Bầu cử thống đốc Virginia, cử tri dân chủ mất động lực… Trump!

Joaquin Nguyễn Hòa

4-11-2021

Cuộc so găng giữa Glenn Youngkin (trái) với Terry McAuliffe, tranh ghế thống đốc hôm qua. Kết quả: Youngkin giành chiến thắng. Ảnh trên mạng

Tin lớn nhất về chính trị Mỹ trong đêm 2/11 và sáng 3/11/2021 là chiến thắng của ông Glenn Youngkin, ứng cử viên đảng Cộng hòa trước cựu thống đốc Terry McAuliffe của đảng Dân chủ.

Tỷ lệ thắng khá khít khao, trên dưới 2%, nếu ta so với thắng lợi của ông Joe Biden so với ông Donald Trump đúng một năm trước là gần 5% số phiếu phổ thông.

Kết quả bầu cử này xảy ra trong bối cảnh mức độ tín nhiệm tổng thống Biden tụt xuống dưới 50%, được cho là hồi chuông cảnh báo cho phe Dân chủ về viễn cảnh của cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào năm 2022. Họ đang nắm giữ một đa số mong manh ở Hạ viện, và chỉ có ưu thế ở Thượng viện nhờ vào sự can thiệp khi cần của phó tổng thống Kamala Harris.

Anthony Zurcher, cây bút của BBC ở Bắc Mỹ, cho rằng, thế là nước Mỹ lại quay về diễn biến chính trị lưỡng đảng nhàm chán của nó. Sự nhàm chán đó là, hễ đảng nào đó cầm quyền thì trong năm đầu tiên sẽ cãi nhau chí tử, để đảng đối lập lấy lại thế cân bằng trong cuộc bầu giữa nhiệm kỳ. Ông cho rằng điều đó đã xảy ra với các tổng thống Clinton, Bush con, Obama, Trump, và bây giờ là Biden.

Nhận định của Zurcher là chính xác đối với tình hình hiện nay, khi mà nội bộ phe Dân chủ cãi nhau nảy lửa giữa cánh cấp tiến, đòi hỏi có những cải tổ xã hội sâu sắc hơn, cũng như mạnh mẽ hơn đối với các vấn đề biến đổi khí hậu, trong khi nhóm trung dung xung quanh tổng thống Biden không đồng ý. Chuyện bất đồng này làm cho chương trình nghị sự của phe Dân chủ, dù đang có quyền hành ở quốc hội, cứ cà rịch cà tang, gây bực bội cho cử tri.

Chuyện tương tự có vẻ cũng đã xảy ra trong lần bầu giữa nhiệm kỳ 2018, phe xanh của đảng Dân chủ thắng lớn dưới thời tổng thống cộng hòa Donald Trump. Nhưng nếu ta nhìn kỹ thì có thể không đồng ý với ông Zurcher, vì quả là phe cộng hòa thời ông Trump cầm quyền có một vài người hay nói ngược với phe Cộng hòa như hai bà thượng nghị sĩ Susan Collins (Maine), Lisa Murkovski (Alaska), nhưng nói chung phe Cộng hòa khá đồng thuận với tay thượng nghị sĩ lão luyện Mitt McConnell (Kentucky), hết mình ủng hộ ông Trump.

Nguyên nhân của làn sóng xanh (Blue Wave), tức là chiến thắng lớn của phe Dân chủ vào năm 2018, chủ yếu nằm ở … ông Trump. Người ta bực bội sự phá phách của ông vào những thiết chế của nền dân chủ, như gọi giới báo chí là “kẻ thù của nhân dân”, rồi đưa con cái gia đình vào nắm những chức vụ quan trọng trong Bạch Cung, không khác gì các chế độ độc tài gia đình trị… Từ những nguyên nhân này, cộng với sự điều hành chống dịch Covid quá bê bối sau đó, đã đưa đến thất bại thảm hại của ông Trump trong kỳ bầu cử 2020 là lẽ đương nhiên, khi có cả những thành trì cộng hòa là Georgia, Arizona cũng chuyển sang màu xanh.

Trở lại với Virginia, tiểu bang này vốn đỏ, rồi chuyển tím (tức là giằng co giữa đỏ và xanh) rồi chuyển hẳn sang phe Dân chủ trong suốt bốn kỳ bầu cử tổng thống gần đây nhất. Có người bảo rằng, chiến thắng của phe Cộng hòa trong đêm 2/11/2021 là báo hiệu cho thấy Virginia không hẳn đã trở thành khu vực Dân chủ chắc chắn.

Phân tích dân số ở tiểu bang này cho thấy, nhóm dân chúng có khuynh hướng bầu cho đảng Dân chủ vẫn đang tăng nhanh, với một số rất đông cư dân trẻ tuổi, đa dạng về chủng tộc, cư trú tại các quận và thành phố ở phía Bắc, cạnh thủ đô Washington, như Fairfax, Falls Church, Arlington… Nhưng trong cuộc bầu cử đêm 2/11/2021 cử tri các quận này không đi bầu đông như năm 2020, nhất là ở Fairfax, quận đông dân nhất tiểu bang.

Kết quả cho thấy, ông McAuliffe vẫn thắng ở đây với tỷ lệ gấp đôi, nhưng không bằng năm 2020 mà ông Biden giành chiến thắng, vì số người đi bầu ít hơn hẳn. Ông McAuliffe phải thắng ở đây nhiều hơn nữa để quân bình lại với vùng thôn quê có khuynh hướng Cộng hòa.

