Đài Loan và cuộc tranh đấu vì dân chủ

Thái Anh Văn, Tổng thống Trung Hoa Dân Quốc

Trần Ngọc Cư dịch và phụ chú

November/December 2021

Bà Thái Anh Văn tại một buổi vận động ở thành phố Gia Nghĩa, Đài Loan, tháng 9/2015. Nguồn: Billy H.C. Kwok / NYT

Một lực lượng vì lợi ích chung trong một trật tự quốc tế đang thay đổi

Dẫn nhập của Dịch giả: Người đọc bài tiểu luận dưới đây sẽ có cảm tưởng như đọc một bản tuyên ngôn độc lập của một nước dân chủ mang tên Đài Loan. Thậm chí suốt cả bài tiểu luận, tác giả Thái Anh Văn không hề nhắc đến tên nước Trung Hoa Dân Quốc (Republic of China), và đây là một ngụ ý không thoát khỏi mắt của người đọc. Theo đó, Đài Loan không còn là một phần của Trung Quốc, như Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã quyết đoán và thế giới đã toa rập theo.

Bằng thái độ đầy tự tin về chính nghĩa của mình, Bà Thái Anh Văn xác định vị trí bình đẳng của Đài Bắc trước Bắc Kinh, khi bà viết:

“Tuy nhiên, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục bày tỏ sự cởi mở đối thoại với Bắc Kinh, như chính quyền đương nhiệm [tại Đài Loan] đã nhiều lần thực hiện kể từ năm 2016, miễn là cuộc đối thoại này diễn ra trên tinh thần bình đẳng và không có điều kiện tiên quyết về chính trị.”

Ở một chỗ khác bà nhấn mạnh một ý thức mới về bản sắc tập thể Đài Loan như một cách đoạn tuyệt với văn hoá toàn trị của lục địa: “Trong khi người dân Đài Loan không phải lúc nào cũng đạt được sự đồng thuận, nhưng qua thời gian, một bản sắc tập thể đã xuất hiện. Thông qua tương tác của chúng tôi với phần còn lại của thế giới, chúng tôi đã tiếp thu các giá trị và biến chúng thành của riêng cho mình, kết hợp chúng với truyền thống địa phương để tạo ra một trật tự tự do, tiến bộ và một ý thức mới về ý nghĩa được làm người Đài Loan.”

Ngoài ra, Bà Thái Anh Văn đã nói đến Đài Loan như một mô hình dân chủ trong sự cạnh tranh với mô hình độc tài của Trung Quốc về phát triển đất nước, với ngụ ý các nước láng giềng trong khu vực có thể noi theo, đặc biệt trong cung cách các xã hội dân sự đã đóng góp cho việc xây dựng nền dân chủ Đài Loan như thế nào.

Sự xuất hiện của những cấu hình liên minh khu vực mới đây cũng như những tuyên bố và hành động nửa che dấu nửa công khai của Chính quyền Mỹ biết đâu đã tạo cảm hứng cho bài tiểu luận này.

Chính nhà lãnh đạo Thái Anh Văn là thủ bút bài tiểu luận đầy dũng khí sau đây, đăng lên một tạp chí uy tín, tờ Foreign Affairs, cơ quan ngôn luận của Council for Foreign Relations, một viện nghiên cứu chiến lược đã nhiều lần công bố phác thảo về lý thuyết đối ngoại của Mỹ.

***

Câu chuyện về Đài Loan là một câu chuyện về sức bật kiên cường — của một quốc gia đề cao các giá trị dân chủ, tiến bộ trong khi luôn đương đầu với thách thức đối với sự tồn tại của mình. Thành công của chúng tôi là minh chứng cho những gì mà một quốc gia theo đuổi dân chủ kiên trì có thể đạt được bằng sự quản trị đất nước tốt đẹp và bằng tính minh bạch.

Tuy nhiên, câu chuyện của Đài Loan không chỉ là về việc duy trì lối sống dân chủ của chúng tôi. Đó cũng là về sức mạnh và tinh thần trách nhiệm mà Đài Loan mang lại trong nỗ lực bảo vệ sự ổn định của khu vực và thế giới. Nhờ lao động cần cù và lòng dũng cảm, 23,5 triệu dân Đài Loan đã thành công trong việc tạo dựng chỗ đứng cho mình trong cộng đồng quốc tế.

Nổi lên sau đại dịch COVID-19, các chế độ độc tài tin chắc hơn bao giờ hết rằng mô hình quản trị của họ thích nghi tốt hơn chế độ dân chủ theo yêu cầu của thế kỷ XXI. Điều này đã thúc đẩy một cuộc thi đua của các ý thức hệ, và Đài Loan nằm ở giao điểm của các hệ thống cạnh tranh. Mang tính dân chủ và thân phương Tây một cách sinh động, nhưng vẫn chịu ảnh hưởng của nền văn minh Trung Hoa và được định hình bởi truyền thống châu Á, Đài Loan, bằng chính sự tồn tại và sự thịnh vượng không ngừng của chính mình, trong cùng một lúc đã phản bác lại luận điệu tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc và gây trở ngại trước tham vọng khu vực của họ.

Việc Đài Loan không chịu từ bỏ nền dân chủ, kiên trì chấp nhận nó và cam kết hoạt động như một bên liên quan có trách nhiệm (ngay cả khi việc loại trừ Đài Loan khỏi các định chế quốc tế đã gây khó khăn cho thiện chí này) hiện đang thúc đẩy phần còn lại của thế giới thẩm định lại giá trị của Đài Loan như một nền dân chủ tự do trên tiền tuyến của một cuộc xung đột mới của các ý thức hệ. Khi các nước ngày càng nhận ra mối đe dọa mà Đảng Cộng sản Trung Quốc gây ra, họ nên hiểu giá trị của việc hợp tác với Đài Loan. Và họ nên nhớ rằng nếu Đài Loan sụp đổ, hậu quả sẽ rất thảm khốc đối với hòa bình khu vực và hệ thống liên minh dân chủ. Nó sẽ báo hiệu rằng trong cuộc cạnh tranh toàn cầu hiện nay về các giá trị, chủ nghĩa độc tài có ưu thế hơn thể chế dân chủ.

TƯƠNG LAI KHU VỰC ẤN ĐỘ DƯƠNG – THÁI BÌNH DƯƠNG

Diễn biến tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, khu vực phát triển nhanh nhất thế giới, theo nhiều cách sẽ định hình quá trình của thế kỷ XXI. Sự trỗi dậy của nó mang lại vô số cơ hội (trong mọi ngành, từ thương mại và sản xuất đến nghiên cứu và giáo dục) nhưng cũng mang lại những căng thẳng mới và mâu thuẫn hệ thống, nếu không được xử lý một cách khôn ngoan, có thể có tác động tàn phá đến an ninh quốc tế và nền kinh tế toàn cầu. Chính trong số các nguyên nhân dẫn đến những căng thẳng này là sự trỗi dậy của chủ nghĩa chuyên chế quyết đoán và tự tin hơn, đang thách thức trật tự dân chủ tự do vốn đã xác định các mối quan hệ quốc tế kể từ khi Thế chiến thứ hai kết thúc.

Bắc Kinh chưa bao giờ từ bỏ tham vọng đối với Đài Loan. Nhưng sau nhiều năm đầu tư hàng chục phần trăm GDP vào quân đội Trung Quốc và thể hiện hành vi bành trướng trên Eo biển Đài Loan và các khu vực hàng hải xung quanh, Bắc Kinh đang thay thế cam kết về một giải pháp hòa bình bằng một tư thế ngày càng hung hăng. Kể từ năm 2020, các máy bay và tàu của Quân đội Giải phóng Nhân dân đã gia tăng đáng kể hoạt động ở Eo biển Đài Loan, với các cuộc xâm nhập gần như hàng ngày vào vùng nhận dạng phòng không phía nam của Đài Loan, cũng như đôi khi băng qua đường trung tuyến được hiểu ngầm giữa hòn đảo và lục địa Trung Hoa (chạy dọc giữa eo biển, từ phía đông bắc gần các đảo xa xôi của Nhật Bản đến phía tây nam gần Hồng Kông).

Bất chấp những diễn biến đáng lo ngại này, người dân Đài Loan đã nói rõ với toàn thế giới rằng chế độ dân chủ của chúng tôi là không thể khoan nhượng. Giữa những cuộc xâm nhập gần như hàng ngày của Quân đội Giải phóng Nhân dân, quan điểm của chúng tôi về quan hệ giữa hai bờ eo biển vẫn không đổi: Đài Loan sẽ không cúi đầu trước áp lực, nhưng cũng sẽ không trở nên phiêu lưu, ngay cả khi Đài Loan tích lũy được sự ủng hộ từ cộng đồng quốc tế. Nói cách khác, việc duy trì an ninh khu vực sẽ vẫn là một phần quan trọng trong chính sách tổng thể của chính phủ Đài Loan. Tuy nhiên, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục bày tỏ sự cởi mở đối thoại với Bắc Kinh, như chính quyền đương nhiệm [của Đài Loan] đã nhiều lần thực hiện kể từ năm 2016, miễn là cuộc đối thoại này diễn ra trên tinh thần bình đẳng và không có điều kiện tiên quyết về chính trị. Và chúng tôi đang đầu tư các nguồn lực đáng kể để nâng cao hiểu biết của chúng tôi về chính quyền ở Bắc Kinh — điều này sẽ giảm các rủi ro do hiểu sai và đánh giá sai, đồng thời tạo điều kiện dễ dàng cho việc đưa ra quyết định chính xác hơn về các chính sách xuyên eo biển của chúng tôi. Chúng tôi mong muốn duy trì sự hiểu biết rõ ràng về môi trường bên ngoài, cả những mối đe dọa và cơ hội, để đảm bảo rằng Đài Loan đã sẵn sàng đối mặt với những thách thức của mình.

Đồng thời, Đài Loan hoàn toàn cam kết làm việc với các thành viên khác trong khu vực để đảm bảo sự ổn định. Ví dụ, vào tháng Ba, Đài Loan và Hoa Kỳ đã ký một biên bản ghi nhớ về việc thành lập một nhóm công tác tuần duyên. Nhóm công tác này sẽ cải thiện việc giao tiếp và chia sẻ thông tin giữa các lực lượng bảo vệ bờ biển Hoa Kỳ và Đài Loan, đồng thời tạo điều kiện hợp tác tốt hơn trong các mục tiêu chung, chẳng hạn như bảo tồn tài nguyên hàng hải và làm giảm việc đánh cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Sự hiểu biết như vậy sẽ đóng vai trò là bàn đạp để hợp tác nhiều hơn trong các vấn đề phi quân sự với các đối tác khác ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Đài Loan cũng đã đưa ra một loạt sáng kiến nhằm hiện đại hóa và tổ chức lại quân đội, nhằm chuẩn bị tốt hơn cho những thách thức cả hiện tại và tương lai. Ngoài đầu tư vào các nền tảng truyền thống như máy bay chiến đấu, Đài Loan đã đầu tư mạnh mẽ vào các khả năng quân sự phi đối xứng, bao gồm cả tên lửa hành trình chống tàu chiến được bắn từ các vị trí di động trên đất liền. [Khả năng quân sự phi đối xứng/asymmetrical capabilities: không sử dụng cùng chiến thuật hay khí tài như đối phương. DG]. Chúng tôi sẽ thành lập Cơ quan Động viên Quốc phòng Toàn diện vào năm 2022, một cuộc cải cách quân sự nhằm đảm bảo rằng lực lượng quân sự trù bị được đào tạo và trang bị tốt sẽ trở thành phương tiện dự phòng đáng tin cậy hơn cho các lực lượng quân sự chính quy. Những sáng kiến như vậy nhằm tối đa hóa khả năng tự lực và sự chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu của Đài Loan, đồng thời báo hiệu rằng chúng tôi sẵn sàng chia sẻ gánh nặng và không coi thường sự hỗ trợ của các đối tác an ninh của chúng tôi.

Những nỗ lực của Đài Loan nhằm đóng góp vào an ninh khu vực không dừng lại ở đó. Chúng tôi hoàn toàn cam kết hợp tác với các nước láng giềng để ngăn chặn xung đột vũ trang ở Biển Hoa Đông và Biển Hoa Nam [Biển Đông theo cách gọi của Việt Nam], cũng như ở Eo biển Đài Loan. Đài Loan nằm dọc theo chuỗi đảo đầu tiên, chạy từ phía bắc Nhật Bản đến Borneo; nếu ranh giới này bị phá vỡ bằng vũ lực, hậu quả sẽ làm gián đoạn thương mại quốc tế và gây mất ổn định toàn bộ phía tây Thái Bình Dương. Nói cách khác, thất bại trong việc bảo vệ Đài Loan sẽ không chỉ là thảm họa đối với người Đài Loan; nó sẽ đảo lộn một cấu trúc an ninh đã cho phép duy trì hòa bình và sự phát triển kinh tế phi thường trong khu vực trong bảy thập kỷ.

Đài Loan không tìm kiếm sự đối đầu quân sự. Đài Loan hy vọng một sự chung sống hòa bình, ổn định, có thể dự đoán được và cùng có lợi với các nước láng giềng. Nhưng nếu nền dân chủ và cách sống của mình bị đe dọa, Đài Loan sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để tự vệ.

MÔ HÌNH ĐÀI LOAN

Lịch sử của Đài Loan chứa đầy cả gian lao lẫn thành tựu, và tác giả của lịch sử này là người dân Đài Loan. Trong vài thập kỷ qua, chúng tôi đã vượt qua nghịch cảnh và sự cô lập quốc tế để đạt được một trong những cuộc chuyển đổi dân chủ thành công nhất trong lịch sử chính trị hiện đại. Các thành phần quan trọng của thành tựu này là sự kiên nhẫn, tháo vát, tính thực dụng và tính kiên trì không chịu bỏ cuộc. Hiểu được sự cân bằng quyền lực mong manh trong khu vực và nhu cầu được hỗ trợ, người Đài Loan biết rằng sự hợp tác thực tiễn thường tốt hơn sự ồn ào hoặc mạo hiểm và rằng sẵn sàng giúp một tay sẽ tốt hơn cố gắng kích động hoặc áp đặt một hệ thống lên các dân tộc khác.

Trong khi người dân Đài Loan không phải lúc nào cũng đạt được sự đồng thuận, nhưng qua thời gian, một bản sắc tập thể đã xuất hiện. Thông qua tương tác của chúng tôi với phần còn lại của thế giới, chúng tôi đã tiếp thu các giá trị và biến chúng thành của riêng cho mình, kết hợp chúng với truyền thống địa phương để tạo ra một trật tự tự do, tiến bộ và một ý thức mới về ý nghĩa được làm người Đài Loan.

Trung tâm của bản sắc này là sự chấp nhận nền dân chủ của chúng tôi, phản ánh sự lựa chọn mà người Đài Loan đã thể hiện và chiến đấu cho con đường của mình qua nhiều thập kỷ cai trị độc tài. Một khi người Đài Loan đã lựa chọn như vậy, họ sẽ không quay đầu lại nữa. Mặc dù có thể không hoàn hảo, dân chủ đã trở thành một phần không thể khoan nhượng của con người chúng tôi. Quyết tâm này mang lại cho Đài Loan khả năng phục hồi để đối mặt với những thách thức của thế kỷ XXI và tạo ra một bức tường lửa chống lại các thế lực, cả bên trong và bên ngoài, đang tìm cách phá hoại các định chế dân chủ mà Đài Loan đã giành được.

Một phần cơ bản của việc chấp nhận nền dân chủ này là niềm tin chắc chắn rằng tương lai của Đài Loan sẽ do người Đài Loan quyết định thông qua các phương tiện dân chủ. Mặc dù người Đài Loan, trong một số cung cách, có khác biệt nhau trong cảm thức của họ về một tương lai chính xác sẽ như thế nào, chúng tôi thống nhất trong cam kết đối với nền dân chủ cũng như các giá trị và các định chế cho phép chúng tôi chống lại những nỗ lực bên ngoài làm xói mòn bản sắc của chúng tôi và thay đổi lối sống chúng tôi trân trọng. Phần lớn chúng tôi coi dân chủ là hình thức chính phủ tốt nhất cho Đài Loan và sẵn sàng làm những gì cần thiết để bảo vệ nó. Những niềm tin đó được thử thách hàng ngày, nhưng chắc chắn rằng người dân sẽ vươn lên nếu chính sự tồn tại của Đài Loan đang bị đe dọa.

Xã hội dân sự luôn đóng một vai trò quan trọng ở Đài Loan. Trong thời kỳ cai trị độc tài dưới thời Quốc Dân Đảng, phong trào Đảng ngoại (Dangwai) đã thúc đẩy dỡ bỏ thiết quân luật và dân chủ hóa Đài Loan; ngay cả sau khi là công cụ để chấm dứt tình trạng thiết quân luật, phong trào ngoài Đảng vẫn tiếp tục đưa ra một cuộc kiểm tra tích cực và hiệu quả đối với quyền lực của chính phủ. Ngày nay, tầm mức của vai trò xã hội dân sự Đài Loan trong việc điều hành quốc gia là không nơi nào trong khu vực có thể sánh kịp — phản ánh sự tin tưởng giữa các quan chức dân cử và công chúng, do đó công dân có thể tác động đến chính sách vừa thông qua các cuộc bầu vừa giữa các cuộc bầu cử. [Dân chủ Đài Loan vừa có tính đại diện vừa có tính tham gia (representative and participatory democracy) – DG.]

Xã hội dân sự của Đài Loan cũng chứng tỏ là một phần không thể thiếu làm nên thế đứng quốc tế của hòn đảo này. Việc Đài Loan bị loại khỏi Liên Hợp Quốc và hầu hết các tổ chức quốc tế khác có thể dẫn đến sự cô lập, nhưng thay vào đó, Đài Loan đã khai thác sức sáng tạo và năng lực to lớn của người dân, cho phép chúng tôi thiết lập các kết nối toàn cầu bằng các cách khác — thông qua các doanh nghiệp nhỏ, các tổ chức phi chính phủ và nhiều nhóm bán chính thức. Thay vì trở thành một trở ngại, việc nhiều quốc gia từ chối chính thức công nhận Đài Loan buộc chúng tôi phải suy nghĩ một cách bất đối xứng, chống lại những nỗ lực phủ nhận sự tồn tại của Đài Loan bằng cách tăng cường cam kết của chúng tôi với thế giới thông qua các kênh phi truyền thống. [asymmetrically: một cách bất đối xứng / không theo cung cách của đối phương hay đối tác. DG.]

Nói tóm lại, mặc dù bị cô lập trong nhiều thập kỷ, người dân Đài Loan đã thành công trong việc tạo dựng một vị trí cho mình trong cộng đồng quốc tế – và biến Đài Loan thành một cường quốc kinh tế và một trong những nền dân chủ sinh động nhất trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

THAY ĐỔI CÁC QUY TẮC

Khả năng tồn tại và thậm chí phát triển mạnh mẽ của Đài Loan với tư cách là một nền dân chủ tự do bất chấp những thách thức phi thường đối với sự tồn tại của nó có ý nghĩa quan trọng đối với các quy tắc phổ biến trong quan hệ quốc tế. Nỗ lực của chúng tôi để đóng một vai trò có ý nghĩa hơn trong cộng đồng quốc tế đang phát triển trong bối cảnh chính trị khu vực đang thay đổi, với những thách thức quyết đoán hơn đối với trật tự quốc tế tự do, được hỗ trợ bởi sức mạnh kinh tế và chính trị để biến những tham vọng đó thành hành động. Với nhận thức ngày càng cao về tác động tiềm tàng của những tham vọng độc tài như vậy, ngày càng nhiều quốc gia sẵn sàng xem xét lại các giả định lâu đời của họ và những hạn chế tự đặt ra đối với việc gắn bó với Đài Loan.

Thông qua sự phát triển của mình như một nền kinh tế lớn và một nền dân chủ tôn trọng sự góp ý của người dân [participatory democracy], Đài Loan tìm cách — và trong nhiều cung cách đã tham gia vào việc đưa ra giải pháp cho những thách thức đang xuất hiện với những di lụy trên quy mô hành tinh, từ biến đổi khí hậu và các dịch bệnh mới, đến việc phổ biến vũ khí hạt nhân và khủng bố, đến nạn buôn người và các mối đe dọa đối với chuỗi cung ứng. Đại dịch COVID-19 đã cho thấy rằng thế giới hiện đang kết nối với nhau đến mức độ sự bùng phát dịch bệnh ở một xó xỉnh của hành tinh có thể đạt tầm mức đại dịch trong vòng vài tháng. Trong nhiều trường hợp, tốc độ phát sinh và lây lan các trường hợp khẩn cấp mới vượt quá khả năng ứng phó của các quốc gia và các tổ chức quốc tế hiện hữu. Để chuẩn bị cho các tình huống khẩn cấp trong tương lai, cộng đồng quốc tế phải hướng tới sự bao trùm lên nhiều thành phần [inclusiveness] thay vì tuân thủ một cách cứng nhắc các cấu trúc hiện tại.

Ngay cả khi trải qua một vụ bùng phát trong dịch COVID-19 vào mùa xuân năm ngoái, Đài Loan đã chứng minh cho thế giới thấy rằng các hệ thống dân chủ có thể ứng phó hiệu quả với đại dịch, khai thác sức mạnh của trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và mạng lưới giám sát trong khi đảm bảo rằng thông tin tập hợp được sử dụng một cách có trách nhiệm. Đại dịch cũng đã tạo cơ hội cho Đài Loan chia sẻ kinh nghiệm của mình với thế giới và cung cấp hỗ trợ y tế rất cần thiết cho các quốc gia đang gặp khó khăn. Thực tế đã diễn ra như vậy mặc dù từ lâu Đài Loan đã bị loại khỏi các tổ chức toàn cầu như Tổ chức Y tế Thế giới. Do đó, Đài Loan không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phát triển các phương pháp hợp tác và giao tiếp với các đối tác quốc tế của riêng mình. Việc bị loại khỏi Liên hợp quốc và các định chế đa phương khác đã khuyến khích khả năng phục hồi và thúc đẩy các phương pháp tiếp cận mới để đối phó với các thách thức và khủng hoảng thuộc mọi dạng thức.

Mặc dù bị thế giới ghẻ lạnh, Đài Loan đã nỗ lực tuân thủ các nghị định thư quốc tế, chẳng hạn như Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, sửa đổi luật trong nước và tìm kiếm công thức riêng để đối phó với những thách thức ngày càng phức tạp. Đài Loan cũng đang tích cực làm việc với các đối tác về sự phát triển của khu vực. Năm 2016, chúng tôi đã đưa ra Chính sách Hướng Nam Mới [New Southbound Policy], And tạo điều kiện cho sự thịnh vượng trong khu vực thông qua quan hệ đối tác thương mại và đầu tư, giao lưu giáo dục và giao lưu nhân dân cũng như hợp tác công nghệ và y tế với các quốc gia ở Nam và Đông Nam Á, cũng như Úc và New Zealand. Đài Loan cũng đang đầu tư vào các đối tác này thông qua cộng đồng doanh nghiệp của mình, đồng thời thúc đẩy chuỗi cung ứng an toàn và phát triển khu vực.

Thật vậy, với sự dẫn đầu về công nghệ cao và lực lượng lao động có giáo dục và với tinh thần toàn cầu hóa, Đài Loan có tư thế tốt để giúp tạo ra chuỗi cung ứng toàn cầu an toàn trong các lĩnh vực như chất bán dẫn, công nghệ sinh học và năng lượng tái tạo — tất cả các lĩnh vực cần hợp tác quốc tế hơn bao giờ hết. Ngành công nghiệp bán dẫn của chúng tôi đặc biệt quan trọng: một “lá chắn silicon” cho phép Đài Loan bảo vệ mình và những nước khác khỏi những nỗ lực gây hấn của các chế độ độc tài nhằm phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu. Chúng tôi đang nỗ lực để tăng cường hơn nữa vai trò của mình trong việc đảm bảo chuỗi cung ứng toàn cầu với sáng kiến trung tâm sản xuất cao cấp mới trong khu vực, sẽ củng cố vị trí của chúng tôi trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Bên cạnh việc sản xuất chip máy tính, Đài Loan còn tích cực trong lĩnh vực sản xuất chính xác cao, trí tuệ nhân tạo, ứng dụng 5G, năng lượng tái tạo, công nghệ sinh học, v.v., giúp tạo ra các chuỗi cung ứng toàn cầu và đa dạng hơn có thể chống lại sự gián đoạn, do con người hay các nguyên nhân khác.

Đài Loan có thêm sức mạnh mềm từ chuyên môn và năng lực trong nhiều lĩnh vực khác, bao gồm giáo dục, y tế công cộng, y tế và phòng chống thiên tai. Và đây là những lĩnh vực mà các chuyên gia và tổ chức của chúng tôi đang đảm nhận vai trò ngày càng tăng trong khu vực. Ví dụ, các trường đại học của chúng tôi đã sẵn sàng làm việc với các trường đại học khác trong khu vực để phát triển đào tạo tiếng Trung. Các cơ sở y tế của chúng tôi đang chia sẻ chuyên môn về công nghệ và quản lý y tế với các đối tác trên khắp Châu Á. Và chúng tôi sẵn sàng làm việc với các nước lớn để cung cấp đầu tư cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển, tận dụng hiệu quả đồng thời thúc đẩy quản trị tốt, minh bạch và bảo vệ môi trường. Những nỗ lực tương tự cũng đang được thực hiện thông qua một thỏa thuận với Hoa Kỳ nhằm tăng cường hợp tác về tài trợ cơ sở hạ tầng, đầu tư và phát triển thị trường ở Châu Mỹ Latinh và Đông Nam Á. Nói tóm lại, Đài Loan có thể là một lực lượng quan trọng trong sự phát triển hòa bình và thịnh vượng của khu vực chúng ta và trên thế giới.

CÁC GIÁ TRỊ DÂN CHỦ

Ngồi trên chiến tuyến của cuộc cạnh tranh toàn cầu giữa trật tự dân chủ tự do và phương án thay thế độc tài, Đài Loan cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc củng cố nền dân chủ toàn cầu. Năm 2003, chúng tôi đã thành lập tổ chức phi chính phủ đầu tiên của khu vực nhằm hỗ trợ và vận động dân chủ, Sáng hội Dân chủ Đài Loan [Taiwan Foundation for Democracy hay TFD.] Theo các mô hình do Quỹ Quốc gia về Dân chủ của Hoa Kỳ và Quỹ Westminster của Vương quốc Anh vì Dân chủ, TFD cung cấp tài trợ cho các tổ chức phi chính phủ khác, quốc tế và trong nước, ủng hộ sự phát triển dân chủ và nhân quyền. TFD cũng hoạt động để thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng vào quản trị thông qua các định chế như lập ngân sách có sự tham gia và khuyến khích sự tham gia của thanh niên thông qua các sáng kiến như chương trình Lãnh đạo trẻ Châu Á vì Dân chủ hàng năm. Vào năm 2019, TFD đã tổ chức diễn đàn khu vực đầu tiên về tự do tôn giáo và chính phủ của tôi đã bổ nhiệm đại sứ đầu tiên về tự do tôn giáo.

Thành tích mạnh mẽ của Đài Loan về dân chủ, bình đẳng giới, báo chí và tự do tôn giáo cũng đã khiến nơi đây trở thành ngôi nhà chung của một số lượng ngày càng lớn các tổ chức phi chính phủ toàn cầu, vốn đang phải đối mặt với một môi trường ngày càng khó khăn ở châu Á. Các tổ chức bao gồm Tổ chức Phóng viên Không Biên giới, Viện Dân chủ Quốc gia, Viện Cộng hòa Quốc tế, Trung tâm Các Giá trị Châu Âu về Chính sách An ninh và Tổ chức Tự do Friedrich Naumann đã thành lập các văn phòng khu vực tại Đài Loan. Từ Đài Loan, họ có thể tiếp tục công việc quan trọng của mình trong khu vực mà không bị các nhà cầm quyền địa phương thường xuyên đe dọa theo dõi, quấy rối và làm gián đoạn. Chúng tôi cũng tỏ ra hiếu khách với các tổ chức quốc tế quan tâm đến việc thiết lập sự hiện diện ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, giúp biến Đài Loan thành một trung tâm thúc đẩy lợi ích của cộng đồng dân chủ.

Trong khi đó, Khuôn khổ Hợp tác và Đào tạo Toàn cầu (GCFT) — một nền tảng do Đài Loan, Hoa Kỳ và các đối tác khác cùng quản lý cho phép chúng tôi chia sẻ kiến thức chuyên môn của mình với các quốc gia trên thế giới — đã thúc đẩy sự hợp tác sáng tạo về các vấn đề như thực thi pháp luật, y tế cộng đồng, và quản trị tốt. Ví dụ, một vòng hoạt động gần đây của GCTF tập trung vào hiểu biết trên phương tiện truyền thông và cách các nền dân chủ có thể chống lại thông tin sai lệch — một lĩnh vực mà Đài Loan có rất nhiều kinh nghiệm.

Trong 5 năm qua, hơn 2.300 chuyên gia và quan chức từ hơn 87 quốc gia đã tham dự các hội thảo của GCTF tại Đài Loan, và diễn đàn sẽ tiếp tục được mở rộng — mang đến một con đường hợp tác tốt hơn giữa Đài Loan và các quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Hoa Kỳ. Trên thực tế, Đài Loan hợp tác chặt chẽ với Hoa Kỳ trong nhiều vấn đề, nhằm phục vụ hòa bình và ổn định khu vực. Hy vọng của chúng tôi là gánh vác nhiều trách nhiệm hơn nữa bằng cách trở thành đối tác kinh tế và chính trị thân thiết của Hoa Kỳ và các quốc gia cùng chí hướng khác.

MỘT LỰC LƯỢNG VÌ LỢI ÍCH CHUNG

Mối đe dọa do các chế độ độc tài gây ra đã đóng vai trò như một lời cảnh tỉnh quan trọng đối với các nền dân chủ, thúc đẩy họ thoát khỏi sự tự mãn của mình. Mặc dù vẫn còn những thách thức phi thường, nhưng các nền dân chủ trên thế giới hiện đang nỗ lực để bảo vệ các giá trị của họ và đổi mới các định chế đã trở nên cứng ngắc của họ. Các liên minh đang được nhen nhóm lại để phục vụ lợi ích của cộng đồng quốc tế.

Đài Loan có thể nhỏ về mặt lãnh thổ, nhưng nó đã chứng minh rằng nó có thể có một sự hiện diện lớn trên toàn cầu — và sự hiện diện này có ý nghĩa quan trọng đối với thế giới. Đài Loan đã kiên trì đối mặt với các mối đe dọa sống còn và biến mình thành một tác nhân không thể thiếu ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Và thông qua tất cả, sự cam kết của người Đài Loan đối với nền dân chủ trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết: người dân Đài Loan biết rằng dân chủ là con đường lâu dài và là trò chơi duy nhất trong địa phương [the only game in town].

Trong hai năm qua, việc chúng tôi xử lý đại dịch COVID-19 cũng như sự hỗ trợ và hợp tác của chúng tôi với các quốc gia trên thế giới, đã cung cấp thêm một ví dụ về vai trò thiết yếu mà Đài Loan có thể gánh vác và lý do tại sao Đài Loan lại quan trọng như thế. Trong tương lai, các ngành công nghệ cao của chúng tôi, và đặc biệt là sản xuất chất bán dẫn tiên tiến của chúng tôi, sẽ tiếp tục thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu. Và khả năng của Đài Loan trong việc cân bằng mối quan hệ với các quốc gia khác nhau trong khi bảo vệ lối sống dân chủ của mình sẽ tiếp tục truyền cảm hứng cho những nước khác trong khu vực.

Chúng tôi chưa bao giờ trốn tránh những thử thách. Mặc dù thế giới phải đối mặt với một hành trình gian nan phía trước, nhưng điều này mang lại cho Đài Loan những cơ hội chưa từng thấy trước đây. Đài Loan ngày càng nên được coi là một thành viên đóng góp cho việc tìm ra giải pháp, đặc biệt là khi các nước dân chủ ra sức tìm kiếm một sự quân bình thích hợp giữa nhu cầu giao thương và buôn bán với các nước độc tài và nhu cầu bảo vệ các giá trị và lý tưởng dân chủ vốn xác định xã hội của họ. Bị bỏ rơi trong giá lạnh từ lâu, Đài Loan đã sẵn sàng trở thành một thế lực toàn cầu vì lợi ích chung [a global force for good], với vai trò trên trường quốc tế tương xứng với khả năng của mình.

Thái Anh Văn

Bình Luận từ Facebook

4 BÌNH LUẬN

  1. RADIO PRAGUE INTERNATIONAL
    CZECH RADIO
    Infos : Mercredi 27 octobre 2021
    Magdalena Hrozínková
    Le chef de la diplomatie taïwanaise en visite à Prague ce mercredi
    Le ministre taïwanais des Affaires étrangères Joseph Wu effectue ce mercredi une visite à Prague. Avec le président du Sénat tchèque Miloš Vystrčil du Parti civique démocrate (ODS), qui s’était rendu à Taïwan il y a un an, Joseph Wu a discuté de la coopération économique entre les deux pays et de la cyber-sécurité, avant de rencontrer le maire de Prague Zdeněk Hřib du Parti pirate. Le président du Sénat a également remis au ministre une médaille pour sa contribution au développement des relations tchéco-taïwanaises.
    Cette visite du chef de la diplomatie taïwanaise est très critiquée par Pékin qui « prendra des mesures légitimes et nécessaires », a déclaré l’ambassade de Chine à Prague dans un communiqué.
    La Chine, qui considère Taïwan comme une de ses provinces, a également exprimé sa colère par rapport à la récente visite d’une cinquantaine d’entrepreneurs et de deux ministres taiwanais en République tchèque.

  2. RADIO PRAGUE INTERNATIONAL
    CZECH RADIO
    Infos : Mardi 26 octobre 2021
    Anaïs Raimbault
    Cinq nouveaux mémorandums de coopération économique entre la République tchèque et Taïwan
    Cinq nouveaux mémorandums économiques ont été signés par la République tchèque et Taïwan. Ils visent à élargir la coopération entre les deux pays en matière de sécurité d’Internet, d’industrie spatiale, de développement des technologies de catalyseurs et d’ingénierie de précision. De plus, d’après l’agence CzechTrade, quelque onze entreprises tchèques spécialisées en informatique et technologies intelligentes ont exprimé leur intérêt pour exporter à Taïwan.
    Ces accords viennent conclure la cinquième consultation économique bilatérale entre les deux pays, consistant en une visite de quatre jours d’une délégation d’une cinquantaine d’entrepreneurs taiwanais à Prague. Environ 90 entreprises, universités et centres de recherche tchèques ont participé à cette consultation économique, qui sera suivie demain de la visite du ministre taiwanais des Affaires étrangères Joseph Wua.
    La Chine, qui considère Taïwan comme une de ses provinces, a exprimé de façon répétée sa colère par rapport à cette visite. Le pays avait par ailleurs annoncé être prêt à prendre des mesures pour défendre sa souveraineté nationale et son unité territoriale, une réaction que le ministre tchèque des Affaires étrangères Jakub Kulhánek avait qualifiée de déclaration exagérée.

  3. Hổng khác gì tụi Ngụy ngày xưa . Cái trò này Võ Văn Quản đã chứng minh 1 cách thuyết phục rằng lịch sử nước ta đã đào thải rùi . Học làm gì cái thứ đa số -nói cho rõ- dân tộc đã đứng lên đạp chúng xuống tận bùn nhơ .

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây