôn đứng ở vị trí lịch sử để nhìn tất cả các vấn đề mà không bao giờ đứng ở vị trí tôn giáo. Ông còn đưa ra và giải thích cách hành văn trong quyển sách, chủ yếu dùng nhiều danh từ hơn động từ, nhằm diễn tả rõ, hết, các tư tưởng một cách bao quát, vững chắc (ý mới).

3- Phần I: Nhận định về thế giới

Từ giữa thế kỷ 20, về chính trị thế giới chia thành hai phe như đã mô tả ở trên, mỗi phe có cách lãnh đạo riêng.

Về văn hóa, thế giới lại chia ra 5 vùng. Một là vùng Âu – Mỹ, chịu ảnh hưởng của văn hóa Hy La. Hai là vùng Arập, Trung Đông, chịu ảnh hưởng của đạo Hồi. Ba là vùng Đông Á chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa cổ đại. Bốn là vùng Nam Á chịu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ. Năm là vùng châu Phi.

Về khoa học kỹ thuật thì khác. Nền khoa học kỹ thuật và văn minh phương Tây đã chinh phục toàn bộ.

Tùng Phong đi đến nhận xét: “Vì vậy cho nên ngày nay trên thế giới vấn đề Tây phương hóa (TPH) là một vấn đề thiết yếu cho các quốc gia muốn tồn tại, mặc dầu TPH theo kiểu khối tự do hay TPH theo kiểu khối CS. Và đó cũng là vấn đề thiết yếu cho nước VN”.

Bình luận: Cách nhìn của Tùng Phong có phần đúng nhưng quá thiên lệch về khoa học kỹ thuật, khác với cách nhìn của sách “Tại sao các quốc gia thất bại”, cho rằng sự phát triển của một quốc gia phụ thuộc chủ yếu vào thể chế kinh tế và thể chế chính trị (ngưng bình luận).

Về CS: Tùng Phong nhận đình rằng, CS ở Tây phương, ở Nga Xô và ở châu Á là khác nhau. “Ở Tây phương, thuyết CS là một phương thuốc được đề nghị để chữa căn bệnh cho xã hội trong một giai đoạn phát triển cam go, về sau các nhà lãnh đạo của họ lại tìm được phương thuốc khác (và họ đã loại bỏ CS)… Nga Xô chỉ xem thuyết CS là một phương tiện và chỉ có giá trị là một phương tiện… Nhưng sang châu Á thuyết CS chỉ còn là một phương tiện để đánh kẻ xâm lăng và một phương hướng phát triển… Một số lãnh tụ CS châu Á hoàn toàn lầm lẫn khi họ say mê mà tôn thờ thuyết CS như là một chân lý… Mao Trạch Đông đã nhìn thấy rõ các điểm trên đây. Sự khác biệt giữa các phương pháp CS ở Nga và Tàu là một bằng cớ”.

(Còn tiếp)

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Chính đề Việt Nam” là của tác giả Tùng Phong (Ngô Đình Nhu) còn Lê Văn Đồng chỉ
    nhận vơ hay “cầm nhầm”. Bởi vì năm 1945, NĐN.đã cho xuất bản luận văn “La fête
    đe l’ouverture du prinptemp à Hà Nội” (Hội khai xuân ở Hà Nội), trong đó ông đã đề
    cập một số vấn đề sau này trong “Chính đề Việt Nam”(CĐVN).
    Người cho Lê Văn Đồng là tác giả CĐVN. là Nguyễn Gia Kiểng, người thuộc trường
    phái “cầm nhầm” khi đạo văn của Alain Peyrefitte để viết cuốn “Tổ quốc ăn năn”
    bằng cách thay France thành Việt Nam. Đó là tiết lộ của một nhóm Thộng Luận thứ
    2 sau khi tách ra khỏi TL.của NGK.
    Nếu LVĐ là tác giả hiện sống ở Pháp với NGK.thì ông ta tất phải quan tâm đến tình
    hình chính trị VN.để viết tiếp tác phẩm nữa, chứ không thể chỉ có 1 tác phẩm duy
    nhất hay tối thiểu cũng phải viết một vài bài báo nhưng hoàn toàn không có.
    Một lý do bàn thêm cho vui là 2 anh em thì ông Diệm thì lấy cây trúc làm biểu tượng
    còn ông em thì lấy cây tùng, những cây luôn xanh tươi, dù nắng mưa bão tuyết v.v.?

Comments are closed.