Điều này có thể được giải thích là, cử tri của đảng Dân chủ ở Virginia mất đi động lực … Trump! Các quận ven Washington này cũng là nơi có đông dân gốc Á châu cư trú. Năm 2020, họ đã kéo nhau đi bầu rất đông, với một nỗi lo ngại về những kích động thù hằn chủng tộc, chống người gốc Á của ông Trump. Nay ông Trump không còn nữa, có thể làm cho họ lười hơn.

Ý thức rõ điều này cho nên ông Youngkin đã khéo léo giữ quan hệ của ông với ông Trump ở mức vừa phải, một mặt ông chấp nhận sự ủng hộ của ông Trump để lôi kéo cử tri ruột của ông này, mặt khác ông Youngkin không để ông Trump xuất hiện cùng với ông. Sự xuất hiện này có thể kích động sự giân dữ của rất nhiều cử tri như năm 2020.

Bên cạnh đó ông Youngkin là một gương mặt mới, một doanh nhân chứ không phải thuộc loại chính trị gia chuyên nghiệp như ông McAuliffe, vốn đã làm thống đốc một nhiệm kỳ trước đó, ít nhiều gây ra sự nhàm chán. Sự khéo léo của ông Youngkin làm cho ông McAuliffe không chơi đòn dán nhãn Trump được. Cử tri thấy rằng, Youngkin không phải là Trump.

Một chi tiết được nhiều nhà phân tích nêu lên là ông McAuliffe đã phạm một sai lầm khi cho rằng trong vấn đề sách giáo khoa, phụ huynh học sinh không nên có ý kiến nhiều. Có thể vấn đề này kích thích sự hăng hái của cử tri trung thành của đảng Cộng hòa, bên cạnh đó nhóm cấp tiến cũng không hề quan niệm rằng cha mẹ học sinh không nên nói nhiều về sách giáo khoa. Ông McAuliffe đã hiểu sai cử tri của chính ông, làm cho họ chán và… ở nhà.

Trước mắt, chiến thắng của phe Cộng hòa ở Virginia không làm thay đổi bàn cờ ở Quốc hội liên bang, nhưng nó là một thử nghiệm để phe này đề ra chiến lược cho năm 2022, đó là theo đường lối trung dung, và quên ông Trump đi. Chiến thắng của đảng Cộng hòa ở bang Virginia, có thể là dấu chấm hết của Trump, vì họ thấy rằng không cần Trump họ vẫn có thể thắng.

Có thể là phe Cộng hòa sẽ tiến hành những thay đổi như là luật bầu cử, chính sách phá thai… tại Virginia, nhưng điều đó sẽ là lợi bất cập hại vì nó sẽ thúc đẩy cử tri phe Dân chủ, vốn ngày càng đông hơn ở Virginia, đi bầu.

Vẫn còn sớm để nói rằng ông Youngkin sẽ cầm quyền như thế nào, liệu ông chỉ chăm chú vào nền kinh tế như khi vận động tranh cử, mà không đi quá sâu vào rạn nứt văn hóa giữa lòng người Mỹ hiện nay như là phá thai, di dân, lịch sử phân biệt chủ tộc (Virginia vốn là cái nôi của nhóm phân biệt chủng tộc KKK)?

Nhưng những chỉ dấu ôn hòa đã xuất hiện, chẳng hạn như người phó của ông là một phụ nữ da đen, bà Winsom Sears, người phụ nữ da đen đầu tiên làm phó thống đốc. Trước khi dân chúng bỏ phiếu, ông Youngkin cũng không la làng lên như ông Trump và các chính trị gia Cộng hòa khác trong một năm qua, rằng nếu ông ta thua tức là “bầu cử gian lận”, còn ông ta thắng thì bầu cử công bằng.

Ông McAuliffe cũng đã lên tiếng chấp nhận thua cuộc. Chính trị Mỹ có thể trở lại sự nhàm chán sau Virginia, như nhà bình luận Anthony Zurcher của BBC đã nêu, nhưng nó cũng trở lại bình thường, chấp nhận cuộc chơi công bằng của nền dân chủ, không có những thuyết âm mưu quái gỡ làm hoảng loạn không ít người Mỹ, và cả người Việt nữa, trong hai năm qua.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Qua bài này, dù tác giả theo trường phái “đổ tội” thua cũng do Trump mà thắng
    cũng vì Trump, không trật đi đâu cả nhưng toàn bài vẫn giúp người đọc nhận ra
    tình hình nội bộ đảng DC không đoàn kết . Đảng DC đang có 3 phe tả, trung tả
    và cực tả mà thành phần này to mồm nhất nên có thể khuynh loát được 2 nhóm
    kia ? Như miền Nam trước kia, thành phần CS.không nhiều nhưng cứ tuyên truyền
    rỉ rả theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” thì cũng đã ngập nước ! Vì chế độ CH.mới sinh
    ra trong thời thế giới chia làm 2 phe nên không thể tránh khỏi sai lầm và tiêu cực
    và chính thế mà dễ lôi kéo dụ dỗ người dân nghe theo làm…cách mạng CS. !
    Còn theo Anthony Archer thì chính trị lưỡng đảng “nhàm chán” nhưng để tránh
    điều này chẳng lẽ phải biến nó thành chính trị độc đảng hay sao ? Nói “nhàm chán”
    không sai mấy nhưng chính trị độc đảng độc tài còn nhàm chán hơn… triệu lần,
    chẳng lẽ anh nhà báo muốn…nổi loạn trong khi dân chúng người ta chỉ muốn yên
    ổn,trật tự trong chính trị lưỡng đảng như bao lâu nay ?

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây